Saturday, October 6, 2012

Tình, tiền và những nghịch lý


Khánh Ly biểu diễn tại Việt Nam? Tình, tiền và những nghịch lý

"Ai trở về xứ Việt
Ta gửi về theo một ít tự do
Tự do, tự do và nhiều lắm, nhiều nhớ thương tha thiết
Đến cửa ngục tù chia bớt chút buồn lo"...  (Phan Văn Hưng)

Lê Diễn Đức - Trước hết khoan vội vã nghĩ về nghĩa bóng với ý xấu nào đó trong tựa đề bài viết của tôi. Những từ ngữ trong tựa đề có vẻ giật gân nhưng tôi chỉ muốn nói tới ngữ nghĩa đen đích thực của nó.

Tình...

Lên đường về Việt Nam (VN), trong hành trang của mình, Khánh Ly mang nặng chữ tình theo nghĩa rộng. Tình yêu quê hương; tình cảm với một quá khứ sống động thời tuổi trẻ ở miền Nam; tình yêu âm nhạc, nghệ thuật; tình cảm dành cho quần chúng hâm mộ trong nước; tình bằng hữu, đồng nghiệp; và những băn khoăn trước thái độ không mấy hài lòng của một bộ phận trong cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản (CS), mà Kánh Ly là một thành viên không thể tách rời.

Tôi chưa bao giờ có cái nhìn khắt khe với bất kỳ ai từ nước ngoài về thăm VN. Là người Việt ly hương, mong được trở về quê nhà, dù dưới bất kỳ lý do nào, làm ăn hay thăm thân, tôi đều cho là nguyện vọng chính đáng. Điều cần đánh giá là thái độ và việc làm của họ trong thời gian ở VN, cách ứng xử với nhà cầm quyền của chế độ CSVN, một chế độ mà họ đã tự nguyện trốn chạy, muốn đoạn tuyệt, dù đã phải đối diện với nhiều hiểm nguy, mất mát, thậm chí cả mạng sống.

Tôi cũng giữ quan điểm đúng mức, trung dung trong việc các ca sĩ từ nước ngoài về VN biểu diễn hay từ trong nước qua Mỹ, như là chuyện bình thường. Tôi đã chứng kiến người Việt ở Mỹ vui vẻ chào đón các ca sĩ từ miền Bắc qua như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam, Thu Hà, Thu Phương, v.v... Một số người cưới vợ, lấy chồng, sống hoà hợp và bình đẳng trong cộng đồng. Những trường hợp bị chống đối dường như rất ít và thường có lý do chính đáng, như Đàm Vĩnh Hưng, hay Hồng Vân. Chỉ khi thật sự đặt mình vào hoàn cảnh của những người căm ghét chế độ CS vì chế độ này đã gây ra bao nhiêu tai ương, tội ác cho họ và thân nhân, hiện vẫn đang tiếp tục chà đạp công lý và quyền tự do ở trong nước, thì mới có thể thông cảm và chia sẻ cho sự chống đối này. 

Ảnh Khánh Ly chụp năm 2010 - foto: Ngọc Lan (báo Người Việt)

Khánh Ly không phải là người đầu tiên trong giới ca nhạc hải ngoại về VN và chắc chắn không phải là nguời cuối cùng. Trước Khánh Ly đã có Elvis Phương, Hương Lan, Chế Linh, Tuấn Ngọc, v.v... cũng là những ca sĩ đã được nhìn nhận ở đỉnh cao trong làng ca nhạc VN ở nước ngoài.

Khánh Ly thường nói "VN luôn nằm trong trái tim", chân thật và giản dị như với bao người VN khác sống xa đất nước. Trong thâm tâm, tôi mong muốn Khánh Ly bình yên, thanh thản về nước, thực hiện nguyện vọng chờ đợi từ rất lâu của mình và mang tiếng hát về VN cho những người hâm mộ.

Khi nói đến dòng tân nhạc miền Nam trước năm 1975 và của người Việt hải ngoại sau năm 1975, ca sĩ Khanh Lý phải là một trong những người nằm ở vị trí hàng đầu, có thể xem là ca sĩ số một, thể hiện xuất sắc nhất, có hồn nhất các nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Khánh Ly không chỉ nổi tiếng với người miền Nam trước và sau năm 1975, mà tên tuổi và giọng ca của Khánh Ly đã vượt không gian, thời gian đến với hàng triệu người miền Bắc yêu thích các ca khúc trữ tình, những "bài hát da vàng" của dòng nhạc Trịnh.

Bỏ qua mọi định kiến, yêu, ghét, khó ai phủ nhận được Trịnh Công Sơn là khuôn mặt tài năng nổi bật trong di sản âm nhạc hiện đại của Việt Nam. Nếu toàn bộ tác phẩm của ông là đứa con nghệ thuật, thì Khánh Ly, có thể nói, do duyên phận và định mệnh, là một nửa cơ thể của đứa con tinh thần và nghệ thuật đó.

Hạnh phúc nhất của nguời nghệ sĩ chính là lòng mến mộ và quý trọng của đông đảo công chúng. Tôi không nhìn qua lăng kính chính trị hẹp hòi để đồng nghĩa chuyến lưu diễn của Khánh Ly tại VN với cách suy diễn dễ dãi, thiếu thiện chí như là sự phục vụ, hát cho chế độ CS nghe. Trong hoàn cảnh nào người nghệ sĩ cũng hạnh phúc khi thấy tiếng hát của mình có ý nghĩa cho cuộc sống, tài năng nghệ thuật có cơ hội thể hiện, cống hiến cho những người ái mộ, dù chỉ là một số nào đó trong những hoàn cảnh nghiệt ngã.

Công chúng hôm nay đến với Khánh Ly dường như chắc chắn không phải đến với giọng ca của một nữ ca sĩ đã ở tuổi 67. Họ đến với Khánh Ly trong con người bằng da bằng thịt, trong hình ảnh của huyền thoại "Nữ hoàng chân đất", "Nữ hoàng sân cỏ" với chất giọng trời cho "không giống ai", "giọng ca thật như nói", truyền cảm đặc sắc tâm tư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua những nhạc phẩm của ông.

Tôi tin rằng, từ Sài Gòn, Đà Nẵng, tới Hà Nội, bằng những lời ngợi khen công khai của số ít, hoặc bằng suy nghĩ của số đông thầm lặng, nhưng với tất cả công chúng, Khánh Ly là đứa con của miền Nam, là biểu tượng của một nền văn hoá và âm nhạc tự do của Việt Nam Cộng Hoà, mà nếu không có nó, sẽ đồng nghĩa với không có nghệ sĩ Khánh Ly nổi tiếng hôm nay. Nó cũng tương tự như hình ảnh của Phó thủ tướng Đức Philipp Rösler. Nếu không được trưởng thành và hưởng một nền giáo dục tốt đẹp của nước Đức dân chủ tự do, trong chế độ CSVN một cậu bé mồ côi sẽ khó vượt qua được thân phận của "con sãi ở chùa lại quét lá đa".

Một hình ảnh đẹp và tự hào như thế của Việt Nam Cộng Hoà, trước công chúng, ngay trong lòng chế độ CS, giữa Hà Nội và Sài Gòn, há chằng phải là tuyệt vời sao!

Nếu không về lúc này, khi còn có thể hát, nguyện vọng của Khánh Ly trở lại hát trên quê nhà sẽ thui chột tỷ lệ nghịch với sự tăng lên của tuổi tác, là điều đáng tiếc cho cuộc đời của một nghệ sĩ tài hoa. Ca sĩ Thanh Tuyền cũng đã nói: “Khánh Ly đã 67 tuổi rồi. Cũng mong được về nước để hát trên mảnh đất quê hương mình. Chị ấy muốn về trước khi quá muộn”-(Giaoducnet.vn).

Tiền...

Có người vội vã nhận định về chuyến lưu diễn của Khánh Ly tại Việt Nam: "Money first!".

Tôi được biết, tour diễn của Khánh Ly sẽ được công ty Đồng Dao trả tiền cát-xê rất cao. Ngoài bao ăn ở đi lại, mỗi show của Khánh Ly được trả 20 ngàn đôla. Cho cả tour diễn tại Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, Khánh Ly sẽ thu được từ 100 ngàn tới 200 ngàn đôla, phụ thuộc vào số lượng show lớn nhỏ có thể thực hiện. Với mặt bằng cát-xê chung hiện nay, Khánh Ly nằm mơ không có được một số tiền lớn như thế ở Mỹ trên sàn diễn. Nó không chỉ hấp dẫn mạnh mẽ với Khánh Ly, một người không phải thuộc giới giàu có, mà với tất cả.

Khi đồng ý chi một số tiền lớn như trên, công ty Đồng Dao, nhà tổ chức, hẳn đã phải tính toán rất kỹ thành quả từ show diễn của Khánh Ly, ý thức rất rõ ca sĩ Khánh Ly sẽ cuốn hút số lượng người xem như thế nào. Số tiền lớn này có sức mạnh cám dỗ là đương nhiên. Có ai không thích tiền? Nhưng Khánh Ly hoàn toàn xứng đáng nhận nó, vì nó là thành quả lao động nghệ thuật mà Khánh Ly đã phải làm việc miệt mài và tích luỹ trong suốt 50 năm qua.

Cho nên, nếu nói "Money first!". Câu trả lời là: "Thì đã sao, why not!". Đồng tiền kiếm được bằng lao động lương thiện và minh bạch, thì có gì phải lăn tăn!

Nghịch lý...

Nhưng tất cả xem ra không đơn giản trong hỗn mang của các nghịch lý.

Trước hết phải nhìn nhận Khánh Ly là "persona non grata" của chế độ CSVN.

Khánh Ly đã hai lần bỏ chạy khỏi chế độ CS, lần đầu lúc còn bé theo gia đình vào Nam năm 1954, khi CSVN cai trị ở miền Bắc, và lần thứ hai di tản qua Mỹ, năm 1975, sau khi Sài Gòn bị thất thủ và CSVN cai trị trên cả nước.

Tâm trạng của Khánh Ly trong hai lần chạy trốn chế độ CS có thể mô tả qua nhạc phẩm "Xin đời một nụ cười" của nhạc sĩ Nam Lộc:

"Tôi bước đi
Vì không muốn làm kẻ tội đồ, 
Vì tôi muốn lại kiếp con người
Muốn cuộc đời có những nụ cười

Tự Do ơi, Tự Do, em đổi bằng thân xác 
Vì hai chữ Tự Do ta mang đời lưu vong"... 

Trong thời gian sống ở Mỹ, Khánh Ly đã tham gia rất nhiều chương trình văn nghệ chống cộng của hội đoàn người Việt. Với những nhạc phẩm "Đêm Việt Nam" của Hà Thúc Sinh, "Ai trở về xứ Việt" của Phan Văn Hưng, "Đêm Chôn Dầu Vượt Biển" của Châu Đình An, "Hát trên những xác người" của Trịnh công Sơn, v.v... Khánh Ly không làm nhà cầm quyền căm ghét mới là lạ.

Khánh Ly cũng đã từng tuyên bố "Tôi chỉ về khi không còn chế độ cộng sản nữa mà thôi”,theo tờ "Giaoducnet.vn" ngày 7/8/2012 trong bài "Sự tráo trở của Khánh Ly".

Lời tuyên bố của Khánh Ly rồi cũng nhạt nhoà theo những đổi thay và các biến động của thời gian. Khánh Ly đã về VN hai lần trong năm 1996 và 2000, về chơi thăm thú, chứ không phải về biểu diễn. Nhưng Khánh Ly duờng như bị "cấm cung" tại Đệ Nhất Khách Sạn, quận Tân Bình, gần sân bay Tân Sơn Nhất, đi lại bị an ninh theo dõi, kiểm soát ngặt nghèo.

Cuối năm 1994, nhân chuyến lưu diễn Âu châu của các ca sĩ hải ngoại, trong đó Khánh Ly là nhân vật trung tâm, những bạn hữu tổ chức ở Đức đã phối hợp với chúng tôi ở Ba Lan, lần đầu tiên mời đoàn qua Ba Lan. Đại sứ quán CSVN tại Ba Lan lúc ấy đã ra chỉ thị cấm nghiên cứu sinh, đảng viên đi xem. Chúng tôi thuê Cung Văn hoá làm nơi biểu diễn, nằm ở trung tâm thủ đô Warsaw, thời cộng sản là nơi tổ chức các đại hội đảng hoặc hội nghị nhà nước. Cung Văn hoá chứa được khoảng ba nghìn chỗ ngồi hôm ấy kín hết. Bất chấp lệnh cấm của toà đại sứ quán CSVN, tôi nhìn thấy một số nghiên cứu sinh quen biết ngồi trong đám đông. Còn cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã dành cho các ca sĩ hải ngoại sự chào đón nồng ấm lạ thường. Khánh Ly nói chưa bao giờ được hát trên một sân khấu sang trọng như thế. Khánh Ly bị khán thính giả cuồng nhiệt "hành hạ" hát theo yêu cầu liên tiếp và tặng không biết cơ man nào là hoa, đến mức ba quầy bán hoa tại chỗ hết sạch, chúng tôi đã phải chạy ra ngoài tìm nguồn cung cấp thêm.

Sự kiện này cho thấy nhà cầm quyền CSVN không ưa thích Khánh Ly không chỉ trong nước mà còn vượt ra cả ngoài biên giới VN. Nhưng bên cạnh đó cho thấy dân miền Bắc cũng rất ái mộ ca sĩ này, bỏ qua mọi khác biệt về môi trường sống và nhãn quan chính trị.

Sự chuẩn bị cho cuộc hành trình về VN lần này chẳng mấy dễ dàng. Nguyện vọng của Khánh Ly về VN biểu diễn được nói đến gần hai năm nay. Lẽ ra nếu "cơm lành canh ngọt", Khánh Ly đã có thể về cùng chuyến với ca sĩ Chế Linh hồi cuối năm 2011, nhưng Khánh Ly chưa được nhà cầm quyền chấp thuận.

Trong số những người có công vận động nhà cầm quyền cấp giấy phép biểu diễn tại VN cho Khánh Ly, trước hết phải kể đến Nguyễn Công Khế, cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên. Ở đây cũng nói thêm, ông Khế là người được em gái của Trịnh Công Sơn, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, trao lại bản quyền của các tác phẩm nổi tiếng của anh trai mình, trả ơn ông Khế đã cứu chồng thoát án tử hình trong một vụ án. Trong chuyến lưu diễn của Khánh Ly, Nguyễn Công Khế sẽ được công ty Đồng Dao trả một số tiền bản quyền không nhỏ. Tất nhiên để lobby cho Khánh Ly, ông Khế không chỉ múa may bằng tay và nước miếng với các quan chức CS có thẩm quyền. Thế là ơn nghĩa sòng phẳng, có đi có lại, trong sự ràng buộc của cả cuộc chơi.

Với những nghịch lý nêu trên, từ việc nhà cầm quyền CSVN đồng ý cho Khánh Ly về VN biểu diễn, xuất hiện nhiều giả thiết, những ý kiến ủng hộ, chống đối cũng là hiển nhiên.

Giống như các trường hợp của Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Duy, những người đã làm cho rất nhiều người trong cộng đồng tị nạn CS trên thế giới thất vọng, sự có mặt của nghệ sĩ Khánh Ly trên sân khấu tại Việt Nam, mặc nhiên nằm trong mong muốn của nhà cầm quyền CSVN cho chính sách tuyên truyền "đoàn kết dân tộc", "cởi mở" và nghị quyết 36 lừa mị và dối trá.

Khánh Ly về nước đúng vào thời điểm nhà cầm quyền CSVN đang sử dụng bàn tay sắt bóp nghẹt dã man nhất quyền tự do tư tưởng và bày tỏ chính kiến ôn hoà, bằng bản án 39 năm tù và quản chế cho ba bloggers Điều Cày, Tạ Phong Tần, Anh Ba Sài Gòn, trong ngày 24/9 vừa qua. Một đồng nghiệp miền Nam của Khánh Ly, nhạc sĩ Việt Khang, đang ngồi tù chỉ vì viết những khúc ca yêu nước, chống bành trướng xâm lược Trung Quốc và lên án sự đàn áp tàn nhẫn, côn đồ của công an CSVN đối với những người tham gia biểu tình yêu nước. Hơn 150 ngàn chữ ký của cộng đồng người Việt gửi Tổng thống Barack Obama kêu gọi can thiệp trả tự do cho Việt Khang và các nhà tranh đấu dân chủ khác đang bị giam cầm, cũng như lời kêu gọi của chính ông và nhiều chính phủ các nước, của các tổ chức bảo vệ tự do báo chí, nhân quyền, đã chẳng mảy may động lòng trắc ẩn của những tên đao phủ CS Ba Đình.

Lời kết 

Trong ngổn ngang của tình, tiền và những nghịch lý, về VN biểu diễn, ca sĩ Khánh Ly phải đối diện với bộ máy kiểm duyệt của chế độ, bên cạnh những mưu đồ, cạm bẫy khó lường khác, chắc chắn không bao giờ Khánh Ly có thể sống và thể hiện như một nghệ sĩ của tự do - nguồn cảm hứng quan trọng nhất của người nghệ sĩ. Tôi chia sẻ tâm tình của Khánh Ly rằng, "nhập gia tuỳ tục", vì chẳng thể nào khác, nhưng muốn hay không, mặc nhiên đây là sự thoả hiệp trên thế yếu, chấp nhận tinh thần tự do, khai phóng của nguời nghệ sĩ bị cầm tù!

Dù thế nào đi nữa, kể cả trên thế yếu, tôi mong rằng, Khánh Ly sẽ cố gắng giữ toàn vẹn hình ảnh của mình, hình ảnh cao đẹp của một biểu tượng văn hoá, nghệ thuật tự do của miền Nam, của Việt Nam Cộng Hoà, một quốc gia tuy không còn trên thực tế, nhưng đã tạo nên đứa con âm nhạc Khánh Ly. Rất nhiều người lính đã hy sinh xương máu cho sự tự do ấy, trong đó có người yêu của Khánh Ly. Nếu khác đi, môt bên sẽ là sự hả hê của những kẻ đã thành công lợi dụng hình ảnh Khánh Ly cho mục đich tuyên truyền bịp bợm, một bên khác là hàng triệu con tim trong cộng đồng người Việt tị nạn CS trên thế giới, đau buồn vì vết thương sau 37 năm chưa lành bị khoét sâu thêm.

Là người của công chúng, Khánh Ly giờ đây không thể thay đổi quá khứ và rũ bỏ nó, càng không thể cho phép bản thân chỉ sống cho riêng mình!

Lucius Seneca, nhà hiền triết La Mã, nghệ sĩ hài đương thời, một tên tuổi lớn của văn học La Mã, đã nói: "Nhiều người quan tâm đến danh tiếng, nhưng ít người chú trọng tới lương tâm".

Hy vọng rằng Khánh Ly sẽ đứng vào số nhiều vế trước và cả số ít vế sau của câu danh ngôn.

Xin cho tôi được bỏ vào hành trang của Khánh Ly lời ca của nhạc phẩm "Ai trở về xứ Việt":

"Ai trở về xứ Việt
Ta gửi về theo một ít tự do
Tự do, tự do và nhiều lắm, nhiều nhớ thương tha thiết
Đến cửa ngục tù chia bớt chút buồn lo"... 

Được biết Khánh Ly là tay chơi phé có hạng ở California. Ván bài về VN kỳ này khó khăn và phức tạp hơn hai kỳ trước nhiều. Tôi hy vọng và tin rằng Khánh Ly không để hở bài và sẽ thắng.

Đừng ngộ nhận về bản chất độc ác, dối trá và cách cư xử tráo trở, bạc như vôi của chế độ CS và cũng đừng ảo tưởng về bất kỳ sự thay đổi bản chất nào của nó! Đừng để phạm sai lầm để rồi hối tiếc khi đã ở vào mùa Thu của cuộc đời, ca sĩ Khánh Ly ạ!



© 2012 Lê Diễn Đức - RFA Blog


http://www.rfavietnam.com/node/1358



_________________________________





 Trả lời của gia đình Trịnh Công Sơn về bài viết của ông Lê Diễn Đức “Khánh Ly Biểu Diễn Tại Việt Nam? Tình, tiền và những nghịch lý”

Trịnh Vĩnh Trinh - ... Gia đình chúng tôi rất thất vọng khi đọc đoạn viết trong bài “Khánh Ly Biểu Diễn Tại Việt Nam? Tình, tiền và những nghịch lý” bởi ông Lê Diễn Đức. Một số đoạn văn trong bài này liên hệ đến gia đình Trịnh Công Sơn là hoàn toàn sai sự thật! ...
*
“… Sự chuẩn bị cho cuộc hành trình về VN lần này chẳng mấy dễ dàng. Nguyện vọng của Khánh Ly về VN biểu diễn được nói đến gần hai năm nay. Lẽ ra nếu "cơm lành canh  ngọt", Khánh Ly đã có thể về cùng chuyến với ca sĩ Chế Linh hồi cuối năm 2011, nhưng Khánh Ly chưa được nhà cầm quyền chấp thuận. 

Trong số những người có công vận động nhà cầm quyền cấp giấy phép biểu diễn tại VN cho Khánh Ly, trước hết phải kể đến Nguyễn Công Khế, cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên. Ở đây cũng nói thêm, ông Khế là người được em gái của Trịnh Công Sơn, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, trao lại bản quyền của các tác phẩm nổi tiếng của anh trai mình, trả ơn ông Khế đã cứu chồng thoát án tử hình trong một vụ án. Trong chuyến lưu diễn của Khánh Ly, Nguyễn Công Khế sẽ được công ty Đồng Dao trả một số tiền bản quyền không nhỏ. Tất nhiên để lobby cho Khánh Ly, ông Khế không chỉ múa may bằng tay và nước miếng với các quan chức CS có thẩm quyền. Thế là ơn nghĩa sòng phẳng, có đi có lại, trong sự ràng buộc của cả cuộc chơi. 

Với những nghịch lý nêu trên, từ việc nhà cầm quyền CSVN đồng ý cho Khánh Ly về VN biểu diễn, xuất hiện nhiều giả thiết, những ý kiến ủng hộ, chống đối cũng là hiển nhiên. 

Giống như các trường hợp của Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Duy, những người đã làm cho rất nhiều người trong cộng đồng tị nạn CS trên thế giới thất vọng, sự có mặt của nghệ sĩ Khánh Ly trên sân khấu tại Việt Nam, mặc nhiên nằm trong mong muốn của nhà cầm quyền CSVN cho chính sách tuyên truyền "đoàn kết dân tộc", "cởi mở" và nghị quyết 36 lừa mị và dối trá…” 
Trả lời của Trịnh Vĩnh Trinh - đại diện gia đình TCS:
Gia đình chúng tôi rất thất vọng khi đọc đoạn viết trong bài “Khánh Ly Biểu Diễn Tại Việt Nam? Tình, tiền và những nghịch lý” bởi ông Lê Diễn Đức. Một số đoạn văn trong bài này liên hệ đến gia đình Trịnh Công Sơn là hoàn toàn sai sự thật! 
1. Trước nhất, tôi xin khẳng định chồng tôi, anh Nguyễn Trung Trực chưa bao giờ bị kết án tử hình như đã nêu trong bài viết. Vụ việc của anh Trực đã được rất nhiều những tờ báo có uy tín của nước ngoài nêu ra; 
2. Anh Nguyễn Công Khế với tư cách là một người bạn thân thiết của anh Sơn và gia đình, đã từng muốn mời Khánh Ly về Việt Nam trình diễn để thực hiện lời hứa giữa anh Khế và anh Sơn lúc sinh thời. Trong giới nghệ thuật ở Việt Nam ai cũng biết anh Khế rất tích cực trong việc vận động cho sự trở về của bác Phạm Duy. Theo tôi, đây là việc rất có ý nghĩa và nếu cho rằng động cơ của những việc này là đồng tiền, thì tác giả Lê Diễn Đức cũng đã xem đồng tiền quá to lớn và xem thường các hoạt động có giá trị sâu xa về văn hóa nghệ thuật cũng như của tinh thần đoàn kết dân tộc của nhiều người Việt Nam. 
3. Việc tác quyền nhạc Trịnh ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài, gia đình chúng tôi đã từ lâu ủy thác cho Trung Tâm Tác Quyền, đại diện gia đình trong việc thu tác quyền theo đúng luật Việt Nam và Công ước quốc tế. Do đó, không có việc “…ông Khế là người được em gái của Trịnh Công Sơn, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, trao lại bản quyền của các tác phẩm nổi tiếng của anh trai mình, trả ơn ông Khế đã cứu chồng thoát án tử hình trong một vụ án”.
Chúng tôi rất thất vọng khi một cơ quan như đài Á Châu Tự Do đã để cho một cá nhân như ông Lê Diễn Đức lạm dụng quyền tự do ngôn luận để vu khống những việc hoàn toàn sai sự thật. 
Trịnh Vĩnh Trinh 
Email: trinhtruc@gmail.com 
ĐT: +84 903977953

Monday, October 1, 2012

XỐN XANG TÌM BÃI ĐÁP

Tư Bản Đỏ xốn xang tìm bãi đáp



Tư bản đỏ VN

Với những tiềm năng phát triển lớn lao, ngày nay Trung Quốc đã trở thành một đất nước có nền kinh tế đứng hàng thứ nhì trên thế giới. Nhưng càng đến gần thời điểm đại hội lần thứ 18 của đảng vào tháng 10 năm nay, những người sắp ra đi và những người chuẩn bị tiếp nhận quyền lực đều nhận thức rằng họ đang đối diện với một vấn nạn ngày càng lớn. Đó là tính chính danh, tính hợp pháp chính trị của cả chế độ và của giới lãnh đạo ở thượng đỉnh. Nói một cách cụ thể hơn, trong mắt dân chúng, những gì mà họ đã từng được nghe suốt mấy thập niên qua về một chính phủ dựa trên lý tưởng công bằng xã hội cộng sản thì nay chỉ thấy từng tập đoàn quyền hành cùng với hệ thống tham nhũng sâu rộng, và một số đại gia tư bản cực kỳ giàu có rút từ nguồn tài sản quốc gia.

Trong tình trạng tham nhũng lan tràn trên toàn xã hội Trung Quốc như hiện nay, ước lượng mỗi năm có khoảng 50 tỷ đô la theo chân cán bộ quan chức và gia đình họ rời khỏi đất nước. Đó là một trong nhiều chi tiết được đưa ra trong một bài báo của Jonathan Manthorpe của tờ Vancouver Sun, Canada ngày 13/7/2012. Những nhà giàu mới ở Trung Quốc mệnh danh “tư bản đỏ” từng ngày từng giờ đang ráo riết tìm chỗ trú thân an toàn ở các nước Tây Phương. Làn sóng này đã bắt đầu trong mấy năm qua nhưng gia tăng càng lúc càng nhanh trước các biến động xã hội lẫn chính trị tại đây.

Theo Jonathan Manthorpe, một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng 90% trong số hơn 300 thành viên của Ủy ban Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đưa một phần gia đình ra sống ở nước ngoài hoặc đã xin làm công dân nước ngoài. Đây là các đầu cầu để chuyển tài sản hiện nay và để làm “nơi tỵ nạn” trong tương lai khi có biến động chính trị tại Trung Quốc.

Còn giới giàu có nói chung, khoảng 60% cho biết đang trong tiến trình xin di dân hoặc đã có ý định làm việc này trong thời gian trước mặt. Biến cố Bạc Hy Lai (Bo Xilai), nguyên bí thư thành ủy Trùng Khánh (Chong Qing), bị bắt chờ ngày ra tòa càng khiến giới tư bản đỏ không còn cảm thấy an toàn dù ở bất kỳ vị trí nào, và càng gấp rút tìm đường đi ra nước ngoài cùng với số tài sản hiện có.

Vào cuối năm 2011, một nghiên cứu khác, có vẻ “hiền lành” hơn, được chính Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thực hiện, cũng cho thấy từ giữa thập niên 1990, ít là khoảng 125 tỷ USD đã lẻn ra khỏi đất nước theo chân của hơn 16.000 cán bộ, công chức và những người thân của họ.

Từ một nguồn khác nữa, ký giả John Sudworth của BBC News từ Thượng Hải ngày 22/8/12 tường thuật hiện tượng “Tư bản đỏ Trung Quốc” lũ lượt ra đi. Ông viết: “có một thứ hàng xuất khẩu từ Trung Quốc mà dường như hiện nay không ai ngăn cản nổi – đó là các triệu phú”. Điển hình như Louie Huang, một trong những người giàu nhất Thượng Hải (Shanghai) nhờ kinh doanh bất động sản. Ông Huang thừa nhận với nhiều người bạn giàu có khác rằng tình hình không còn an toàn cho những người như ông tại Trung Quốc nữa. Con đường duy nhất là tìm cách ra nước ngoài sinh sống.

Ông nói: “Hầu hết họ nghĩ rằng tôi có quá nhiều tiền ở đây. Rồi sẽ tới ngày chính phủ thay đổi chính sách và lấy lại hết“. Đó cũng là điều lo lắng của nhiều người thuộc giới siêu giàu Trung Quốc nay đang tìm cách thoát đi. Nó cũng cho thấy mặt thật của đời sống chính trị, kinh tế của Trung Quốc, tức không hề có một xã hội ổn định như hình ảnh mà đảng muốn trưng ra trước thế giới. Nói cách khác, những tư bản đỏ ngày nay không còn tin vào cái gọi là kinh tế thị trường theo đặc tính XHCN Trung Quốc, với quá nhiều đe dọa bất an tiềm ẩn. Họ tìm cách ra đi không phải với hai bàn tay trắng, nhưng với số của cải tích góp được một cách bất thường trên lưng hơn một tỷ người nghèo khắp lục địa này.

So với năm 2006, chỉ có 63 visa EB-5 — tức loại visa đầu tư để định cư tại Hoa Kỳ — được cấp cho các công dân Trung Quốc; thì năm 2011, con số này nhảy vọt lên 2.408 visa; và trong năm 2012, chỉ trong 6 tháng đầu năm, con số này đã vượt quá 3.700 visa.

Giới giàu Trung Quốc không chỉ chạy sang Mỹ mà thôi. Hiện nay họ còn là một trong các luồng di dân lớn nhất vào Australia. Số liệu công bố năm 2011 cho thấy lần đầu tiên di dân Trung Quốc vào Australia đã vượt qua số người từ Anh Quốc. Tại Canada, con số các “nhà đầu tư” Trung Quốc được cấp quy chế thường trú tại Canada đã tăng gấp đôi trong vòng hai năm.

Theo hãng tin AFP, hiện tượng tài phiệt Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào rượu Pháp cũng đang gia tăng. Sau khi “xâm nhập” vào lãnh địa rượu Bordeaux, các tay tài phiệt Trung Quốc “tấn công” vào rượu Bourgogne bằng những số vốn khổng lồ. Bên cạnh lý do thuần túy thương mại, đây còn là lý cớ để xin nhập cư vào Pháp.

Những kẻ nằm ở thượng tầng xã hội Trung Quốc thấy rõ là tương lai của chính họ rất bấp bênh. Nền kinh tế Trung Quốc không thể tăng trưởng bất tận. Tình trạng hụt hơi đã hiện rõ trong những năm gần đây. Không chỉ những người nghèo tại Trung Quốc có thể nổ tung bất kỳ lúc nào mà cả các đồng nghiệp của họ cũng có thể lôi cổ họ ra làm “dê tế thần” để xoa dịu dân chúng bất kỳ lúc nào. Hôm qua còn ngất ngưỡng trên đỉnh cao quyền lực, hôm nay đột nhiên tán gia bại sản là chuyện thường ngày ở quốc gia này. Sự kiện vợ chồng ông Bạc Hy Lai thực sự khiến họ run sợ đến tận xương tủy, vì không mấy ai trong số này có nhiều quyền lực như ông Bạc đã từng nắm giữ.

Cùng lúc với các diễn văn lên án các giá trị Tây Phương, hầu hết giới lãnh đạo Trung Quốc đều gửi con cái đi học ở cái trường Tây Phương và tìm cơ hội sống ở nước ngoài để làm đầu cầu chuyển tiền. điều này thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng lại là sự thật đối với đại đa số lãnh đạo cao cấp của nhà nước và đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Trong một bài báo của Washington Post ngày 18/5/2012, hai ký giả Andrew Higgin và Maureen Fan đã đưa ra một cái nhìn thật sâu sắc về sự thật không còn che giấu được ấy. Con cái của giới quý tộc đỏ được gọi là “Thái tử đảng” (princelings) đã có mặt ở hầu hết các trường đại học tư danh tiếng ở Mỹ. Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Trung Quốc và sắp lên ngôi tổng bí thư đảng, có người con gái Tập Minh Trạch (Xi Mingze) đang theo học trường đại học Harvard từ năm 2010. Hai trong số các tổng bí thư đảng là Giang Trạch Dân và Triệu Tử Dương cũng có cháu nội và cháu ngoại học ở trường này. Bốn quan chức cấp cao khác của Đảng như Hoàng Hoa (Huang Hua), Lý Triệu Tinh (Li Zhaoxing), Bạc Hy Lai (Bo Xilai và Trần Vân (Chen Yun) đều có con và cháu theo học tại Hoa Kỳ. Thái tử đảng đình đám nhất gần đây là Bạc Qua Qua (Bo Guagua), theo học tại Trường Quản lý Hành Chính Kennedy, thuộc Đại học Harvard. Cha của anh ta là cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai hiện đang bị thất sủng và mẹ là Cốc Khai Lai bị án tử hình treo về tội giết người.

Tư bản đỏ Trung Quốc đang ráo riết tìm bãi đáp, còn tư bản đỏ Việt Nam thì sao?

Các áp suất tương tự như tại Trung Quốc cũng đã ló dạng tại Việt Nam. Hội nghị Trung ương 5 khóa XI bế mạc ngày 15/5/12 đã quyết định thành lập lại Ban Nội chính Trung ương và đặt Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí Thư. Điều này báo hiệu cho cùng loại lo âu của Louis Huang ở Thượng Hải, đó là: “Rồi sẽ tới ngày chính phủ thay đổi chính sách và lấy lại hết”.

Kế đến, người ta đang chờ xem liệu ông Nguyễn Tấn Dũng có cũng sẽ là một Bạc Hy Lai của Việt Nam không, khi các hồ sơ kết tội ông đang được tích tụ theo từng vụ thất bại của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Tuy nhiên, người ta tin phần lớn tài sản của ông thủ tướng nổi tiếng tinh ranh này đã nằm ở nước ngoài qua nhiều đường dây khác nhau. Do đó, dù có bị thất sủng thì ông Dũng cũng đã có bãi đáp êm ấm đang chờ.

Nhưng điều đó chẳng làm những nhà tư bản đỏ khác an tâm vì họ còn thua kém xa ông Dũng về quyền lực. Nghĩa là nếu quan lớn như ông Dũng còn có thể bị các “đồng nghiệp” kéo xuống thì còn ai dám tin chỗ của mình an toàn tuyệt đối. Chính vì thế mà đợt “phê và tự phê” lần này mang nét hăm dọa đặc biệt.

Trận dịch bắt bớ, kết án nhanh chóng, và tịch thu tài sản đã bắt đầu. Trước hết ụp xuống những quan chức trực tiếp liên hệ đến các vụ lỗ lã lớn dù hiện tượng này được làm ngơ suốt nhiều năm qua, như Phạm Thanh Bình, tổng giám đốc Vinashin, và Dương Chí Dũng, tổng giám đốc Vinalines, v.v…

Nay trận dịch đã lan sang vòng kế tiếp với những người cực giàu nhưng chưa rõ tội gì như các chủ ngân hàng Nguyễn Đức Kiên, Lý Xuân Hải, v.v… Vì một khi họ đã bị bắt và bịt miệng trong tù, thì những kẻ thù của họ có toàn quyền vẽ ra các tội trạng cần thiết để tịch thu toàn bộ tài sản và ngay cả lấy luôn sinh mạng của họ.

Nhiều người tin rằng sẽ còn phải mất thêm một vòng “dịch” nữa đối với những cựu quan chức lớn như ông Trần Xuân Giá, v.v… trước khi Ban Nội Chính và Ủy Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tham Nhũng dám đụng đến loại đại gia như Nguyễn Thanh Phượng, con gái thủ tưóng Nguyễn Tấn Dũng.

Nhưng trong khoảng thời gian chờ đợi đó, chẳng còn ai trong giới tư bản đỏ Việt Nam còn dám ngủ yên trong giấc mơ “Còn Đảng Còn Mình”. Vì những kẻ đã và sắp tước đoạt tài sản của họ đều là “người của Đảng” cả. Rõ ràng trong tình hình hiện nay, tài sản càng cao kẻ thù càng nhiều.









____________________________________________







Con cái TBT Nguyễn Phú Trọng, CTN Trương Tấn Sang làm gì, ở đâu? 



Ông Sang và ông Trọng liệu có liêm khiết hơn các lãnh đạo khác? 

Trong cuộc sống có câu “những con số biết nói”. Thật vậy, có khi chỉ thông qua một con số mà người đời biết được nhiều điều hay, dở. Tương tự, thông qua một cử chỉ, việc làm người ta hiểu được đâu là phải, trái. Cho đến thời điểm hiện tại, có lẽ trừ Ban Tổ chức Trung ương Đảng,Văn phòng Chủ tịch nước, Quốc hội và những người thân trong gia đình biết tường tận con cái của TBT Nguyễn Phú Trọng và CT nước Trương Tấn Sang quí danh là gì, bao nhiêu tuổi, đang làm gì ở đâu? Còn thì không mấy ai biết và trả lời chính xác được câu hỏi đặt ra ở trên. 

Ai cũng biết ông Nguyễn Phú Trọng trước khi trở thành TBT từng là Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội; còn ông Trương Tấn Sang trước khi được Quốc hội bầu là CT nước từng là Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Thường trực Ban Bí thư. Ở những vị thế kinh qua như vậy, nếu ông Trọng, ông Sang ra tay tạo dựng cho con cái vào các chức danh Phó giám đốc rồi Giám đốc các ban, ngành (ở địa phương) để rồi tạo đà thăng tiến dần… hay Phó vụ trưởng, Vụ trưởng, Tổng Giám đốc một doanh nghiệp, thậm chí Thứ trưởng (các Bộ ngành ở Trung ương) chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ. Thực tế thì có khá nhiều VIP đã, đang làm như vậy rồi! Tổng BT Nguyễn Phú Trọng, CT nước Trương Tấn Sang đã không làm thế. Nếu con cái hai ông có những chức danh như đã điểm thì cả địa phương biết, cả ngành cả nước biết, thậm chí cả thế giới cũng tỏ. 

Nghe nói, (người viết bài này chỉ nghe nói) con cái của TBT Nguyễn Phú Trọng, CT Trương Tấn Sang hiện đang là những công chức, doanh nghiệp bình thường. Cũng như chức danh rất khiêm tốn ấy, lại cũng nghe nói, con cái của hai ông sống rất từ tốn chứ không ngồi đâu, với ai cũng huyếnh hoáng lên “bố tớ là ông nọ ông kia”, thậm chí làm nhiều điều tai tiếng như con cái của nhiều vị ủy viên Trung ương hay Bộ trưởng nọ Bộ trưởng kia… Riêng về góc độ con cái, như vậy thật đáng khen và nể phục, chắc chắn họ là những người được học hành, giáo dục nề nếp, biết ứng xử với xã hội như thế nào… 

Khác hẳn với TBT Nguyễn Phú Trọng và CT nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có mấy người con, họ tên đầy đủ, hiện đang làm gì, ở đâu thì ai cũng biết cả rồi. Còn quí tử của Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm Nguyễn Sinh Hùng tên là Nguyễn Sinh Nhật Tân thì đang “được ủ” là Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công thương, nghe nói là sẽ trở thành Thứ trưởng trong thời gian gần. 

Hay như nguyên TBT Nông Đức Mạnh có cả một quá trình tạo ra đường quan lộ cho “thái tử” Nông Quốc Tuấn từ quan Trung ương đoàn sang làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đi luân chuyển để trở thành Bí thư tỉnh Bắc Giang và vào Trung ương như thế nào; rồi thì nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi trước khi rời “ghế” còn kịp mặc cả “cấy” con trai là Nguyễn Xuân Anh vốn từ một phóng viên báo Thanh niên làng nhàng lộn ngược về quê làm quan chức quận ở Đà Nẵng bỗng chốc “đại nhảy vọt” vào Trung ương. 

Ở cấp độ thấp hơn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Vũ Văn Hiền trước khi “hạ cánh an toàn” còn kịp đặt con trai Vũ Minh Tuấn vào cái ghế Phó Tổng Giám đốc chính nhà đài của mình… 

Còn nữa… nhưng mà thôi, chấm phá so sánh vài ba trường hợp như vậy đủ để nói rằng TBT Nguyễn Phú Trọng, CT nước Trương Tấn Sang đang là những nhà lãnh đạo có tư chất và nhân cách riêng thuộc diện “xưa nay hiếm” ở Việt Nam. Đúng như tên riêng – Các ông SANG TRỌNG đúng nghĩa! 

Như thế, chắc chắn tại Hội nghị Trung ương VI diễn ra tới đây, 175 Ủy viên BCH Trung ương sẽ lấy đó là một trong những căn cứ sinh động, quan trọng để thể hiện chính kiến thông qua lá phiếu của mình trước vận mệnh của đất nước và của Đảng. 

Ngày trước Tháng 10 




Sunday, September 30, 2012

NHƯ NGÓNG TÌNH NHÂN...


Ngồi chờ động đất như ngóng tình nhân

SGTT.VN - Hôm nay làm chi? Đó là câu hỏi của đám phóng viên trú tại Quảng Nam. Câu trả lời, là chờ xem có động đất xách ba lô chạy. Ngồi chờ động đất Bắc Trà My như chờ tình nhân.

Nếu rảnh, ngồi chép ra hết những câu nói cửa miệng của người dân địa phương vùng động đất thấy thật thương, nhưng không kém hài hước và chua chát, khi căn nhà của họ đang nứt dần, trông như biểu đồ lòng dân.


Đập chắn thủy điện Sông Tranh 2


Người dân gặp nhau, nhìn nhau hỏi: “Không biết bữa ni có động đất không? Động đất kiểu ni có chết không?”.

Hỏi xong, đàn bà xuống bếp, coi lại hũ gạo còn bao nhiêu, đàn ông ngó lên vách, xem cột long chưa, rồi thở dài, rồi đi vào đi ra, như vừa ngóng con thú dính bẫy như vừa sợ voi rừng hổ dữ bất ngờ xông ra.

Cô giáo Bích Phương ở trường mẫu giáo Hoa Phượng nói: “Em đi tập huấn, được hướng dẫn là núp xuống bàn. Bàn học mẫu giáo, em núp răng vừa? Rồi nói hãy chạy ra sân. Học sinh 20 đứa, em chạy một mình à? Bà con không cho con đi học, vì vặn em một câu cô đảm bảo tính mạng con tôi không? Bó tay. Họ nói đi học cũng chết, không học cũng chết, thôi ở nhà, bỏ làm rẫy vì sợ chết ở rẫy”.

Dân tái định cư thủy điện, mang tiền gửi ngân hàng, đất nổ ầm ầm, sợ tiền bị chôn. Một lãnh đạo nói, làm chi có chuyện rút tiền, đừng nghe phao tin đồn nhảm. Tôi gọi ông giám đốc ngân hàng, ừ, có đấy, mấy người rồi.

Suy luận đơn giản: động đất là sập nhà, mất tiền, thôi thì mang tiền về dắt trong quần, người đâu của đó, nó có nổ thì tiền cũng không văng. Ông Huỳnh Tấn Sâm, cựu Bí thư huyện, ngao ngán: “Hoảng loạn rồi! Người có tiền xuống Tam Kỳ mua đất, đưa con đi học chỗ khác. Đồng bào thiểu số vốn rất sợ các thế lực siêu nhiên, nay càng rúm ró”.

Nhưng người Kinh nào có kém. Thầy giáo Nguyễn Trần Duy, tổng phụ trách đội trường THCS Chu Huy Mân nằm ngay miệng đập, nói: “Mẹ em nhắn bà con dưới Tam Kỳ đừng có lên thăm, động đất chết đó”.

Đời sống xáo trộn, nhân tình thấp thỏm, cơ quan nhà nước thì ùn việc lên vì suốt ngày lo động đất, học sinh không dám đến trường. Ôi là mệt, nhưng có quyết được gì đâu, cứ đứng lên ngồi xuống, rồi kiến nghị nói vòng nói thẳng. Rồi chờ.

Tôi nhớ đâu chừng năm 2000, tôi đến Trà Đốc. Ngay sát ủy ban xã có một cây hoa gạo cao chót vót, đứng bên này cầu treo nhìn sang, trông như tấm thảm đỏ ối rực lửng lơ trong ráng chiều.

Hôm kia đi lại, vẩn vơ chuyện cũ, nhớ cây hoa đã trôi theo chuyện san ủi nổ mìn làm thủy điện lâu rồi, nhưng sao cứ nhớ như chén rượu làm quen của mặt người gặp một lần rồi mãi mãi xa.

Hoa cỏ giờ cũng ngẩn ngơ theo nhiệt kế lòng người đêm ngày lên xuống. Chuyện động đất, thủy điện len vào trong giấc ngủ, bữa ăn, tiệc tùng, họp hội, vượt ranh giới tỉnh huyện, lên cả sóng đài nước ngoài.

Bỗng dưng cái huyện nghèo một thời nổi tiếng với quế Trà My, sau im ắng đi bởi quế ngã oạch mất uy vì lẫn lộn quế bắc kém chất lượng, nay nổi tiếng trở lại từ ông chủ tịch huyện đến dân chỉ vì cái thủy điện nứt thấm rồi động đất cái đùng.

Từ tháng 3 đến giờ, đoàn đến đoàn đi, chuyên gia này nọ, những phát biểu thăng trầm ngắt quãng hay trượt dài theo từng cơn động đất, theo từng vết nứt khe nhiệt, cuối cùng động đất vì cái gì, nó sẽ ra sao, vẫn nói chưa xong.

Và như thế, ai cũng trở thành nhà khoa học, thành cư dân mạng, thích gì nói nấy, cản cũng không nổi. Có người bỗng dưng nổi máu quan điểm, rằng coi chừng bị nhiễu, bị lợi dụng.

Quá tào lao! Cái đập to chình ình, hết bộ này đến ban kia, cả Chính phủ cũng vào cuộc chứ phải cây kim sợi chỉ chi mà dấu diếm, thế mà cứ lấp lửng.


Sự hoảng sợ của người dân, có đánh động được lương tâm của người có trách nhiệm?



Hôm rồi đọc báo thấy báo cáo đánh giá tác động của động đất ở đây, được chủ đầu tư đặt hàng các nhà khoa học, chỉ nghiên cứu động đất cực đại, không đụng chi đến động đất kích thích khi tích nước thủy điện.

Thế mà lâu nay các vị phát biểu nói như thật. Nhiễu lớn rồi đấy, quan điểm gì ở đây, chỉ dùm coi?

Lấy làm lạ vô cùng. Cả nước quan tâm đến cái hồ chứa 730 triệu m3 nước dùng làm thủy điện của một doanh nghiệp, mà đến lúc này như chuyện tình đến đoạn chia ly cứ giùng giằng đi ở, bước đi một bước giây giây lại dừng.

Được cái đập thì mất lòng dân. Mất lòng dân là mất tất cả. Lòng dân không yên đâu phải do dân không yên… Nguyễn Trãi từng nói như thế. Vậy được đập hay được dân? Đây là ván cờ sinh tử, không có chuyện nước đôi hai ngả hai dòng.

Đó là tôi lục trong sổ tay lời của dân vùng rung chấn. Lời của họ trôi theo ly rượu đắng lòng cuối ngày bên cái hồ ngày trước, vốn là chốn mưu sinh vì nổi tiếng cá chình đen bóng thịt dai và thơm trú ẩn dưới vực sâu, nướng lên chấm muối với ớt núi và tiêu rừng rượu uống đến lạng quạng đổi giọng từ Quảng Nam sang Huế mà không chịu đứng lên.

Từ ngày có động đất ầm ầm liên tiếp, lượng rượu tiêu thụ ở Trà Đốc, Trà Tân, Trà Bui giảm hẳn. Một ông bảo, không dám say đâu, sập nhà, chạy không nổi. Bà vợ cười rân.

Vừa an toàn đập vừa an toàn dân. Đó là câu cửa miệng của chủ đầu tư lẫn quan chức ngoài tỉnh, chứ ở đây từ trưởng thôn đến bí thư tỉnh ủy, thảy rằng dẹp cho rồi cái thủy điện quá làm khổ dân.

Tôi đã một lần cùng ông Sâm cựu bí thư huyện đi xuyên đêm vào vùng tái định cư Trà Đốc từ năm 2010. Một ông già người Cor than quá khổ rồi, liệt kê ra một dãy nhấp nhô. Ông Sâm không nói không rằng, bước vào cái bếp bé tin hin, lấy trên vách xuống 1 cái chiêng ám khói và vỗ.

Chủ nhà lẫn vợ nhảy theo. “3 năm rồi không đánh chiêng, vì mất làng rồi, đâu có cúng làng mở hội chi đâu” - ông già nói như khóc. Tiếng chiêng bị mắc kẹt giữa mấy bức tường phên liếp, nghe như nghẹn lại, tức tưởi. Xong, ông già ra ngồi cầu thang. Đón điếu thuốc từ tay tôi, ông nói: “tao nhớ trầu”.

Làng cũ trồng trầu. Ở đây ai cũng ăn trầu. Trầu của người Cor đi vào sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, kể “người man vùng cao Quảng Nam mang trầu cau xuống chợ phủ Hà Đông” (tức Tam Kỳ bây giờ - người viết) bán. Về vùng tái định cư, đất đâu trồng trầu, đành nhịn thèm.

Thủy điện này làm hết 5.000 tỷ, không dễ gì người ta buông bỏ và cũng chưa có tiền lệ như thế bao giờ, vì thế trước sau gì cũng phải thuộc bài sống chung với động đất?

Tôi đi qua cầu treo nối Trà Tập và Trà Đốc, nhìn lên thân đập lạnh lùng bê tông, nhớ hôm xin được vào bên trong hầm như đi vào hang động, mờ mờ ảo ảo, mình thì mù kiến thức thủy điện, chủ nói chi hay nấy, chỉ bực mình lâu nay bị cấm cửa chẳng có phép tắc nào, nay bảo chống thấm xong rồi cho vào xem để đưa tin, tôi dặn mình đưa tin không khéo là bị chửi bị gán PR nuốt tiền của chủ.

Sự hoảng sợ của người dân, có đánh động được lương tâm của người có trách nhiệm? .

Khối nước trên đầu đâu phải bỗng dưng mà có. Nó đi từ đỉnh Ngọc Linh, ngọn chủ sơn của đất Quảng Nam, qua những bản làng ẩn mình trong mây mù buốt giá, những tộc người muôn đời chỉ biết sấm chớp chứ chưa hề nghe tiếng nổ từ lòng đất bao giờ.

Dòng nước ấy thuở có đất trời đã nuôi nấng bao sinh linh khi còn là những con suối như sợi chỉ lách mình qua khe đá giữa rầm rộ rừng già, có lúc phóng đãng như con thú mùa động đực khi vừa ra cửa sông, đã hoài thai bao kiếp sống, can dự vào bao giấc mơ của đời người miền núi, rồi đưa nước về đến tận Cửa Đại xa xôi, bây giờ đến đây chưa thoát ra hẳn khỏi rừng đã bị chặn lại.

Mạch đã bị chặn rồi. Nghĩ đến đây chợt thấy hụt như bước lỡ chân, bởi lòng đã không ít lần dậy lên ý nghĩ sẽ viết một bài từ Cửa Đại đến Ngọc Linh. Lại nghĩ bắt mạch lòng đất nào phải chuyện chơi, như thuở mô tê phương đông trọng phong thủy.

Món yểm bùa nước ta có đâu từ thuở Cao Biền sang, nhưng vị quan người Trung Quốc kia cũng thất bại. Bắt trúng mạch là chuyện hay rồi, nhưng cách trấn mạch mới là chuyện vượt thiên cơ, thắng thua đâu cũng ở lòng người, bởi được cho người này thì tàn mạt kẻ kia, thiếu một chữ nhân tâm, là hỏng.

Cho nên không lấy làm lạ là dân Trà My, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kỳ vọng vào các nhà khoa học, nhưng ngỡ ngàng vì những con số họ đưa ra đi kèm những phát ngôn lúc bổng lúc trầm.

Nhưng cốt yếu ở chuyện này, là việc khoán trắng cho người có tiền, họ thích mời ai, làm gì, mặc. Vì thế mới có chuyện “đặt hàng” nghiên cứu. Mà đã như thế, nhà khoa học chẳng có tội nợ gì. Có người bảo đó là lỗ hổng pháp lý.

Tôi thì nghĩ đó là sự vô trách nhiệm và vô tâm trước sinh mạng của bao người. Tôi cho anh làm để anh bán điện, thu lãi, nhưng đổi lại, tôi cột chặt anh thực hiện đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, buộc phải thực hiện, giám sát và quy trách nhiệm rõ ràng cả người thuê làm lẫn người làm thuê, chứ không thể thả nổi ai làm chi thì làm.

Thủy điện này đã dính “chàm” chỗ đó rồi, bây giờ sửa sai làm sao? Nhìn cái thân đập ngạo nghễ trêu ngươi thế kia, nhớ chuyện lâu rồi mái hiên của sân bay Charles de Gaulle tại Paris bị sập, người ta triệu hồi ngay ông kiến trúc sư đã định cư 30 năm ở Mỹ về, bắt tội. Còn ở ta thì sao?

Ai cũng mệt mỏi vì thủy điện này rồi. Vở kịch nào cũng có hồi kết. Một ngày không nghe động đất, rảnh ngồi chơi, nhưng lại hỏi không biết dưới lòng đất sâu kia, mạch đất như dây cháy chậm bén lửa, cháy hết sẽ nổ cái ầm, có khi sắp bắt đầu rồi đấy, bèn nhắn tin hỏi có chi không, bên kia thằng bạn đang ở Trà My nhắn lại đang nhậu với mồi là động đất…

Theo Đăng Nguyên/Tiền Phong



_________________________________






'Cần có tự do báo chí'


Đọc báo
Báo chí phản ánh hiện thực xã hội
"Con người luôn tò mò về thế giới xung quanh, và luôn khát khao hiểu biết những sự kiện tác động tới cuộc sống của họ...".


Đó là câu đầu tiên trong bài giảng Lịch sử báo chí (1) của một tiến sỹ trường đại học Northern State, thành phố Dakota, nước Mỹ.
Lịch sử báo chí kể rằng: tin tức có cơ hội được phổ biến rộng rãi nhờ phát minh ra in ấn của Gutenberg vào năm 1456, và tờ báo đầu tiên (2) xuất hiện ở châu Âu vào thế kỷ thứ 17 – Tờ Oxford Gazette, ra đời tháng 11 năm 1665 tại Anh, đã mở đầu cho kỷ nguyên báo chí.


Vai trò của báo chí


"Báo chí là công cụ tốt nhất cho việc mở mang trí tuệ của con người, và nâng con người lên trở thành có lý trí, phẩm hạnh, và mang tính xã hội." (Thomas Jefferson) (3)

Với vai trò đưa thông tin trong mọi lĩnh vực của đời sống, ở mọi nơi, báo chí góp phần to lớn vào việc đem lại hiểu biết, tri thức cho con người. Những hiểu biết, tri thức ấy giúp con người làm chủ cuộc sống, làm chủ xã hội, và là thành tố tạo nên một xã hội tiến bộ và văn minh.

Vai trò của báo chí chỉ được đảm bảo trong một nền báo chí lành mạnh, ở đó có các tiêu chí về tính chân thực, tính chính xác, tính trách nhiệm, tính vô tư, tính công bằng, và tính khách quan.

Đó là những tiêu chí mà bất cứ tờ báo nào cũng phải theo đuổi, tuân thủ, đề tồn tại và nhằm mục đích thúc đẩy xã hội phát triển.

Làm thế nào để xây dựng được một nền báo chí lành mạnh?

Trước hết, cần có những nhà báo có đủ tài năng, và hội đủ những phẩm chất của nghề báo, trong đó có "Liêm Sỉ".

Sứ mạng cao cả của nhà báo chỉ thực hiện được khi họ là những nhà báo chân chính, được tự do tác nghiệp, được bảo vệ bởi một xã hội dân sự biết tôn trọng sự thật, bởi tòa án và pháp luật công minh.
Không gian tự do tác nghiệp, hay sự tự do báo chí, là điều kiện tiên quyết cho nền báo chí ấy.


Sự tự do báo chí

"Mọi người có quyền tự do quan điểm và tự do thể hiện, quyền này bao gồm việc giữ quan điểm mà không bị can thiệp, và truyền đạt ý kiến, tin tức bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào, bất kể biên giới".

Đó là điều thứ 19 về tự do ngôn luận, trong tổng số 30 điều của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (4), mà tất cả quốc gia thành viên Liên hợp quốc có trách nhiệm phải tuân thủ, trong đó có Việt Nam.

Trên căn bản đó, tự do báo chí có thể được phát biểu với 4 điểm:
• Tự do xác định mục tiêu
• Tự do tìm kiếm thông tin
• Tự do phản ánh hiện thực xã hội
• Tự do phản biện

Luật báo chí của nhiều quốc gia trên thế giới và luật báo chí Việt Nam đều có điều khoản ghi rõ rằng báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in và phát hành (5).

Quy định pháp luật là vậy, còn thực tế? Không khó để nhận thấy rằng: không có (hoặc có rất ít) sự kiểm duyệt báo chí ở các quốc gia dân chủ và tiến bộ, ngược lại, có (không ít) sự kiểm duyệt báo chí ở Việt Nam (!).


Báo chí thế giới

Mỹ và Thụy Điển là hai quốc gia điển hình quy định rất rõ các điều luật về báo chí, vai trò của báo chí được thực sự coi trọng, và sự tự do báo chí được đảm bảo.

Tại Mỹ, Hiến pháp Hoa Kỳ, nền tảng của hệ thống chính quyền Mỹ, chắc sẽ không được 13 tiểu bang sáng lập liên bang phê chuẩn năm 1791 nếu không có 10 điều tu chính, gọi là Đạo luật về Dân quyền, nhằm bảo vệ quyền tự do cá nhân.

Không phải là một điều ngẫu nhiên mà quyền tự do phát biểu của báo chí đã đứng hàng đầu trong số các khoản tu chính này. Một phần trong khoản Tu chính Thứ nhất được viết như sau: "Quốc hội sẽ không được đưa ra một luật nào giới hạn quyền tự do ngôn luận hay quyền tự do báo chí." (6)

Tại Thụy Điển, một trọng tâm chủ yếu là nguyên tắc mọi người dân đều có quyền tiếp cận với mọi tài liệu chính thức, "nguyên tắc này vô cùng quan trọng đối với các phóng viên trong khi tác nghiệp và điều tra, đặc biệt khi họ xem xét việc thực hiện quyền lực của chính phủ và các cơ quan công quyền, nhưng đồng thời đó cũng là một nguyên tắc rất quan trọng của một xã hội cởi mở và là một công cụ hữu hiệu để theo dõi và ngăn chặn tham nhũng." (7)

Gần chúng ta, "ở Philippines, công nghiệp truyền thông hoàn toàn do tư nhân nắm giữ. 70% cơ sở đào tạo truyền thông cũng thuộc về tư nhân. Ở Campuchia, người nước ngoài cũng được ra báo, điển hình là tờ Phnom Penh Post. Đến như vương quốc hồi giáo Brunei chỉ có 3 đài truyền hình thì một là của tư nhân với 13 kênh." (8)


Báo chí tại Việt Nam

Tại Việt Nam, đảng Cộng sản quản lý báo chí, thông qua Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương và Bộ Thông tin & Truyền thông. Hơn nữa, hầu như trong bất cứ tờ báo nào cũng tồn tại cái gọi là "chi bộ đảng", như một nút kiểm soát.

Bí thư chi bộ đảng Cộng sản tại các tờ báo thường là một Phó Tổng Biên Tập, nhiều khi có quyền hành lớn hơn Tổng Biên Tập. (9)

Điểm qua một vài sự kiện của báo chí Việt Nam trong vòng 5 năm trở lại đây, không thể không đặt các câu hỏi về tính vô tư của các cơ quan báo chí, về tính minh bạch của các cơ quan điều tra, và những bất thường trong các "vụ xử lý sai phạm".

Ngày 01/8/2008: Bảy nhà báo Việt Nam bị thu hồi thẻ nhà báo, trong đó có Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên - Nguyễn Quốc Phong, và Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - Bùi Thanh, vì những "vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động và thông tin trên báo chí." (10).

Tuy nhiên, truyền thông trong nước không nói rõ vi phạm của những nhà báo này là gì.

Ngày 11/6/2008: Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời. VnExpress và VTC đã đăng tin này cùng ngày, song bản tin đã bị gỡ xuống không lâu sau đó. Ngày hôm sau, đồng loạt các báo đăng tin, hầu như ở cùng một thời điểm. Đâu là nguyên do của sự chậm trễ? Và, tại sao không có lời giải thích nào cho sự chậm trễ được đưa ra?

Ngày 12/5/2008: Hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) đã bị khởi tố vì "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" (Điều 281, Bộ luật Hình sự ), trong khi theo Luật báo chí, khi đưa tin sai, nhà báo và tờ báo có trách nhiệm đính chính, và nếu gây thiệt hại cho cá nhân hay tổ chức nào đó, thì họ phải bồi thường theo pháp luật dân sự. (11)

Giữa năm 2007, nhiều phóng viên của nhiều tờ báo đưa tin về các vụ tham nhũng (Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong,...) đã bị Cơ quan An ninh Điều tra triệu tập trong khi không được thông báo cụ thể, mà chỉ được biết một cách chung chung rằng: cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước và lợi dụng quyền tự do dân chủ liên quan tới các bài báo viết về vụ PMU 18 và vụ siêu lừa Nguyễn Đức Chi. (12)

Ngày 5/1/2005, phóng viên Lan Anh, báo Tuổi Trẻ đã bị Cơ quan An ninh Điều tra khởi tố về hành vi "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" vì một mẩu tin, đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 20/5/2004: "Đề nghị thanh tra toàn diện Công ty Zuellig Pharma", dựa theo một tờ trình của Bộ Y tế. Tuy nhiên, việc điều tra sau đó đã bị đình chỉ, do không đủ cơ sở pháp lý để kết tội phóng viên. (13)

Ngày 25/10/2004, công văn 3923/VHTT-BC được đưa ra nhằm xử lý sai phạm trong việc đưa tin về vụ nhập khẩu gần 80 xe Mercedes để phục vụ hội nghị và sau đó bán với giá ưu đãi cho các cá nhân. Sau đó Tổng biên tập VnExpress bị mất chức. (14)

Liệu Việt Nam có quyền tự do báo chí theo như quy định trong điều 69 Hiến Pháp Việt Nam?

Liệu nền báo chí Việt Nam có thể thực hiên tốt vai trò của mình khi "được" đảng Cộng sản quản lý?

Liệu nền báo chí VN có dám đột phá để thực sự trở thành nền báo chí lành mạnh, để không còn là công cụ, hay cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản hay không?


Theo BBC