Saturday, November 2, 2013

VÔ ĐỊCH MUÔN NĂM...






Khi người cộng sản mất phương hướng


Trong bài viết “Ba nguồn gốc và ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác”, Lênin viết:“Trái lại, tất cả thiên tài của Mác chính là ở chỗ đã giải đáp được những vấn đề mà tư tưởng tiên tiến của nhân loại đã nêu ra. Học thuyết của ông ra đời thành sự thừa kế thẳng và trực tiếp học thuyết của các đại biểu xuất sắc nhất cho triết học, chính trị kinh tế học và chủ nghĩa xã hội. Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó chính xác, nó hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thoả hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ áp bức của giai cấp tư sản.” (Giáo dục”, số 3, tháng Ba, 1913).


Đúng 100 năm sau, Chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ còn là mớ kinh sách vẫn được dùng để tụng niệm tại một vài nước châu Á. Khi mà các đệ tử môn phái này đang rã rời, buồn ngủ, mơ màng những bữa tiệc linh đình và tìm cách hưởng thụ những món tư bản khổng lồ cướp được nhờ địa vị thống trị của mình, dưới cái nhãn mác cách mạng và ô che của cái Học thuyết Mác – Lênin “vĩ đại” danh cho giai cấp vô sản kia.



Những thực tế đang diễn ra, đã chứng minh rằng những điều Lênin đã viết kia, đã ca tụng và lăng xê trên, chỉ là những món bánh vẽ và là sản phẩm của những sự hoang tưởng dưới sự kiểm chứng của lịch sử. Họ đã phần nào thành công trong một giai đoạn lịch sử, đã ru ngủ cả chục triệu, thậm chí là hàng trăm triệu người. Nhưng họ đã thất bại trong một quá trình lịch sử, cái lý thuyết huyễn hoặc đó đã nhanh chóng bộc lộ những vô lý và tự hủy. Có thể nói, sự thất bại của Chủ Nghĩa Cộng sản không phải ở chỗ thực hành, mà ngay cả phần lý thuyết cũng đã được thực tế chứng minh là: hão huyền và ảo tưởng.

Việt Nam là một trong ba địa chỉ hiếm hoi còn lại trên thế giới đang tiếp tục bám víu vào thứ hỗn mang này. Hai phần ba thế kỷ bám trụ, đi theo, sáng tạo, kiên định… đủ cả mọi ngôn từ và tốn máu xương hàng triệu người, từng phần lãnh thổ đất nước thì thực tế xã hội hôm nay đã chứng minh được điều gì?

Thực tế của “Ba cuộc cách mạng”


Chủ nghĩa Cộng sản có “một nền sản xuất có năng suất cao hơn hẳn so với nền sản xuất TBCN”

Thay cho “một nền sản xuất có năng suất cao hơn hẳn so với nền sản xuất TBCN” thì năng suất lao động của “phương thức sản xuất XHCN” đã trở thành chuyện hài hước nếu đem so sánh. Thay cho mối quan hệ sản xuất tiên tiến, thì phương thức này đã đẻ ra một mối quan hệ sản xuất sử dụng 30% số người làm việc và 30% số công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về. Đó là những kết luận của quan chức, báo chí Việt Nam tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hôm nay.

Thay cho mối quan hệ sản xuất lấy giai cấp công nhân làm trọng tâm, mọi thành phần được hưởng thụ thành quả lao động xã hội, thì sản phẩm xã hội tập trung vào một đám tư bản đỏ là đảng viên Cộng sản. Chức năng của đám này là bòn rút, tích lũy, phá phách sản phẩm xã hội và là giặc nội xâm của đất nước.

Với mối quan hệ, trình độ sản xuất và năng suất lao động đó, thì đời sống vật chất mà được nâng cao để dần tiến tới “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” là chuyện điên rồ.

Ngoài ra, cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật được coi là “then chốt” thì kết quả thảm hại thay. Cả đất nước không tìm nổi một cơ sở sản xuất chiếc đinh ốc đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế để có thể đảm đương vai trò đại lý sản xuất cho một hãng tư bản con con. Mọi thành quả kỹ thuật của “Phe Xã hội Chủ nghĩa” đều là sự học mót hoặc ăn cắp của “bọn tư bản giãy chết”.

Có lẽ, cần phân tích sâu sắc hơn về cuộc cách mạng thứ 3: Cuộc cách mạng Tư tưởng và văn hóa – Một cuộc phá hủy nền văn hóa lâu đời và niền tin tôn giáo

Khi đảng cộng sản hò hét “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa Xã hội (CNXH), bằng ba cuộc Cách mạng” thì cả nước rùng mình bởi những trận càn vào tâm linh, tôn giáo, văn hóa cội nguồn. Đặc biệt nhất là trong ba cuộc cách mạng, cuộc “Cách mạng Tư tưởng và văn hóa” có chiều sâu nhất đánh vào tâm tư, suy nghĩ, lối sống, đạo đức và tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc.


Đấu tố trong Cải cách ruộng đất

Mở đầu là cuộc Cải cách ruộng đất, một chiến dịch làm tan rã quan hệ sản xuất và nền văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh việc chiếm đoạt công cụ sản xuất, tài sản ruộng vườn của “giai cấp địa chủ”, chiến dịch này còn làm băng hoại những nét văn hóa truyền thống mà để có nó, người dân Việt phải mất hàng ngàn năm chắt lọc và xây dựng. Cuộc “cải cách” đó thực hiện phương châm “Trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ”, nghĩa là mọi thành phần ưu tú của dân tộc đều sẽ bị tiêu diệt.

Bên cạnh việc một tầng lớp người dân bị mất tài sản, thì tư duy cướp tập thể, cướp trắng thành quả lao động bao đời, tư duy bất chấp sự công bằng xã hội xóa bỏ sự lương thiện của con người được công khai du nhập, khuyến khích dưới cái tên mỹ miều: Cách mạng vô sản.

Tiếp đến là cuộc cách mạng vào văn hóa, văn học, báo chí… những công cụ trên mặt trận tư tưởng. Vụ Nhân Văn giai phẩm, hàng loạt tác phẩm bị lên án, thủ tiêu, hàng loạt tác giả bị cầm tù, đày đọa, thậm chí là tù đày đến chết.


Thế rồi, hàng loạt chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ, thánh thất bị triệt hạ không thương tiếc. Khi đó, Đức Chúa, Đức Phật, Thánh, Thần… đều được xếp vào thành phần phản động. Một cuộc “cách mạng vô sản” được thực thi nhằm trục xuất Chúa Trời ra khỏi vũ trụ, trục xuất tư hữu ra khỏi xã hội, trục xuất thần thánh ra khỏi đời sống và trục xuất linh hồn ra khỏi con người.

Tất cả để phục vụ một cuộc “cách mạng văn hóa và tư tưởng”.

Điển hình, là những phe nhóm cộng sản vô thần được đưa vào chùa chiền, lập căn cứ, nhen nhóm các lực lượng vũ trang, chém giết… những hành động hoàn toàn đi ngược lại với chùa chiền là nơi tu tâm phát đức. Còn những chùa chiền khác không có tác dụng cho những việc đó thì bị đập bỏ không thương tiếc.

Điển hình là những thánh thất, nhà thờ, đền Thánh… nếu không được sử dụng cho cuộc bạo lực cách mạng, nếu không bị đập bỏ, thì hạn chế đến mức tối đa dẫn tới tự tiêu diệt. Tiến hành chiếm, cướp, lấn lướt và chèn ép đến mức có thể nhằm trục xuất khỏi đời sống xã hội. Đặc biệt, thay vì những nơi tôn nghiêm, thờ tự, nêu cao tình yêu thương, nhà cầm quyền Cộng sản dùng Nhà thờ, thánh thất làm “Nơi ghi dấu tích tội ác”.

Hậu quả là gì?

Một đất nước kiệt quệ, một xã hội hỗn loạn và băng hoại, không có trật tự, con người xử sự với nhau như dã thú. Đạo đức xã hội suy đồi, những hiện tượng con đánh cha, trò đánh thầy, con chửi bố mẹ… là chuyện cực hiếm trong văn hóa đất nước trở thành chuyện thường ngày. Một xã hội ích kỷ và vô cảm, tệ nạn và đồi trụy được hình thành và dẫn đầu bởi chính cái gọi là “Đội ngũ ưu tú của giai cấp công nhân và dân tộc”.

Năm 1977, Liên Xô – được coi là thành trì của phe XHCN – tuyên bố đã hoàn thành giai đoạn xây dựng Chủ Nghĩa xã hội để bắt đầu xây dựng Chủ Nghĩa Cộng sản. Thế mà chỉ 12 năm sau, cả thành trì xây dựng bao công sức máu xương kia đổ cái rụp không thể nào chống đỡ.

Sau mấy chục năm khẳng định con đường quá độ đi lên Chủ Nghĩa xã hội mà “đảng và bác đã chọn” hộ dân tộc Việt Nam là con đường hiện thực, duy nhất đúng đắn, dần dần các lãnh đạo cộng sản mới thừa nhận sự u mê và hão huyền mơ hồ khi đặt niềm tin vào đó. Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh còn mơ hồ theo kiểu “năm ăn năm thua” rằng:“Chủ nghĩa xã hội sẽ dần dần sáng tỏ”. Còn mới đây Tổng bí thư Đảng Cộng sản ngao ngán thổ lộ: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. Nghĩa là, cứ đi hết thế kỷ này theo con đường quá độ và yên chí là chưa có cái Chủ nghĩa xã hội, còn khi đến đó, nó là cái gì thì sẽ biết. Nếu là quả núi thì leo lên ngồi, nhỡ không may là hố sâu, thì cả dân tộc cứ xuống đó mà lặn.

Niềm tin yếu ớt vào “ngày mai tươi sáng của Chủ nghĩa xã hội” đã nhanh chóng rơi rớt ngay chính từ những người lãnh đạo, từ chính những đảng viên cộng sản. Hàng loạt cán bộ cộng sản cao cấp đến cấp thấp, những người đã tự nhận, được tôn xưng là người cộng sản gộc đã từ bỏ tư tưởng của mình cách này cách khác, bằng hình thức này hoặc hình thức khác, khi thì cá nhân, khi thì tập thể, khi thì một nhóm, khi cả hệ thống. Điều này rất dễ thấy.

Với thể chế đảng lãnh đạo tuyệt đối, luôn nghĩ thay, định hướng thay, lựa chọn thay cho người dân, do vậy khi hàng ngũ đảng viên, lãnh đạo mất phương hướng, thiếu niềm tin, thì xã hội cũng khủng hoảng niềm tin là điều không lạ.

Vì vậy, nó tạo nên sự thất vọng ở ngay chính những thành phần cộng sản, tạo nên sự hoang mang và đó là cơ hội cho thói mê tín, dị đoan phát triển. Bên cạnh đó, chủ nghĩa thực dụng, dối trá cũng được dịp bùng nổ ở mọi tầm cao thấp.

Những chiếc phao cứu sinh vội vàng chắp vá


Tượng Hồ Chí Minh trên bàn thờ Phật ở Đại Nam

Chính sự hỗn mang đó đã tạo ra một thứ tôn giáo hổ lốn theo ý những người cộng sản. Trước hết, đảng khẩn cấp sáng tác ra cái gọi là Tư tưởng Đạo đức Hồ Chí Minh, một sản phẩm mới được sáng tác vội vàng lấp vào chỗ trống khi phe cộng sản sụp đổ và người ta thấy những giòi bọ nhung nhúc trong nội tạng của nó. Môn đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh như một món ăn mới được chế biến tốn kém nhưng bởi những đầu bếp tồi. Không đủ sức thay thế món bánh vẽ ngọt ngào về Chủ nghĩa Cộng sản mà người ta vẫn được ru ngủ, được xài miễn phí bấy lâu nay. Do vậy, đảng tiếp tục chi tiền dân cho việc lũng đoạn tôn giáo hoặc sáng tác các tôn giáo mới. Đó là thứ tôn giáo phục vụ sự tồn tại và cai trị của đảng bằng bất cứ giá nào. Đó là thứ tôn giáo “Đoàn kết Công giáo”, là thứ Phật giáo “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” dần dần bị hủ hóa miễn là đảng nắm được thứ tôn giáo đó từ gốc đến ngọn.

Đó cũng là các thứ tà đạo như tà đạo Hồ Chí Minh, các chùa chiền khổng lồ, các loại ngoại cảm, bói tướng, thầy pháp, đồng bóng, vàng mã… những thứ mà đã một thời là kẻ thù của Chủ nghĩa Cộng sản.

Người ta không cần e ngại đảng có trăm tay, nghìn mắt khi người ta đốt vàng mã hàng trăm triệu đồng. Người ta không sợ hãi khi “gọi hồn” chính ông Hồ Chí Minh – ông tổ Cộng sản vô thần ở Việt Nam lên để mà truy hỏi… Người ta cũng không ngại dùng “nhà ngoại cảm” để gọi hồn Hà Huy Tập, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Phùng Chí Kiên, thậm chí là cả Trần Phú.


Tượng Phật Di lặc ở Chùa Bái Đính và “chiếc áo Kim bào”

Thậm chí, ngay cả khi người ta đúc tượng Thánh Gióng, họ còn đúc cả tim cho tượng Thánh Gióng và tượng con ngựa. Điều đặc biệt hài hước, là ý tưởng này lại xuất phát từ Thủ tướng Chính phủ, một người đã tự hào là đi theo đảng tận 51 năm nay.

Nếu như, những người cộng sản hôm nay còn có niềm tin vào Chủ nghĩa Mác – Lenin, thì những hành động này, là sự phỉ báng công khai cái lý tưởng Cộng sản, cái mà cả đời ông Hồ Chí Minh, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Phùng Chí Kiên, Võ Nguyên Giáp… đã theo đuổi.

Nếu như Các Mác, người đã dành cả đời hoạt động, chiến đấu cho cái “Công”, để rồi khi chết, lại phải chui vào một nghĩa địa “Tư” để nằm, thì những người Cộng sản Việt Nam đã phấn đấu cả đời để chứng minh cho Chủ nghĩa Cộng sản không thần thánh, mà quỷ và linh hồn… đã phải cậy nhờ ma quỷ, thần thánh và linh hồn để tìm lại thân xác mục nát của mình.

Và khi sử dụng những biện pháp này, nghĩa là người ta đã phủ nhận công khai những gì họ nói, rằng Chủ nghĩa Mác – Lenin luôn là sợi chỉ đỏ, là nền tảng tư tưởng của Đảng cộng sản. Hoặc nói cách khác, họ ngang nhiên coi đảng cộng sản mà họ là thành viên chẳng có ký lô giá trị nào trong thực tế.

Thế nhưng, từ chỗ không tin thần thánh, ma quỷ theo chủ thuyết cộng sản, đến chỗ khủng hoảng và vơ váo bất cứ thần thánh nào, miễn giúp họ thực hiện được giấc mơ thực dụng về vật chất và thăng quan tiến chức bằng mọi giá để thỏa mãn nhu cầu đó, họ đã làm băng hoại các tôn giáo để phục vụ mục đích của họ.

Đó là những thể hiện sinh động tình trạng mất phương hướng của người Cộng sản Việt Nam hôm nay.

Hà Nội, ngày 31/10/2013

J.B Nguyễn Hữu Vinh



Friday, November 1, 2013

CẬU NÀO CŨNG LÀ CẬU!




'Cậu Thủy' và 'Cậu Hồ'


CỠ CHỮ

Hằng ngày, tôi vẫn vào các tờ báo mạng ở trong nước, từ lề phải đến lề trái, để đọc tin. Có điều, hầu như chưa bao giờ tôi mở các bản tin về những chuyện như “tâm linh” hay “ngoại cảm”. Với tôi, chúng đều thuộc loại nhảm nhí, không đáng mất thì giờ: vô ích, hơn nữa, còn có thể gây cảm giác bức bối khó chịu: vô duyên. Vậy mà, tình cờ, sáng nay, một người bạn lại hỏi tôi về “Cậu Thủy”. Tôi ngơ ngác, không biết gì cả. Anh mới kể vắn tắt về các “thành tích” của “cậu”. Thấy thú vị, về nhà, tôi vào internet để… làm quen với “cậu”.

“Cậu” tên thật là Nguyễn Văn Thúy, quê ở thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh, sinh năm 1959, năm nay 54 tuổi. Trước, “cậu” làm công an; sau, không biết vì lý do gì, “cậu” về làm dân. Quen thói cũ, làm dân, “cậu” cũng không chịu sống một cách lương thiện: Cậu tàng trữ vũ khí quân dụng và lừa đảo hết người này đến người khác. “Cậu” và vợ “cậu” bị bắt và ở tù hơn 10 năm. Được thả về, mấy năm sau, “cậu” bỗng nổi tiếng là một nhà ngoại cảm xuất sắc và càng ngày càng giàu.

Cái giàu của “cậu” có thể nhìn thấy ngay ở ngôi nhà “cậu” ở: Nhà ba tầng, xây theo kiểu biệt thự, trên nóc có hai con rồng chầu; trước cổng, có hai bức tượng sư tử bằng đá trắng lớn sừng sững rất uy nghi. Trong nhà, nghe nói, các vật dụng đều thuộc loại đắt tiền.

Tiền ấy từ đâu ra?

Trước hết là từ khách hàng của cậu, những người muốn tìm hài cốt hoặc mồ mả của thân nhân. Suốt mấy chục năm chiến tranh, số người chết mà không tìm thấy xác hoặc xác bị vùi vội vã đâu đó trong rừng hoặc trên đồng hoang khá nhiều. Sau chiến tranh, một số người bị tù hoặc bị cải tạo chết và bị lấp dối giá đâu đó dưới lớp đất nông cũng không ít. Thân nhân những kẻ bất hạnh ấy không ngừng tìm kiếm. Cách tìm kiếm được báo chí trong nước quảng cáo nhiều nhất là nhờ các nhà ngoại cảm, trong đó, có “Cậu Thủy”.

Nghe nói khách hàng của “cậu” đông đến độ, lúc nào cũng nườm nượp; nhiều người, muốn gặp cậu, phải ăn chực nằm chờ trước nhà “cậu” cả đến mấy ngày trời. Khi gặp, “cậu” yêu cầu ghi tên người chết muốn tìm để “cậu” gọi âm binh tìm kiếm hoặc nhờ “Mẫu” chỉ giúp.  Sau khi đã được “âm binh” báo cáo, “cậu” cho thuê xe chở gia đình khách hàng đi tìm mộ. Toàn bộ chi phí xe cộ và tài xế cho chuyến đi, khách hàng phải trả, khoảng năm bảy chục triệu. Cuối cùng, sau khi tìm được mộ thân nhân rồi, khách lại phải “hậu tạ” cho “cậu” một số tiền nữa. Nói chung, theo dư luận, muốn đến gặp “cậu”, người ta phải chuẩn bị ít nhất là 150 triệu đồng!

Thứ hai, một số cơ quan nhà nước cũng nhờ “cậu”, trong đó, được đề cập đến nhiều nhất là Ngân hàng Chính sách Xã hội. Cơ quan này đã nhờ “cậu Thủy” tìm kiếm hài cốt và mồ mả của các liệt sĩ. Dĩ nhiên là “cậu” làm được ngay. Tổng cộng, “cậu” tìm được 105 bộ hài cốt; mỗi bộ, được trả 75 triệu đồng; như vậy, “cậu” bỏ túi cả thảy được 7.9 tỉ đồng (khoảng gần 400.000 đô la). Các hài cốt được “cậu” tìm, sau đó, được mang về cải táng trong Nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh một cách long trọng để mọi người thấy rõ là đảng và chính phủ không hề quên ơn những người con đã hy sinh thân mình cho… cách mạng!

Nhưng mới đây, một số nhà báo, sau nhiều năm âm thầm điều tra, đã tiết lộ một sự thật khủng khiếp: những cái gọi là hài cốt ấy chỉ là xương heo hay xương bò mà “cậu” Thủy đã thuê người chôn sẵn. Chưa hết. “Cậu” còn khôn ngoan chôn theo một số bình tông (“bidon”, bình đựng nước) có khắc tên nguệch ngoạc cũng như một số đôi dép cao su. Có điều phần lớn các bình tông cũng như dép cao su ấy còn khá mới. Nhưng không sao. Ngân hàng Chính sách Xã hội vẫn nhắm mắt trả tiền cho “cậu”. Miễn là có cái xương nào đó mang về cải táng trong Nghĩa trang liệt sĩ để thân nhân của họ an tâm và đồng bào khắp nơi đến thắp nhang kính vái!

Trước những sự thật được vạch trần không thể chối cãi được đó, ngày 28 tháng 10 vừa qua, công an đã đến còng tay “cậu Thủy”. Những ngày sau đó, báo chí khắp nơi nhao nhao chửi bới “cậu” là nhà ngoại cảm dỏm (ý là có những “nhà ngoại cảm” thật?).

Riêng tôi, đọc, tôi lại thấy thương “cậu”. Đương nhiên là “cậu” có lỗi, trước hết và chủ yếu là có lỗi với thân nhân những người đã chết. Những người ấy chắc phải thương bố/mẹ/chồng/vợ/con của mình lắm nên trong bao nhiêu năm không ngừng tìm kiếm; đến khi cầm được bộ xương heo/bò ngỡ là hài cốt của người thân, hẳn họ mừng rỡ vô cùng. Đến lúc nhận ra được sự thật, không biết họ sẽ đau đớn đến độ nào? Nhưng dù vậy, tôi vẫn thương “Cậu Thủy” vì, nghĩ cho cùng, tội của “cậu” cũng chả có gì đặc biệt.
Ở Việt Nam, trong thế kỷ 20 vừa qua, có một “nhà ngoại cảm” khác lừa dối nhiều người và nhận được nhiều tiền thưởng bất chính hơn “cậu Thủy” nhiều: Đó là “Cậu Hồ”.

“Cậu Hồ” cũng có tài sai khiến rất nhiều âm binh. “Cậu” cũng có “Mẫu” chỉ vẽ từng đường đi nước bước. “Cậu” cũng đem nhiều xương heo, xương bò, xương chó… ra lừa dân chúng để mọi người tin đó là thánh tích hay xá lợi của các bậc thần linh rồi sì sụp cúi lạy. “Cậu Thủy” chỉ làm 105 bộ hài cốt liệt sĩ giả; “cậu Hồ” chế tạo không những hài cốt liệt sĩ giả mà cả hài cốt quốc tổ giả và thần thánh giả; không những chỉ quy tập trong các nghĩa trang mà còn dựng sừng sững trong các cung điện, lâu đài, dinh này phủ nọ hết sức lộng lẫy và nguy nga. Nhiều bộ xương đến bây giờ vẫn còn ngọ nguậy và phóng uế tùm lum. “Cậu Thủy” chỉ lừa được một dùm người trong có sáu năm; “Cậu Hồ” thì lừa được cả thiên hạ trong gần một thế kỷ.

“Cậu” nào cũng dỏm. Nhưng nghĩ cho cùng, so với “cậu Hồ”, “cậu Thủy” chỉ là một thằng nhóc khôn lỏi. Có gì mà phải làm ầm ĩ chứ? Thôi, tha cho “cậu” ấy đi mấy bạn công an ạ.
Đồng môn và đồng chí với nhau cả mà.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Nguyễn Hưng Quốc

Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.





Tuesday, October 29, 2013

ĐỒ THỐI THA PHỌT PHẸT!






CHỊ KIM TIÊM





( Hình mang tính minh họa - không đúng với sự thật )


Phot_Phet: Xin chào chị Kim Tiêm. Chị đi đâu mà te tái thế?

Kim Tiêm: Tôi đi thẩm mỹ viện tẩy cái mụn ruồi. Hãm tướng quá.

Phot_Phet: Chị chớ dại, mất mạng như bỡn. Chị không nghe anh gì bác sĩ vứt xác chị gì xuống sông khi đi độn mông, hút mỡ à?

Kim Tiêm: Tôi chỉ tiểu phẫu thôi, chết làm sao được. Chứ cứ để cái nốt ruồi trên mặt tôi cũng chết vì nhục.

Phot_Phet: Là sao ạ?

Kim Tiêm: Thì nó hãm tướng tôi và là cơ hội cho bọn mất dạy bảo là con bọ chó trên đống phân bò.

Phot_Phet: Chết chết, lũ khốn. Sao chị lại có thể để chúng dẫm đạp lên hình hài và nhân phẩm thế được?

Kim Tiêm: Tôi quen rồi. Cái nghề của tôi nó khốn khổ lắm.

Phot_Phet: Ấy chết! Chị làm nghề gì mà kinh dị thế?

Kim Tiêm: Tôi làm bác sĩ.

Phot_Phet: Nghề cao quý thế sao lại có thể như vậy được?

Kim Tiêm: Họ còn kêu gào tôi bỏ nghề nữa cơ. Rõ dơ!

Phot_Phet: Sao lại có thể như thế được?

Kim Tiêm: Thực ra là tâm lý đám đông phản ứng vài vụ việc mà anh biết như vứt xác xuống sông, tiêm nhầm thuốc co bóp âm đạo cho trẻ sơ sinh, rồi mấy cái phong bì phong bao hay cảnh nằm chéo cẳng ngỗng trong bịnh viện...Tôi cũng đau lòng lắm, nhưng chỉ là thiểu số và là rủi ro chấp nhận được trong nghề nghiệp.

Phot_Phet: Thế thôi mà cũng ầm lên. Vì lẽ gì, chị nhỉ?

Kim Tiêm: Tại cái bọn nhà báo kền kền ăn xác thối cả đấy. Chúng chửi bọn tôi là sát nhân a, vô đạo đức a, khốn nạn a...Thiếu nước chúng chửi bọn tôi là lũ cô hồn mặt lồn. Xin lỗi anh ( bịt mồm...)

Phot_Phet: Cũng là bác sĩ, chị nghĩ gì về những đồng nghiệp không may kia?

Kim Tiêm: Tôi chả nghĩ gì cả, đứa nào sai đứa ấy chịu trách nhiệm. Tuy nhiên tôi cũng phải mất ngủ mấy đêm.

Phot_Phet: Vì lẽ gì thế ạ?

Kim Tiêm: Tôi xấu, già thế này mất ngủ thì chả thành bô lão. Ấy nhưng lại tốt cho việc cắt cái mụn ruồi. Chả là da mặt tôi hơi dầy, nhăn nheo tý cho tiện tay dao, tay kéo.

Phot_Phet: Chuyên môn của chị là gì?.

Kim Tiêm: Tôi vệ sinh dịch tễ, ý tế dự phòng thôi.

Phot_Phet: Thế mà chị đứng đầu toàn bộ các đóc - tờ quốc gia, vãi mả nhỉ?

Kim Tiêm: Sao anh biết?

Phot_Phet: Tôi nhận ra chị là qua cái mụn ruồi.

Kim Tiêm: Đấy, tôi biết ngay mà. Nó hãm tướng và phản chủ lắm.

Phot_Phet: Thế nên chị đi phá?

Kim Tiêm: Đơn giản là tôi thay tướng đổi vận thôi. Và cũng có thể là đẹp lên.

Phot_Phet: Nhưng cái bản mặt vẫn là của chị. Và người ta vẫn nhận ra.

Kim Tiêm: Khổ thế đấy. Theo anh tôi phải làm gì?

Phot_Phet: Chị nên đại phẫu thay toàn bộ khuôn mặt đi.

Kim Tiêm: Thế thì tôi chết. Như cái chị gì kia chứ chả phải là chuyện đùa.

Phot_Phet: Thì đã sao. Bất quá đồng nghiệp lại vứt xác chị xuống sông là cùng.

Kim Tiêm: Tiên nhân anh. Đồ thối tha phọt phẹt.

Phot_Phet: Rất hân hạnh thưa chị, hi hi hi...




ÔNG BỊP THIÊN HẠ...








(từ Quê Choa)


Tôi hỏi ông CNXH bây giờ là cái gì? Tôi đố ông trả lời được đấy?!


Giáo sư Trần Phương, cựu phó thủ tướng chính phủ
 Lời dẫn của Huỳnh Ngọc Chênh: Tôi được vinh dự nghe giáo sư, phó thủ tướng Trần Phương nói chuyện thời sự một lần. Đó là vào năm 1987, khi tôi là giáo viên trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng. Nhân dịp ông vào công tác Đà Nẵng, ban giám hiệu trường Phan Chu Trinh đã mời ông về nói chuyện cho toàn thể giáo viên nghe.
Lúc đó tôi đang rất hoang mang về "con đường quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội" thì qua bài nói chuyện, ông đã khai sáng cho tôi rất nhiều. Một số nội dung trong bài phát biểu dưới đây là những điều tôi đã được nghe hồi đó, dĩ nhiên, dưới cách nói bóng bẩy, rào đón hơn chứ không thẳng thừng như góp ý với đảng.

 Đây là phát biểu của GS Trần Phương, cựu Phó Thủ tướng Chính phủ, cựu Bộ trưởng Bộ Nội Thương (1981-1982), cựu ủy viên Trung ương Đảng, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam. Phát biểu này của GS Trần Phương tại hội thảo góp ý cho văn kiện Đại hội 11 trước đây, do có liên quan tới phát phiểu gần đây của TBT Nguyễn Phú Trọng về tình hình xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam, xin được giới thiệu cùng độc giả.

GS Trần Phương đã phát biểu như sau: "Thế tôi hỏi ông là: bây giờ ông nói là nền tảng của ông là chủ nghĩa Mác – Lênin thì chủ nghĩa Mác – Lênin là cái gì đây nhỉ? Thế ông không nói đến chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử đâu, cái chuyện đó xa xôi, với các nhà học thuật thôi, có phải không? Thế bây giờ chủ nghĩa Mác – Lênin là cái gì, mà ông nói là nền tảng của ông?

Chúng ta đã trải qua 70 năm (người Việt Nam thì 20 năm) ông xây dựng CNXH theo nguyên tắc mà ông Mác đưa ra, là gì? Chuyên chính vô sản về mặt chính quyền. Thứ hai về mặt kinh tế thì lấy chế độ công hữu làm nền tảng đấy, thu hẹp và xóa dần cái kinh tế tư nhân và thị trường tự do, rồi phân phối theo lao động v.v… Nhưng mà bây giờ ông xem lại tất cả những nguyên tắc đó ông có làm không? Tôi nghĩ ông từ chối rồi còn gì nữa. Có phải không? Khi các ông đổi mới... À, người Việt Nam thì giỏi cái chỗ rằng là ông dùng danh từ để ông lẩn trốn. Ông nói là ông 'đổi mới' nhưng thực ra ông 'thụt lùi'.

Tôi có lần viết cho lời nói đầu một bài viết của anh Đặng Phong về tư duy kinh tế. Tôi nói đổi mới thực chất là ông lùi lại. Ông tiến lên chế độ công hữu như bây giờ đó thì ông phải lùi lại rồi. Ông từ chối cái kinh tế tư nhân nhưng ông phải thừa nhận cái kinh tế tư nhân, thừa nhận kinh tế năm thành phần, nhiều thành phần, thậm chí thừa nhận cả chủ nghĩa tư bản. Thế là ông thụt lùi chứ.

Tôi không gọi là thụt lùi mà là bởi vì cái thời kỳ mà ông xây dựng CNXH từ năm 60 cho đến năm 80 là ông theo cái tư tưởng tả khuynh. Ông theo một cái tư tưởng giáo điều mà cái điều này tôi nói là ông Mác sai, ông Mác sai dự kiến là CNXH, với những đặc trưng đó, là dự kiến của ông Mác là sai. Ông Mác có nhiều cái dự kiến phải nói là thiên tài, nhưng riêng dự kiến là những đặc trưng của CNXH là ông Mác sai. Nhưng mà chúng ta không thừa nhận rằng ông ý sai. Chúng ta cứ làm giả vờ như là ta vẫn theo ông Mác. Thì xin lỗi, ông giả vờ ông Mác thì ông đã thay đổi hành động của ông rồi.

Cho nên cái đổi mới của ông nó thực chất là ông lùi lại chứ không phải là ông tiến lên. Lùi lại chế độ sở hữu tư nhân. Ngay cả chế động công hữu ông cũng phải cổ phần hóa bớt đi. Vì công hữu đó, ông có hiệu quả đâu. Trừ mấy thằng to tổ bố thì không ai làm nổi, ông dầu khí này, ông điện lực này v.v… thế còn nói chung một loạt các cái công hữu của ông đó là nó làm bố láo, nó tiêu tốn đất đai và vốn của nhà nước rất nhiều. Nhưng mà ông cứ ôm lấy nó để tưởng là CNXH.

Cho nên tôi nói rằng là chúng ta đổi mới mà thực ra là chúng ta lùi lại chứ không phải đổi mới. Đổi mới là so với những cái chúng ta đã làm sai 20 năm thì gọi là đổi mới. Ông đổi mới theo kiểu đó, theo ông là sai 20 năm rồi, bây giờ ông đổi mới thì ông phải sửa cái sai ấy đi. Nhưng thực chất ông lùi lại. Vâng, vâng, ông trở lại. Bởi vì thế này, thực ra tôi nói là Mác nói là triệt tiêu cái chế độ tư hữu, tôi nói là luận điểm của cụ là sai. Bởi vì 70 năm Liên Xô và Đông Âu, Đông Âu thì 40 năm thôi, ông triệt tiêu cái chế độ tư hữu. Thế là nền kinh tế mất động lực, mất động lực, ông phải lùi lại, thực chất ra ông lùi lại đấy chứ. Việt Nam ta cũng phải lùi lại đấy chứ.

Cho nên tôi nói là chúng ta … đây thì không biết là góp ý kiến rồi để rồi người ta như thế nào, nhưng ý tôi thì thế này này, ông đừng tiếp tục nói như bịp người ta! Tôi nói ví dụ như bây giờ, là vì ông nói là nền tảng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác – Lênin cho nên rằng tất cả các trường ông đều bắt nó dạy chủ nghĩa Mác – Lênin. Lắm lúc tôi bảo: trời đất ơi, ba cái thằng trẻ con này đó, nó học một mẩu của chủ nghĩa Mác – Lênin thì nó biết cái gì?! Nhưng mà cứ vẫn phải bắt buộc làm như thế.

Còn bây giờ trong cái cương lĩnh này, trong cái gì này… thì ông đều nói chủ nghĩa Mác – Lênin và ông đều nói XHCN, nhưng tôi hỏi các anh đây, các anh đây là người đọc sách nhiều nhất rồi đây. Tôi hỏi ông CNXH bây giờ là cái gì? Tôi đố ông trả lời được đấy?!

Cái điều mà ông Mác nói về CNXH là chế độ công hữu chiếm địa vị thống trị. Còn ông, thu hẹp cái sở hữu tư nhân đi đến xóa bỏ sở hữu tư nhân, rồi thị trường tự do. Ông làm lộn ngược rồi. Thế bây giờ cái CNXH của ông là cái gì đây? Thật ra mà nói, chúng ta nói và chúng ta biết là chúng ta bịp người khác!

Đến tôi bây giờ, tôi cũng không biết cái CNXH mà chúng ta sẽ đi là cái CNXH gì đây? Có nhiều người bảo rằng thôi thì ta cứ đành lấy khẩu hiệu là gì, "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng, văn minh", đó là CNXH. Tôi xin lỗi ông. Đấy không phải CNXH!

Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, tôi hỏi anh: anh đã bằng thằng Thụy Điển và thằng Na Uy chưa? Nó không xã hội dân chủ, cũng công bằng mà công bằng hơn ông, mà văn minh thì tất nhiên là hơn ông rồi. Thế thì cái CNXH mà anh bảo rằng là lấy cái khẩu hiệu "dân giàu, nước mạnh" mấy cái câu đó mà thay thế cho CNXH, đấy là CNXH của tớ đấy! Tôi nghĩ không đúng. Ông bịp thiên hạ với cái chữ CNXH của ông!

Đại hội X, tôi đã nói trước Bộ Chính trị trước khi các anh đưa … bởi vì thế này này: tôi được cái ưu điểm là người ta mời mình vì mình là một thằng lão thành, lâu năm quá rồi mà chưa chết cho nên người ta cũng mời mình phát biểu. Nhưng tôi nói là các anh định nghĩa cho tôi nghe là cái CNXH mà chúng ta chủ trương đây là nó là cái gì? Cũng không ai trả lời. Rồi tôi hỏi là: ông nói định hướng cái XHCN thì cái định hướng đó là cái gì? Tôi xin lỗi các nhà lý luận ngồi đây, là ông cũng không trả lời được. Có phải không ạ? Ông nói về định hướng XHCN thì định hướng của ông là cái gì đây, ông nói tôi nghe? Ông bảo là xóa đói giảm nghèo. Xin lỗi ông, cả thế giới nó làm. Mà Liên hợp quốc nó đang giúp ông hẳn cái việc ấy đó. Thế chả nhẽ nó giúp ông xây dựng XHCN nhà ông đấy à? Xóa đói giảm nghèo, giỏi lắm thì ông nói được cái định hướng XHCN là xóa đói giảm nghèo, nhưng mà ông còn thua xa ba cái thằng tư bản.

Cho nên tôi cảm thấy là … viết thế nào thì tôi chưa nói, nhưng đại để là ông đừng đao to búa lớn quá. Lúc nào cũng là 'nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin', lúc nào cũng là 'định hướng XHCN' rồi 'xây dựng CNXH' và thậm chí bây giờ có chỗ ông còn viết là 'chúng ta đang quá độ lên CNXH'!"

Mời bà con nghe tiếp tại đây: https://www.youtube.com/watch?




ĐIỀU HAI NĂM TÁM





Sự nguy hiểm của Điều 258





Phạm Đức Khiêm - Đoan Trang - 


Lập luận căn bản mà một số người ủng hộ Điều 258 Bộ luật Hình sự đưa ra là: 258 là điều luật bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; kẻ nào xâm phạm những giá trị ấy thì phải bị trừng phạt. Tuy nhiên, trái với lập luận căn bản này, 258 lại là một điều luật xâm phạm nghiêm trọng các quyền tự do của công dân, chứ không hề bảo vệ.


Nếu chỉ xét về khía cạnh tinh thần và lý tưởng lập pháp, Điều 258 Bộ luật Hình sự tỏ ra rất thuyết phục. Ta hãy xem:
“Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. (1) Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. (2) Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”

Chung quy lại, điều luật này có nội dung là bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, công dân trong xã hội trước các hành vi xâm phạm của người khác. Có vẻ đó là một ý chí lương thiện và đầy tính lý tưởng, một thứ không thể phủ nhận và bất cứ kẻ nào phủ nhận đều đáng bị trừng phạt. Tuy vậy, các quyết định lập pháp không cần đến mạch máu nóng chuyên chở những suy nghĩ giản đơn về sự lương thiện như vậy. Nó cần hơn cả là một tư duy lập pháp, kỹ thuật lập pháp dựa trên nền tảng công lý và khoa học.



Mơ hồ, chung chung – điều tối kỵ trong ngôn ngữ lập pháp




Trong ngôn ngữ pháp luật, có ít nhất một điều mà các nhà soạn thảo phải tránh: sự mơ hồ, chung chung (vagueness). Xem xét các điều khoản còn lại của Bộ luật Hình sự, ta nhận thấy hầu hết chúng đều quy định những hành vi rất cụ thể như giết người, gây thương tích, hiếp dâm, trộm cắp, buôn bán ma túy, nhận hối lộ, bắt giữ người trái pháp luật,... Các điều khoản này nhằm bảo vệ những lợi ích cụ thể của tổ chức và cá nhân trong xã hội. Lẽ dĩ nhiên, pháp luật được xây dựng nên để bảo vệ những lợi ích chính đáng của những thành viên trong xã hội. Vậy thì tại sao lại có hẳn một điều luật sinh ra chỉ để nhắc lại nguyên lý đó? Điều này cho chúng ta thấy phạm vi điều chỉnh của Điều 258 rộng đến mức có tính bao trùm lên toàn bộ hệ thống pháp luật chứ không đơn giản là một điều luật đơn lẻ trong một bộ luật đơn lẻ.

Theo Điều 8 Bộ luật Hình sự, “tội phạm” được định nghĩa là “hành vi nguy hiểm cho xã hội”. Khoa học hình sự chia hành vi thành hai loại: hành động hoặc không hành động, chỉ những phản ứng biểu hiện ra bên ngoài của một người. Như vậy, tội phạm là những gì rất cụ thể, chứ không phải là những nguyên lý hay lý tưởng.

Giả sử có một nghị định nào đó quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là tạo ra một môi trường Internet lành mạnh ở Việt Nam. Với tính từ “lành mạnh”, nghị định này trở thành mơ hồ, chung chung, vì nó không chỉ ra được một ranh giới cụ thể giữa những trường hợp vi phạm và không vi phạm. Không có tiêu chuẩn cụ thể nào để phân định “lành mạnh” và “không lành mạnh”. Việc xem phim sex chẳng hạn, có thể bị một người coi là đồi bại, không lành mạnh, nhưng lại là hoạt động có tính chất giải trí hoặc chữa bệnh, v.v. đối với người khác.

Một điều khoản hoặc điều luật mơ hồ, chung chung, nghĩa là nó có phạm vi áp dụng rất rộng trong những trường hợp rất cụ thể.

Điều 258 (Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân) không có tính từ nào phạm lỗi mơ hồ, chung chung, nhưng nó có một động từ (“lợi dụng”) và một số danh từ (“lợi ích của Nhà nước”) phạm lỗi này.

Nó dẫn đến một loạt câu hỏi:
- Thế nào là “lợi dụng”? Tận hưởng quyền tự do của con người đến mức nào thì bị coi là “lợi dụng”? Tại sao việc thực hiện quyền của mình lại bị coi là lợi dụng?

- Sử dụng, hay nói đúng hơn, tận hưởng, quyền tự do dân chủ đến mức nào thì bị Nhà nước coi là “lợi dụng”?

- Có thể sử dụng các quyền tự do dân chủ để làm những việc gì?

- Lợi ích của Nhà nước cụ thể là gì? Ai quy định lợi ích của Nhà nước? Đã từng có công dân nào nhìn thấy bảng danh sách các lợi ích của Nhà nước để biết đường tránh vi phạm chưa?

Ví dụ, hành động in áo phản đối đường lưỡi bò, chống dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, v.v. của một số người, nếu đã xâm phạm lợi ích Nhà nước thì cụ thể là xâm phạm những gì, quy ra thành tiền là bao nhiêu để nếu có thể thì người phạm tội sẽ đền bù thiệt hại? Công dân Việt Nam có được hưởng quyền tự do dân chủ đủ để... in áo không, và nếu in thì in như thế nào là xâm phạm lợi ích Nhà nước, như thế nào là không xâm phạm?

Điều 258 không có câu trả lời cho các câu hỏi đó. Việc diễn giải hoàn toàn tùy thuộc lực lượng công an và hệ thống tòa án, dưới sự lãnh đạo duy nhất và tuyệt đối của Đảng. Và thế là sự tùy tiện và lạm quyền lên ngôi.

Điều 258 đã bảo vệ được ai?




Một số người bảo vệ Điều 258 cho rằng điều luật này bảo vệ tổ chức và công dân khỏi bị “xâm phạm lợi ích hợp pháp”, và họ suy luận thêm: Đó là bảo vệ tổ chức và công dân khỏi bị vu khống, bị xúc phạm danh dự và nhân phẩm.

Nếu vậy thì họ vướng vào một mâu thuẫn: Bộ luật Hình sự đã có các điều khoản quy định về tội làm nhục người khác (Điều 121) và tội vu khống (Điều 122). Hai tác giả bài viết này không hoàn toàn đồng tình với việc xem xét hành vi làm nhục và hành vi vu khống dưới góc độ hình sự, vì ở đây có dấu hiệu hình sự hóa các quan hệ dân sự. Tuy nhiên, điều này một lần nữa chứng minh sự chồng chéo và bao trùm của Điều 258.

Thông thường, việc xâm phạm danh dự, nhân phẩm được bảo vệ bằng Bộ luật Dân sự. Bộ luật Dân sự 2005 có Điều 37 về bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; Điều 38 bảo vệ quyền bí mật đời tư; và các quy định về bồi thường thiệt hại.

Luật Báo chí cũng cấm việc đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.

Điều vô duyên nhất sẽ đến khi Nhà nước bắt giữ một người vì cho rằng họ đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm lợi ích của một người khác, kết luận điều tra được ban ra, Viện Kiểm sát truy tố, khi ra đến tòa thì người bị hại tuyên bố: Tôi không cảm thấy bị xâm phạm gì cả. Khi ấy, Nhà nước sẽ ăn nói ra sao?

Chừng đó quy định, điều khoản của pháp luật xem ra đã quá đủ cho công dân và tổ chức. Vậy thì, Điều 258 ra đời để bảo vệ ai? Câu trả lời: bảo vệ lợi ích của Nhà nước. Mà lợi ích của Nhà nước là gì thì lại tùy vào sự yêu ghét và diễn giải của bộ máy công quyền.

Nói cho đúng thì năm 2010, nền tư pháp và an ninh Việt Nam đã tạo tiền lệ sử dụng Điều 258 thay cho các điều khoản pháp luật hiện hành khác để xử lý một trường hợp “nói xấu” người khác. Đó là khi blogger Cô Gái Đồ Long bị bắt theo Điều 258, vì có hành động viết blog động chạm tới gia đình một ông tướng công an. Vụ bắt giam Cô Gái Đồ Long, do đó, khiến chúng ta tưởng như ông tướng công an đó chính là Nhà nước – bởi nếu ông là công dân thì đã có những điều luật khác để bảo vệ quyền và lợi ích, danh dự và nhân phẩm của ông rồi kia mà.

Như vậy, có thể nói ngắn gọn là: Điều 258 đã được vận dụng để bảo vệ lợi ích của Nhà nước và công an.

Hàng chục người đã bị bắt vì 258





Trên phương diện lập pháp, Điều 258 bất hợp lý, tùy tiện và xâm phạm quyền công dân như thế. Và trên thực tế, điều luật này quả thật đã được chính quyền lợi dụng để bắt giữ, xét xử và bỏ tù ít nhất 32 người, tính từ năm 2006 đến nay. (*) Trong số này, có một số trường hợp bị bắt vì Điều 258, nhưng về sau được/ bị chuyển đổi tội danh. Điều đó cũng cho thấy công dụng bảo vệ chế độ tuyệt vời của 258: Đôi khi nó là cái cớ ban đầu để công an bắt giữ những người nói/viết những gì mà chính quyền không ưa; cứ bắt giam cái đã rồi sẽ điều tra, nghiên cứu để chuyển đổi tội danh cho phù hợp sau.
  • Năm 2006: Đoàn Văn Diên (Hiệp hội Đoàn kết Công Nông Việt Nam)
  • Năm 2007: Trương Minh Đức (nhà báo tự do), Trương Minh Nguyệt (Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo), Nguyễn Văn Ngọc, Trịnh Quốc Thảo (nhóm Người Việt Nam yêu nước)
  • Năm 2008: Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên), Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ). Chuyển đổi tội danh thành Điều 281 Bộ luật Hình sự, “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”.
  • Năm 2009: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức blogger Mẹ Nấm), Bùi Thanh Hiếu (blogger Người Buôn Gió), Phạm Đoan Trang
  • Năm 2010: Lê Nguyễn Hương Trà (nhà báo, blogger Cô Gái Đồ Long)
  • Năm 2011: Nguyễn Văn Lía (tín đồ Phật giáo Hòa Hảo)
  • Năm 2012: Trần Hoài An (tín đồ Phật giáo Hòa Hảo), 22 thành viên của Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn. Các trường hợp thuộc Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn sau này đều được/ bị chuyển đổi tội danh thành Điều 79 Bộ luật Hình sự.
  • Năm 2013: Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào (nhà báo), Đinh Nhật Uy (blogger)
Điểm chung lớn nhất giữa các trường hợp bị bắt tạm giam, hoặc bị xét xử và chịu án tù này là: Tất cả đều bị bắt vì tội lạm dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích – chủ yếu là của Nhà nước!

Điều 258 xâm phạm quyền công dân là thế, nhưng vẫn có một bộ phận dư luận ủng hộ, vì sao? Có lẽ tinh thần ủng hộ tuyệt đối đó xuất phát từ tư duy “Nhà nước luôn đúng”. Lối tư duy “Nhà nước luôn đúng” này khiến những người đó tin tưởng và ủng hộ đường lối, chủ trương, chính sách bất kể hay dở, và hằn học với tất cả các ý kiến phản bác hay đặt vấn đề trái chiều.




-------

(*) Danh sách trên đây chỉ bao gồm những trường hợp bị bắt vì Điều 258 mà giới truyền thông (báo chí, blog, mạng xã hội) có đề cập. Trên thực tế, ở Việt Nam có thể còn rất nhiều vụ bắt giữ (tạm giam hoặc tù có án) nhân danh “bảo vệ lợi ích Nhà nước” theo Điều 258 mà ít hoặc không được truyền thông biết đến.
Danh sách được cập nhật vào ngày 13/9/2013, dựa theo nguồn: International Society for Human Rights (ISHR), 2012.

Theo cáo trạng, trong số tang vật của vụ án Đinh Nhật Uy có hai áo thun 
ghi dòng chữ "No to U-Line, Yes to UNCLOS". Uy chỉ mới tàng trữ, chưa mặc áo, nhưng đã bị khép vào tội 258. Vậy hàng chục người đã từng sản xuất, tàng trữ, mặc loại áo thun nói trên có bị kết tội không?