Monday, June 11, 2012

NHÀ HỌ NÔNG SẶC SỠ NHƯ CÔNG!



TỪ BBC


Ông Nông Quốc Tuấn kiêm vị trí mới




Ông Nông Quốc Tuấn (phải) đang là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang

Con trai cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và hiện nắm vị trí lãnh đạo Đảng của tỉnh Bắc Giang sẽ kiêm nhiệm chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, tương đương Thứ trưởng.

Theo quyết định ngày 8/6 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký theo quyết định của Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Nông Quốc Tuấn, sẽ kiêm thêm chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Hiện Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc là ông Giàng Seo Phử, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai.

Quyết định mới nhất được đánh giá là bước thăng tiến cho ông Nông Quốc Tuấn, con trai của ông Nông Đức Mạnh, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông tái đắc cử chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang nhiệm kỳ 2010-2015.

BBC được cho biết hiện tại ông vẫn kiêm nhiệm chức Bí thư Tỉnh ủy, nhưng có thể một nhân vật mới sẽ thay ông làm Bí thư sau khi có quyết định chính thức của Ban Tổ chức Trung ương.

Một nguồn tin nói ông Tuấn cũng có thể được cơ cấu để tham gia vào Ban Chỉ đạo Tây Bắc, vốn được thành lập năm 2004 để bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ.

Đây là một trong ba cơ quan nắm các vùng quan trọng nhưng cũng nhạy cảm về an ninh của Việt Nam (gồm Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ).

Đứng đầu Ban Chỉ đạo Tây Bắc hiện là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Nhiều vụ khiếu kiện đất đai đã xảy ra ở tỉnh Bắc Giang, và một số người đã từng kéo về Hà Nội để đòi hỏi quyền lợi của họ.

Hồi tháng Ba, một tòa án quân đội kết án tù năm người ở tỉnh này với tội danh gây rối trật tự

Họ bị bắt tháng Tám năm ngoái, sau vụ đụng độ lớn giữa khoảng một ngàn người dân với công an, bộ đội xung quanh tranh chấp đất đai.

Thời gian gần đây, dư luận tại Việt Nam đồn đại nhiều về chuyện gia đình của cựu Tổng Bí thư tuy không thể kiểm chứng được qua các nguồn chính thống.

Trong đó có tin nói ông Nông Đức Mạnh và Nông Quốc Tuấn mâu thuẫn sau khi người cha tái giá.

Người vợ mới của cựu lãnh đạo Đảng là một doanh nhân và cũng là đại biểu Quốc hội.

Cũng xuất hiện trên mạng một lá thư, mà tác giả tự nhận là con gái ông Mạnh, tố cáo người mẹ kế.

Những tin đồn này không được kiểm chứng, và một số giới chức được BBC liên lạc đều từ chối bình luận, nhưng được người dân ở Hà Nội bàn tán nhiều.

______________________________________________________




Việt Nam chặn một loạt blog ‘lề trái’





Web lề trái đưa nhiều tin về các vụ tranh chấp đất ở Việt Nam

Một số trang web và blog ở Việt Nam đang than phiền rằng nhà chức trách đặt “tường lửa” khiến người đọc gặp khó khăn khi truy cập các nội dung của họ.

Chủ yếu đây là các trang tin tức độc lập, nhưng cũng có nhà thơ thắc mắc trang web cá nhân của ông cũng bị chặn.

“Hết sức quyết liệt”

“Hôm qua (10/6) tiếp tục là một ngày thêm rất nhiều bà con phải vất vả tìm đường trèo tường vô ngôi nhà chung này của chúng ta,” trang điểm tin Ba Sàm thông báo.

Trang blog này cho biết những người truy cập thông qua đường truyền của VNPT và mạng 3G của các nhà mạng điện thoại như Vinaphone, Mobiphone và Viettel đều không vào được trang chủ của họ.

Vị chủ trang, Nguyễn Hữu Vinh, Bấmđặt giả thiết lý do trang của ông bị chặn là vì đã giới thiệu các bài viết nhằm vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên một trang blog khác.

“Chiến dịch khác thường này nổ ra gần như ngay sau sự xuất hiện của blog 'Quan làm báo' được BS loan tin hôm 7/6/2012.”

“Ngoài ra, nó cũng có thể liên quan tới cuộc họp chỉ đạo do ông PTT (Phó Thủ tướng) chủ trì hôm 19/5 về việc xử lý blog Nguyễn Xuân Diện,” ông Vinh viết.

Một blogger khác, BấmĐông A, nhận định “toàn bộ blog trên hệ thống blogspot bị chặn”.

“Nếu chính quyền đã coi những người viết blog như kẻ thù thì những người viết blog cũng sẽ không coi chính quyền là chính quyền của mình,” tác giả này cảm thán.


"Tôi quay lại vào trang của tôi và một số trí thức tên tuổi, cũng không vào được – cũng đều bị chặn tường lửa."

Nguyễn Trọng Tạo

Trong khi đó, một nhà thơ cho hay Bấmtrang web chuyên về văn học – nghệ thuật của ông cũng không vào được.

“Hôm nay (10/6) tôi vào một số trang mạng để đọc những tin tức thường nhật – những tin tức không có trên báo giấy – thì không vào được,” nhà văn Nguyễn Trọng Tạo thông báo trên trang nhà.

“Tôi quay lại vào trang của tôi và một số trí thức tên tuổi, cũng không vào được – cũng đều bị chặn tường lửa,” ông cho biết.

“Bọn hack này chặn cả tiếng nói thường nhật của dân, lại chặn cả tiếng nói của văn nghệ sỹ, trí thức,” ông than phiền.




Hiện không thể truy cập vào các trang báo 'lề trái' từ bên trong lãnh thổ Việt Nam

Khi được BBC liên lạc, nhà văn Nguyễn Trọng Tạo đã xác nhận rằng trang blog của ông bị chặn ba ngày nay.

Khi được hỏi các nhà cung cấp dịch vụ Internet đang phong tỏa blog của ông, ông Tạo cho biết là VNPT, FPT và Viettel.

Ông cho biết không chỉ blog của ông mà nhiều trang blog cá nhân nằm trong hệ thống wordpress đều bị ngăn chặn.

Như vậy, dường như đang có nỗ lực chặn các trang blog trên cả hai hệ thống blogspot và wordpress.

Kết quả là một trang tin đối lập với Đảng Cộng sản, Dân Làm Báo, cho hay “những ngày gần đây, tại nhiều khu vực ở Việt Nam, việc truy cập Dân Làm Báo trở nên rất khó khăn”.

Trang này cáo buộc nhà cung cấp dịch vụ Internet VNPT “dùng các biện pháp kỹ thuật nhằm chặn triệt để”.

Họ nói phương thức ngăn chặn được sử dụng cũng giống như trong giai đoạn chính quyền Việt Nam chặn mạng xã hội Facebook.

Trang này nhìn nhận việc phong tỏa mọi tiếp cận vào vào trang chủ của họ hiện nay là “quá gắt gao” so với những lần ngăn chặn trước đó.

Một số trang tin, trước tình trạng bị chặn, đã đăng hướng dẫn độc giả cách vượt tường lửa.

Chuyện trong cung đình?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho biết tác giả chặn web có thể là cơ quan an ninh Việt Nam và cũng có thể là các tin tặc.

Tuy nhiên, ông không tin rằng chính quyền Việt Nam đứng sau vụ chặn thông tin này vì “một chính quyền luôn cho rằng mình có tự do dân chủ thì không thể chặn quyền tiếp cận thông tin của người dân”.

Ông nói do trang web của ông trao đổi đơn thuần những nội dung văn chương nên không có gì mang tính chống đối hay đe dọa chính quyền cả.

Chỉ đôi khi có một số ý kiến bình luận có chỉ trích nhưng cũng ở mức độ vừa phải chứ không “cực đoan” như một số trang mạng khác.

Về nguyên nhân, ông Tạo phán đoán rằng do sự xuất hiện của một trang blog mới có tên gọi là Bấm Quan Làm Báo mà các blog của ông và nhiều người khác bị “vạ lây”.

Trang này chỉ mới xuất hiện chưa đầy một tuần lễ nhưng gây chú ý vì các bài công kích Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và những người thân tín.




Trang web công kích Thủ tướng Việt Nam là một phần lý do xảy ra việc đặt 'tường lửa'?

Ông Tạo cho biết những thông tin được gọi là “bí mật hậu trường” được đăng trên blog này đã gây tò mò rất lớn.

Tuy nhiên, ông Tạo nói rằng những thông tin được đăng tải trên trang này không biết “cái nào đúng, cái nào sai” và khuyên người đoc̣ nên tỉnh táo để tự phân tích cho mình.

Ông cho rằng tác giả không nhất thiết phải là người trong nội bộ của Đảng cộng sản Việt Nam mà có thể là người nghe lại những thông tin hành lang rồi viết lại.

Blog Ba Sàm cũng có phán đoán tương tự như ông Nguyễn Trọng Tạo.

Chủ trang Ba Sàm, từng có thời gian làm sĩ quan an ninh, nhận định các bài trên blog Quan Làm Báo kia “gần như toàn bộ” do một người viết.

“Am hiểu hết sức sâu, rộng nội tình cung đình, lại cả lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán và nội tình ngành an ninh.”

“Đối tượng tấn công đã rất rõ, là một vài nhân vật cụ thể, không phải với chế độ hiện nay,” vị chủ trang nhận xét.

Việc xuất hiện trang web này, mà nhóm chủ trương được cho là người trong nước, ra dấu hiệu về một cuộc đấu tranh nội bộ gay gắt trong Đảng Cộng sản hiện nay.

Ngoài việc chặn các trang bị cho là nguy hiểm cho ổn định chính trị, nhà chức trách tại Việt Nam cũng để một số trang web chính thống tham gia tranh luận hoặc để một số blogger thân hữu vào cuộc tạo dư luận phản bác lại báo 'lề trái.'

__________________________________________


Thuyên chuyển công tác của TS Xuân Diện



Tiến sỹ Diện nói ông bắt đầu công việc mới hôm 11/6


Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, người đang bị thanh tra về blog chính trị - xã hội của ông, bắt đầu nhận nhiệm vụ mới tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm hôm 11/6.

Ông xác nhận với BBC về việc chuyển sang làm Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Văn bản Văn học.

Trước đó, ngày 7/6, Viện trưởng Trịnh Khắc Mạnh đã ký quyết định điều động ông Diện khỏi chức Phó Giám đốc Thư viện.

Ông Mạnh từ chối trả lời phỏng vấn BBC về quyết định điều động được đưa ra vào đúng lúc ông Diện gặp khó khăn với chính quyền do các bài viết trên blog mà nay đã không còn truy cập được.

"Cái này tôi không trả lời các anh, không trả lời đài báo gì cả. Cảm ơn các anh đã gọi điện nhưng chúng tôi không trả lời," ông Mạnh nói.

Bản thân ông Diện nói với BBC: "Chức vụ phó giám đốc Thư viện Hán Nôm tương đương với chức phó trưởng phòng mà tôi đang làm. Đó gọi là chuyển ngang."

Ông nói đây là công việc của một nghiên cứu viên.

Chấp hành điều động

Khi được hỏi liệu việc điều động này có liên quan gì tới việc ông viết blog và đang gặp rắc rối với chính quyền không, ông Diện trả lời:

"Tôi cũng không biết nó có liên quan gì hay không nhưng thủ trưởng cơ quan điều động như vậy thì trước hết tôi chấp hành đã."

Tiến sỹ Diện cũng nói hiện ông chưa tiện trả lời về blog của ông do đang khiếu nại Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội.


"Tôi cũng không biết nó có liên quan gì hay không nhưng mà thủ trưởng cơ quan mà người ta điều động như vậy thì trước hết tôi chấp hành đã."

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện

Sở này hôm 8/6 đã xác nhận họ nhận được đơn khiếu nại của ông về chuyện thanh tra đã không nêu rõ ông vi phạm pháp luật như thế nào để có quyết định thanh tra đột xuất.

Ông Diện cũng chất vấn thanh tra văn hóa về sự hiện diện của công an tại cuộc họp hôm 1/6, điều mà ông cho là trái pháp luật.

Ngoài ra, ông Diện còn tố cáo thanh tra không đi vào trọng tâm trong khi làm việc làm "lãng phí" thời gian của ông bên cạnh chuyện "tự ý" quay phim chụp ảnh trong quá trình làm việc.

Trong một số vụ gây tranh cãi gần đây như Vụ Bản ở Nam Định, Văn Giang ở Hưng Yên và Tiên Lãng ở Hải Phòng, ông Diện đã đứng về phía người dân mất đất và giúp họ có tiếng nói cho dù chỉ là trên không gian ảo.

Giới quan sát nói chính quyền, vốn đã quen kiểm soát báo chí chính thống, cảm thấy bị thách thức trước sự tự do đưa tin của các blogger.

Mấy ngày vừa qua, một số trang blog chính trị - xã hội trong nước than phiền rằng họ bị chính quyền đặt "tường lửa".