Wednesday, June 6, 2012

Rằng hay thì thật là hay!



Còn chờ gì nữa mà không giải tán bộ Học


Một quốc gia không thể không có bộ Học (hay còn gọi là Giáo dục) để quản lý sự nghiệp dạy dỗ, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước. Nhưng xứ Việt ta, có bộ Học mà như hiện nay thì cũng như không, thậm chí tệ hơn cả không. Chi bằng cứ giải tán phắt, rồi làm lại từ đầu. Cái sự làm lại ấy, người ta nói chữ là tái cơ cấu. Tái gì thì tái, cứ giải tán cái đã. Càng để lâu càng ung nhọt, bệnh nó phá vào đến lục phủ ngũ tạng, có giời chữa.



Chả cần ngoái nhìn xa xôi làm chi cho mỏi cổ, về những thời lắc lơ mà ông cha đã lập nên Quốc tử giám đào tạo nhân tài, cả thầy đồ lẫn nho sinh được tôn kính trọng vọng như bậc cao nhân, chỉ lần giở gần đây thôi cũng đủ để người đương thời tiếc nuối, xót xa, mủi lòng. Tôi lại nhớ bức thư của cụ Hồ gửi các thầy giáo, cô giáo, học sinh ngày 15.10.1968, lúc cuộc chiến tranh vào thời kỳ ác liệt nhất, gian khổ nhất. Cụ dặn “dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt”. Từ trên xuống dưới, cả nước đã đồng lòng thực hiện lời cụ, tạo dựng một nền giáo dục vượt qua chiến tranh với nhiều thành tích hiển hách.



Than ôi, thời vàng son ấy đã qua rồi. Nền giáo dục ngày càng tệ, mỗi năm càng xuống cấp thảm hại. Ngân sách đầu tư vào giáo dục tăng cao bao nhiêu thì bước thụt lùi kéo dài bấy nhiêu. Đội ngũ cán bộ quản lý phình to, trường sở hoành tráng nhưng sản phẩm con người qua lò giáo dục thì tệ hại không thể tưởng. Không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh mà phải chỉ ra đích danh những người được giao quản trị bộ máy học hành xứ này. Từ người đứng đầu. Từ mấy chục năm nay, qua bao nhiêu đời bộ trưởng, càng về sau càng tệ, không còn những vị như Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu thời chiến tranh nữa. Nhiều vị ngồi vào ghế thượng thư bộ Học chỉ cốt lấy cái danh, oai với đời; thậm chí có những vị trong nhiệm kỳ của mình, do ngu dốt, thiếu tài thiếu tâm nên càng làm càng phá, khiến sự nghiệp giáo dục tan hoang. Dư luận đến giờ chưa hết phàn nàn về những thời trị nhậm cõi học của các ông Trần Hồng Quân, Nguyễn Minh Hiển, và nhất là ông Nguyễn Thiện Nhân. Cũng tuyên bố này nọ, hô hào, khẩu hiệu rùm beng, bày tỏ khí thế, quyết tâm như ai, chống cái này xây thứ khác, ba bốn năm sáu “không”… cuối cùng để lại di sản giáo dục như hiện thời.



Họ đã “có công” gì, để lại cái gì? Sơ sơ này nhé:

Suốt bao năm đi học ngày xưa, từ lớp vỡ lòng đến khi tốt nghiệp đại học, chưa bao giờ tôi nghe xảy ra chuyện thầy gạ tình đổi điểm, trò đánh thầy cô vỡ mặt ngay trên bục giảng, cấp 1 cấp 2 mới tí tuổi đầu đã thủ dao trong cặp đâm bạn ngay tại lớp, phụ huynh hành hung ban giám hiệu trước mắt bàn dân thiên hạ. Xưa hiếm nhưng nay là chuyện ngày thường ở huyện.

Thi cử-tuyển sinh càng ngày càng nặng nề, nhuốm màu sắc kim tiền. Mỗi năm ngân sách đổ vào thi cử như núi nhưng hầu như chỉ đem lại sự vất vả, phiền hà cho thí sinh và gia đình họ. Dường như thi trở thành căn bệnh hình thức mạn tính, khiến giáo dục mất hết vẻ uy nghiêm. Chắc nhiều người còn nhớ những chuyện bi hài, cười ra nước mắt trong mùa thi cử ở Hà Tây (và không chỉ riêng Hà Tây) năm 2006. Cứ coi cái tấm ảnh hàng chục chiếc thang bắc lên tường để người ngoài trèo lên ném phao vào cho thí sinh một cách công khai thì đủ biết sự học hành, thi cử đã tận đến mức nào. Tưởng rằng sau những lùm xùm tệ hại ấy, những nhà quản lý giáo dục rút được kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời, khẩn trương làm trong sạch môi trường thi cử, nhưng không, vụ Bắc Giang bị phanh phui cách đây mấy ngày càng làm những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục thêm nản, thêm buồn.

Mở cho lắm trường đại học, cả nước làm đại học, ngay cả những tỉnh nghèo heo hút cũng có tới 2-3 trường, chương trình chắp vá, phòng ốc tạm bợ, thày cô không đủ chuẩn cũng lôi lên bục giảng, sinh viên thì vơ bèo vạt tép, mấy điểm cũng tuyển, miễn là có tiền… khiến chất lượng đầu ra thấp đến mức chưa bao giờ thấp hơn. Đừng trách các doanh nghiệp tại sao chỉ tuyển nhân viên bảo vệ cũng đòi phải có bằng đại học, họ có cái lý của họ. Ông Nguyễn Thiện Nhân khi đương bộ trưởng đã hô hào nói “không” với bệnh thành tích, tuy nhiên thực tế cho thấy trong thời của ông Nhân bệnh thành tích chả khác gì nan y, hết thuốc chữa. Một vài cá nhân đứng ra chống tiêu cực, như thầy giáo Đỗ Việt Khoa, được ông Nhân tung hô, đánh bóng nhưng sau đó chối bỏ, làm lơ không thương tiếc. Thành thực mà nói, cá nhân tôi đã hoàn toàn hết niềm tin ở ông Nhân sau vụ Đỗ Việt Khoa.

Những nhà lãnh đạo nền giáo dục xứ này hễ mở miệng là rồng bay phượng múa, nào là bắt kịp thời đại, tiên tiến, khoa học, đi tắt đón đầu… nhưng thực tế họ còn bảo hoàng hơn vua. Không ai khác, chính họ khư khư ôm giữ chặt những cũ kỹ lạc hậu, không chịu chuyển động trước những đổi thay của cuộc sống. Chương trình sách giáo khoa thì cổ hủ, nặng nề, suốt bao năm cứ nhồi nhét những nội dung cũ rích, kể cả những thứ người ta đã vứt vào sọt rác. Trong khi ấy, bao điều mới mẻ, cần thiết, hệ trọng lại không được đoái hoài. Gần đây nhất là dư luận xã hội và đông đảo nhân dân bức xúc đòi phải nhanh chóng đưa nội dung biển đảo, Hoàng Sa-Trường Sa vào sách giáo khoa thành nội dung chính thức, chính khóa, áp dụng thống nhất trên toàn quốc, thì họ cứ nay lần mai lữa, chả hiểu vì sao, vì lý do gì.


Một dẫn chứng nữa của bệnh hình thức là việc cố lập cho được Đại học quốc gia. Hơn chục năm qua giáo dục đại học cứ lúng ta lúng túng trong chiếc áo giả cầy này, không tạo ra được gì đáng kể cho đào tạo nhân tài. Thực chất, đó chỉ là thêm mâm thêm bát, đầy tính bao cấp, lãng phí nhân lực, gò bó trói buộc các trường đại học thành viên bằng tầng nấc trung gian. Nếu không mau xóa sổ mô hình này, còn tốn kém, còn kéo lùi đào tạo đại học đi xuống.

Một trong những quyết định sáng suốt của chính phủ là dời các trường đại học ra khỏi nội đô, tạo những môi trường học tập hoàn hảo. Vì rất nhiều lý do, những nhà hoạch định đã phân tích không nên để tồn tại các trường đại học trong thành phố. Nhà nước cấp đất, cấp tiền, đặt ra lịch trình, yêu cầu Bộ GD-ĐT chỉ đạo thực hiện. Nhưng, lại nhưng, tại hai thành phố lớn nhất nước, Hà Nội và Sài Gòn, nơi có nhiều trường đại học đóng đô nhất, không hiểu sao người ta vẫn duyệt, cho phép các trường cần phải di dời được tiếp tục xây dựng ngay trên đất cũ cơ sở bề thế, tốn kém, vững như bàn thạch. Trường quyết bám trụ, một tấc không đi một li không rời, không tuân theo chỉ đạo của thủ tướng, liệu sự trái khoáy này có “công” của Bộ GD-ĐT?

Năm nào cũng như năm nào, cứ trước năm học mới, phụ huynh đến khổ vì sách giáo khoa. Nội dung đổi thay xoành xoạch, cách sử dụng tốn kém, lãng phí. Và điên nhất là giá cả. Một ông bạn tôi làm bên ngành xuất bản bảo rằng với số lượng in khổng lồ, không có thứ ấn phẩm nào so sánh được, sách giáo khoa là món hời béo bở. Nếu đấu thầu đàng hoàng, không cho nhà xuất bản Giáo dục độc quyền nữa, giá thành sách giáo khoa sẽ chỉ còn một nửa, tức là bớt được một nửa gánh nặng chi phí mua sách cho người có con em đi học. Biết thế thôi, dễ gì họ nhả.


Loanh quanh vài chuyện, tôi lại càng thấm thía cái câu nói độp của một vị phụ huynh đáng kính khi ngồi uống trà bàn chuyện giáo dục. Ông bảo: nếu tao làm người đứng đầu đất nước này 1 giờ thôi, quyết định đầu tiên mà tao ký là giải tán bộ giáo dục.


Ờ nhỉ, để cứu nền giáo dục nước nhà, còn chờ gì nữa mà không giải tán bộ Học.


7.6.2012


Nguyễn Thông





_____________________________________________





Quốc hội bàn chuyện “một người khỏe hai người vui”









Báo chí đang inh ỏm cuộc chiến “lá cải”. Tưởng mỗi báo chí, hóa ra ngay cả quốc hội cũng... lá cải! 



Trong lúc quá nhiều sự thể nóng bỏng, kinh tế tuột dốc như “cỗ xe hỏng phanh”, tái cấu trúc để Vinashin biến thành... Vinalines, hàng chục tập đoàn kinh tế- những mô hình “quả đấm thép” treo nợ hàng trăm nghìn tỷ, hàng vạn doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản, đất đai khiếu kiện phức tạp nóng bỏng, nhức nhối đến mức người dân phải cầm súng bắn lại chính quyền, vung dao chém cán bộ thu hồi đất rồi uống thuốc sâu tự tử, những người phụ nữ chân lấm tay bùn phải thắt khăn tang, thậm chí có trường hợp phải tụt quần khỏa thân giữ đất... Những đoàn biểu tình (có cuộc lên tới hàng nghìn người) kéo về Hà Nội ngày một đông, với đủ loại băng rôn biểu ngữ dán lên người, cách hội trường quốc hội đang họp không xa.


Thế nhưng có được mấy người trong số 499 vị đại biểu quốc hội thật sự biết quan tâm và thấy... nóng lòng trước những sự thể trên? Có ai dám rời cuộc họp, bước ra gặp dân xem họ cần nói gì, đòi hỏi gì, bức xúc gì?


Thậm chí tôi thèm ước động tác ai đó dám bước ra mời người dân mất đất vào hội trường quốc hội, cho họ phát biểu thoải mái xem dân người ta đang kêu kiện điều gì, đang oan ức nỗi chi? Quốc hội dừng một tiếng, một ngày hoặc một phiên họp, một dự luật (như luật quảng cáo chẳng hạn) chậm ban hành cũng chẳng sao, nó không thể bức thiết bằng việc gặp dân, nghe dân, gỡ oan rối cho dân.

Ấy mới đúng là đại biểu của dân. Và tiến trình dân chủ trong chính quốc hội rất cần được kích hoạt bằng những động thái này.


Tiếc rằng chất lượng quốc hội dường như ngày một yếu đi. Nhiều hôm nghe cãi bàn tranh luận từng cách dùng câu đến dấu chấm phẩy khi soạn luật, tôi thấy nó tựa như cái lớp học vỡ lòng. Tổn phí thời gian vô cùng tận.


Hôm rồi, lại nghe quốc hội dành thời gian cãi tranh rất hăng về một nội dung rất... lá cải. Ấy là nội dung câu slogan quảng cáo “một người khỏe hai người vui” của một loại thực phẩm chức năng mang tên “Nam thận bảo”. Lý do bàn cãi vì nội dung bị cho là trái “thuần phong mỹ tục” !?


Không hiểu quốc hội hay lớp học vỡ lòng mà tranh luận bàn cãi rất trẻ con. Rằng tại sao lời quảng cáo không phải “một người khỏe, cả nhà vui” mà lại là “một người khỏe hai người vui”?


Nam thận bảo là loại thực phẩm chức năng dùng chữa bệnh nam giới bị xuất tinh sớm, khó khăn cương cứng, liệt dương, ham muốn tình dục yếu, tinh trùng ít... Vậy nó quảng cáo “một người khỏe hai người vui” là đúng rồi còn gì? Thậm chí đúng phải nói là “một người khỏe hai người sướng” chứ! Bắt người ta quảng cáo thành “một người khỏe cả nhà vui” hóa ra là quảng cáo sự cuồng dâm, loạn luân à?

Nghe mà không nhịn cười được. Vì thế, chất lượng quốc hội nhiều khi thấy không khác chi một lớp... vỡ lòng!


Suốt mấy tuần nay, báo chí inh ỏm cuộc chiến “lá cải”. Tưởng mỗi báo chí, hóa ra ngay cả quốc hội cũng... lá cải không kém.


Tôi đang lo với chất lượng này, tình hình và xu thế này, không khéo nay mai chuyện “gái nghìn đô” đang nóng rực trên các mặt báo lại tiếp tục làm nóng diễn đàn quốc hội nữa thì... Mô phật, mấy anh báo chí lá cải cũng chịu thua!



Blogger Trương Duy Nhất


______________________________________________






KHUYẾN MÃI HÀNG HIỆU




Hổng tin thì cứ xem thử! 



Con nhà tông!


Tiểu gia (con đại gia)


Người tình không chân dung!


Lưỡi không xương


Quái nhân!


Không được tò mò!


Quần... qua các thời đại


Ngôn ngữ thời a còng


Xin giới thiệu chân dung của vợ em!


Người mẫu mới của hảng quần bò!


Người lưỡng tính


Khi ô ba ma lên cơn