Sunday, June 3, 2012

PHỌT PHẸT PHÂN TÍCH XU THẾ THỜI CUỘC



NỀN HÒA BÌNH ĐÁNH ĐU 




Bạn anh, Panetta, bộ trưởng quốc phòng đế quốc Mẽo đang có chuyến viếng thăm An-nam. Điều đặc biệt, không theo thông lệ, bạn anh vút thẳng Cam Ranh, một quân cảng chiến lược hạng nhất Á châu. Rồi sau mới té Hà nụi, diện kiến các đồng chí bụng to, cũng bạn anh nốt.


Nhân dịp này, để nhiệt liệt chào mừng sự hiện diện của bạn anh trong bối cảnh bức bối rối ren của khu vực cũng như những hứa hẹn chiến lược tương lai với An-nam cựu thù. Anh dán lại thiên Lãng luận " Nền hòa bình tạm thời" của thằng Lãng đầu bò, đệ anh. Bài biên năm 2010.


Phân tích xu thế thời cuộc là một việc không dễ dàng, bản thân nó chứa quá nhiều yếu tố bất định và hàm chứa sẵn rủi ro. Tuy nhiên vẫn có nhiều ước đoán vượt thời đại từng được đưa ra. Thời gian đã kiểm nghiệm tính chính xác của những phân tích ấy.


Cách đây khoảng 4 năm, anh Lãng mở topic "Làm gì đây?" tại diễn đàn Tathy Thăng Long khi bàn về mối hiểm họa Trung Quốc đối với Việt Nam, lúc đó anh thật sự kinh hoàng khi nhìn nhận vào một sự thờ ơ có hệ thống trong suy nghĩ của các cơ quan chính thống Việt Nam đối với hiểm họa to lớn này của đất nước. Ngoại trừ những phản ứng ngoại giao yếu ớt và đầy mờ nhạt của người phát ngôn Bộ ngoại giao mỗi khi có một sự kiện lấn lướt của nước ngoài ở Biển Đông, các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam lúc đó gần như coi Biển Đông là một đề tài cấm kỵ. Thậm chí các câu chữ liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa còn bị liệt vào một trong số những câu chữ thuộc đề tài "nhạy cảm". Tuy nhiên điều rất may mắn là những suy nghĩ cảnh giác với Trung Quốc dường như đã là một phần máu thịt của người Việt Nam. Topic ấy nhận được nhiều sự quan tâm, đốm lửa lan nhanh trên khắp thế giới mạng. Cùng với sự kiện Tam Á, làn sóng cảnh giác và đấu tranh của người Việt cho Biển Đông trở thành một cao trào bùng phát dữ dội. Điểm nhấn cho nó là hai cuộc biểu tình liên tiếp trước sứ quán và lãnh sự Trung Quốc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh của nhiều thanh niên Việt Nam. Kể từ đó, dân tộc dường như thức tỉnh sau một thời kỳ dài thờ ơ. Anh cho rằng, những sự kiện như thế rồi sẽ được ghi lại dấu ấn đối với lịch sử, bất kể nó đã không nhận được sự thừa nhận chính thức từ phía chính quyền. Đó là khúc tráng ca của lòng yêu nước.


Ý chí của người dân cuối cùng đã phản ứng vào chính sách. Sau sự kiện Tam Á cuối năm 2007, báo chí phản ánh về Biển Đông thường xuyên và cập nhật hơn, người Việt thì luôn luôn cảnh giác trước mọi động thái liên quan đến Trung Quốc. Sự cảnh giác ấy không thừa. Đấu tranh của người Việt đã góp phần chặn đứng sự thâu tóm của Trung Quốc ở Tây Nguyên (Bản dự thảo kế hoạch đầu tiên khai thác Bauxite Tây Nguyên do TKV đưa ra thậm chí đề xuất cho phép Trung Quốc góp vốn tới 51% nhà máy khai thác quặng, sau làn sóng đấu tranh dữ dội của người Việt, Bộ Chính Trị ra nghị quyết khẳng định nhà máy khai thác chỉ sử dụng nhà thầu TQ xây dựng, còn 100% sở hữu thuộc về Việt Nam). Tiếp đó là các câu chuyện liên quan đến thuê đất thuê rừng, với mối nguy cơ ít hơn, nhưng thái độ quyết liệt của người Việt đã làm rõ nhiều câu chuyện của vấn đề, và giúp chặn đứng nhiều nguy cơ lớn.


Sự cảnh giác của người Việt hòan toàn không thừa. Chúng ta đang sống cạnh một cường quốc với dã tâm thôn tính và bành trướng vào hàng mạnh nhất lịch sử.




Có nhiều phân tích anh từng dự báo về các bước tiến của Trung Quốc trên Biển Đông hồi năm 2007. Sau gần 4 năm nhìn lại, hầu hết những ước đoán ấy đều thành sự thật. Các mốc thời gian 2008, 2009 và nửa đầu năm 2010 trôi qua một cách nặng nề. Những cao trào căng thẳng trên biển bùng phát không ít lần trước sự lấn lướt của các phương tiện vũ trang Trung Quốc trên Biển Đông. Nguy cơ về một cuộc xung đột có thể bùng phát bất cứ lúc nào với sự hung hăng của tàu bè Trung Quốc. Việt Nam cho đến rất gần đây thôi còn đang đứng trước nguy cơ mà anh cho rằng ít người chịu nhận ra. Những tháng đầu năm 2010, Trung Quốc có thể gây hấn bất cứ lúc nào, khi sức mạnh Việt Nam về mặt quân sự còn thua kém trong khi chính sách của các nước lớn chưa định hình. Mặc dù Việt Nam ký kết hàng loạt các hợp đồng mua sắm khí tài tốn kém, nhưng thời gian giao hàng và thời gian để sử dụng thành thạo trang thiết bị (đặc biệt là tàu ngầm) thì còn phải mất 3 - 5 năm. Trong khi đó, sẽ lấy gì để đảm bảo hòa bình trong 3 - 5 năm trống vắng về khả năng phòng thủ?


Tuy nhiên hiện nay, anh có thể khẳng định với các bạn, nguy cơ về một cuộc xung đột ở Biển Đông đã giảm xuống mức cực thấp, mặc dù giọng điệu gây hấn của Trung Quốc từ cả các nguồn chính thống, phi chính thống, báo mạng hay dư luận sẽ còn tăng mỗi lúc một cao. Chúng ta nên vui mừng vì sự hiện diện của người Mỹ, sự điều chỉnh chính sách của nó đang tái lập một trật tự cân bằng mới trong khu vực. Trong loạt phân tích "Viễn kiến biển đông" anh có nhấn mạnh về vai trò "chiếc ô an ninh" mà sự hiện diện của Mỹ mang lại. Trong một khoảng thời gian từ 5 - 10 năm, khi Mỹ chưa hạ gục được Trung Quốc về kinh tế, sẽ rất khó có khả năng hai nước lớn này bắt tay mặc cả với nhau về quyền lợi và phân vùng ảnh hưởng. Đó sẽ là thời gian Mỹ tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông, thắt chặt và củng cố liên minh với những bạn bè truyền thống, đồng thời o bế quan hệ với những người bạn mới. Đó sẽ là thời gian trăng mật của mối quan hệ Mỹ - Việt. Tận dụng tốt được thời kỳ này, Việt Nam sẽ củng cố được sức mạnh của mình, và có thể tự bảo vệ được chính mình ngay cả khi nước Mỹ rời đi.


Hiện tại mà nói, khi Mỹ đang để mắt tới Biển Đông, thậm chí chẳng ngán ngại gì mang tàu sân bay tới tập trận tại sát cánh cổng Trung Quốc là Hoàng Hải, thì Trung Quốc khó có thể dám động binh trước mắt quan sát của Mỹ. Chỉ riêng cái nguy cơ Mỹ cung cấp khí tài, trang bị cho các nước có tiếng tăm cứng cổ như Việt Nam nếu Trung Quốc phát động chiến tranh cũng đã đủ để Trung Quốc kinh hoàng, chưa tính tới việc Mỹ phong tỏa Mallacca với cái cớ bảo đảm an ninh hàng hải trong tình hình xung đột. Cho nên, có thể khẳng định rằng, trong thời gian 5 năm trước mắt, nguy cơ chiến tranh ở Biển Đông là rất rất thấp. Anh Lãng cuối cùng đã có thể thở phào, một cách nhẹ nhõm trong âu lo.




Trong thời gian có nền hòa bình đảm bảo từ 5 - 10 năm ấy, khi các thế lực lớn đang giữ miếng gằm ghè nhau, sẽ là ngu xuẩn nếu chúng ta rung đùi, buông xuôi và phó mặc vào một nền hòa bình dễ dãi. Đây chính là khoảng thời gian quý báu người Việt Nam cần hết sức tranh thủ để nâng cao sức mạnh quốc gia:


- Trong vòng 5 năm, hầu hết các hợp đồng mua sắm khí tài ồ ạt Việt Nam ký thời gian qua đều sẽ được giao hàng. Việt Nam sẽ có nhiều tàu chiến hiện đại, một hạm đội gồm đủ 6 tàu ngầm tấn công và nhiều phi đội chiến đấu cơ hiện đại. Khi có đủ số khí tài này trong lực lượng, có thể nói Việt Nam sẽ thực sự là một lực lượng đáng gờm về mặt quân sự ở Biển Đông, có khả năng đáp trả tương xứng với bất cứ một sự đe dọa nào từ Trung Quốc. Thua kém về trang bị, về số lượng khí tài nhưng Việt Nam chiếm lợi thế tuyệt đối về địa lợi. Người Việt cũng có truyền thống tài ba trong việc phát huy tính năng các loại khí tài trong chiến đấu. Điều này thì ai cũng đều hiểu rõ. Có nghĩa là, nếu người Việt không chủ quan, thì trong vòng 5 năm tới, chúng ta chắc chắn sẽ có trong tay một khả năng tự vệ đáng nể ở Biển Đông, lúc đó, ngay cả khi Mỹ đã thỏa thuận xong với Trung Quốc về các vấn đề chiến lược và rút đi, thì Việt Nam cũng đã trở thành một cục xương khó nuốt.


- Trong vòng 5 năm tới, sẽ là thời kỳ nồng ấm đặc biệt trong quan hệ Mỹ - Việt. Việt Nam cần hết sức tranh thủ thiện cảm có tính cấp thời này để khai thác các lợi ích từ Mỹ. Cần thu hút tối đa các nguồn vốn đầu tư, các nguồn viện trợ, thậm chí là các nguồn cung cấp trang thiết bị quân sự hiện đại để phát triển kinh tế và quốc phòng. Việt Nam cần tận dụng việc Mỹ đánh giá vai trò quan trọng của Việt Nam trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc, để thúc đẩy Mỹ áp dụng những chính sách có lợi nhất giúp Việt Nam mạnh lên, chẳng hạn về mặt kinh tế thì công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, xóa bỏ các hàng rào kỹ thuật chặn hàng hóa Việt Nam vào Mỹ, về mặt quân sự thì viện trợ và bán các khí tài hiện đại, về mặt khoa học công nghệ thì giúp Việt Nam đào tạo chuyên gia, giúp xử lý các vấn nạn về môi trường ... Nếu khai thác tốt nước Mỹ trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ có một sức bật lớn để tiến lên phía trước.


Có thể khẳng định rằng, trong 5 - 10 năm tới, một khi Mỹ vẫn còn coi Trung Quốc là hiểm họa đe dọa sự thống trị kinh tế của Mỹ, nước Mỹ sẽ tìm mọi cách ép Trung Quốc phải nhượng bộ về chiến lược phát triển. Cuộc đấu này cam go, Mỹ sẽ thắng nhưng tốn thời gian, và thời gian đó sẽ là món quà cho người Việt Nam. Việt Nam sẽ rất ít có nguy cơ bị Trung Quốc tấn công, một khi Trung Quốc vẫn còn phải đương đầu với sức ép từ Mỹ. Do đó, chúng ta ít nhiều có thể an tâm về một nền hòa bình tạm thời.


Ngược lại, anh cho rằng thời gian tới sức ép về mặt kinh tế của Trung Quốc với Việt Nam sẽ cực kỳ căng thẳng. Trung Quốc sẽ đẩy việc tuyên truyền chống Việt Nam thành một cao trào, sẽ có rất nhiều dậm dọa, sẽ có rất nhiều sức ép về kinh tế được đưa ra. Mục tiêu chính là nhằm làm Việt Nam khiếp sợ, quỵ gối và quy hàng. Việt Nam sẽ phải đối mặt với một thời kỳ khó khăn về kinh tế, bởi hiện tại hoạt động kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào quan hệ thương mại với Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại, thậm chí sẽ có không ít khủng hoảng khi Trung Quốc dùng các ngón đòn dưới háng về tỷ giá, về hàng xuất và dựng lên các hàng rào kỹ thuật đối phó Việt Nam. Đây sẽ là một thời kỳ người Việt Nam cần thắt lưng buộc bụng theo đúng nghĩa đen.




Tuy nhiên, với một tầm nhìn xa hơn vào tương lai, anh lại cho rằng những khó khăn ấy là cơ may lớn của Việt Nam để thoát khỏi cái bóng ám ảnh nặng nề của nền kinh tế Trung Quốc. Hiện tại Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nhiều nguồn hàng xuất xứ Trung Quốc. Việt Nam nhập siêu nặng nề với Trung Hoa trong khi xuất siêu với phần lớn các nền kinh tế châu Âu và nước Mỹ. Nền sản xuất Việt Nam còn bị chèn ép nặng nề bởi làn sóng hàng lậu xuyên biên giới từ lâu đã vượt quá mức báo động. Việc Trung Quốc tiến hành các hành vi gây sức ép kinh tế sẽ khiến Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề trong ngắn hạn và gây ra những tổn thương lâu dài, đồng thời cũng sẽ làm quan hệ thương mại Việt - Trung sụt giảm mạnh. Về mặt chiến thuật, chúng ta sẽ tổn thất nặng trước các đòn trừng phạt kinh tế của Trung Quốc, nhưng về mặt chiến lược, một chân trời mới sẽ mở ra đối với Việt Nam. Một khi Việt Nam thoát được khỏi sự lệ thuộc vào các nguồn cung cấp hàng hóa Trung Hoa, thiết lập được các nguồn cung cấp mới, và đặc biệt, từ trong khốn khó xây dựng được năng lực tự chủ riêng của nền kinh tế, thì đó cũng chính là lúc Việt Nam có thể tự cường, và có thể tin vào một nền độc lập, tự chủ, hòa bình lâu dài bên cạnh Trung Hoa.


Anh tin chắc sẽ có không ít thế lực ở Việt Nam chống phá quyết liệt những định hướng này, bởi quyền lợi cá nhân của họ gắn liền với các hoạt động kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ nỗ lực làm suy yếu, chia rẽ sự đồng nhất về ý tưởng của Việt Nam, song song với sức ép về kinh tế, sẽ là sự đe dọa nặng nề về mặt ngoại giao và ngôn từ. Nhưng anh còn chắc chắn hơn rằng, nếu chúng ta kiên quyết, vững vàng, thì Việt Nam sẽ thành công tự đứng trên đôi chân của mình. Có thể ngẩng mặt tự tin vào chính một nền hòa bình được đảm bảo bằng sức mạnh nội tại quốc gia, chứ không phải một nền hòa bình mong manh nhờ đánh đu thời cuộc.