Monday, June 11, 2012

Tẩu vi thượng sách



Shin-Lines, ai nữa? “Tẩu vi thượng sách”?



Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Khi mà cụ bà tuổi 70 với sấp báo và tập vé số run run trên đôi tay còm cõi, cố mời từng người giữa nắng bụi, như bòn tro đãi trấu mong kiếm 500đ tiền lời. Đồng bào mình cười ra nước mắt vì “mừng” xăng giảm 800/lít (hai đơn vị tiền tệ mà thấy nằm dưới đất cũng ít ai buồn nhặt). Mấy chú lính bộ đội quảy gánh rau xanh thừa nhu cầu do tay mình trồng ra trước doanh trại bán, đổi thành mắm muối đường sữa café. Đôi vợ chồng trẻ ẵm con từ quê lên, đầm đìa nước mắt chấp tay vái xin bác sĩ cứu mạng sống con mình (BV Nhi Đồng 1 - TP.HCM) mà trên tay vỏn vẹn chỉ có… 200.000 đồng… Chúng ta ai cũng chạnh lòng se thắt, nhưng cũng đành, bởi quốc gia mình người nghèo còn nhiều lắm, GDP (thu nhập đầu người) từ lúc “lập quốc CS-XHCN” đến nay, hơn nửa thế kỷ “nhờ đảng ta” lãnh đạo, dẫn đường đi tới đi lui chỉ mới chạm cái mốc 1.061 USD/năm (2010) còn lâu lắm mới được như Thái Lan (8.479 USD), Đài Loan (25.000 USD), Hàn Quốc (27.000 USD)…


Thì từ “chạnh lòng, se thắt” ấy nó biến thành phẫn nộ như căm thù bởi một góc nhỏ thôi của tham nhũng với ba, bốn con tàu từ VINASHIN và VINALINES mua sắm đã làm mấy ngàn tỷ đồng vừa bỏ lăn lóc bập bềnh trên sông, trên biển, như đồ phế thải, vừa bốc hơi chui vào túi những “đồng phạm” và theo chân các “thủ phạm” viên chức Cộng Sàn “có số má” khoáa áo đầy tớ nhân dân “ăn cắp” rồi thi nhau đào tẩu ! 


Có khó lắm không? Chận đứng những mưu đồ “ăn cắp có tổ chức” trắng trợn ấy? Hoàn toàn là có thể, nếu Quốc Gia này cương quyết để: Có thêm một, hai đảng phái đối lập song hành với đảng CSVN, một nền báo chí độc lập của xã hội nhân dân, không thuộc đảng nào, một cơ chế Tam Quyền phân lập. Đơn giản vậy thôi, là chắc chắn đất nước này không thể hình thành những “tập đoàn ăn cắp” tài sản khổng lồ hàng ngàn tỷ đồng từ mồ hôi nước mắt của nhân dân rồi bảo vệ cho nhau với kế “Tẩu vi thượng sách” ấy. 


Hầu hết các chế độ Cộng sản trước đây, hàng trăm quốc gia trên thế giới và đa số quốc gia láng giềng VN cùng theo cơ chế ấy rất yên bình và hùng mạnh thì ViệtNam vẫn chỉ còn là giấc mơ, ai lên tiếng trực tiếp đòi hỏi như thế, có khi đi tù ? Vì sao vậy?


Cứ tô vẽ tuyên xưng, nhà nước Việt Nam là nhà nước Pháp Quyền của nhân dân do nhân dân làm chủ, nhưng ẩn sau nó là một bộ mặt độc tài CS thoái trào biến thể, như triều đình phong kiến, mọi chức tước, phẩm vật, mà năng lực là “sâu dân mọt nước” được ban phát từ “triều đình” trung ương dựa trên thang điểm trung thành với chế độ và tài “thao lược vơ vét”.


Tại sao cả dân tộc Việt Nam cứ cam chịu kiếp “ngựa trâu” như thế này cho một nhóm người CS tham quyền cố vị vì quyền lợi cá nhân bán rẻ nhân cách, lừa bịp xã hội, làm khổ nhân dân mãi như thế?


Không! Không thể cứ như thế này mãi được, mồ hôi nước mắt là từ nhân dân, quân đội là con em nhân dân, là phên dậu của 80 triệu đồng bào phải “làm một cái gì đó” cùng với nhân dân chặn đứng những hành vi tồi tệ “rất khốn nạn” này, nếu không muốn nó sẽ tiếp diễn, trong tương lai gần, với hàng chục tập đoàn kinh tế quốc doanh hiện đang gây nợ hàng trăm ngàn tỷ đồng! VD: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) nợ 72.300 tỷ, Vinacomin (than khoáng sản) nợ 20.500 tỷ…v.v.


Từ trái qua: Hồ Ngọc Tùng và Giang Kim Đạt


Ban Tổng thư ký Interpol quốc tế đã ra lệnh truy nã quốc tế :


- Hồ Ngọc Tùng, nguyên tổng giám đốc tài chính của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Vinashin VN sử dụng trái phép 1.000 tỉ đồng vay từ nguồn vốn trái phiếu quốc tế để mua lại khoản nợ của các đơn vị thành viên và bản thân công ty mẹ, trong đó có nhiều khoản là nợ xấu không thể thanh khoản tại ngân hàng. Đáng chú ý việc mua lại này được thực hiện ngay trong ngày ký hợp đồng vay vốn trái phiếu quốc tế và liên quan thu chi tài chính không minh bạch lên tới hàng ngàn tỷ đồng khác .


- Giang Kim Đạt, nguyên trưởng phòng kinh doanh Công ty vận tải viễn dương Vinashin. Bị can này được xác định là người được giao trực tiếp tiến hành đàm phán mua tàu Cartour của Ý (tàu Hoa Sen) 1.500 tỉ đồng. Đến nay, cơ quan chức năng xác định việc mua tàu Hoa Sen gây thiệt hại ít nhất 550 tỉ. “Biến mất” hai gương mặt đầu mối quan trọng này gây nên khó khăn để qui tội và truy thu tài sản “ăn cắp” của công từ các cá nhân của Vinashin, đến giờ vẫn chưa bắt được.

Truy nã quốc tế Dương Chí Dũng Cục trưởng Cục Hàng Hải - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), nguyên Chủ tịch HĐQT và HĐTV Vinalines – Liên quan mua tàu cũ và ụ nổi “hết đát”. Kinh doanh dàn trải trái nguyên tắc “thất thoát” hàng ngàn tỷ đồng.


Ba con tàu, mà tàu nào tàu nấy “hùng vĩ” như những tòa nhà căn hộ hay văn phòng mười tầng ở trung tâm Hà Nội hay Sài Gòn mà giá trị của nó khi mua về cũng không thua gì giá trị để xây dựng những cụm địa ốc kích cỡ, tương tự, nhưng nay thì :


Tàu cũ Sông Gianh mua giá 400 tỉ (20 triệu usd) như vô chủ neo đậu gần 4 năm tại khu vực phao MAR2 trên sông Sài Gòn.


Tàu cũ “hoang đảo” Atlantic mua năm 2007 cộng sửa chữa với giá 1000 tỉ đồng(gần 60 triệu usd). Vô dụng neo đậu gần 4 năm ngoài phao số 0, cận bờ Vũng Tàu


Tàu cũ Hoa Sen mua khoảng 1.500 tỷ ( 63 triệu Euro), cơ quan chức năng xác định việc mua tàu Hoa Sen gây thiệt hại thất thoát ít nhất 550 tỉ. Hiện vô dụng neo tại Trung Quốc, Vinalines chưa có phương án mang về VN .


Điều dễ hình dung nhất là xấp sỉ 3000 tỷ đồng đang bập bềnh trên sông nước mặc cho nắng mưa, hào, hà ăn mòn rỉ sét ấy, nếu nó nằm trong ngân hàng, 10% lãi suất/năm = 300 tỷ = 120 căn nhà tình nghĩa (25 triệu/căn) x 3 năm = 360 cảnh đời nghèo khó sẽ tránh khỏi mưa tạt gió lùa, tuy nhiên đã không đền đáp được chút mồ hôi nước mắt nào cho nhân dân, vậy mà còn như là của nợ :


-Tàu Hoa Sen đang nằm tại một cảng ở Trung Quốc phải chịu: lương thuyền viên, phí neo đậu cảng, phí bảo dưỡng, bảo trì máy móc, bảo hiểm thân tàu... mỗi ngày gần 11.000 USD (Chưa kể giá trị khấu hao tài sản cố định).


-Tàu Sông Gianh chi trả hơn 6 triệu (15 can dầu/tháng) để chạy máy phát điện cho 2 người trông coi tàu, lương mỗi người là 3 triệu đồng một tháng, tiền ăn là 50 ngàn đồng/ngày/người.


-Tàu Atlantic. Con tàu “vĩ đại” như một chung cư nổi, giờ là một hoang đảo dài 300m, cao hơn 20m trên tàu nhân viên chưa đến chục người. Nhiều thuyền viên, kể cả thuyền trưởng và cơ khí trưởng, chịu không xiết phải trốn lên bờ hưởng 40% lương. Ông Lượng, một tư nhân (chuyên chở thực phẩm nuôi thuyền viên ra, vào tàu Atlantic) cho biết, không có dầu chạy máy, nên phải chở mấy trăm kg nến ra cho tàu dùng, ban đêm ghe thuyền qua lại nói tàu Atlantic như con “tàu ma”. Chỉ riêng tiền dịch vụ thực phẩm (giá 3 triệu đồng mỗi chuyến) hai năm nay, công ty còn nợ ông hơn 500 triệu đồng, đòi mãi chẳng được”- ông Lượng ngán ngẩm than và cho biết thêm: Dưới tàu, mòn mỏi vì không có lương nên một số thuyền viên đã tháo gỡ thiết bị còn gia trị trên tàu mang đi bán hàng tỷ đồng chia nhau tiêu sài cá nhân !? .


Đó là chưa kể tới một thương vụ mua tàu cũ “ly kỳ” khác, cách đây 2 năm (2010) 


Tàu Nord Brave


Khoảng tháng 10/2010, Vinalines đàm phán và mua tàu Nord Brave, trọng tải 52.529 DWT (tấn trọng tải) do Nhật Bản đóng năm 2007, đăng kiểm DNV ID 31180, IMO No 9405459, với giá 37 triệu USD. Mà theo nhiều chuyên gia hàng hải quốc tế nói : Rất hào phóng, tới độ không bình thường! 


Thông tin từ (MAI) - một tạp chí uy tín chuyên ngành về hàng hải của Đức cho biết tại cùng thời điểm, tàu Lowlands Patrasche cũng do Nhật Bản đóng năm 2007, tải trọng 58.790 DWT, số đăng kiểm DNV 30784, IMO 9340506 được bán với giá chỉ có 30, 3 triệu USD. Từ con số trên, nếu làm một phép so sánh về hai con tàu (cùng thời gian đóng, cùng quốc gia đóng, cùng loại đăng kiểm) sẽ cho thấy, giá của tàu Lowlands Patrasche là 515, 4 USD/tấn trọng tải. Nếu nhân giá này với trọng tải cũa tàu Nord Brave là 52.529 DWT, thì giá tàu Nord Brave tại thời điểm đó trên thị trường chỉ khoảng 27,07 triệu USD. Nhưng chẳng hiểu vì sao Vinalines lại “hào phóng” bỏ ra 37 triệu USD để mua con tàu này (đắt hơn 10 triệu usd)? Chưa hết, từ khi đưa vào khai thác cho tới nay, tàu Vinalines Nord Brave liên tục bị thua lỗ. 6 tháng đầu năm 2011, con tàu này bị lỗ ít nhất hơn 33 tỉ đồng (bình quân hơn 180 triệu đồng một ngày). Điều này góp phần đáng kể vào khoản lỗ khổng lồ 660 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2011 cũa Vinalines. Nguồn Tin Mới.


Chưa hết, càng vô lý và hài hước hơn nữa khi Dương Chí Dũng - Cục trưởng Cục Hàng Hải với phi vụ nổi tiếng cái "Ụ Nổi second hand” 


Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ngày 15/3/2008, lúc còn làm tổng giám đốc. Dương Chí Dũng thay mặt Vinalines ký hợp đồng với đối tác Singapore để mua ụ nổi bảo trì tàu biển “second hand” sản xuất cách nay gần nửa thế kỷ giá 9 triệu USD, giá FOB (Chịu mội rủi ro và tổn thất về hàng kể từ khi hàng đã giao hẳn lên tàu). Thiết bị này được sản xuất năm 1965, tới thời điểm mua đã 43 tuổi, không đảm bảo kỹ thuật để đăng kiểm. Vì vậy, Vinalines phải thuê sửa chữa, khiến tổng chi phí giá thành khi mua và sửa chữa phát sinh tăng cao, tổng mức đầu tư sau hai lần điều chỉnh giá, lên đến 26,3 triệu USD (trong khi đóng mới chỉ 15 triệu).


Có ai trong chúng ta đi mua một xe máy cũ giá 10 triệu rồi về bỏ thêm gần 20 chục triệu để sửa cho nó chạy được? Khi xe máy mới cùng loại này chỉ có giá 15 triệu? Có ai xót ruột không? Mồ hôi nước mắt từ lam lũ cũa nhân dân? Chỉ có “ông chủ” Cộng sản chứ “đầy tớ” nào vào đây?


Hôm (24/5) Đại biểu QH Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) đi thẳng vào câu chuyện thời sự này : 


- Những sai phạm vỡ lở ở TCty Hàng hải Việt Nam Vinashin và Vinalines vừa qua, dẫn tới việc nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao cũa doanh nghiệp, cơ quan quản lý dính vòng lao lý, lãnh đạo chạy trốn là rất nghiêm trọng cần thiết phải điều tra tới nơi tới chốn - ông Trường đặt câu hỏi về khoản tiền hàng chục nghìn tỷ đồng tiêu tán ở mỗi doanh nghiệp này. Đại biểu này cũng lo ngại, hiện tượng những Vinashin, Vinalines là dấu hiệu cũa tham nhũng, với mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với vụ PMU18 trước đây.


“Của đau, dân xót” - Một “ông bự” khác trong BCH TW “đảng ta” cũng phải nóng mặt lên tiếng với QH : “Vinalines thua lỗ, từ chỗ báo lãi đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra con số lỗ hơn 1.600 tỷ đồng trong hai năm 2009-2010, cùng hàng chục triệu đô-la thất thoát do sai phạm trong đầu tư và mua sắm. Cựu chủ tịch bỏ chạy trốn, công an không bắt được. Nói ra cứ như chuyện đùa. Cử tri bức xúc hỏi mà không biết trả lời thế nào, ĐBQH ngồi nghe mà mặt cứ trơ ra”... (Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nói).


“ĂN CẮP CÓ BẢO KÊ, CÓ TỔ CHỨC” 


Ngày 3/6/, công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) thuộc Tập đoàn Vinashin đã khánh thành và bàn giao tàu chở dầu thô có trọng tải 104.000 tấn mang tên PVT Mercury cho chủ tàu là Tổng công ty cổ phần vận tải dầu khí PV Trans. Tàu có tổng chiều dài 245 m, chiều rộng mặt boong tàu 43 m, chiều cao 20 m, mớn nước11,7 m, vận tốc 14,7 hải lý/giờ. Máy chính của tàu do Công ty Doosan Man&BW chế tạo có công suất 13.560KW. Đây là tàu chở dầu có trọng tải lớn nhất từ trước đến nay do Vinashin Việt Nam sản xuất.


(Tàu chở dầu 104.000 tấn - Mercury của PV Trans do Vinashin đóng mới) 


Với thông số kỹ thuật một sản phẩm tàu biển đóng mới vừa hoàn thành từ Vinashin nói trên, người ta (chuyên gia kỹ thuật) có thể xác định một cách tương đối chính xác rằng : Số tàu cũ mà SHIN và LINES đã đầu tư mua từ nước ngoài, như các tàu Sông Gianh, Atlantic và Nord Brave là hoàn toàn nằm trong khả năng thiết kế kỹ thuật đóng mới của Vinashin (thông dụng phổ biến là các tàu có tải trọng dưới 100.000 tấn). Vậy thì tại sao họ - những kẻ có chức quyền ở SHIN và LINES lại cứ tìm mua “tàu cũ” bệ rạc từ nước ngoài, bằng ngoại tệ, một thứ mà muốn có, nhân dân phải tốn rất nhiều mồ hôi nước mắt lẫn máu (hải sản Biển Đông). Trong khi phương châm của các quốc gia láng giềng dù giàu có hơn VN rất nhiều, trong khu vực, luôn tâm niệm, tận dụng tối đa nguồn và tiềm lực chính mình trong phát triển để giữ lại đồng ngoại tệ luân lưu bên trong lãnh địa kinh tế quốc gia, hãn hữu chẳng đặng đừng mới cho nó “vượt biên”.


Hỏi, mà không cần trả lời, bởi ai cũng biết tỏng tòng tong : Chỉ có mua đồ cũ “second hand” người ta sài nhiều rồi nên giá trị nó teo tóp hay giãn nở ít ai đoán được để “Gửi Giá” để “Chiết Khấu”. Nói theo từ ngữ rất quyến rũ cũa XHCN là “Lại Quả” mà các “quan” có quyền lực từ nhỏ đến lớn rất rành.


Tuy nhiên theo TS Lê Đăng Doanh, để mua sắm các loại tàu thuyền “cộm cán” hàng chục triệu đô trở lên ấy, phải theo nguyên tắc luật lệ ràng buộc, tất cả quy trình, thủ tục đầu tư rất chặt chẽ, phải có ý kiến từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới, bàn thảo nát nước từ các Bộ liên quan như : Bộ Kế Hoạc Đầu Tư, Bộ GTVT, Bộ Tài Chính, Chính Phủ và Thủ tướng có ý kiến hay phê duyệt cho phép mới được.


Nhưng tất cả tuồng như chỉ là trên giấy cho bàng dân thiên hạ coi chơi cho vui chứ thật ra không nhiêu khê như vậy, điển hình là việc mua các đống sắt phế liệu “nổi trên nước” nói trên. Thử nghe “bị cáo” Phạm Thanh Bình nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vinashin, trả lời trước tòa án Hải Phòng mới đây về việc mua con tàu cũ “ Hoa Sen”. Việc mua tàu Hoa Sen ngày 7/5/2007, dù giá trị rất lớn, lên tới 1.390 tỉ đồng nhưng việc này được giao cho Công ty vận tải viễn dương Vinashin mua, chủ tịch HĐQT Phạm Thanh Bình ký, không hề thông qua hội đồng định giá nhà nước và mua nhanh đến nỗi mua về rồi... các bộ và CP mới biết.


Phạm Thanh Bình nói “…chúng tôi đã xin ý kiến chính phủ thì chính phủ đã trả lời cho phép mua mới, còn việc đầu tư thì theo quy định pháp luật. Tuy nhiên( theo bị cáo Bình), đóng mới con tàu thì phải mất 5 năm mới đóng mới được. Vì thế, chúng tôi mua con tàu cũ này để “thử nghiệm lập con đường trường sơn” vận chuyển trên biển, bằng chính con tàu này hướng tới tương lai (!?) và cũng để xem xét tất cả các công nghệ trên con tàu phục vụ cho việc đóng tàu…” Nhưng khi từ Ý mới về VN, kiểm tra lại thì phát hiện đáy và lườn tàu bị nứt nghiêm trọng phải lên ụ nổi Vinashin “đại tu” và CP chưa duyệt giá thì tại sao mua? Và ai ký lệnh cho tháo khoán ngoại tệ để chi trả tới gần 70 triệu USD (63triệu Euro) khi giá mua chưa duyệt? Thì chính bị cáo cũng như bộ ngành liên quan không ai dám trả lời, sau đó thì “tiểu sử” hành trình kinh doanh cũa “Hoa sen” cay đắng như thế nào và hiện số phận nó ra sao thì công luận báo chí cũng đã biết...


Có điều nhân dân chúng ta cứ tự hỏi: Vì sao có những qui định rất nguyên tắc, nghiêm ngặt như thế đó nhưng sự việc “khoái mua hàng cũ” giá trị lớn, từ cụm máy nhiệt điện công suất lớn nhưng lạc hậu hết đát, lò đứng nghiền xi măng lỗi thời ô nhiễm cho đến những con tàu cũ hàng trăm ngàn tấn rệu rạo không đủ chuẩn cập bến quốc tế, nó cứ phổ biến như “phong trào” để lại hậu quả cho đại bộ phận người dân phải è lưng đóng thuế trả nợ cho ODA và trả luôn cho cái túi của các “quan ăn cắp” mà “Nước mắt cũng tuôn trào”.


Oái ăm là những món hàng cũ “lén mua” đó nó đâu có nhỏ như cây kim trong bọc phải chờ lâu ngày mới lòi ra, từ nước ngoài rinh về nó to như trái núi nằm chình ình tại bến cảng chớ đâu xa? Nếu Hải Quan “mù loà” không thấy thì còn bộ ngành, thanh tra, CA, Cảnh sát kinh tế...


À, thì ra hai ba năm trước những con tàu cũ đồ sộ cũa VINASHIN và VINALINES mua về tuy là lớn nhưng nó vẫn bị che khuất bởi cái bóng của 2 cái ghế: Thủ Tướng tái nhiệm, Tân Chủ tịch Quốc Hội và luôn cả ghế tân Tổng Bí Thư nên không ai muốn thấy, bởi nếu thấy thì phải dọn dẹp nó, mà chắc chắn khi “quét dọn” bụi bặm rỉ sét sẽ làm bẩn 3 cái ghế vương giả cũa triểu đình “đảng ta” sắp làm lễ “nhiếp chính” trước Quốc Hội nhân dân. Nên sau khi “đăng quang” nhiếp chính xong thì người ta mới nhẹ nhàng rón rén “sắp xếp” gọi là “cơ cấu” lại và nó cứ “cấu” mãi nên rách nát tứ tung, không còn che đậy được nữa phải ra đòn hy sinh “một người vì mọi người” cho vụ việc “để lâu cứt trâu hoá bùn”, nhất là bảo đảm “an toàn sinh mạng chính trị cho những cái ghế, cái dù liên quan” bằng tam thập lục kế tẩu vi thượng sách (Trong ba mươi sáu chước, chỉ có chước chạy trốn là hay nhất). Và thế là VINASHIN với Hồ Ngọc Tùng (tổng giám đốc tài chính) , Giang Kim Đạt (trưởng phòng kinh doanh) vận tải viễn dương Vinashin đã khởi hành “bôn tẩu” cho đúng lộ trình để “cứt trâu hoá bùn” và tiếp theo gần đây là VINALINES với Dương Chí Dũng Cục trưởng Cục Hàng Hải (nguyên Chủ tịch HĐQT và HĐThành Viên Vinalines) cũng theo đúng lộ trình “bôn tẩu” ấy.


Ghi vào đây đọc chút cho vui: Mới đây tại hội trường QH, trả lời chất vấn của các đại biểu về giải pháp nào làm hồi sinh Vinalines. Bộ trưởng Đinh La Thăng nói : “Vinalines đang thanh lý các “tàu già” để cắt lỗ và tập trung nguồn lực cho tái cơ cấu”.


Người ta muốn nhắc ngài Bộ Trưởng rằng: Làm gì trong số tàu ấy có “tàu già”, toàn là tàu “nội, ngoại” hay cố nội, vì lúc Vinalines mua về chẳn có chiếc nào còn “tơ” mà toàn là “già khú đế” không hà! 


Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn về Vinalines trước QH. 


Những chuyên gia am hiểu kinh tế tài chính dù lạc quan cách mấy cũng không thể bình tâm được qua sự việc của VINASHIN và VINALINES khi ngoái nhìn cái danh sách nợ của các Tập Đoàn, Tổng Công Ty nhà nước còn lại. Nhất là các tập đoàn, công ty “ông lớn” dù có thể hiện số lãi nộp ngân sách trong 201, chính những con số nợ như biết nói đã làm họ “lạnh gáy” 12 tập đoàn Nhà nước nợ ngân hàng hơn 218.000 tỷ đồng. Bốn tập đoàn nợ lớn nhất là PetroVietnam (72.300 tỷ), EVN (62.800 tỷ), Vinacomin (20.500 tỷ) và Vinashin (19.600 tỷ). Số còn lại không “êm ái” chút nào khi có 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao hơn 10 lần (??) gồm TCT Xây dựng Công nghiệp (Tập đoàn Sông Đà), TCT Xây dựng CTGT 1, TCT Xây dựng CTGT 5, TCT Xây dựng CTGT 8, TCT Xăng dầu Quân đội, TCT Thành An và TCT Phát triển đường cao tốc.


Tóm lại, viễn cảnh, vó ngựa đường xa cũa những kẻ “ăn cắp” mồ hôi nước mắt nhân dân trên đường “bôn tẩu” như mịt mờ sương khói, nhưng để lại sau lưng một cận cảnh âm vang tuồng như réo gọi theo bầy thể hiện trên những con số nợ lạnh lùng nhưng làm toát mồ hôi với đồng bào, nhân dân lam lũ, đang đổ mồ hôi sôi nước mắt.


Hoàng Thanh Trúc