Wednesday, January 11, 2012

‘Việt Nam cần có trách nhiệm với Bắc Hàn’


Thời kỳ bị cấm vận, Việt Nam vẫn được nhiều nước tư bản trợ giúp



Ba Rùa

Gửi bài tham gia Diễn đàn BBC

-

Bắc Triều Tiên là một quốc gia nhỏ và có rất ít ảnh hưởng về kinh tế, chính trị và an ninh trên trên bình diện thế giới nhưng lại đóng vai trò là tiền đồn duy nhất của phe xã hội chủ nghĩa cũ còn sót lại còn đang ở tư thế đối đầu với phe tử bản.

Thêm vào đó, Bắc Triều Tiên còn sở hữu tên lửa mang đầu đạn hạt nhân không chỉ bao phủ toàn bộ Hàn Quốc, Nhật Bản, các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hoàng Hải, Hawaii trong tầm ngắm mà còn có thể vươn tới miền duyên hải phía đông nước Mỹ.

Giả sử nếu chiến tranh giữa Bắc Triều Tiên với phe Hàn Quốc và Mỹ xảy ra thì tương lai sẽ thật u ám không chỉ ảnh hưởng mạnh mẽ một cách tiêu cực tới nền kinh tế và an ninh ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương mà còn tác động sâu sắc tới nền kinh tế toàn cầu vốn vừa trải qua cơn suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại và cục diện phân chia quyền lực trên thế giới.

Bởi vậy, cái chết của Chủ tịch Kim-Jong ill và cuộc thay đổi quyền lực đang dấy lên một câu hỏi cho thế giới mà không có lời giải rõ ràng về tương lai an ninh trên bán đảo Triều tiên nói riêng và trong khu vực Đông Bắc Á nói chung…

.




Cái chết của ông Kim Jong-il dù sao cũng đóng lại một thời đại

Tác động văn hóa – nhân đạo

Trong mối quan hệ với Bắc Triều Tiên, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia có cùng ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa. Tuy nhiên, trước kia và hiện nay thì mối quan hệ giữa hai quốc gia cộng sản này chưa bao giờ có sự gắn kết chặt chẽ như với Liên Xô, Trung Quốc và Cu Ba hay thậm chí như với các nước Đông Âu cũ.

Bởi thế ảnh hưởng lẫn nhau về kinh tế, chính trị và văn hóa của Triều Tiên và Việt Nam là không đáng kể. Tuy nhiên, do cục diện thế giới đã thay đổi, nên Việt Nam phải có chính sách quan hệ với từng nước một cách rõ ràng.

Giờ đây người ta nhìn nhận chính sách ngoại giao của một nước không chỉ về mặt lợi ích kinh tế và chính trị đơn thuần mà còn ảnh hưởng và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.






“Một quốc gia không thể có tiếng nói nếu không có đóng góp vào trách nhiệm chung toàn cầu”

Một quốc gia không thể tăng cường ảnh hưởng và xây dựng hình ảnh của mình bằng một thái độ thờ ơ thiếu trách nhiệm hay quá hăm hở cho những lợi ích cục bộ.

Những bài học về các sắc thái tạo dựng hình ảnh đã được thể hiện rõ nét như đối với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…và sẽ được bàn ở một dịp khác.

Một chính sách ngoại giao mềm với chiến lược quảng bá hình ảnh nhân văn và dân chủ đã được Mỹ thực hiện trong suốt các năm vừa qua.

Gần đây, Trung quốc cũng đã theo chân Mỹ để đem đến cho thế giới về một Trung Quốc hài hòa và có trách nhiệm thông qua một loạt các hoạt động phổ biến giá trị Trung Hoa cho toàn thế giới như thành lập Viện nghiên cứu Khổng Tử, mở các trường dạy tiếng Hoa ở nhiều quốc gia, tăng ODA hỗ trợ cho các quốc gia kém phát triển, thực hiện trách nhiệm với thế giới trong các chương trình chống khủng bố, cướp biển, viện trợ nhân đạo…

Đó là con đường vươn lên những vị trí lãnh đạo thế giới hay ít ra tạo ảnh hưởng nhất định trong cục diện thế giới đầy tiềm ẩn về một tương lai bất định.

Việt Nam là một quốc gia nhỏ với tiềm lực kinh tế eo hẹp, sức ảnh hưởng chính trị đối với khu vực cũng vẫn còn hạn chế chứ chưa bàn đến ở tầm châu lục hay lớn hơn nữa là cấp độ toàn cầu.

Tuy nhiên, bất kỳ một quốc gia nào muốn tự chủ được về mặt an ninh trong tương lai thì ngoài việc phát triển kinh tế còn phải đem giá trị nội tại của mình đóng góp vào sự phát triển chung của nhân loại và đây là lựa chọn tất yếu trong quá trình sinh tồn và phát triển.

Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ bằng chứng là trong suốt các năm qua Việt Nam đã dần tạo được những ảnh hưởng nhất định trên vũ đài chính trị của thế giới mà cụ thể là ở trong khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh hiện nay, tính cấp thiết về việc tăng cường ảnh hưởng thông qua các trách nhiệm quốc tế càng cần hơn bao giờ hết.





Dù bất ổn hay không, Bắc Triều Tiên cần được giúp đỡ

Tất nhiên, trong tiềm lực của mình, Việt Nam sẽ phải lựa chọn những giải pháp thiết thực tương ứng với từng thời điểm phù hợp trong mối tổng hòa các quan hệ song phương và đa phương. Đây là một bài toán không hề đơn giản bởi phụ thuộc vào ý chí lãnh đạo của hệ thống chính trị nội tại và các mối ảnh hưởng của các cường quốc.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải làm để củng cố dần hình ảnh và vị thế của mình trong khu vực và trên thế giới nếu muốn trở thành một cường quốc trong tương lai.

Quay trở lại vấn đề, đối với những biến động có thể xảy ra ở bán đảo Triều Tiên, Việt Nam nên làm gì và làm như thế nào.

Thứ nhất, Việt nam hoàn toàn có thể áp dụng chính sách ngoại giao với Bắc Triều Tiên như đã và đang làm đối một số các nước từng bị phương Tây cấm vận mà cụ thể là với Miến Điện trong thời gian gần đây. Đó là, nhanh chóng mở rộng quan hệ, triển khai những dự án đầu tư dân sự khi có tín hiệu nới lỏng cấm vận của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên.

Tất nhiên, trong tương lai gần thì điều này khó có thể xảy ra nếu không có biến động chính trị lớn từ phía Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng và củng cố mối quan hệ thông qua các chương trình dân túy đơn thuần như viện trợ nhân đạo, giao lưu văn hóa, thể thao.

Chính những hoạt động phi quân sự như vậy sẽ dần tạo lên một vị thế của một nước Việt Nam có trách nhiệm với cộng đồng thế giới hơn. Nhiều khi những hoạt động “mềm” này còn có hiệu quả hơn rất nhiều so với các hoạt động “cứng” thông qua vũ lực.

Trả ơn thế giới

Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra một điều là dù trong thời gian chiến tranh Việt Nam hay trong thời kỳ Việt Nam bị cấm vận sau này vẫn có rất nhiều quốc gia tư bản chủ nghĩa lập mối quan hệ và viện trợ cho Việt Nam.

Ngay cả Úc, một đồng minh thân cận của Mỹ, quốc gia đã từng gửi quân đội sang tham chiến ở chiến trường nam Việt Nam cũng nhanh chóng lập mối quan hệ với Việt Nam và tài trợ giáo dục khi cuộc chiến chưa đến hồi kết vào những năm 1973.

Tất nhiên, chính phủ Úc lúc đó cũng gặp phải rất nhiều áp lực trong khi lập quan hệ ngoại giao với miền Bắc Việt Nam.

Áp lực phe phái và nhất là từ người dân trong nước không phải là nhỏ khi có hàng nghìn binh lính Úc tử trận và bị thương ở Việt Nam.

Vết thương vẫn còn đang rỉ máu, nhưng chính phủ Úc đã có những hành động dũng cảm và thực tế chứng minh là họ đã đúng. Điều đó để thấy rằng, chính sách mềm có lợi như thế nào và có thể áp dụng ngay cả đối với những kẻ từng là kẻ thù một thời không đội trời chung đứng ở hai bên chiến tuyến.

Thứ hai, nếu Bắc Triều Tiên có biến trong nội bộ như nội chiến, đảo chính…Lúc đó rất có thể Mỹ sẽ huy động Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa lính giữ gìn hòa bình vào Bắc Triều Tiên.

Trong điều kiện đó, Việt Nam hoàn toàn có thể cử các đơn vị dân sự mang tính chất hỗ trợ như y tế, cứu nạn…để tham gia cùng với lính của Liên hợp quốc.

Đây là một cơ hội lớn để Việt Nam đóng góp vào trách nhiệm chung với thế giới để tạo một chỗ đứng trong vũ đài chính trị thế giới cho những bước xây dựng một vị thế chắc chắn trong tương lai.

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi Việt Nam đạt tới một tầm phát triển nhất định.

Ngay như Nhật Bản, một quốc gia đã phải sửa hiến pháp sau thất trận năm 1945 với quy định không triển khai quân đội ra khỏi biên giới, gần đây đã có những bước chuyển biến nhằm tăng cường tránh nhiệm thế giới thông qua việc gửi đội ngũ phi quân sự tới chiến trường Afghanistan và nhiều nơi khác trên thế giới.

Đây là một bước đệm để tăng cường tránh nhiệm của Nhật Bản trong tương lai không xa. Một ví dụ nữa cũng từ Nhật Bản, khi cách đây vài hôm Nhật Bản đã thông qua quy định cho phép xuất khẩu và hợp tác vũ khí với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Điều đó để minh chứng cho một điều rằng Nhật Bản sẽ tăng cường vai trò quân sự của mình hơn nữa trong một tương lai không xa.

Một quốc gia không thể có tiếng nói nếu không có đóng góp vào trách nhiệm chung toàn cầu.

Và trách nhiệm chung không phải là những thứ phát ngôn ngoại giao sáo rỗng mà phải bằng những hành động cụ thể.

Việt Nam có sánh được với các cường quốc năm châu hay không thì phải tùy thuộc vào phần trăm đóng góp của mình vào miếng bánh trách nhiệm chung với thế giới.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của một bạn đọc BBC ký tên là Ba Rùa.