Monday, January 9, 2012

Cường hào, ác bá “đỏ”

Blog Cánh Cò


 
Sau khi ba từ “chỉnh đốn Đảng” nóng lên trên báo lề trái thì vài ngày qua cả nước lại sục sôi lần nữa qua hai vụ có liên quan đến súng ống và chất nổ. Một tại Tiên Lãng, Hải Phòng, một tại trung tâm thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.


Hai vụ bạo động xảy ra chỉ cách nhau hai ngày đã được loan tải từ báo chí lề phải. Chi tiết của vụ thứ nhất được công khai trên truyền thông đại chúng cho biết lúc 7 giờ 30 phút ngày 5-1, hơn 100 cán bộ công an, quân đội và đại diện các ban ngành chức năng tiến hành cưỡng chế hơn 50 ha đầm nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả tại vùng bãi bồi của Đoàn Văn Vươn tại khu cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng. Khi các cơ quan tiến hành cưỡng chế đã bị gia đình ông này quyết liệt chống trả lại bằng vũ khí trong đó có chất nổ và súng hoa cải gây thương tích nặng cho một số công an trong đó có một thượng tá chỉ huy vụ cưỡng chế này.

Báo chí đã rất dè dặt đưa các cáo buộc như lệ thường vì tính chất nghiêm trọng của sự việc. Trong nhiều chục năm qua, tranh chấp đất đai giữa nhà nước và người dân thường diễn ra với số đông và luôn luôn người dân vẫn là phía chịu thiệt. Vụ án Tiên Lãng có lẽ là lần đầu tiên một gia đình chấp nhận cái chết để chống lại sự dã man của guồng máy cầm quyền.

Sau khi vụ việc xảy ra mạng lề trái post lại một bài báo trên tờ Đời Sống Pháp Luật đăng vào ngày 22 tháng 7 năm 2010 bài phóng sự của Quang Trung với tựa “Kỳ tài đất Tiên Lãng và cuộc chinh phục lời nguyền của biển”.

Câu chuyện nói trực tiếp đến kỹ sư Đoàn Văn Vươn, nhân vật bắn lại những người tới cưỡng chế đất. Nếu không đọc bài báo này thì người ta dễ ngã theo những thông tin mà báo chí đưa ra đầy những chi tiết chống đối chính quyền không thể tha thứ. Cả gia đình người bị cưỡng chế cố thủ trong một căn nhà tuềnh toàng đã được gài chất nổ chung quanh, bắn lại người thi hành công vụ và cuối cùng thì tất cả bỏ trốn để lại nhiều người bị thương nặng nhẹ.

Bài phóng sự “Kỳ tài đất Tiên Lãng và cuộc chinh phục lời nguyền của biển” cho biết Đoàn Văn Vươn, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Sau khi phục viên từ môi trường bộ đội trở về, Vươn phấn đấu để tốt nghiệp kỹ sư Nông Lâm nhưng lại không làm việc cho cơ quan nhà nước mà đã quyết tâm cùng với gia đình lấp đất, lấn biển để tạo một hành lang an toàn cho việc nuôi trồng thủy sản.

Như một nhà khai phá vùng đất mới, Đoàn Văn Vươn đã kiên trì bỏ ra hàng chục năm để chống lại cái dữ dằn của biển bằng cách cùng với gia tộc ngày ngày chở đất lấp đầy một khoảng đất tương đương 70 héc ta để trồng rừng vẹt chống lại sự xâm thực của biển nhằm bảo vệ cho hàng chục héc ta đầm nuôi thủy sản do nhà nước cho thuê. Hàng chục ngàn mét khối đất đá và xi măng đã được đổ xuống và công trình của kỹ sư Vươn trở thành nơi để các nhà nghiên cứu khoa học của Nhật tới tham quan và chia sẻ.

Chưa kịp lấy lại vốn thì chuyện thu hồi giải tỏa đất xảy ra. Kỹ sư Vươn được UBND Xã thông báo là 38 héc ta của ông đang nuôi thủy sản do thuê từ khu đất của Huyện sẽ phải giao lại cho nhà nước, ông Vươn không đồng ý ký biên bản và bỏ về sau đó vụ tấn công xảy ra.

Theo ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng cho biết khu đầm này nằm trong vùng quy hoạch sân bay quốc tế Tiên Lãng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, tạm thời huyện cho thuê để “phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”. Trả lời câu hỏi của các phóng viên việc thu hồi đất đầm để giao cho những ai, ông Hiền nói: Việc này không thể công khai.

Sự giả trá của một chủ tịch Huyện làm cho người nghe chối tai. Đất do người dân nai lưng ra cải tạo lại bị đám cường hào mới dùng mọi cách để trấn lột thì bảo sao người dân không nổ súng chống lại? Đây là biểu hiện của bước đường cùng khi công sức của họ bị nhà nước địa phương xem thường muốn lấy khi nào thì lấy. Tay chủ tịch Huyện lấy lại khu đất cho kỹ sư Vươn thuê nhưng bỏ qua 70 héc ta mà gia đình ông Vươn bỏ công ra tạo dựng nhằm bảo vệ cho khu đầm nuôi thủy sản như là một việc làm không dính gì tới khu đất này. Tay chủ tịch Huyện đã dựa vào lỗ hổng của các chính sách đất đai không rõ ràng để tạo ra nguồn lợi cho bản thân y và nhóm lợi ích của y. Trong quyết định thu hồi đất do y ký không thể không có sự giật giây của những tay tư sản đỏ núp phía sau cái vỏ doanh nghiệp nhà nước để cướp đất người dân qua chiêu bài quy hoạch.

Kỹ sư Vươn chỉ là nạn nhân của một guồng máy tàn nhẫn và dối trá. Guồng máy này được mỹ từ hóa thành “hệ thống” để có vẻ văn hóa hơn và che bớt ý nghĩa tự thân của hai từ “guồng máy”. Bởi khi nói đến “guồng máy” người ta dễ dàng liên tưởng đến tính chất bất nhân do sắt thép tạo thành. Máy móc cần sự bôi trơn, cán bộ trong guồng máy ấy dĩ nhiên càng cần sự bôi trơn hơn cả máy.

Kỹ sư Vươn và cả gia tộc của ông phạm một sai lầm lớn, không phải là bạo động, vì tự thân câu chuyện nói lên “nơi nào có bất công, nơi ấy có tranh đấu”. Sai lầm ở chỗ ông quá tin vào sự công chính của guồng máy, với bản chất sắt thép, nơi ông đang sống.

Người cộng sản thành công nhờ vào các vụ cướp đất đai từ Nam chí Bắc của các cường hào thời Pháp thuộc mà nổi tiếng nhất là vụ án Nọc Nạn, một vụ án lớn do tranh chấp đất đai xảy ra năm 1928 tại quận Giá Rai, Bạc Liêu; giữa một bên là gia đình ông Biện Toại, cả gia tộc ông này bỏ công ra khai hoang hơn 70 héc ta đất nhưng sau đó bị một gã hoa kiều tên Mã Ngân cấu kết với các quan chức chính quyền thực dân Pháp cướp một phần trong khu đất này khiến xảy ra vụ bạo động chết người vào ngày 16 tháng 2 năm 1928.

Trong buổi sáng hôm đó có bốn người trong gia đình Biện Toại bị giết, ba người bị thương nặng. Phía nhà cầm quyền có viên cò Pháp tên Tournier thiệt mạng.

Vụ án đã được xét xử công khai tại Tòa Đại hình Cần Thơ với mức án: Biện Toại, Nguyễn Thị Liễu là em út của Toại và Tia, con trai của Toại được tha bổng. Nguyễn Thị Trọng, người dám rút dao đâm Tournier bị sáu tháng tù.

Vụ án Nọc Nạn trở thành sách gối đầu giường cho người cán bộ cộng sản lấy đó để làm cơ sở tuyên truyền cho sự tha hóa, ác ôn của cường hào địa phương đã cấu kết với nhau để cướp đất của người nông dân nghèo khó. Không ít người dân trong vùng nông thôn đã tựa vào cái chân lý ấy để nuôi dưỡng cách mạng rồi cuối cùng nhận thấy mình lầm như kỹ sư Vươn.

Nếu vụ thứ nhất được xem là hiện thân cho loại “cường hào đỏ” thì vụ nổ thứ hai có thể ví với sự trả thù đối “ác bá thời nay”. Vụ đặt chất nổ rõ ràng là một cuộc khủng bố bởi xảy ra tại nhà một viên đại tá giám đốc công an tỉnh Thái Nguyên. Theo báo chí tiếng nổ mạnh đến nỗi toàn bộ khu vực tầng một của ngôi nhà bị phá tan, hệ thống cửa sắt bên ngoài cũng bị thổi bay. Các nhà hàng xóm của viên đại tá công an này cũng bị sức ép của vụ nổ làm cửa kính vỡ vụn. Sức tàn phá của tiếng nổ làm thiệt hại lớn cho các gia đình chung quanh.

Người dân khi nghe tin hay đọc báo đã có hai thái độ: thứ nhất là lo âu cho sự an toàn của chính gia đình họ trước vụ tấn công táo tợn này, bất kể từ đâu tới. Thái độ thứ hai là hể hả, xem như kết quả phải có cho cái ngành đáng ra được thành lập là để bảo vệ an toàn cho họ.

Không khó để giải thích hiện tượng này khi một số không nhỏ công an từ lâu đã dần dà biến tướng thành những ác bá đời nay. Họ sẵn sàng tiếp tay trong các vụ cưỡng bức người dân, kể cả những vụ tự thân giết dân như giết ngóe mà không bao giờ phải chịu trừng phạt bởi pháp luật.

Những tưởng khi xã hội xuất hiện những vụ chống chính quyền công khai và liều chết như vậy thì đó là lúc Đảng không nên tự kê toa thuốc an thần cho mình nữa. Việc còn lại phải làm gì thì Đảng đã tự biết.