Thursday, January 12, 2012

Nước Nga sau 2 cuộc biểu tình lớn


Tác giả: Nguyễn Minh Cần


Phong trào xuống đường mãnh liệt tại hai thủ đô nước Nga Moskva và Seint Petersburg trong những ngày đông giá rét cuối năm 2011 làm nhiều người Nga đứng tuổi nhớ lại thời kỳ sôi sục đấu tranh chống chế độ toàn trị Xô-viết hồi cuối những năm 80 đầu những năm 90 thế kỷ trước dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô.

Mặc dù chính quyền tìm hết cách ngăn cản, thậm chí đàn áp không nương tay, nhưng họ không thể đè bẹp được lương tâm của nước Nga đang bị xúc phạm mạnh bởi những những trò gian lận trắng trợn của đảng “Nước Nga Thống nhất” do ông Putin làm lãnh tụ trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 04.12.2012.

Hai cuộc mít tinh-biểu tình rất lớn ở Moskva đã tập hợp được 80 nghìn người (cuộc đầu tiên ngày 07.12.2011 trên quảng trường Bolotnaya) và 104 nghìn người (cuộc thứ hai ngày 24.12.2011 trên đại lộ Sakharov). Nếu tính chung tất cả những cuộc biểu tình ở Sankt Petersburg và các thành phố khác khắp nước Nga, như Novosibirsk, Barnaul, Chita, Khabarovsk, v.v…. thì số người tham gia cũng lên đến vài trăm nghìn người.



Putin đã qua 2 nhiệm kỳ Tổng thống và 1 nhiệm kỳ thủ tướng

Đây là một hiện tượng chưa từng thấy dưới thời ông Putin kể từ năm 1999! Thành phần những người biểu tình rất đa dạng, cả về tuổi tác, chính kiến, cũng như địa vị xã hội. Trong cả hai cuộc biểu tình lớn ở Moskva nổi bật là giới trẻ có học thức, sinh viên, học sinh và rất nhiều người có địa vị xã hội vững vàng, như các những nhà kinh doanh, nhà văn, nhà báo, bác sĩ, kỹ sư, ca sĩ, kịch sĩ, nhà điện ảnh… nói chung là giới trung lưu của xã hội Nga ngày nay. Đáng ghi nhận là giới trẻ từ 18-24 tuổi rất đông: đây là thế hệ sinh ra và lớn lên sau khi Liên Xô sụp đổ.

Những cuộc biểu tình đã diễn ra rất ôn hòa, văn minh, không hề xảy ra chuyện lộn xộn đập phá. Vì mục đích của cuộc biểu tình chỉ là phản đối cuộc bầu cử gian lận và đòi phải có những cuộc bầu cử trung thực, chứ không phải là để đập phá cho hả giận. Đáng chú ý là các cuộc biểu tình này đều hoàn toàn vắng bóng các yêu sách về kinh tế và xã hội, mặc dù tình hình kinh tế và đời sống hiện nay của dân Nga không phải là tốt đẹp lắm, nạn tham nhũng trầm trọng và trong nhân dân không phải là ít tiếng kêu ca, ít điều bất mãn. Dù đây chỉ là một cuộc mít tinh-biểu tình ôn hòa, nhưng chính quyền đã tập trung tới 300 nghìn cảnh sát đến Moskva với đầy đủ phương tiện đàn áp và đủ loại xe cộ bắt người của các lực lượng chống nổi dậy! Có chừng 500 người đã bị bắt, hàng chục người bị câu lưu từ 15 đến 25 ngày.

Để biểu lộ tinh thần ôn hòa, trong sáng của mình, những người biểu tình đeo dải băng vải trắng ở ngực. Họ mang theo nhiều biểu ngữ, vạch trần sự gian dối của kẻ cầm quyền và tình trạng mất dân chủ của chế độ. Cũng có không ít biểu ngữ trực tiếp đả kích ông Putin.



Biểu tình ở Moscow. Ảnh AFP

Năm yêu sách chính của dân chúng được ghi rõ trong quyết nghị thông qua vào cuối cuộc biểu tình thứ nhất:

1/ hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử ngày 4/12;
2/ tổ chức cuộc bầu cử lại;
3/ cho đăng ký các đảng đối lập;
4/ cách chức chủ tịch ủy ban bầu cử Nga;
5/ thả ngay những người biểu tình đã bị bắt.

Đối lập dân chủ cũng đã dưa ra đề nghị đối thoại với chính quyền.

Sau cuộc biểu tình thứ hai, cựu Tổng thống Liên Xô Gorbachev đã phát biểu trên đài phát thanh “Echo Moskva” (Tiếng vang Moskva): “Tôi khuyên Vladimir Vladimirovich (tức là Putin) nên rút lui đi! Hai nhiệm kỳ tổng thống, một nhiệm kỳ thủ tướng là đủ quá rồi. Ở lâu hơn nữa chỉ gây thêm nhiều clan (bè phái thân thuộc) chẳng có lợi gì cho đất nước”.

Những dòng chữ: “Trong cuộc bầu cử người ta đã ăn cắp lá phiếu của tôi”.

Hai ông Putin và Medvedev đã phản ứng như thế nào trước đòi hỏi của quần chúng đã nêu rõ trong các cuộc biểu tình?

Khi đọc thông điệp cuối năm, Tổng thống Medvedev tuyên bố: quyền bày tỏ ý kiến và nguyện vọng của dân chúng thì được tôn trọng, nhưng chính quyền sẽ không dung thứ những kẻ khiêu khích và quá khích, cũng không cho phép nước ngoài can thiệp vào việc nội bộ của nước Nga. Để xoa dịu lòng bất bình của quần chúng, ông tuyên bố sẽ mở rộng dân chủ, sẽ cho nhiều đảng tham gia cuộc bầu cử hơn, và sẽ để cho nhân dân trực tiếp bầu cử các tỉnh trưởng.

Còn Thủ tướng Putin đã phản ứng khá thô kệch: sau cuộc biểu tình lớn thứ nhất, ông nói một cách khinh bỉ rằng những người biểu tình đeo những dải băng vải trắng giống như những bao cao su (preservatives), ông gièm pha những người biểu tình đã nhận tiền của nước ngoài, tố cáo họ là tay sai của phương Tây. Điều đó càng gây nên sự bất bình trong dân chúng. Mấy ngày trước cuộc biểu tình thứ hai, ông Putin gọi đích danh bà ngoại trưởng Hoa Kỳ và nói: “…những gì bà ngoại trưởng Hoa Kỳ đã làm, bà đã nói bầu cử là không công bằng, gian dối… Đó là tín hiệu cho những người phản đối”. Ông Putin buộc tội phương Tây đã cung cấp tài chính và kích động người biểu tình. Thâm ý của ông là kích thích đầu óc dân tộc chủ nghĩa, tinh thần chống Mỹ và phương Tây của người Nga và đánh lạc hướng dư luận xã hội Nga.

Sau cuộc biểu tình thứ hai ông Putin còn lên giọng chê bai phe đối lập là một đám đông không có tổ chức, không có cương lĩnh, không có người đứng đầu, thậm chí ông còn hạ nhục họ bằng cách gọi những người biểu tình là bọn “banderlog” (tiếng Anh – Bandar-log, nhân vật tưởng tượng trong truyện của nhà văn Anh R.Kipling, tiếng Nga từ này số nhiều có nghĩa là “bầy khỉ”, “đám đông hạ cấp”). Cái lối ăn nói thô lỗ của ông chỉ gây thêm sự tức giận của quần chúng. Tuy vậy, ông không phủ nhận cần phải đối thoại, và nói thêm “nhưng hình thức đối thoại như thế nào thì tôi sẽ suy nghĩ”.

Những phản ứng vừa qua của nhà cầm quyền cho thấy họ đã bắt đầu sợ – sợ dân chúng Nga và sợ dư luận thế giới. Nhưng thói thường của những kẻ độc đoán, độc tài trước áp lực mạnh của quần chúng thì họ dùng thủ đoạn lừa bịp, giả dối và dọa dẫm. Nhiều người đã vạch trần sự giả dối xảo quyệt của họ: Tổng thống Medvedev bảo rằng sẽ mở rộng dân chủ, nhưng kỳ thực dưới thời Tổng thống Liên Xô Gorbachev hồi perestroika cũng như dưới thời Tổng thống Liên bang Nga Yeltsin, dân Nga thật sự đã có quyền tự do bầu cử và ứng cử, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do lập hội, lập đảng, còn các tỉnh trưởng đều do nhân dân trực tiếp bầu cử. Chỉ có dưới thời hai Tổng thống Putin và Medvedev, các ông ấy mới sửa đổi luật để bóp nghẹt và tước bỏ các quyền đó của người dân nhằm xóa bỏ cấu trúc dân chủ đã có để từng bước xây dựng cấu trúc quyền lực độc đoán do đảng của Tổng thống hoàn toàn nắm giữ thế thượng phong trong xã hội. Bây giờ cặp bài trùng này lại làm ra vẻ muốn “dân chủ hóa” chế độ chính trị, nhưng có điều chắc chắn là trong cuộc bầu tổng thống Nga sắp tới, nhân dân sẽ không được hưởng một tý nào những điều hứa hẹn “tốt đẹp” của họ! Trong lúc đó, họ bác bỏ những yêu sách chính đáng của quần chúng biểu tình, bằng cách tuyên bố là nếu có những tố cáo gian lận trong bầu cử thì cứ đưa ra tòa án xét xử, mà thật ra đã từ lâu rồi tòa án nằm trong tay họ! Và làm ngơ trước những yêu sách của quần chúng, Tổng thống Medvedev vẫn cứ triệu tập Quốc hội mà phần đông dân Nga không coi là chính thống (légitime) để bầu ra Chủ tịch Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội. Một thái độ “cố đấm ăn xôi” như vậy chỉ kích động thêm sự tức giận của dân chúng, và sắp tới – trước và sau ngày bầu tổng thống – chắc chắn sẽ có nhiều cuộc xuống đường lớn hơn nữa.

Như vậy, có thể khẳng định rằng tháng 12 năm vừa qua đánh dấu sự trỗi dậy của ý thức trách nhiệm công dân của người Nga và sự trưởng thành của xã hội dân sự Nga. Song song với điều đó là tinh thần chống Putin rất mạnh với những biểu ngữ “Putin hãy ra đi!”, “Chúng ta đã chán ngấy nó rồi!”… Để phản ứng một cách hài hước câu ví thô kệch của Putin về những bao cao su, người ta giương cao biểu ngữ với chân dung của ông quàng trong “cái” mà ông ta đã dùng để ví von.

Những cuộc biểu tình vừa qua là bước đầu liên hợp các lực lượng sáng tạo trong xã hội, tức là giới trung lưu bao gồm các doanh nhân, các nhà trí thức trên mọi lĩnh vực, các thành phần có đầu óc suy nghĩ. Đây là động lực chính thúc đẩy xã hội dân sự tiến lên mà mọi sự đàn áp bằng bạo lực sẽ trở thành vô hiệu.

Sau hai cuộc biểu tình lớn chưa từng thấy dưới thời Putin-Medvedev, nước Nga ngày nay bắt đầu một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Cuộc khủng hoảng đó biểu lộ rõ trên mấy mặt:

1/ Bè phái cầm quyền, cụ thể là đảng Nước Nga Thống nhất của ông Putin bị vạch mặt gian lận trắng trợn trong cuộc bầu cử, đã mất uy tín trầm trọng, thậm chí còn bị dân chúng oán ghét. Quốc hội mới bầu ra do gian lận bị đại chúng không coi là chính thống, không được dân chúng chấp nhận. Cái chế độ độc đoán dựa trên thế lực của các quan chức an ninh KGB đang chuyển dần thành chế độ độc tài toàn trị đã bị giáng một đòn nặng nề. Tuy vậy, cặp bài trùng Putin-Medvedev vẫn cố bám lấy quyền lực, nhưng họ sẽ không còn uy tín nữa. Rồi đây phe cầm quyền sẽ dùng thủ đoạn nới rộng một tí về mặt dân chủ theo tinh thần “dân chủ có quản lý”, nhưng về cơ bản vẫn giữ thực chất toàn trị của chế độ. Tất cả những thủ đoạn đó sẽ không thỏa mãn được yêu sách của quần chúng mà chỉ làm tăng thêm sự bất mãn của dân chúng.

2/ Nhân dân Nga đang từ trạng thái mê ngủ đã tỉnh dậy, đứng lên và cất cao tiếng nói của mình. Ý thức chính trị của họ ngày càng phát triển và quyết tâm của họ đòi hỏi tự do, dân chủ và nhân quyền càng ngày càng mạnh mẽ hơn. Các lực lượng đối lập với chính quyền sẽ cố sức tập hợp và phát triển rộng hơn, và điều đáng ghi nhận là từ trong phong trào đã xuất hiện những người lãnh đạo trẻ xuất sắc, như anh Alexei Navalny, luật sư 35 tuổi, người đang được dân chúng ngưỡng mộ. Trong thời gian tới, cuộc đấu tranh sẽ đông đảo hơn và quyết liệt hơn, nhất là khi cuộc đấu tranh chính trị kết hợp với cuộc đấu tranh về dân sinh, trong tình hình đời sống công nhân, lao động, nông dân, những người về hưu tồi tệ và sự bất mãn của quần chúng lên cao. Nguy cơ bùng nổ xã hội của đám quần chúng Nga mà ông Putin khinh bỉ gọi là bọn “banderlog” sẽ trở thành hiện thực. Bùng nổ đó sẽ rất mạnh, không ai có thể lường trước được!

Cũng cần nói thêm rằng, ngay từ năm 2010, khi chế độ hiện tồn đang ngập dần vào tình trạng mà ông Gorbachev gọi là “trì trệ” và khi xã hội cảm thấy rằng ông Putin sẽ lại lên làmTổng thống sáu năm nữa, nhiều hiện tượng có thể nói là rất “tiêu cực” đối với nền kinh tế đã diễn ra một cách tự phát trong nước Nga. Đáng kể nhất là:

1/ Hàng chục tỷ tư bản tư nhân đã tháo chạy ra khỏi nước Nga. Ngày 12.12.2011, ông Alexei Ulyukaiev, phó thống đốc Ngân hàng trung ương Nga, cho biết: số lượng ròng tư bản tư nhân đã chạy ra khỏi nước Nga từ tháng 1 đến tháng 11.2011 là 74 tỷ đô-la, đến cuối năm 2011 sẽ đạt con số 85 tỷ. Chỉ riêng trong tháng 11, số tư bản tư nhân chạy ra khỏi nước Nga là 10 tỷ đô-la. Để so sánh: năm 2010, tổng số tư bản tư nhân đã chạy ra khỏi nước Nga là 35,3 tỷ đô-la.

Trong khi đó đầu tư ngoại quốc trực tiếp vào Nga – theo số liệu của Ngân hàng trung ương Nga – năm 2011 là 27 tỷ đô-la (chỉ bằng một phần ba số tư bản tư nhân đã chạy ra khỏi nước). Lý do là: hoàn cảnh nước Nga không thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài; các công ty nước ngoài không tin cậy thị trường Nga; nạn tham nhũng quá trầm trọng, các nhà đầu tư phải đút lót cho các quan chức Nga những món tiền lớn, nhưng không có gì bảo đảm cho sự an toàn và ổn định của họ. Còn luật lệ của Nga thì không hoàn thiện, không cho phép các tập đoàn ngoại quốc dự đoán được sự tiêu thụ sản phẩm đã làm ra. Đó là chưa nói đến đầu óc dân tộc chủ nghĩa, tinh thần chống Mỹ và phương Tây mà nhà cầm quyền từng nuôi dưỡng cũng làm cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài e ngại.

2/ Hiện tượng “chảy chất xám” vốn đã mạnh trước đây thì sau những sự kiện chính trị vừa qua ở Nga, lại càng tăng mạnh hơn nữa. Hàng chục nghìn chuyên gia cao cấp đã ra nước ngoài sống và làm việc. Theo kết quả thăm dò gần đây của FOM (Quỹ điều tra dư luận xã hội Nga), thì trong 12 năm sắp tới có 22% dân Nga muốn ra khỏi nước Nga để sống và làm việc ở nước khác. Còn cuộc điều tra dư luận mới đây trong sinh viên thì có trên 25% số người được hỏi cho biết họ muốn ra nước ngoài sống và làm việc. Có mấy nguyên nhân của hiện tượng này: 1/ sự không hài lòng với tình hình trong nước, tiền lương ít ỏi, điều kiện làm việc không tốt, cảm giác không an toàn bởi sự thiếu vắng “thượng tôn pháp luật”; 2/ nạn tham nhũng rất trầm trọng ảnh hưởng lớn đến sự làm ăn, sinh sống; 3/và sợ nạn khủng bố.

Hai hiện tượng này sẽ dẫn đến những hậu quả lớn làm thất bại mọi ý đồ phát triển kinh tế và hiện đại hóa đất nước, vì mọi người đều biết, hai yếu tố nguồn tài lực và nhân tài đất nước là tối quan trọng để bảo đảm sự phồn vinh của nước Nga, một nước giàu tài nguyên nhất trên thế giới.

Để đối phó với hai hiện tượng nguy hiểm cho đất nước nói trên thì “bàn tay sắt” của Putin không giải quyết gì được, mà chỉ có thể giải quyết bằng một sự thay đổi căn bản toàn bộ tình hình chính trị hiện nay. Đó sẽ là một vấn đề cực kỳ khó khăn. Chỉ có thể đặt hy vọng vào một xã hội dân sự đã trỗi dậy và ngày càng trưởng thành có quyết tâm thúc đẩy sự thực hiện thay đổi căn bản đó mà thôi.

Có người nghĩ rằng trong những năm qua nước nước Nga đã thu được một khối lượng đô-la dầu lửa rất lớn, đó là nguồn tài lực cho việc phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân. Nhưng thực tế thì số lợi nhuân khổng lồ đó, chính quyền chỉ chỉ một phần nhỏ cho kinh tế, một phần rất nhỏ nữa để cải thiện phần nào đời sống dân chúng vốn rất tồi tệ, còn phần rất lớn bỏ vào việc tăng cường vũ trang, sản xuất đủ loại tên lửa đạn đạo hạt nhân, máy bay chiến đấu. hàng không mẫu hạm hạt nhân tối tân nhất, v.v… Đó là chưa nói một phần không nhỏ rơi vào túi tham của các quan chức nắm quyền. Thật đáng tiếc, thiên nhiên đã cho các nhà cầm quyền Nga “lộc trời” cực lớn mà họ không khéo dùng! Cứ tưởng là tăng cường vũ trang là điều chủ yếu làm cho đất nước hùng cường!

Nhiều nhà phân tích độc lập cho rằng nếu ông Putin lại lên làm tổng thống nhiệm kỳ thứ ba nữa, đó sẽ là mối nguy cho đất nước. Cựu phó thủ tướng Nga Boris Nemtsov cho rằng “đây sẽ là kịch bản tồi tệ nhất cho sự phát triển của đất nước”… “và nước Nga có thể chờ một cú sốc nặng nề về kinh tế và xã hội”. Hiện nay, nước Nga sống chủ yếu nhờ lợi nhuận thu được từ dầu khí, trong trường hợp giá dầu giảm thì cú sốc đó lại càng khủng khiếp.

Trong những tháng đầu năm 2012, làn sóng xuống đường đấu tranh sẽ mãnh liệt hơn cuối năm ngoái. Thực tiễn này đặt ông Putin trước một thế lưỡng nan: đàn áp hay không đàn áp? Đàn áp thì sẽ tăng thêm phản ứng mạnh hơn nữa của quần chúng. Dù cuộc đấu tranh của quần chúng rất ôn hòa, hoàn toàn không có vũ khí, nhưng một khi đã đàn áp thì khó tránh đổ máu. Mà đã đổ máu thì không thể tránh được sự bùng nổ xã hội-chính trị ở nước Nga có thể làm sụp đổ chế độ cá nhân độc đoán hiện nay. Thiết nghĩ, ông Putin đủ thông minh để không đi theo con đường bế tắc và thất bại của Kadhafi!

Không thể đàn áp thì chỉ có đối thoại với phe đối lập mà thôi. Mà đối thoại cũng không phải dễ dàng. Phe đối lập chắc chắn sẽ đưa ra những yêu sách của quần chúng đã biểu quyết trên quảng trường Bolotnaya. Còn ông Putin rất tin vào thế mạnh của mình, nghĩ rằng đa số dân chúng vẫn ủng hộ ông, ông khó mà chấp nhận những yêu sách đó. Hiện ông đang còn chần chừ chưa muốn đối thoại ngay… Mà chần chừ không đối thoại ngay để sang tháng 2 tới thì e rằng đã quá chậm. Chúng tôi nghĩ rằng chính quyền và đối lập dân chủ cần đối thoại ngay và vì lợi ích của nước Nga cả hai bên cần có những nhượng bộ lẫn nhau để giải tỏa tình hình bế tắc của cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc này.

Cần đối thoại ngay trước ngày bầu cử 04.03.2012! Nếu không, sau ngày bầu cử tổng thống… điều gì sẽ xảy ra… không ai có thể đoán trước được!?

Mọi người có thiện ý trên thế giới đang hồi hộp theo dõi cuộc đấu tranh của nhân dân Nga cho một nước Nga dân chủ thật sự. Hy vọng rằng nó sẽ đưa lại những biến đổi lớn trên đất nước này… Biến đổi theo chiều hướng chung của thời đại là: tự do, dân chủ và nhân quyền. Vì một nước Nga dân chủ thật sự sẽ có ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới, kể cả nước Việt Nam xa xôi của chúng ta. Mong sao đây không phải là một hy vọng viễn vông./.

Moskva 12,01.2012

© Nguyễn Minh Cần

© Đàn Chim Việt