Friday, March 21, 2014

CON SÃI Ở CHÙA PHẢI QUÉT LÁ ĐA...






Thái tử Nguyễn Thanh Nghị

(từ blog Người lót gạch)

Thuận Văn


Đã có khá nhiều phản ứng nặng thiên kiến quanh việc Nguyễn Thanh Nghị được “ẵm” lên bệ phóng quyền lực và đã đến lúc chúng ta cần tỏ ra công bằng, thử đưa ra một biện giải khách quan và khoa học, khả dĩ nói lên tinh thần “công năng chủ nghĩa” trong chuyện o bế chính trị mệnh danh “quy họach” hay “cơ cấu” này. [1]

Tính chất công năng này, trùng hợp thay, cũng ngụ ý “quy hoạch” và “cơ cấu” về mặt ngôn từ nhưng với một nghĩa lý khác hơn. Nghĩa lý ấy sẽ tìm hiểu sau bởi, để đầu đũa ngọn ngành, chúng ta cần bắt đầu từ nhân vật mà, danh chính ngôn thuận, kẻ o hay người được bế ấy không thể không thề thốt học hỏi thật lòng, học đến tận cuối cuộc đời. Đó là cố lãnh tụ Hồ Chí Minh, người mà họ phải một điều hai điều “cha già dân tộc”.

Cố lãnh tụ ấy, sinh thời, khá là sắt son trong việc học tập “cha già”… nước Mỹ, cố Tổng thống George Washington. Khỏi phải đào sâu trong Hồ Chí Minh tuyển tập dày cộm, chỉ liếc sơ qua đã thấy ông học vị tổng thống đầu tiên nước Mỹ như thế nào rồi, từ việc hệ trọng quốc gia đến việc hệ trọng đời người. Ông học trong Tuyên ngôn độc lập. [2] Rồi ông học việc gia phả, tông đường. [2] Tiểu sử chính thống cho biết ông không vợ không con nên không người kế thừa quyền lực. Mà theo những tiểu sử phi chính thống loại “phản động” nhất thì, ít ra, ông cũng có một đứa con trai vô thừa nhận. [3] Đằng nào cũng vậy, ông giống hệt Washington ở khoản không người kế tục quyền hành.

Nếu không học Washington thì, như là nhà chính trị đầy viễn kiến, có thể nhìn trước thời đại theo một số lời ca tụng, rất có thể ông đã tiên nghiệm được điều mà Stephen Kinzer đã viết vào năm 2011, giữa những diễn biến nóng bóng của Mùa Xuân Ả Rập: các nhà độc tài không nên có con trai. Trong bài “Dictators’ Sons, From Egypt to Libya, Are Doomed” (Con cái những nhà độc tài, từ Ai Cập đến Libya, đều tận số), đăng trên trang mạng The Daily Beast ngày 2 tháng Chín năm 2011, Kinzer khuyên các nhà độc tài rằng họ không nên có con trai, nếu lỡ có ra thì hãy siết cổ trừ hậu họa [4]. Kinzer viết, xin lược dịch:

“Con cái của những bạo chúa thường góp phần gia tốc tiến trình sụp đổ của cha mình. Chỉ cần hỏi Mubarak. Tổng thống Hosni Mubarak ở Ai Cập mất sạch quyền lực trong ô nhục phần nào là do ông ta không lưu ý đến một bài học ẩn khuất trong lịch sử, đó là các nhà độc tài không nên có con trai. Nhưng phần lớn đám độc tài này lại có. Điều đó lại góp phần thúc đẩy việc đánh mất quyền lực của họ hay sự sụp đổ đất nước của họ.


Người Ai Cập có thể nén lòng cam chịu thêm một thời gian nữa nếu như ông Mubarak già nua không huỵch toẹt tuyên bố rằng ông muốn trao quyền lại cho con trai mình, Gamal Mubarak. Trong toàn bộ những hành vi kiêu ngạo của ông Mubarak thì không có gì sỉ nhục người dân Ai Cập bằng cách cho rằng trong 80 triệu dân chỉ có Gamal Mubarak mới xứng đáng làm nhà lãnh đạo đất nước. Chỉ đơn giản vì ông ta muốn nên Gamal sẽ lên cầm quyền, chả cần đến lá phiếu của người dân.

Chưa đầy một tuần sau các vụ phản đối ở Ai Cập, Tổng thống Ali Abdullah Saleh ở Yemen phải ra mặt thề thốt là, có ra đi, ông ta sẽ không đưa con trai mình, Ahmed, lên làm tổng thống. Cùng lúc, Quốc vương Abdullah ở Jordan, mới vừa kế vị cha mình, đã ra tay giải tán chính phủ trong nỗ lực củng cố chế độ. Xem ra hiện tại triều đại Abdullah này có vẻ vững chãi cũng giống như ở Saudi Arabia, thế nhưng càng ngày quan niệm cho rằng con trai có quyền thừa kế quyền hành hầu như tuyệt đối của cha mình, càng mất dần sự ủng hộ.

Một số ít con cái các nhà độc tài vẫn tiếp tục giữ được quyền lực kế thừa từ cha ông, như Bashar al-Assad ở Syria và Kim Jong Il ở Bắc Hàn. Nhưng đa số chế độ khác thì thất bại thê thảm. Đặc biệt là Phi châu với rất nhiều thí dụ. Con trai của Idi Amin, Daniel Arap Moi, và Jomo Kenyatta không thể giữ quyền lực mà cha họ cố trao lại. Gần nước Mỹ hơn, Jean-Claude ‘Baby Doc’ Duvalier, nhậm chức Tổng thống Haiti sau khi cha qua đời nhưng không thể nào giữ được; các nỗ lực giành lại chính quyền của ông ta trong thời gian qua đã bị ngăn cản rất nhiều vì trí nhớ người dân không chỉ in hằn sự tham nhũng và tàn bạo dưới thời ông ta mà cả của thời của cha ông ta nữa. […]

Các nhà độc tài phải làm gì để thoát khỏi lời nguyền này? Có ba chọn lựa. Một là ‘sợi dây lụa’ từng được các giáo vương của Ðế quốc Ottoman ưa chuộng. Họ cho giết con trai của mình – siết cổ bằng sợi dây lụa để tránh đổ máu vì máu hoàng tộc quá thiêng liêng – để trừ hậu hoạ. Trông thì tàn bạo thật nhưng giới ủng hộ truyền thống này cho rằng số người chết vì nó quá nhỏ so với số người thiệt mạng trong các cuộc chiến giành ngôi ở Âu châu.

[…] Giải pháp thứ hai là không có con. Ðó là con đường của George Washington – một số sử gia cho rằng việc mắc bệnh đậu mùa lúc thiếu thời khiến ông tuyệt tự – và điều này có thể có một ảnh hưởng lớn lao với lịch sử Mỹ. Tư tưởng quân chủ vẫn rất mạnh trong thời Washington và ông nhận được sự sùng bái của công chúng đến nỗi nếu có con trai, có thể sẽ có nhiều áp lực để đưa người con lên làm tổng thống. Ðiều đó có thể đã đưa nước Mỹ đi theo một hướng hoàn toàn khác.

Khi thắc mắc là tại sao Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia thịnh vượng nhất trong thế giới Hồi giáo tại Trung Ðông, chúng ta không nên bỏ qua sự thể là lãnh tụ khai quốc, ông Kemal Ataturk, cũng không có con. Cũng giống như Washington, ông được cả nước ngưỡng mộ và có thể dễ dàng cho con trai mình kế nghiệp. Thay vào đó, cũng như Washington, ông ta nhẹ nhàng rút lui khỏi quyền lực để dân chủ rộ nở trên đất nước mình.

Còn có giải pháp thứ ba: đẻ con gái thay vì con trai. Lịch sử cho thấy rằng con gái của các nhà độc tài có khuynh hướng trở thành những nhà lãnh đạo giỏi, nhiều khả năng. Trong số này, ta có thể kể bà Megawati Sukaroputri ở Indonesia, bà Benazir Bhutto ở Pakistan, bà Sheikh Hasina ở Bangladesh, và bà Indira Gandhi ở Ấn Ðộ. Có vẻ như họ thừa hưởng được khả năng lãnh đạo và vận dụng quyền lực của cha mình, và dẫu không vượt qua thói tham nhũng, họ có khuynh hướng cởi mở hơn, dễ dàng chấp nhận thoả hiệp hơn và không bị lôi kéo vào những trò chơi đầy kích thích tố như đua xe, ma túy và tra tấn.

Ðáng tiếc cho Mubarak là đã quá trễ để dùng đến ‘sợi dây lụa’ và ông ta cũng không có con gái”.

Tính đến lúc đó, tháng Chín năm 2011, thì đã quá trễ cho Mulbarak nhưng nếu tính đến bây giờ, tháng Ba năm 2014, có trễ chút nào đối với cha con nói trên, và với bộ máy quyền lực của họ hay không?

Không đoái hoài đến lời khuyên của Kinzer đã đành, nhưng khi mà phong trào “Học tập Bác” đã ầm ĩ từ bao nhiêu năm nay, lẽ nào họ không mảy may biết rằng người khai sinh ra chế độ mình đã thực sự ngộ được điều ấy, y như là người khai sinh nước Mỹ? Như là những học trò “xuất sắc” của Bác, ắt họ phải biết. Biết Bác mà không chịu học Bác thì, ắt hẳn, họ đã tìm ra bài học khác hay hơn; thứ bài học như là bảo bối, một “anti-dote” có thể xoá sạch “lời nguyền con trai”, bảo đảm rằng con trai của những nhà chuyên chế cũng có thể nối ngôi và góp phần bảo vệ quyền lực của nhà mình.

Trên khía cạnh này chúng ta hãy có thể nhìn ra “công năng” của Nguyễn Thanh Nghị qua lời khuyên mà Matt Ford đã đưa ra trong những ngày sôi động tại Ukraine vào trung tuần tháng Hai. [5] Trong bài “A Dictator’s Guide to Urban Design – Ukraine’s Independence Square and the revolutionary dimensions of public spaces.” (“Hướng dẫn của những nhà độc tài về thiết kế đô thị – Quảng trường Độc lập của Ukraine và những chiều hướng cách mạng của những không gian công cộng”, đăng trên tờ The Alantic 21.2. 2014, tác giả này nhận định:

“Ukraine có kích thước tương đương với tiểu bang Texas của Mỹ nhưng trong suốt ba tháng qua phong trào phản kháng ngày càng lan rộng của nó, phần lớn, dồn ứ vào không gian của 10 khối phố.



Tên của phong trào, Euromaidan, là một từ mới hình thành từ tiền tốeuro, thể hiện thái độ nhích lại gần hơn với EU và tách xa nước Nga của phe đối lập, với từ maidan trong tiếng Ukraine (gốc từ tiếng Ba Tư và Ả Rập), có nghĩa là quảng trường. Và thuật ngữ này không chỉ biểu lộ vị trí của các cuộc biểu tình ở Quảng trường Độc lập của thành phố Kiev. Ukraine thuộc về châu Âu về mặt địa lý nhưng những người biểu tình còn coi Âu châu như một tư tưởng, hàm ý một ‘nền dân chủ thực sự, với một lực lượng cảnh sát đáng tin và thực tâm tôn trọng nhân quyền’.

Cái tên ấy nói lên một hiện tượng ngày càng phổ biến: quảng trường công cộng đóng vai tâm chấn cho sự bày tỏ dân chủ và tinh thần phản kháng, và việc thiếu một nơi như vậy – hoặc các hành động có chủ đích về một không gian như vậy – là cách thức để những nhà chuyên chế dập tắt các nhóm bất đồng chính kiến thông qua việc thiết kế đô thị.

Không phải trung tâm của tất cả các cuộc cách mạng đều ngự tại quảng trường, nhưng những cuộc cách mạng mới đây đã diễn ra như thế, kể cả các cựu cộng hoà Xô viết. Cuộc Cách mạng Hoa hồng Gruzia lật đổ Tổng thống Eduard Shevardnadze năm 2003 đã xuất phát từ Quảng trường Tự do ở Tbilisi. Năm 2005 những người phản kháng Kyrgyzstan đã chiếm lấy Quảng trường Ala-Too từ tay cảnh sát rồi mau chóng tiến vào dinh tổng thống gần đó, lật đổ Tổng thống lâu năm Askar Akayev. Cuộc Cách mạng Cam của Ukraine năm 2004 cũng diễn ra tại Quảng trường Độc lập, ngay tại nơi mà người biểu tình hiện tại đang đụng độ một cách đẫm máu với lực lượng chính phủ, gây áp lực đòi Tổng thống Viktor Yanukovych phải tổ chức bầu cử sớm và trở lại với hiến pháp 2004.



Tính biểu tượng của quảng trường đã nảy nở thêm tiềm năng mới trong Mùa Xuân Ả Rập. Viết trong những ngày ngây ngất của cách mạng Ai Cập, một thời gian ngắn sau sự sụp đổ của Hosni Mubarak năm 2011, một tiểu luận gia đã hùng hồn giải thích việc Quảng trường Tahrir thể hiện sự đàn áp rộng lớn hơn đối với xã hội dân sự Ai Cập như thế nào. Quảng trường này được xây dựng lần đầu tiên vào thế kỷ 19, dựa trên một thiết kế kiểu ‘Paris bên bờ sông Nile’ cho Cairo, sau đổi tên thành Quảng trường Tahrir (Giải phóng) khi nó trở thành tiêu điểm cho các cuộc cách mạng Ai Cập vào năm 1919 và 1952:

‘Trên thực tế, trong những tuần qua, Tahrir đã thực sự trở thành một quảng trường. Trước kia nó chỉ là một vòng xoay giao thông rộng lớn và bận rộn – và lại nữa – hạn chế của nó là hệ quả của việc thiết kế chính trị, từ chính sách không chỉ ngăn ngừa mà còn cấm ngặt việc tụ tập đông người. Theo luật khẩn cẩp – ban hành từ khi Mubarak nhậm chức vào năm 1981 và vẫn chưa được xoá bỏ – thì việc tụ tập chỉ một vài người lớn tại nơi công cộng cũng có thể dẫn đến việc bắt bớ. Như hết thảy những chính quyền chuyên chế, chính quyền Mubarak hiểu được sức mạnh của một quảng trường thực sự, nơi mà các công dân có thể gặp nhau, dạo chơi, tản bộ, tụ họp, phản đối, trình diễn và chia sẻ ý tưởng, và hiểu rằng một midan thực sự – quảng trường kiểu Ả Rập – chính là bản tuyên ngôn vật thể của nền dân chủ.

Ở Tahrir điều này ngụ ý việc dựng hàng rào và phân chia thành những bãi cỏ và lối đi dễ quản lý. Hãy nêu ra một thí dụ nổi bật: cho đến thập niên 60 thì phần lớn quảng trường nằm ở trước mặt Bảo tàng Ai Cập là một bãi cỏ rộng với những lối đi đan chéo và một đài phun nước lớn. Tại đây các gia đình và sinh viên có thể tụ tập cả ngày và, với những đôi tình nhân, nó còn là điểm hẹn hò nổi tiếng giữa trái tim thành phố. Nhưng từ thập nhiên 70 chính quyền đã dựng hàng rào quây kín mà không chịu giải thích rõ số phận của điểm hẹn ưa thích này. Người Cairo suy đoán rằng khu này bị quây lại để xây dựng tuyến xe điện ngầm Cairo Metro hay những dự án hạ tầng cơ sở khác. Đâu đó trong thập niên trước một tấm bảng xuất hiện, thông báo việc xây dựng một bãi đậu xe ngầm nhiều tầng bên dưới. Trong những cuộc phản đối tại Quảng trường Tahrir Square, những người biểu tình đã giỡ hàng rào ra rồi sử dụng làm tấm khiên bảo vệ, ngăn cản các vụ tấn công của đám lưu manh ủng hộ Mubarak — và việc tháo giỡ này cho thấy chẳng có một công trình xây dựng nào như hứa hẹn. Quả là một di sản đô thị của Mubarak.’

Bề mặt của Cairo đã biến Quảng trường Tahrir trở thành một địa điểm lý tưởng để tung ra một cuộc cách mạng. Toạ lạc tại trung tâm thành phố lớn nhất của Ai Cập, Tahrir nằm sát quốc hội, tổng hành dinh đảng chính trị của Mubarak, dinh tổng thống, nhiều toà đại sứ nước ngoài, và các khách sạn đầy phóng viên quốc tế để có thể truyền phát hình ảnh của các cuộc biểu tình đến với khán giả khắp thế giới. Sau khi Mubarak bị hạ bệ, các quảng trường rộng rãi ở các thủ đô Ả Rập khác cũng đã trở thành các đấu trường cách mạng tương tự. […]

Trong nhiều đường hướng thì người Pháp đã đi đầu trong việc áp dụng việc thiết kế đô thị với mục tiêu chính trị. Vào những năm đầu thế kỷ 19 thì về căn bản Paris vẫn còn là một thành phố thời Trung cổ, ngộp thở với sự chật chội và thiếu thốn hạ tầng. Tiến trình cải tạo đô thị của Baron Haussmann dưới triều Napoleon Đệ Tam vào các thập niên 1850 và 1860 đã mang lại cho Kinh thành Ánh Sáng một hệ thống cống rãnh hiện đại, các công viên ngoại ô xinh đẹp và một hệ thống trạm xe lửa. Ông ta cũng chộp lấy cơ hội này để triệt phá các khu ổ chuột ô hợp, tống khứ những cư dân cùng khổ về vùng ngoại ô và thay thế những ngả hẻm chật hẹp bằng những đại lộ thoáng đãng. Trong trường hợp xảy ra nổi dậy, như đã diễn ra trong những năm 1789, 1830, và 1848, nhà cầm quyền Pháp hy vọng rằng những con đường rộng hơn sẽ vừa làm khó những nhà cách mạng Paris trong nỗ lực thiết lập hàng rào chướng ngại, vừa tạo thuận lợi để các đội hình binh lính Pháp tiến vào đàn áp.

Kiểu tính toán đó vẫn tiếp tục cho đến tận hôm nay. Năm 2005, nhóm quân phiệt cầm quyền Miến Điện dời trụ sở chính quyền từ Yangon, một thành phố rực rỡ sắc màu của 5 triệu người, tới Naypyidaw nằm sâu trong nội địa với mục đích an ninh. Biệt lập với các khu dân cư khác, dân số Naypyidaw – chủ yếu là các giới chức chính quyền và quân sự – chỉ dành thời gian tối thiểu ở thành phố hoang vắng kỳ lạ này. Các giới chức Miến tuyên bố gần một triệu người sống ở đây, dù con số thực sự có thể thấp hơn thế, rất nhiều.

Hai năm sau đó, năm 2007, khi cuộc Cách mạng màu Vàng Nghệ nổ ra thì các cuộc biểu tình lớn làm rung chuyển các thành phố Miến Điện khác không bao giờ diễn ra ở Naypyidaw, và những tên quân phiệt vẫn tiếp tục nắm quyền lực sau một cuộc đàn áp nhanh chóng nhưng tàn bạo. Thậm chí cả khi dân số thành phố đã đủ lớn cho các cuộc biểu tình thì chúng sẽ diễn ra ở đâu? Những đại lộ rộng rãi phân ranh giới các khu dân cư dành riêng cho quan chức, không có quảng trường công cộng hoặc một nơi chống để làm trung tâm tụ tập cho những người dân cứng cổ hay hiền lành. Thậm chí dinh tổng thống còn được bao quanh bằng một hào sâu và một ký giả đã mô tả thành phố này như là một ‘nền độc tài trên phương diện bản đồ học’.

Trong khi đó thì Tổng thống Nursultan Nazarbayev của Kazakhstan lại dời ghế ngồi quyền lực của mình về Astana, sâu trong thảo nguyên Kazakh, thành phố tràn ngập những đường nét kiến trúc vị lai khiến khách viếng thăm hoa cả mắt. Tổng thống Nga Vladimir Putin thì tìm cảm hứng trong quá khứ: từ năm 2008 ông ta đã khôi phục truyền thống duyệt binh hoành tráng của thời Xô viết ở Hồng trường của Moskva nhằm biểu dương sức mạnh. Vẫn chưa rõ ý ư? Chính quyền Arab Saudi sử dụng Quảng trường Deera ở Riyadh để tiến hành các các vụ chặt đầu, công khai và chính thức.

Những nơi khác thì tinh vi hơn. Ở Bình Nhưỡng, thủ đô hà khắc của nhà nước toàn trị cuối cùng trên thế giới, sự tuân phục răm rắp đã lộ ra theo từng khối bê tông kềnh càng thô vụng. Chỉ những công dân trung thành nhất của Bắc Hàn mới được phép cư ngụ trong những chung cư giống hệt nhau của thành phố, đặc điểm chung của phong cách thiết kế đô thị Stalinist. Thành phố lớn nhất của Bắc Hàn định hình với ‘những tượng đài lớn của một thứ thẩm mỹ đầy khả nghi rải khắp thành phố, nối với nhau bằng những đại lộ kiểu Haussman rộng một cách vô nghĩa lý và những quảng trường khổng lồ nhưng trống rỗng, không một bóng người. Không gian công cộng chỉ tồn tại để tôn sùng nhà nước và cá nhân những lãnh tụ họ Kim.

Nếu sự trương phì quá mức của không gian công cộng có thể là điều xấu thì Quảng trường Thiên An Môn của Trung Quốc là vi phạm tệ hại nhất. Như một nghịch lý, quảng trường lớn thứ tư trên thế giới này có thể xem như là ‘sự đối lập với không gian công cộng’ như Tim Waterman và Ed Wall đã viết trong cuốn sách của họ về kiến trúc cảnh quan. ‘Quy mô toàn trị’ của Thiên An Môn đã khiến ‘các cá nhân trở nên nhỏ bé và buộc họ cảm thấy phục tùng quyền lực nhà nước. Đó là không gian phù hợp nhất cho việc duyệt binh với súng đạn chứ không phải để công chúng thưc sự tham gia vào đời sống thường nhật của đô thị.’ Cuộc đàn áp bằng xe tăng đối với các nhà dân chủ tại quảng trường này vào năm 1989 là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng những cuộc biểu tình quy mô lớn có thể thất bại như thế nào.

Không phải nhà độc tài nào cũng thành thạo việc thiết kế đô thị. Việc tái thiết kế đại quy mô thủ đô Bucharest của lãnh tụ độc tài Nicolae Ceauşescu ở Rumani trong những năm 1980 đã xoá sạch một phần năm diện tích thành phố lịch sử này để dựng nên một mớ hổ lốn những cấu kiện bê tông, bao gồm cái trụ sở quốc hội lớn nhất thế giới chiếm ngự cả đường chân trời của Bucharest. Không một yếu tố nào trong đó ngăn cản được đám đông vĩ đại phản kháng ông ta sau bài phát biểu tại Quảng trường Cách mạng vào tháng 12 năm 1989. Vài ngày sau đó, Ceauşescu bị tóm cổ, bị kết án, và bị xử bắn. […]”

“Quy hoạch” hay “cơ cấu” để con cái tiếp tục làm vua có thể khiến cho công chúng nổi giận và vấn đề, như Ford đã nêu, không phải là đầu hàng mà là “quy họach” và “cơ cấu” lại không gian đô thị như thế nào để có thể dập tắt cơn giận ấy, tránh khỏi vết xe đổ của Mubarak và Ceauşescu?

Có lẽ, những nhân vật chịu trách nhiệm cao nhất cho tuổi thọ của chế độ toàn trị tại Hà Nội đã tính đến điều này khi ẵm cậu trưởng nam của ngài Thủ tướng đặt vào những cái ghế ngồi quyền lực. Có thể lắm. Tính được cả việc khiêu vũ để ngăn cản một nhúm người hoài cổ, muốn đặt vòng hoa trong ngày kỷ niệm chiến tranh thì, với chuyện hệ trọng như mạng số của chế độ mình, có gì mà họ không thể tính tới? Mà cũng không cần phải tính nhiều lắm, chỉ cần liếc sơ qua cái toát yếu lý lịch, có thể thấy rằng cậu quý tử ấy hội đủ điều kiện để giúp cha cậu, hay chế độ của cha con cậu, không giẫm lên vêt xe đổ nói trên.

Thì cậu ta tốt nghiệp kiến trúc tại Việt Nam. Thì, cậu ta tốt nghiệp tiến sĩ civil engineering tại Mỹ. Ngành đó, ngày xưa, một nửa nước Việt Nam gọi là “công chánh”, và như một chuyên viên công chánh, cậu ta cũng là đồng nghiệp bề trên của những ông những trùm khủng bố cỡ lớn như Osama bin Laden hay Yasser Arafat, vốn là hai kỹ sư công chánh. Đến chết thì bin Laden vẫn còn là một tên khủng bố còn Arafat thì, trước khi gác chất nổ lúc gần cuối cuộc đời, từng là mối ám ảnh khủng bố của thế giới trong thập niên 70 và 80. Như là những chuyên viên công chánh, họ có hiểu biết chuyên môn cần thiết để xác định đâu là nơi phải đặt bom và phải đặt bom như thế nào thì mới đạt tới hiệu suất khủng bố cao nhất.

Tiến sĩ công chánh Nguyễn Thanh Nghị được bế vào những bệ phóng quyền lực, có lẽ, cũng được bế với chủ tâm “hiệu suất khủng bố cao nhất” ấy.

Không phải ngẫu nhiên mà “Mùa Xuân Ả Rập” lại… “diễn biến” thành “Mùa Xuân Nguyễn Thanh Nghị” tại cái nơi mà nhà cầm quyền đang ngay ngáy “chống diễn biến”. Không khí cách mạng ở bên kia càng hực nóng bao nhiêu, đường hoạn lộ của Nguyễn Thanh Nghị ở bên này càng thênh thang bấy nhiêu. Hãy nhớ lại những ngày ê chề của cậu ta trong cuộc đua vào Thành ủy TPHCM trong Đại hội 9 của Đảng bộ này vào thượng tuần tháng Mười năm 2010. Đường đường là trưởng nam của một ủy viên Bộ Chính trị vai vế, cậu ta bị lọai khỏi cuộc chơi một cách nhục nhã khi chỉ nhận được có 17 phiếu trong tổng số 400 phiếu bầu. Đó là chặng đua đầu, là cửa ải bắt buộc trước cuộc chạy đua vào Trung ương theo nguyên tắc “dân chủ tập trung” và, với cậu, tình thế xem ra đã hết đường.

Nói theo các nhà tướng số thì cái mà cậu ta cần lúc này là một “quý nhân giúp đỡ” và ai cũng dễ dàng chụp mũ rằng “quý nhân” ấy phải là người cha quyền lực của cậu mà không chịu để ý đến “Mùa Xuân Ả Rập”. Giữa cuộc đấu đá quyết liệt chốn thâm cung ấy ông cha vai vế cũng chẳng xoay xở được gì nhiều nếu không có cuộc Cách mạng Hoa Lài. Sự không may của cha con những gia đình nhà độc tài Ả Rập lại là cái may của cha con cậu: cha cậu khó mà ẵm cậu vào ngai vàng nếu cách mạng không bùng phát tại vùng đất xa cách ấy.

Chỉ vài tuần sau thất bại ê chề “17 phiếu” ấy thì cách mạng nổ ra. Ngày 18 tháng Mười Hai năm 2010, cuộc nổi dậy tại Tunisia bùng nổ thành cuộc cách mạng và từ đây làn sóng dân chủ lan tràn sang các nước làng giềng, Algeria, Jordan, Ai Cập và Yemen. Chỉ trong vòng mấy tháng đã có mấy chính phủ bị lật hay ít ra hay rung rinh, xuống nước; đã có hàng lọat lãnh tụ từng được xem là bất khả xâm phạm phải lưu vong, bị tước hết quyền hành hay kết liễu sinh mạng một cách thê thảm. Sự dồn dập của không khí cách mạng khiến các chế độ độc tài khác lo sợ và báo động. Bắc Kinh lo sợ và báo động. Hà Nội, cũng lo sợ, báo động và, từng bước từng bước, họ nghĩ lại, họ ẵm cậu ta lên những nấc thang quyền lực cao hơn.

Đầu tiên, tháng Giêng năm 2011, chỉ vài tuần sau khi cách mạng nổ ra tại Tusina, Đại hội toàn Đảng ở Hà Nội đã ẵm Nguyễn Thanh Nghị bế thẳng vào Trung ương như một ủy viên dự khuyết, bất chấp nguyên tắc “dân chủ tập trung”. Không khí cách mạng từ những quảng trường Ả Rập càng nóng lên, cậu ta càng được chú ý, càng được “cơ cấu” và “quy hoạch” cao hơn, đúng với… công năng “quy hoạch” và “cơ cấu” của một chuyên gia công chánh. Tháng Mười Một năm 2011, từ một chân Ủy viên Trung ương “đậu vớt”, hoàn toàn không có kinh nghiệm công quyền, cậu ta được bế vào nội các như một Thứ trưởng chuyên trách việc “chỉnh trang đô thị”. [7]

Điều làm họ nghĩ lại, ắt hẳn, phải là mẫu số chung giữa những “không gian cách mạng” tại các xứ sở như Ai Cập và “công năng” của một chuyên gia có khả năng khủng bố bằng… bê tông.

Thật vậy. Khi bin Laden hay Arafat dùng chất nổ phá tung những khối bê tông, họ đã đánh vào tâm lý của đối thủ, buộc đối thủ phải triền miên sống trong cảnh nhấp nhỏm, bất an. Nhưng khi những nhà cầm quyền Miến Điện, Bắc Hàn, Kazakhstan, Trung Quốc v.v. cho đổ những mẻ bê tông trong các dự án “cơ cấu” hay “quy họach” thủ đô, họ cũng tiến hành cái công việc khủng bố ấy không hơn không kém. Như những nhà cầm quyền nhấp nhổm bất an, họ tìm mọi cách để áp chế sức công phá từ trái tim con người, để đè nén những không gian ở đó con nguời có thể tập hợp lại với nhau, có thể truyền cảm hứng và nuôi dưỡng khát vọng cho nhau. Những đám đông như thế cần sống cho nhau và cho đất nước của mình, nhưng cái mà thể chế bạo quyền đòi hỏi là đám đông kia phải sống cho họ, vì họ, vì riêng cái thể chế của họ.

Chắc hẳn bộ máy cai trị đang nhấp nhổm bất an tại Hà Nội đã ý thức được rằng họ không thể mãi mãi bảo vệ “nhà nước pháp quyền” của mình bằng cách đơn thuần trông cậy những trò du kích đá cá lăn dưa. Họ không thể mãi mãi trông cậy vào những bô cứt hay lọ mắm tôm thối ném vào đám đông hay những cái “condom đã qua sử dụng” ném vào khách sạn. Họ không thể vĩnh viễn trông cậy vào đám đông nhếch nhác, “tùng tam tụ ngũ” mấy ông già hom hem mệnh danh “cựu binh” hay “thương binh”, mồm sặc sụa mùi rượu, lưỡi dẻo quánh những tiếng chửi thề. Và họ cũng không thể vĩnh viễn dựa vào đám “vũ viên” trâng tráo, vừa nhón gót trên những trang sử thương đau nhất, vừa láo ngoáy mông trước mặt một trong những vị vua công lao nhất.

Quá khứ Maoist và kiểu cách mạng “nông thôn bao vây thành thị” đã lùi xa. Mạch sống mới đang bùng nổ tại thành thị với sự trưởng thành của giai tầng trung lưu và khát vọng cháy bỏng về một xã hội dân sự. Mà, với Facebook, với các hình thức cà phê dân chủ, ở quán cóc vỉa hè hay quán ảo Internet, không gian đô thị Việt Nam đang nhân lên đa chiều, rộng hơn mà đậm đặc hơn, sâu hơn mà cao hơn, tiềm tàng sức bật cho một cuộc cách mạng đô thị. Và đó là điều đã khiến những nhà toàn trị tại Hà Nội nhấp nhổm bất an và họ, nói theo ngôn ngữ của chính họ, nhận ra nhu cầu phải “nâng” cái chiến thuật cũ nát của mình lên “một tầm cao mới”. Từ tính chất phi quy ước và tủn mủn xưa cũ, họ phải hướng tới một tầm cỡ “quy ước “ hơn. Họ phải “quy hoạch” và “cơ cấu” lại đô thị để tạo ra những kiến trúc đô thị mang tính “phản cách mạng” hay “phản giải phóng”, không giẫm lại vết xe ở Bucharest hay tại Cairo, có thể bảo đảm rằng Mubarak vẫn có thể tiếp tục cầm quyền cho dù nhân dân Ai Cập đùng đùng nổi giận trước việc “quy họach” hay “cơ cấu” Gamal Mubarak làm người kế vị.

Từ đầu chúng ta đã nhắc đến “công năng chủ nghĩa”. Và chúng ta đang nhắc đến “kiến trúc đô thị” nên, do đó, không thể không nhắc đến Le Corbusier, một trong những nhà kiến trúc vĩ đại nhất của thế kỷ 20, cha đẻ của trường phái Functionalism với phát biểu nổi tiếng “Nhà là một cái máy để ở”. Nếu nhà là một thứ máy để ở thì đô thị, với các nhà toàn trị, và có thể thấy qua những gì đã trình bày ở trên, sẽ là một thứ “máy” để đàn áp và khủng bố. Nếu “cỗ máy đàn áp – khủng bố” của chế độ toàn trị đã chằng chịt với những bộ máy đoàn thể, tuyên truyền, công an, mật vụ nhà tù hay cái condom và bô cứt v.v. thì nay sẽ có thêm những mẻ bê tông, với ông thứ trưởng bê tông đang được ẵm vào một bệ phóng chính trị khác để từ đó còn lên cao hơn nữa.

Đó chính là tính chất “công năng chủ nghĩa” trong việc ẵm bế chính trị bất kể nguyên lý dân chủ tập trung.

Trong bài viết trên Kinzer đã tiếc thay cho Mubarak là “đã quá trễ để dùng đến ‘sợi dây lụa’ và ông ta cũng không có con gái”. Nhưng trai hay gái, đó là số phận, là trời cho chứ không phải là chọn lựa và, hôm nay là thế kỷ 21, không một người dân nước nào thể chấp nhận một lãnh tụ siết cổ con mình. Có tiếc, Mubarak chỉ nên tiếc là đã không cho con trai học nghề khủng bố bằng bê tông như cậu trưởng nam của ông Thủ tướng nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

[7]

Nhưng tiếc cái học của con chỉ là chuyện nhỏ và đáng ra thì Mubarak phải tiếc cho cái học của mình. Tiếc đã không khiêm tốn. Tiếc chỉ nhắm mắt tin tưởng vào ưu thế chính trị phù du trước mắt mà không chịu nhìn trước nhìn sau, không chịu nhìn cùng khắp thế giới và nhìn sâu trong lịch sử để học, để mang lại những cái hậu hay hơn, riêng cho mình và chung cho đất nước, cho nhân dân của mình.

Cái đó, chúng ta gọi là “vô hậu”. Mà, trong lối chửi nhau của người Việt, đặc biệt là với người Huế vốn khét tiếng chửi có tích tuồng và bài bản thì “vô hậu” là tiếng chửi cay nghiệt nhất, độc ác nhất.

Và đau đớn nhất….

19.3.2014

___________

Chú thích

[1] Nguyễn Thanh Nghị được cử làm phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang. Đây là một phần trong quyết định của Bộ Chính trị và Ban Bí thư: “luân chuyển cán bộ về địa phương” để “chuẩn bị một bước về nhân sự lãnh đạo cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị ở Trung ương nhiệm kỳ tới”.

[2] Tác giả chính của ban Tuyên ngôn độc lập Mỹ là Thomas Jefferson nhưng người chính thức tuyên bố là George Washington, tại New York City ngày 9.7.1776.

[3] Bùi Tín, “Hồ Chí Minh và đứa con rơi Nguyễn Tất Trung”, RFA, 2007

[4] Stephen Kinzer. “Dictators’ Sons, From Egypt to Libya, Are Doomed”, The Daily Beast, 2011

[5] Trên thực tế thì các giáo vương chỉ giết anh em mình – đặc biệt là anh em cùng cha khác mẹ – để bảo vệ ngai vàng. “Tập tục” sơi dây lụa này chỉ bắt đầu khi Murad III (1546 –1595) lên ngôi vào năm 1574, về sau về sau biện pháp dây lụa này được thay thế bằng giải pháp giam cầm trong cấm cung.

[6] Matt Ford, “A Dictator’s Guide to Urban Design – Ukraine’s Independence Square, and the revolutionary dimensions of public spaces”, The Atlantic, 21-2-2014

[7]http://amc.edu.vn/tin-tuc-su-kien/tin-thoi-su-chuyen-nganh/669-hoi-nghi-tham-van-y-kien-du-luat-quan-ly-phat-trien-do-thi-hoi-nghi-tham-van-y-kien-du-luat-quan-ly-phat-trien-do-thi.html

[8] Gamal Mubarak học quản trị hành chánh, lấy bằng MBA và làm việc trong lĩnh vực ngân hàng trước khi tham chính.

© 2014 Thuận Văn contra


http://www.procontra.asia/?p=4103

đọc thêm:
Công khai danh sách cán bộ luân chuyển (BBC). – Thông báo 44 cán bộ Trung ương luân chuyển (RFA).

Monday, March 17, 2014

Nói thật cho nhau nghe! (Kỳ 1)




(cóp pi từ Quê Choa)

Sắc Ly & Minh Ẩm 


Xin được thưa mấy lời mở đầu
 
Trong sự phát triển đa dạng và liên tục của đời sống xã hội, với hàng triệu triệu cư dân đủ các giai tầng xã hội, các trình độ, các hoàn cảnh sống khác nhau,... thì luôn có vô vàn cách tiếp cận vấn đề, và sẽ dẫn đến vô vàn nhận thức khác nhau, ở nhiều tầng nấc, đối với thực tiễn. Song vẫn luôn có những tụ điểm của các dòng chảy nhận thức, mà ở đó chúng ta vẫn có thể nhận ra những hiểu biết chung, những tiếng nói chung của số đông cư dân trước những vấn đề lớn và nóng của đời sống xã hội.


Trong đó, đáng chú ý nhất là những băn khoăn, những nỗi niềm suy tư, những điều chưa yên lòng, chưa thông sáng. Những nỗi niềm này đâu có phải dễ dàng bộc bạch và trao đổi ở mọi nơi, mọi lúc, nhất là với những vấn đề được người ta coi là “nhạy cảm”. Khó khăn này chưa có cách giải tỏa hữu hiệu, mặc dù xã hội ta đang được sống trong nền Văn minh Internet. Hậu quả ắt đến là sẽ ngày càng có nhiều người mắc chứng bệnh stress, đời sống tinh thần trong xã hội không bình yên, luôn bị ức chế, căng thẳng,... Hoặc là sẽ có một bộ phận đáng kể cư dân tỏ thái độ bàng quan, vô cảm với thời cuộc, im lặng hoặc mặc kệ, cứ như không liên quan đến mình. Và do đó, rất khó tạo nên sự đồng thuận xã hội cần thiết.

Chúng tôi được may mắn là có nhiều cơ hội tiếp cận với rất nhiều loại đối tượng cư dân trong cộng đồng, từ cơ sở xã phường cho đến cấp tỉnh, và thậm chí trong cả nước. Đó là các môi trường hoạt động, giao lưu, hợp tác,... của các cấp Hội, đoàn thể, tổ chức xã hội,... từ Hội Hưu trí, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu giáo chức,... cho đến các Hội khoa học chuyên ngành, Hội đồng môn phổ thông, đại học, Hội đồng hương, Hội đồng Dòng họ,... và chưa kể đến các mối quan hệ hàng ngày với xóm giềng, cùng như mối quan hệ với giới quan chức đang tại nhiệm nữa. Trong những dịp gặp gỡ, giao lưu đó, chúng tôi đã được nghe khá nhiều chuyện, được biết đến nhiều băn khoăn, trăn trở của người dân, kể từ tầng lớp dân thường không có vai vế gì đáng kể trong xã hội. Mấy anh em chúng tôi xin phép lần lượt kể lại một số ít trong vô vàn những băn khoăn đó để mọi người chúng ta cùng suy ngẫm, rồi tìm cách tự tháo gỡ, tìm cách giải tỏa cho nhau, về cả nhận thức và tình cảm. Từ đó mong sao càng có nhiều người trong chúng ta được sáng mắt sáng lòng hơn, tìm được điểm tựa tinh thần (lẽ sống, triết lý sống, niềm tin,...) để mà sống tốt hơn, để đời sống tinh thần của xã hội ta ngày càng thông thoáng và lành mạnh hơn. Những câu chuyện chúng tôi kể lại ở đây có vẻ như là lặt vặt, tản mạn, tầm thường dân dã, nhưng đều rất thật và đều có một “mẫu số chung”. Đó là niềm khát khao, là ước vọng rất “người”: được sống yên bình, thanh thản, tràn ngập lòng yêu thương, tin cậy nhau, giúp đỡ nhau, chia sẻ cùng nhau, không thủ đoạn với nhau, không lừa dối, không hận thù, không giành giật, tranh cướp lẫn nhau, tin và kỳ vọng vào sự phát triển của đất nước,... trong một thể chế xã hội đúng là dân chủ, công bằng, văn minh thực chất. Hầu hết các câu chuyện đều ở dạng mở, nghĩa là còn dang dở, chưa kết thúc, mà mới chỉ là một sự góp nhặt hiện tượng, gợi mở vấn đề,... để người đọc tư duy tiếp tục. Vì đây là chuyện lượm lặt gần xa rồi kể lại, nhớ đâu kể đấy, nên rất có thể không đảm bảo được tính mạch lạc, lô gích. Mong bạn đọc thông cảm và châm chước để cố nghe được những dòng suy nghĩ thật, những lời nói thật!

1- Câu chuyện thứ 1: Cộng hòa sao lại như còn Vua?

Sau 30 phút đi bộ và tập bài thể dục dưỡng sinh, mấy cụ lại ngồi túm tụm với nhau hàn huyên đủ chuyện. Trong công viên thành phố, tôi cũng tập ở gần đấy nên nghe được câu chuyện hôm nay của các cụ như sau:

- Các cụ có để ý đến tên nước của chúng ta không, ngày trước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bây giờ là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó đều có một từ giống nhau, rất quan trọng nhằm phân biệt với thể chế trước cách mạng, đó là từcộng hòa. Vậy nội hàm của nó là gì?

- Cộng hòa là một thể chế chính trị mà quyền lực tối cao thuộc về cơ quan dân cử, tức là Dân là chủ, khác với thể chế quân chủ do Vua nắm quyền lực tối thượng. Hiểu nôm na là trong thể chế Cộng hòa thì không có Vua, không do Vua cai trị, mà do DÂN làm chủ đất nước.

- Như thế là Cộng hòa luôn gắn liền với Dân chủ (DC), do vậy nên Cụ Hồ mới đặt tên nước ta ngay sau Cách mạng tháng Tám là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Hầu hết các nước hiện nay đều không còn Vua, cả thế giới hình như chỉ còn 17 quốc gia vẫn theo thể chế quân chủ ở các mức độ khác nhau, tức là còn Vua, dù với vai trò cai trị toàn diện hay một phần, hoặc chỉ là danh nghĩa, hình thức.

- Nhưng hình như đa phần các nước không còn Vua vẫn không đặt tên nước là Cộng hòa...., như Việt Nam chúng ta?

- Điều quan trọng không phải ở tên gọi có cái từ cộng hòa hay không, mà là phải xem ở nước đó người ta hiểu và thực hiện DÂN làm chủ đất nước như thế nào (mọi quyền lực đều ở nơi Dân) để khác biệt với Vua cai trị (Vua có quyền lực tối thượng).

- Thế thì ở Việt Nam ta hình như chưa phải là thể chế cộng hòa, còn nhiều chuyện không khớp giữa lý thuyết và thực tiễn, cứ ngẫm đến mỹ từ cộng hòa lại thấy buồn! Có lẽ phải để cho Dân được bàn nhiều về vấn đề này!

- Chỉ cần nêu những hiện tượng dễ thấy nhất vẫn xảy ra thường ngày cũng có thể nhận rõ nghịch lý này thôi.

Thế là sau đó các cụ đều liên tục và sôi nổi đóng góp các hiện tượng mà các cụ gọi là “trái khoáy”, khó chấp nhận đối với một thể chế có tên là cộng hòa!

- Hãy nhìn lại xem những chuyện “đại sự” của cả nước (hay của một địa phương) được bàn và quyết ở đâu? Dân đâu có quyền đó. Đại biểu của Dân (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp) thực chất cũng không có cái quyền đó. Cứ xem cơ chế hoạt động của các tổ chức này là biết, bởi vì mọi chuyện đã được quyết xong xuôi ở Bộ Chính trị (hoặc cấp ủy Đảng) rồi, đưa ra Quốc hội (hay Hội đồng Nhân dân) chỉ là hình thức, nhằm pháp chế hóa các việc mà Đảng đã quyết! Sự lãnh đạo của Đảng như vậy thì đâu có phải là tạo điều kiện để Dân được làm chủ đất nước như báo chí vẫn nói, và do đó lại như đã ngầm phủ định bản chất cộng hòa, vừa nêu ở trên? Theo cơ chế đó thì Đảng là tối thượng, nắm giữ quyền lực cao nhất, chứ đâu phải là Dân, chẳng khác gì Vua ngày xưa! Chả thế mà ngay cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã phải nói thẳng ra là ở Việt Nam ta đang có Vua tập thể!

- Lại nhìn đến khâu cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp, tức là tầng lớp quan chức, thì cũng là chuyện ngược với lý thuyết. Dân đâu có quyền chọn cử cán bộ, tất cả đều do Đảng quyết: phải là Đảng viên, phải là “Đảng cử, Dân bầu”,... chưa kể đến chuyện hành lang nhưng là rất quan trọng, đó là phải xem xét theo thứ tự các tiêu chí “Quan hệ” - “Hậu duệ” - “Tiền tệ” - “Trí tuệ”! Trong khi đó thì số đông những người này đều đã và đang ở dạng hư hỏng với các mức độ khác nhau, không thật lòng “Vì Dân, vì Nước”, thiếu cả Đức lẫn Tài, chỉ giỏi chạy chọt và đục khoét, không được Dân tín nhiệm! Kể cả các vị lãnh đạo cao nhất của đất nước (Bộ Chính trị) hay của một địa phương (cấp ủy Đảng) thì Dân cũng đâu có được chọn cử, thế mà họ lại là người nắm vận mệnh của Dân của Nước! 

- Một đặc trưng của cơ chế cai trị của Vua là “cha truyền con nối”, “con Vua rồi lại làm Vua”, mà ở các thể chế cộng hòa ngày nay chỉ còn thấy ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Thế mà Hiến pháp sửa đổi 2013 của chúng ta vẫn tiếp tục tái khẳng định điều 4 (vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội), thì đó là cái gì, nếu không gọi là sự thể hiện tư tưởng cai trị phong kiến như nói ở trên (tuy rằng không trơ trẽn và cực đoan như ở Triều Tiên). Đảng Lao động Việt Nam thời cụ Hồ khác xa, khác hẳn Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay. Đảng ngày trước xứng đáng với vai trò lãnh đạo đất nước, được Dân tin yêu. Đảng ngày nay vẫn cố bám lấy danh nghĩa Đảng của cụ Hồ, nhưng bây giờ đã biến chất quá nhiều, vừa thiếu năng lực vừa thiếu một tấm lòng vì Dân, đã bị mất lòng tin ở nơi Dân, thì sao còn xứng đáng với vai trò như trước đây nữa, Dân có ủy thác cho Đảng vai trò này nữa đâu, mà là do Đảng tự nhận đấy chứ! Không thể tìm thấy cái lý lẽ vững chắc, minh bạch và có sức thuyết phục để khẳng định được sự tiếp nối đương nhiên này! Mặt khác, với sự tái khẳng định như vậy, nhưng lại chưa có Luật về sự lãnh đạo đó, và thực tiễn cơ chế lãnh đạo của Đảng vẫn chưa có sự đổi mới cần thiết theo hướng dân chủ hóa. Với thực trạng đó thì cái đặc trưng Dân làm chủ và không có Vua của thể chế cộng hòa vẫn không thể trở thành hiện thực, nó vẫn chỉ là ước nguyện xa vời, là cái “bánh vẽ” đang treo rất cao! 

- Đi kèm theo độc quyền đó là vô vàn các quy định (thành văn hoặc không thành văn) rất chi là “bảo hoàng”, chỉ phục vụ cho những thế lực là “Vua”, hoặc gần “Vua”, hoặc tay chân của “Vua”! Chỉ xin nhắc lại hai chuyện sau đây, tuy không lớn nhưng là chuyện ở tầm quốc gia, cũng đủ để thấy cái vị thế “hoàng tộc” trong thể chế hiện nay, so với cái “danh ảo” làm chủ của Dân:

* Nhân chuyện các vị quan chức cấp cao mất, được an táng tại Nghĩa trang quốc gia Mai Dịch, nhiều người lên mạng tra cứu về nghĩa trang này, mới biết đến các quy định độc đoán và không hợp lòng Dân của Nhà nước ta. Quy định rằng chỉ có các quan chức hàm Thứ trưởng hoặc Ủy viên Trung ương Đảng trở lên mới được an táng ở đó! Thật là vô lý, vì ai cũng biết Nghĩa trang quốc gia chỉ là nơi an nghỉ của những người có công với Dân với Nước. Được an táng ở đây là một vinh dự, như là một sự ghi nhận công lao và đức độ của từng người ở diện này. Sự ghi nhận đó phải từ Lòng Dân, Dân phải thật sự kính trọng và tôn vinh, chứ không thể chỉ nhìn vào chức tước. Số người này đâu có nhiều, bởi vì có phải cứ ai làm đến quan chức cao cấp Trung ương đều là những nhân vật đáng tôn kính và tưởng nhớ đời đời đâu mà đưa vào Nghĩa trang quốc gia. Lâu nay đã có rất nhiều quan chức cao cấp Trung ương hư hỏng, thậm chí phạm tội, hơn nữa con đường thăng quan tiến chức của số đông trong họ đâu có sạch sẽ và quang minh chính đại, bị Dân khinh ghét, thậm chí oán giận. Kể cả những vị đã được an táng ở đó rồi thì cũng có khá nhiều trường hợp không xứng đáng, nên thực tế đã làm mất đi cái thiêng, cái tôn nghiêm và cao cả vốn có của Nghĩa trang quốc gia! Chả thế mà đã có vị lão thành thừa tiêu chuẩn nhưng dứt khoát khước từ “ân huệ” đó, dặn lại con cháu đưa thi hài về quê!

* Hiện nay số đảng viên đã lên đến 3 triệu, đi theo đó là một bộ máy Đảng vô cùng cồng kềnh. Tất cả chi phí cho hoạt động của Đảng đều lấy từ ngân sách quốc gia, tức là từ tiền thuế của Dân. Nhiều năm gần đây lại nảy sinh thêm chuyện tiền thưởng cho các đảng viên tròn 30, 40, 50, 55, 60, 65,... tuổi Đảng, tính bằng tiền triệu đồng/người. Tiền này lại cũng lấy từ tiền đóng thuế của Dân! Thế nên Dân hỏi: Công lao gì với Dân với Nước mà được thưởng? Chả nhẽ chỉ do số năm ngồi trong Đảng nhiều, mang danh hiệu đảng viên lâu năm là đáng tôn vinh và khen thưởng sao? Thật là khôi hài và trơ trẽn! Thực tế là trong số hơn 3 triệu đảng viên hiện nay, ngoài những đảng viên là quan chức các cấp (mà một bộ phận không nhỏ là hư hỏng), thì đa phần chỉ là những công dân bình thường, công chức bình thường. Ai làm việc tốt cho cộng đồng thì đã được xét khen và thưởng theo công việc rồi còn gì? Rõ ràng “đặc lợi” này là một sự lạm dụng, lạm quyền thô bạo quá đáng, với động cơ “mị đảng viên”, là một cách tự “trang điểm” thô vụng cho Đảng, rất không đàng hoàng và trong sáng! Chả thế mà đã có đảng viên lặng lẽ từ chối “đặc lợi” đó, không màng đến việc nhận tiền thưởng này!
Có lẽ câu chuyện về nền cộng hòa của chúng ta còn dài dài, không những đối với các cụ ở Câu lạc bộ dưỡng sinh này, mà cũng rất dài dài đối với mọi người dân Việt Nam, còn tốn nhiều giấy mực và tâm huyết của hàng triệu người!

2- Câu chuyện thứ 2Nhà nước ta bây giờ không đứng về phía người lao động nghèo như thời khởi đầu nữa rồi!

Nhìn vào hiện tượng cũng như xem xét vào bản chất thì quả đúng như vậy. Đặc biệt là với những ai đã từng sống và được trải nghiệm qua thực tiễn đất nước ngay từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, rồi qua hai cuộc kháng chiến, thì nhìn ra điều này rất rõ. Khác lắm, rất khác với những gì đã được giác ngộ, đã từng tin tưởng và kỳ vọng. Từ khó hiểu dần chuyển sang lo buồn và chán nản, thậm chí thất vọng và phẫn nộ! Cho đến hôm nay, theo phát ngôn, theo văn bản thì ai cũng vẫn nghe những tuyên bố rất hay, những mỹ từ rất mát lòng, mát dạ: “đại biểu trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc”, “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, … Cứ như tuyên ngôn đó thì ai cũng phải hiểu là Nhà nước ta luôn đứng về phía lợi ích của Dân, đặc biệt là người lao động và người nghèo, luôn bảo vệ lợi ích của người lao động và người nghèo. Nhưng thực tiễn nhiều chục năm đổi mới lại đây thì “nói vậy mà không phải vậy”, ở đâu cũng gặp những nghịch cảnh rất khác! 

Thử nhìn xem hiện nay giai tầng nào thiệt thòi nhất và khổ nhất? Đó là tầng lớp lao động nghèo ở cả thành thị và nông thôn, mà đại diện là công nhân (nhất là công nhân áo xanh, trình độ kỹ thuật thấp) và nông dân. Lương bình quân của công nhân chỉ đủ nuôi sống bản thân ở mức luôn túng thiếu (đến nỗi không đủ tiền về quê ăn Tết hàng năm), chứ không thể tái tạo sức lao động có chất lượng, không thể nuôi nổi con cái. Đời sống công nhân luôn bấp bênh, luôn bị đe dọa bởi thất nghiệp và sự hao mòn sức khỏe cũng như bệnh nghề nghiệp, luôn bị chủ doanh nghiệp bắt nạt và xâm phạm nhân phẩm, bị nợ lương và quỵt các chế độ, không được phép đình công, không được có tiếng nói đủ mạnh đối với giới chủ, không được chính quyền và đoàn thể bảo vệ thật lòng và triệt để,...

Còn thu nhập bình quân của nông dân luôn ở mức thấp nhất trong xã hội; thu nhập bình quân của nông dân nghèo chỉ là 4,2 triệu đồng/năm – số liệu 2013. Nông dân vẫn luôn là bộ phận nghèo nhất và chiếm tỷ lệ áp đảo trong các đối tượng người nghèo của xã hội ta. Chỉ với thu nhập thuần túy nông nghiệp thì quả là không đủ nuôi chính mỗi người nông dân. Năng suất lao động và lợi nhuận từ nông nghiệp Việt Nam tăng tiến rất chậm, và hiện vẫn rất thấp so với khu vực, do không được đầu tư thích đáng về các nguồn lực, không có chính sách bảo vệ cho sản xuất nông nghiệp. Đời sống ở nông thôn và của nông dân vẫn lạc hậu và chậm đổi mới, luôn bị nạn thiếu đói đe dọa, nhất là khi có thiên tai,... Khổ nhất và oan trái nhất là tai họa bị mất đất canh tác, đất ở, do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa vô lối và chính sách thu hồi, đền bù không sòng phẳng và bất công, bị tầng lớp quan tham và cường hào mới các cấp áp bức, ăn chặn! Quyền lợi chính đáng của nông dân không được bảo vệ một cách công bằng và đúng pháp luật!...

Điều đáng chú ý là trong giới quan chức lãnh đạo và quản lý các cấp hiện nay, không còn ai thuộc hai giai tầng này nữa, hoặc đã biến chất hoàn toàn, mất gốc hoàn toàn, về cả mặt kinh tế và ý thức hệ! Họ đã trở thành người của “phía bên kia” rồi, nhưng họ vẫn luôn tự vỗ ngực là mang bản chất giai cấp công nhân, là đại biểu trung thành cho quyền lợi của người lao động!

So với trước đây thì vị thế kinh tế và chính trị của cả hai giai tầng này đều bị hạ thấp đến mức thảm hại. Thực tế thì giai cấp công nhân không còn là giai cấp lãnh đạo, và cả hai giai cấp này không còn là chủ lực quân của sự nghiệp đổi mới, như trong giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc nữa. Thực tế thì họ đã và đang trở thành tầng lớp đáy của xã hội, về kinh tế thì bị bóc lột nặng nề nhất, và ngày càng bị bần cùng hóa! Tổ chức Công đoàn và Hội Nông dân tuy về danh nghĩa vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng hoạt động rất hình thức, rất kém hiệu quả, nhất là trong chức năng bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động! Tiếng nói của hai tổ chức này không có trọng lượng trên các diễn đàn chính trị, dân sự cũng như trong các tranh chấp kinh tế - xã hội! 

Trong khi đó, cũng từ khi đất nước đi vào đổi mới, thì trong xã hội ta đã và đang hình thành một giai tầng mới, đối lập với hai giai tầng nói trên, có thế lực ngày càng mạnh cả về kinh tế và chính trị. Đó là tầng lớp người giàu mới, mà thành phần chủ yếu là các doanh nhân và quan chức tham nhũng. Một giai cấp mới đã ra đời, đó chính lại là giai cấp mà chúng ta đã đánh đổ nó trong hai lần cải tạo xã hội chủ nghĩa ở cả hai miền Nam, Bắc. Thực chất thì họ chính là những nhà tư bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó bộ phận “tư bản đỏ” là rất nguy hiểm. Đa phần thành viên của tầng lớp này giàu lên rất nhanh chóng bằng những thủ đoạn kinh doanh bẩn thỉu, phạm luật hoặc lách luật, dựa trên sự bóc lột và gian lận (phải khẳng định là đa phần, bởi vì vẫn có những doanh nhân biết làm giàu chính đáng bằng chất xám sáng tạo và đạo đức kinh doanh chân chính, nhưng số này không nhiều và thường không trụ được lâu dài, thường bị cô lập). Họ cũng giàu lên từ tham nhũng, ăn cắp tài sản nhà nước, rửa tiền bẩn rồi đầu tư trở lại qua cổ phần,... Có những nhà “tư bản đỏ” tuy không trực tiếp tham gia kinh doanh nhưng luôn đứng đàng sau, làm hậu thuẫn cho giới chủ, họ góp cổ phần, họ cung cấp thông tin, họ tham mưu xây dựng chính sách có lợi cho giới chủ, họ tham gia tháo gỡ bế tắc khi giới chủ gặp khó khăn, để rồi được “lại quả”. Cho nên có thể nói phương thức làm giàu chủ yếu của người giàu thời nay là kinh doanh hoặc liên quan đến kinh doanh, đa phần là lối làm ăn không đàng hoàng, minh bạch, tử tế. Nhưng họ lại được nhà nước ta khoác cho chiếc áo rất đẹp: tầng lớp Doanh nhân! Họ có hẳn một ngày Doanh nhân Việt Nam, họ đang được đề cao một chiều, được tôn vinh quá mức, như là lực lượng cứu tinh cho nền kinh tế, như là một lực lượng chính trị quan trọng số 1 của đất nước! Theo đó, lực lượng này đang thao túng đất nước ngày càng sâu, cả về kinh tế và chính trị. Thực tế thì đã và đang có một sự cố kết chặt chẽ giữa thế lực nhà giàu và giới quan chức hư hỏng, một sự cố kết nguy hiểm và luôn tiềm ẩn một nguy cơ khó lường! Giai cấp tư sản mới có thế và lực mạnh hơn rất nhiều, cả về kinh tế và chính trị, so với tầng lớp tư sản trước đây đã bị đánh đổ. 

Trong thực tiễn đổi mới nhiều chục năm nay, nhà nước ta thường luôn đứng về phía lợi ích của tầng lớp giàu, đối xử thiên vị so với công nhân, nông dân và người lao động nghèo. Chỉ cần xem lại hai chuyện: Chuyện nhà nước lấy đất của nông dân giao cho các nhà đầu tư (nhà giàu), dưới danh nghĩa phát triển kinh tế - xã hội. Dựa vào đó mà các ông bà đại gia này thả sức phát triển kinh doanh quy mô lớn hơn, đa ngành hơn và tiếp tục làm giàu, hoặc để rồi sau đó họ lại được giới quan chức “bật đèn xanh” phân lô bán lại đất kiếm lời gấp bội (tất nhiên có sự chia chác lợi nhuận). Để rồi từ đó mà hàng triệu nông dân trở thành thất nghiệp, tha phương kiếm sống! Rồi chuyện nhà nước làm ngơ trước nạn bóc lột và áp bức của giới chủ đối với công nhân, rồi lại cấm công nhân đình công! Thực tế thì lợi ích của tầng lớp doanh nhân mới luôn gắn liền với lợi ích của giới quan chức tham nhũng, của các nhà “tư bản đỏ”, tạo nên các nhóm lợi ích trong giới quan chức và trong xã hội, đương nhiên là cả trong Đảng. Những hoạt động xóa đói giảm nghèo, từ thiện, hỗ trợ người nghèo,... mà họ tham gia với cộng đồng chẳng qua chỉ là những “động tác giả”, họ chỉ cần chi ra một chút xíu lợi nhuận khổng lồ, để hòng che mắt thế gian cái bản chất làm giàu bất chính của bọn họ, và mong xoa dịu sự bất bình của người dân trước thái độ bênh che người giàu, bạc đãi người nghèo của nhà nước mà thôi! Ở nước ta trong nhiều chục năm nay, tầng lớp doanh nhân và “tư bản đỏ” (giàu, cực giàu) càng tăng lên, đi cùng với tầng lớp trung lưu ăn theo (khá giả) cũng nhiều lên đáng kể, thì tầng lớp lao động nghèo, mà đại diện là công nhân và nông dân, lại càng rơi vào tình trạng bần cùng hóa (cả tương đối và tuyệt đối), khoảng cách thu nhập càng doãng xa nhanh và hố sâu ngăn cách giàu - nghèo càng tiếp tục tụt sâu hơn! Khoảng cách giàu - nghèo này cũng đang dần trở thành khoảng cách khó lấp, thậm chí thành sự đối lập, giữa Dân với Đảng! Bọn họ thì ngày càng giàu lên, còn ngân sách đất nước càng bị thất thoát, thất thu, các loại nợ trong nợ ngoài ngày càng chồng chất để lưu lại cho các thế hệ con cháu trong tương lai! Chưa kể đến những thảm họa về môi trường ô nhiễm, tài nguyên cạn kiệt, đạo đức xã hội băng hoại! Đó đang và sẽ là bộ mặt hiện thực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang theo đuổi một cách thiếu tỉnh táo, thiếu trí tuệ, và thực hiện một cách méo mó, mà ai cũng phải gọi đó chỉ có thể là một xã hội tư bản chủ nghĩa hoang dã. Và giai cấp tư sản mới hiện nay đúng là loại tư bản man rợ, chứ không phải là tư bản văn minh của xã hội hiện đại!

Nếu cứ tình hình như thế này thì tương lai đất nước sẽ ra sao đây, bao giờ thì đến chủ nghĩa xã hội, ai dám bảo đảm nhà nước và Đảng vẫn là chỗ dựa của công nông, và vẫn dựa vào công nông, vẫn là của Dân, do Dân và vì Dân, vẫn ngày càng gắn bó máu thịt với Dân?!

Trên đây chính là nội dung chủ yếu của câu chuyện tâm tình thường ngày giữa các thành viên nhóm hưu trí xóm tôi, phần đông là nữ, trong đó có người nguyên là công nhân, có người là cựu giáo chức, là cựu chiến binh, có người nguyên là cán bộ tuyên giáo, là nhân viên hành chính, có người nguyên là cán bộ y tế,... nhưng đều đang có con cái làm công nhân hoặc đi xuất khẩu, đều có bố mẹ và họ hàng là nông dân ở quê. Họ luôn băn khoăn, lo lắng cho tương lai, họ ngao ngán trước thực trạng của bà con họ hàng là lao động nghèo! Họ luôn trao đổi để mà an ủi nhau thôi, chứ vẫn không tìm được lời giải đáp thỏa đáng!

3- Câu chuyện thứ 3Tiền sạch và tiền bẩn?

Đây lại là chuyện của bọn trẻ mới lớn, tuy ngây thơ nhưng lại nêu lên một vấn đề xã hội nóng bỏng, lại ẩn chứa một triết lý sống, chưa có lời lý giải rõ ràng, cũng như chưa có cách hóa giải hiệu quả của người lớn, của bề trên. 

Một người bạn vong niên với tôi kể lại cho tôi nghe và nhờ góp ý, về câu chuyện hai ông cháu của ông từ hồi Tết năm ngoái. Tôi xin chép lại một cách vắn tắt lời kể của ông bạn già đó để các bạn cùng đọc và suy ngẫm. 

Từ câu hỏi của thằng cháu (13 tuổi, đang học cấp II), hai ông cháu đã trao đổi như sau:

- “Rửa tiền” là gì hả ông?

- Trong đời sống thường ngày, mọi thức ăn, vật dụng có cái sạch cái bẩn, có lúc sạch lúc bẩn, thứ gì bẩn thì phải rửa đi cho sạch thì mới dùng được. “Tiền bẩn” cũng phải “rửa” sạch thì mới tiêu được một cách bình thường.

- Tiền thì lúc nào chả bẩn, cháu thấy bà bảo vì tiền phải trao đổi liên tục hàng ngày, qua trăm nghìn bàn tay nên đương nhiên là rất bẩn. Do đó sau khi cầm tiền thì phải rửa tay, và luôn nhớ không để tiền lẫn lộn với thức ăn và vật dụng sạch.

- Hiểu như cháu là nghĩa đen của cái bẩn, tức là cái bẩn sinh học của tờ giấy bạc, thì hầu như ai cũng hiểu được như cháu. Còn ở đây, điều mà cháu đang hỏi ông, là về cái “bẩn” của đồng “tiền bẩn” mà người ta phải “rửa” thì lại khác đấy. Chúng ta phải hiểu theo nghĩa bóng của từ đơn “bẩn” trong từ kép “tiền bẩn”, tức là xét đến mặt xã hội của cái “bẩn” trong thứ “tiền bẩn” đó. Điều này không phải ai cũng nhận ra được dễ dàng như cái “bẩn” sinh học mà cháu vừa nói ở trên.
- Ông nói cháu chưa hiểu, sao lại rắc rối thế? 

- Đúng là hơi khó đấy, vì đây là nghĩa bóng của các từ được dùng. Cháu đã học về nghĩa bóng trong Tiếng Việt rồi mà. Thôi được, ông sẽ nói qua ví dụ cụ thể thì chắc là cháu hiểu ngay. Thế này nhé, lương giáo viên của mẹ cháu tuy không nhiều, nhưng đó là những đồng “tiền sạch”, tiền công của mấy bác cửu vạn đang san nền nhà bên kia đường, tuy còn “bèo” nhưng cũng là “tiền sạch”. Còn những đồng tiền của bọn ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp, của bọn buôn gian bán lận, trốn thuế, của bọn quan chức tham nhũng,... thì đều là những đồng “tiền bẩn”. Khái quát lên thì “tiền sạch” hay “tiền bẩn” là do cách kiếm ra nó là “Sạch” hay “Bẩn”, tức là có đúng pháp luật hay không, có hợp đạo lý hay không, có phải do lao động chân chính của bản thân mình hay không,... Nếu cách kiếm tiền là chính đáng, đúng đắn, hợp lẽ, phải đạo,... thì là “tiền sạch”, còn ngược lại thì là “tiền bẩn”. Cũng có một cách hiểu khác, gọn và chưa thấy ai phản bác, đó là: những đồng tiền mà chủ của nó không giải thích được minh bạch nguồn gốc thì đích thị là “tiền bẩn”.

- Cháu tạm hiểu, thế còn việc “rửa tiền” là thế nào?

- “Rửa” tiền cũng phải hiểu theo nghĩa bóng, nghĩa là bọn xấu không thể “rửa” “tiền bẩn” bằng nước như ta rửa tay bẩn đâu. “Rửa” “tiền bẩn” ở đây được hiểu là cách biến những đồng tiền có nguồn gốc phi pháp, bẩn thỉu thành những đồng “tiền sạch” hợp pháp. Vì “tiền bẩn” là tiền phi pháp, nếu tiêu đàng hoàng, công khai thì dễ bị phát giác và bị pháp luật xử lý. Để “rửa tiền” thì đương nhiên là bọn chủ phải tuân theo các thủ tục giao dịch với các cơ quan tài chính, ngân hàng, các doanh nghiệp,... phải dựa vào những kẻ hư hỏng trong các cơ quan đó, phải biết lợi dụng những điều khoản chưa chặt chẽ (kẽ hở) của pháp luật (gọi nôm na là lách luật),... Ví dụ: mang “tiền bẩn” cho con cháu (chuyển vào tài khoản của con, lập sổ tiết kiệm đứng tên con, mua bất động sản để tặng,...), gửi tiết kiệm ở các ngân hàng dưới nhiều tên khác nhau, đầu tư cổ phần vào các doanh nghiệp, lập ra các dịch vụ từ thiện, chuyển ra nước ngoài,... Đáng chú ý là các thủ đoạn “rửa” tiền của các quan chức tham nhũng, thường là đầu tư cổ phần vào các doanh nghiệp nhà nước (được gọi là “sân sau” của họ),... Như thế thì việc “rửa tiền” (và liên quan) đích thị cũng là một hành vi “bẩn”, bị xã hội lên án, và hơn thế còn là một việc làm phi pháp, bị pháp luật trừng trị. 

- Cháu đã hiểu hơn lúc ban nãy rồi, ông ạ!

- Thế do đâu mà cháu biết đến chuyện “rửa tiền”?

- Cháu nghe trên đài và xem trên báo đấy. Và thêm nữa, hôm rồi bọn con trai lớp cháu cứ đổ dồn trêu thằng LN là con nhà “đại gia rửa tiền”, cháu chả hiểu gì cả!

- Đúng là chuyện này đã được báo chí đề cập, nhưng còn quá ít và quá nhẹ nhàng, chưa thấm vào đâu so với sự thật cháu ạ. Đây vừa là chuyện đạo đức, vừa là chuyện pháp luật, và cao hơn chính là chuyện Lẽ sống của con người trong xã hội. Thế giới cũng đầy rẫy những chuyện này, nhưng ở nước ta theo thể chế xã hội chủ nghĩa và luôn nêu cao chuyện học tập đạo đức Bác Hồ mà cũng như vậy thì quả là trớ trêu, là chuyện rất bất bình thường. Hiện nay trong đời sống hàng ngày, chúng ta vẫn đang gặp và tiêu lẫn lộn cả hai thứ tiền này, vì chả có dấu hiệu vật chất gì để phân biệt được. Ông cháu ta nói với nhau như vậy là muốn tìm hiểu mặt bản chất xã hội của đồng tiền, để từ đó chúng ta biết cách kiếm ra những đồng “tiền sạch”, tức là biết cách sống lương thiện, đàng hoàng, biết cách chống lại sự tha hóa nhân cách, trong khi cuộc sống đời thường luôn đầy rẫy các cám dỗ và cạm bẫy! Chuyện “tiền sạch, tiền bẩn” không hề đơn giản đâu cháu ạ. Nay mai cháu lớn hơn, học nhiều hơn thì cháu sẽ hiểu thấu đáo hơn những điều ông nói, và còn phải biết nhiều điều khác nữa ẩn chứa trong đó!

Nghe xong chuyện ông kể, tôi cũng chưa biết nên góp ý với ông thế nào cho đúng với yêu cầu của ông.

S. L. & M. Â.