Wednesday, April 30, 2014

NHỮNG NGƯỜI THÍCH ĐÙA...




“Ông trời con” Hoàng Kông Tư vs. BBC Việt ngữ




Trịnh Hữu Long - Nguyễn Anh Tuấn - Phạm Đoan Trang - Thứ sáu, ngày 25/4/2014, trao đổi với tờ báo “nhà trồng được” là Công An Nhân Dân, Trung tướng Hoàng Kông Tư, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Bộ Công an, tuyên bố đại ý: Vào cùng ngày, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã khởi tố một vụ án hình sự về tội vu khống, liên quan đến bài báo “Dương Chí Dũng và những triệu đô la” của phóng viên Nguyễn Hùng trên BBC tiếng Việt.


Đáng chú ý là bài báo của phóng viên Nguyễn Hùng chỉ mới đăng trên BBC Việt ngữ vào thứ năm, ngày 24/4. Nghĩa là vừa đăng hôm trước, thì hôm sau Cơ quan ANĐT đã khởi tố liền. Đồng thời chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, cơ quan ấy cũng đã kịp “xác minh, làm rõ và xác định” một người tên Tiệc nào đó là ông Ngô Xuân Tiệc, sinh năm 1961, thường trú tại 277 Phạm Văn Hải, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, là Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa. Chưa hết, Cơ quan ANĐT còn kịp buộc được ông Tiệc này “viết bản tường trình cam đoan, khẳng định hoàn toàn không có sự việc như Dương Chí Dũng khai”.

Mọi sự diễn ra quả là nhanh chóng. Tướng Tư nói thêm: “Quá trình điều tra, nếu xác định phóng viên Nguyễn Hùng đang làm việc ở Ban Việt ngữ đài BBC ở Vương quốc Anh là tác giả bài báo thì Cơ quan ANĐT sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết yêu cầu cơ quan tư pháp Vương quốc Anh hỗ trợ triệu tập phóng viên Nguyễn Hùng về Việt Nam để điều tra… và xử lý theo quy định của pháp luật…”.
Bài trao đổi của tướng Tư với cơ quan ngôn luận của ngành có thể cho chúng ta thấy hai điều: Thứ nhất, ông hiểu rất ít về báo chí. Thứ hai, ông có cách hành xử của người tưởng mình là ông trời (con).

Không phải cứ thích kết tội báo chí là kết tội được


Ảnh không rõ nguồn

Ở đây, cần phải nói rõ là ông Tư không hiểu về báo chí nói chung và các nguyên tắc chung của nghề báo, chứ không phải thứ báo chí công cụ mà Đảng và Nhà nước vốn quen xài ở Việt Nam.


Một cách chung nhất thì có thể nói rằng việc đưa thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của một cá nhân/ tổ chức cấu thành một thứ tội trong báo chí, gọi là tội vu khống, bôi nhọ (defamation/ slander/ libel). Trên tinh thần bảo vệ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, các nền luật pháp cũng như các nền báo chí lớn trên thế giới (Mỹ, Anh) đều không hình sự hóa tội này, đặc biệt khi người nại rằng họ bị báo chí làm mất uy tín lại là người của công chúng (public figure), nghĩa là bao gồm cả quan chức chính quyền.

Tại Mỹ, Tu chính án số 1 bảo vệ tuyệt đối các quyền tự do tư tưởng, trong đó có quyền tự do báo chí: “Quốc hội không làm luật để tôn xưng sự khai lập một tôn giáo, hoặc ngăn cấm sự tự do hành đạo, hoặc hạn chế tự do ngôn luận, hoặc tự do báo chí, hoặc quyền của người dân được tụ tập ôn hòa và quyền ra yêu sách buộc chính phủ sửa sai những bất công”. Luật pháp cho nhà báo quyền được viết về gần như tất cả mọi thứ và hầu như luôn được miễn trách nhiệm hình sự khi họ chỉ trích quan chức chính quyền. Thậm chí nhà báo không bị yêu cầu phải đưa tin có trách nhiệm, công bằng. Mike Farrell, một giáo sư về truyền thông và luật báo chí Mỹ, từng nhận định: “Tu chính án số 1 không buộc nhà báo phải công bằng, phải nghiên cứu toàn diện các vấn đề, phải phản ánh câu chuyện đặt trong bối cảnh của nó, phải nhận lỗi, xin lỗi”. (Đấy là chưa nói thêm, Tu chính án số 1 không để cho chính quyền có quyền cấp thẻ nhà báo.)

Trong một án lệ nổi tiếng năm 1964, Sullivan kiện New York Times, Chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ Brennan ra phán quyết rằng quan chức nhà nước chỉ có thể được phục hồi danh dự nếu chứng minh được là việc báo chí đưa tin sai sự thật xuất phát từ dụng ý xấu, nói cách khác là cố tình tung tin sai. Nhưng điều này rất khó chứng minh, cho nên có thể thấy là quan chức, nếu kiện báo chí cũng khó mà thắng. Với án lệ này, báo chí Mỹ được bảo vệ gần như tuyệt đối.

Trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam, “dụng ý xấu” được diễn giải là “bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác…” (Điều 122). Trường hợp phóng viên Nguyễn Hùng của BBC (người mang hai quốc tịch Việt Nam và Anh), Cơ quan ANĐT chưa cần biết ông Hùng có “biết rõ là thông tin bịa đặt” hay không mà đã vội khép tội, quả là nhanh chóng lắm thay! Dù sao đi nữa, trách nhiệm chứng minh thông tin đó là bịa đặt và ông Hùng cố ý loan truyền thuộc về cơ quan ANĐT. Nếu không chứng minh được thì quý cơ quan thua.

So với Mỹ, luật pháp Anh ít bảo vệ nhà báo hơn. Tiền bồi thường thiệt hại danh dự cho các nạn nhân của báo chí trong các vụ liên quan đến tội “libel” khá cao, có thể lên tới hơn 500.000 bảng Anh (gần 1 triệu USD) như trong một vài vụ nổi tiếng. Nhưng luật pháp Anh cũng quy định quyền miễn trừ dành cho báo chí, chẳng hạn như khi phản ánh một vấn đề thuộc về lợi ích công (và/ hoặc được công chúng quan tâm) theo một cách có trách nhiệm; khi đó, báo chí được miễn trừ ngay cả khi thông tin họ phản ánh không đúng sự thật. Chánh án Donald Nicholls còn đưa ra một danh sách 10 tiêu chí mà báo chí, căn cứ vào đó, có thể được miễn trách nhiệm, chẳng hạn giọng điệu, ngôn ngữ của bài báo – chú ý rằng báo chí được quyền nêu nghi vấn và/hoặc kêu gọi tiến hành điều tra – và thời gian tác nghiệp hay là “độ nóng” của sự kiện – rõ ràng là trong nhiều tình huống cần đưa tin gấp rút, liên quan đến lợi ích công, nhà báo có thể không có điều kiện kiểm chứng thông tin. (Đó là chưa kể, ngay cả nếu BBC Việt ngữ gọi điện từ nước ngoài về cho một cán bộ nào đó của Bộ Công an để kiểm chứng thông tin, cũng gần như chắc chắn 100% là không có câu trả lời).

Một điều quan trọng là ở các nền luật pháp bảo vệ quyền con người, “tội” đưa tin sai sự thật của báo chí không bao giờ bị hình sự hóa và càng không có chuyện nhà báo bị bỏ tù. Ở Việt Nam thì khác: Đưa tin đúng hay sai sự thật, không cần biết, nhưng hễ động chạm các ông trời con thì nhà báo chắc chắn bị xử lý nghiêm khắc, bao gồm cả đi tù.

Đối với báo chí Việt Nam, luật pháp dĩ nhiên chỉ là công cụ để Nhà nước quản lý báo chí và định hướng tư tưởng nhân dân. Các tội liên quan đến “bảo vệ lợi ích, uy tín, danh dự, nhân phẩm” chỉ được dùng để bảo vệ các quan thôi, còn với dân thường mà nhất là “thế lực thù địch, phản động” thì báo chí cứ việc vô tư mà mạt sát, vu khống. Điều đó thì chắc ông Hoàng Kông Tư và Bộ Công an biết rõ.




Có dẫn độ được không?

Liên quan đến việc dẫn độ tội phạm, đầu năm 2009, Anh và Việt Nam có ký Hiệp định Tương trợ Tư pháp. Theo đó, về phía Anh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận yêu cầu dẫn độ tội phạm là Quốc vụ khanh (Secretary of State) và Tổng cục Thuế vụ và Hải quan (HMRC). Phía Việt Nam, cơ quan duy nhất có thẩm quyền gửi yêu cầu dẫn độ là Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Vì đơn vị này lâu nay vốn dĩ “phối hợp ăn ý” với an ninh, công an, cho nên Cơ quan ANĐT của ông Kông Tư có thể dễ dàng có được yêu cầu dẫn độ cộp dấu của Viện Kiểm sát, nếu muốn.

Tuy nhiên, Nhà nước Việt Nam đòi Anh dẫn độ ông Nguyễn Hùng (mang hai quốc tịch Anh và Việt) là một chuyện, Anh có đồng ý không lại là chuyện khác. Nhìn chung, việc dẫn độ có khả năng được thực hiện với các tội nghiêm trọng như khủng bố, giết người, chứ chẳng nhà nước có chủ quyền nào lại dẫn độ một công dân của mình vì người đó đã… viết báo động chạm tới quan chức của nước khác (!). Bên cạnh đó, Điều 4 Hiệp định Tương trợ Tư pháp cũng quy định rõ về các trường hợp “Từ chối Hỗ trợ”, chẳng hạn, từ chối:

- nếu như việc dẫn độ ảnh hưởng đến chủ quyền, an ninh, trật tự công cộng và các lợi ích căn bản khác của bên nhận được yêu cầu dẫn độ;

- nếu như yêu cầu dẫn độ liên quan đến những thủ tục khởi tố hình sự có động cơ chính trị;

- nếu như bên yêu cầu dẫn độ (Việt Nam) không đáp ứng được các quy định của luật pháp Anh về “phạm tội ở cả hai nước”.

“Phạm tội ở cả hai nước” (dual criminality) là một quy định trong luật liên quan đến dẫn độ ở nhiều quốc gia, kể cả Anh; theo đó, một nghi phạm chỉ có thể bị dẫn độ từ một nước A sang một nước B để chịu xét xử vì vi phạm luật nước B, nếu ở nước A cũng có luật tương tự.

Do vậy, nếu pháp luật ở Anh không hình sự hóa việc nhà báo đưa tin không vừa ý cơ quan công quyền, thì theo nguyên tắc “dual criminality”, ông Nguyễn Hùng không thể bị dẫn độ khỏi Anh để sang một nước mà tại đó ông sẽ bị kết tội.


Nguồn: Tuổi Trẻ.

Khởi tố để làm gì?

Khó mà tin rằng Hoàng Kông Tư không biết những nguyên tắc nêu trên khi ngành công an của ông có cả một văn phòng Interpol chuyên phụ trách lĩnh vực hợp tác quốc tế, dẫn độ tội phạm và điều tra xuyên quốc gia.

Nhưng, nếu biết chắc việc Vương quốc Anh dẫn độ phóng viên Nguyễn Hùng là bất khả thi, tại sao tướng Tư lại chủ động “mượn” báo ngành công an để phát lệnh khởi tố và đưa ra yêu cầu dẫn độ như trên? Nói nôm na là, biết rằng không thể, hà cớ gì vẫn làm?

Có thể lý giải hành động của tướng Tư khi giả định là dường như ông ta có một mục tiêu khác và việc khởi tố phóng viên Nguyễn Hùng chỉ là cái cớ.
Vậy mục tiêu đó là gì?

Có người đoán rằng tướng Tư muốn “rung cây dọa khỉ”: đưa nhà báo Nguyễn Hùng ra để dọa các facebooker, blogger trong nước. Nhưng giả định này bất hợp lý ở mấy điểm sau:

(1) Mục tiêu dọa nạt chỉ thực sự đạt được khi Vương quốc Anh dẫn độ ông Nguyễn Hùng cho Việt Nam xử lý. Mà điều này chắc chắn sẽ không xảy ra, như phân tích ở trên; vậy thì làm sao có thể khiến các blogger và facebooker sợ được?

(2) Ông Nguyễn Hùng sống ở nước ngoài, quốc tịch Anh, làm việc cho một hãng thông tấn quốc tế lớn trong khi các blogger thì sống trong nước, quốc tịch Việt Nam và chỉ hoạt động một cách độc lập. Khác nhau về hoàn cảnh và thế đứng như vậy, làm sao mà việc người này bị bắt có thể khiến người kia sợ sệt cho được? Vả lại, lâu nay chính quyền bỏ tù hàng chục blogger, cũng đã đủ cho mục tiêu dọa nạt của họ, đâu cần phải thêm vào danh sách một nhà báo quốc tế như ông Nguyễn Hùng mà cho dù có bắt được chính quyền cũng sẽ gặp phải những tổn thất nặng nề về mặt ngoại giao và hình ảnh quốc tế.
Như vậy, sẽ là hợp lý hơn khi giả định rằng, lệnh khởi tố dường như không phải nhắm vào người bị khởi tố mà có hơi hướng phục vụ cho một mục tiêu nội bộ nào đó, đặc biệt khi xem xét đến bối cảnh là phiên tòa xử Dương Chí Dũng đang có những diễn biến mới và chưa thể ngã ngũ trong thời gian ngắn.

Mức độ xác thực của giả định trên sẽ chỉ được đánh giá sớm nhất là sau khi phiên tòa Dương Chí Dũng kết thúc. Nhưng dù kết cục có là thế nào đi chăng nữa, báo chí và dư luận Việt Nam, một lần nữa, buồn thay, vẫn chỉ là những lá bài trong canh bạc chính trị của các phe.


* Bài liên quan (cùng tác giả): Ý đồ xấu của Nguyễn Như Phong


NGHE CŨNG CÓ LÝ...




Sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản tại Việt Nam


from VOA




Trước đây, trên thế giới, có 15 quốc gia chính thức theo chủ nghĩa cộng sản và 11 quốc gia tự nhận là cộng sản hoặc theo khuynh hướng cộng sản. Mười lăm quốc gia ở trên là: Albania, Bulgaria, Czechoslovakia, Đông Đức, Hungary, Mông Cổ, Ba Lan, Romania, Liên Xô, Yugoslavia, Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Lào và Việt Nam. Mười một quốc gia ở dưới là: Angola, Benin, Congo, Ethiopia, Mozambique, Zimbabwe, Grenada, Nicaragua, Campuchia, Afghanistan và Nam Yemen. Tổng cộng, từ hai bảng danh sách ấy, có cả thảy 26 nước cộng sản hoặc có khuynh hướng theo cộng sản. Từ đầu thập niên 1990, tất cả các chế độ cộng sản ấy đều lần lượt sụp đổ. Hiện nay, trên cả thế giới, chỉ còn năm nước mang nhãn hiệu cộng sản: Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Lào và Việt Nam.
 
Chưa có dấu hiệu nào cho thấy chủ nghĩa cộng sản ở năm quốc gia này sẽ sụp đổ sớm. Trong năm nước, có ba nước có quan hệ chặt chẽ với nhau: Trung Quốc, Việt Nam và Lào. Có lẽ Lào chỉ thay đổi được thể chế chính trị nếu, trước đó, Việt Nam cũng thay đổi; và Việt Nam có lẽ chỉ thay đổi nếu trước đó Trung Quốc cũng thay đổi. Như vậy, quốc gia có khả năng châm ngòi cho bất cứ sự thay đổi lớn lao nào là Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc và Việt Nam chưa thay đổi và chưa từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, giới nghiên cứu cũng phát hiện những dấu hiệu suy tàn âm thầm của chủ nghĩa cộng sản bên trong hai quốc gia này.
 
Ở đây, tôi chỉ tập trung vào Việt Nam.
 
Nhìn bề ngoài, chế độ cộng sản tại Việt Nam vẫn mạnh. Hai lực lượng nòng cốt nhất vẫn bảo vệ nó: công an và quân đội. Dân chúng khắp nơi bất mãn nhưng bất mãn nhất là nông dân, những người bị cướp đất hoặc quá nghèo khổ. Có điều nông dân chưa bao giờ đóng được vai trò gì trong các cuộc cách mạng dân chủ cả. Họ có thể thành công trong một số cuộc nổi dậy nhưng chỉ với một điều kiện: được lãnh đạo. Trong tình hình Việt Nam hiện nay, chưa có một tổ chức đối kháng nào ra đời, hy vọng nông dân làm được gì to lớn chỉ là một con số không. Ở thành thị, một số thanh niên và trí thức bắt đầu lên tiếng phê phán chính phủ nhưng, một, số này chưa đông; và hai, còn rất phân tán. Nói chung, trước mắt, đảng Cộng sản vẫn chưa gặp một sự nguy hiểm nào thật lớn.
 
Thế nhưng, nhìn sâu vào bên trong, chúng ta sẽ thấy quá trình mục rữa của chủ nghĩa cộng sản đã bắt đầu và càng ngày càng lớn. Như một căn bệnh ung thư bên trong một dáng người ngỡ chừng còn khỏe mạnh.
 
Sự mục rữa quan trọng nhất là về ý thức hệ.
 
Khác với tất cả các hình thức độc tài khác, chủ nghĩa cộng sản là một thứ độc tài có… lý thuyết, gắn liền với một ý thức hệ được xây dựng một cách có hệ thống và đầy vẻ khoa học. Thật ra, chủ nghĩa phát xít cũng có lý thuyết, chủ yếu dựa trên sức mạnh và tinh thần quốc gia, nhưng không phát triển thành một hệ thống chặt chẽ và có ảnh hưởng sâu rộng như chủ nghĩa cộng sản. Còn các chế độ độc tài ở Trung Đông chủ yếu gắn liền với tôn giáo cộng với truyền thống quân chủ kéo dài (thường được gọi là độc tài quốc vương, sultanistic authoritarianism) hơn là lý thuyết. Nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh: các chế độ cộng sản không thể tồn tại nếu không có nền tảng ý thức hệ đằng sau.
 
Ý thức hệ cộng sản một thời được xem là rất quyến rũ vì nó bao gồm cả hai kích thước: quốc gia và quốc tế. Ở bình diện quốc gia, nó hứa hẹn giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân; ở bình diện quốc tế, nó hứa hẹn giải phóng giai cấp vô sản và tạo nên sự bình đẳng và thịnh vượng chung cho toàn nhân loại. Ở bình diện thứ hai, chủ nghĩa cộng sản, gắn liền với một ước mơ không tưởng, rất gần với tôn giáo; ở bình diện thứ nhất, đối lập với chủ nghĩa thực dân, nó rất gần với chủ nghĩa quốc gia. Trên thực tế, hầu hết các nước cộng sản trước đây đều cổ vũ và khai thác tối đa tinh thần quốc gia trong cả quá trình giành chính quyền lẫn quá trình duy trí chế độ. Sự kết hợp giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc gia dễ thấy nhất là ở các nước thuộc địa và cựu thuộc địa như Việt Nam.
 
Sau năm 1991, tức sau khi chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, ý thức hệ cộng sản cũng bị phá sản theo. Thực trạng nghèo đói, bất công và áp bức dưới các chế độ cộng sản ấy đều bị vạch trần và phơi bày trước công luận. Sự hứa hẹn về một thiên đường trong tương lai không còn được ai tin nữa. Tính hệ thống trong chủ nghĩa Marx-Lenin cũng bị đổ vỡ. Nền tảng ý thức hệ của các chế độ cộng sản bị tan rã tạo thành một khoảng trống dưới chân chế độ.
 
Để khỏa lấp cái khoảng trống ấy, Trung Quốc sử dụng hai sự thay thế: chủ nghĩa Mao và Nho giáo (trong chủ trương tạo nên một xã hội hài hòa, dựa trên lòng trung thành). Việt Nam, vốn luôn luôn bắt chước Trung Quốc, không thể đi theo con đường ấy. Lý do đơn giản: Đề cao chủ nghĩa Mao là một điều nguy hiểm cả về phương diện đối nội lẫn đối ngoại; còn với Nho giáo, một là Việt Nam không am hiểu sâu; hai là, nó đầy vẻ… Tàu, rất dễ gây phản cảm trong quần chúng. Bế tắc, Việt Nam bèn tạo nên cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng ông Hồ Chí Minh lại không phải là một nhà lý thuyết. Ông chỉ là một người hành động. Ông viết nhiều, nhưng tất cả đều rất thô phác và đơn giản. Hơn nữa, ở Việt Nam hiện nay, cũng không có một người nào giỏi lý thuyết để từ những phát biểu sơ sài của Hồ Chí Minh xây dựng thành một hệ thống sâu sắc đủ để thuyết phục mọi người. Thành ra, cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh hoàn toàn không trám được khoảng trống do sự sụp đổ của ý thức hệ Marx-Lenin gây ra. So với Trung Quốc, khoảng trống này ở Việt Nam lớn hơn gấp bội.
 
Mất ý thức hệ cộng sản, chính quyền Việt Nam chỉ còn đứng trên một chân: chủ nghĩa quốc gia.
 
Nhưng cái chân này cũng rất èo uột nếu không muốn nói là đã lung lay, thậm chí, gãy đổ.
 
Trên nguyên tắc, Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước rất cao. Bao nhiêu chế độ ra đời từ giữa thế kỷ 20 đến nay đều muốn khai thác và tận dụng lòng yêu nước ấy. Tuy nhiên, với chế độ cộng sản hiện nay, việc khai thác vốn tài sản này gặp rất nhiều khó khăn. Lý do là lòng yêu nước bao giờ cũng gắn liền với sự căm thù. Không ai có thể thấy rõ được lòng yêu nước trừ phi đối diện với một kẻ thù nào đó của đất nước. Hai kẻ thù chính của Việt Nam, trong lịch sử mấy ngàn năm, là Trung Quốc; và gần đây nhất, là Mỹ. Nhưng Việt Nam lại không dám nói quá nhiều về hai kẻ thù này. Với Mỹ, họ cần cả về phương diện kinh tế lẫn phương diện chiến lược. Đề cao truyền thống chống Mỹ, do đó, là điều rất nguy hiểm. Đề cao truyền thống chống Trung Quốc lại càng nguy hiểm hơn: Trung Quốc có thể đánh hoặc ít nhất đe dọa VIệt Nam bất cứ lúc nào.
 
Bởi vậy, Việt Nam, một mặt, phải hạ giọng khi nói về truyền thống chống Mỹ và phải né tránh việc nhắc nhở đến truyền thống chống Trung Quốc. Hai hành động này có lợi về phương diện đối ngoại nhưng lại có tác hại nghiêm trọng về phương diện đối nội: chính quyền hiện ra, dưới mắt dân chúng, như những kẻ hèn, hèn nhát và hèn hạ. Từ một chế độ được xây dựng trên thành tích chống ngoại xâm, chế độ cộng sản tại Việt Nam lại bị xem như những kẻ bán nước, hoặc bán nước dần dần bằng cách hết nhượng bộ điều này sang nhượng bộ điều khác trước sự uy hiếp của Trung Quốc.
 
Trước sự sụp đổ của cả hai nền móng, ý thức hệ cộng sản và chủ nghĩa quốc gia, đảng Cộng sản Việt Nam bèn chuyển sang một nền tảng khác: kinh tế với phương châm ổn định và phát triển. Nội dung chính của phương châm này là: Điều cần nhất đối với Việt Nam hiện nay là phát triển để theo kịp các quốc gia khác trong khu vực cũng như, một cách gián tiếp (không được nói công khai), đủ sức để đương đầu với Trung Quốc. Nhưng để phát triển, cần nhất là phải ổn định về chính trị, nghĩa là sẽ không có thay đổi về thể chế và cũng không chấp nhận đa đảng.
 
Phương châm ấy, thật ra, là một sự bịp bợm: Nó chuyển vấn đề từ chính trị sang kinh tế với lý luận: nếu vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay là vấn đề kinh tế thì mọi biện pháp sửa đổi sẽ chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế. Với lập luận này, chính quyền có thể trì hoãn mọi yêu cầu cải cách chính trị.
 
Tuy nhiên, nó hoàn toàn không thuyết phục, bởi, ai cũng thấy, lãnh vực kinh tế là mặt mạnh nhất của chủ nghĩa tư bản và cũng là mặt yếu nhất của chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản. Tất cả các quốc gia dân chủ ở Tây phương đều có hai đặc điểm nổi bật: về chính trị, rất ổn định và hai, về kinh tế, rất phát triển. Ở Việt Nam, người ta cố thu hẹp phạm vi so sánh: các cơ quan truyền thông chính thống chủ yếu tập trung vào các nước Đông Nam Á, đặc biệt Thái Lan với một thông điệp chính: đa đảng như Thái Lan thì lúc nào cũng bị khủng hoảng. Nhưng ở đây lại có hai vấn đề: Một, dù liên tục khủng hoảng về chính trị, nền kinh tế của Thái Lan vẫn tiếp tục phát triển, hơn hẳn Việt Nam; hai, ngày nay, do xu hướng toàn cầu hóa, tầm nhìn của dân chúng rộng rãi hơn nhiều; chính quyền không thể thu hẹp mãi tầm nhìn của họ vào tấm gương của Thái Lan được.
 
Về phương diện lý luận, chiêu bài ổn định và phát triển, do đó, không đứng vững. Về phương diện thực tế, những sự phá sản của các đại công ty quốc doanh và đặc biệt, khối nợ nần chồng chất của Việt Nam khiến dân chúng càng ngày càng thấy rõ vấn đề: các chính sách kinh tế của Việt Nam không hứa hẹn một sự phát triển nào cả, nếu không muốn nói, ngược lại, chỉ lún sâu vào chỗ bế tắc.
 
Thành ra, có thể nói, tất cả các nền tảng chế độ cộng sản Việt Nam muốn nương tựa, từ chủ nghĩa Marx-Lenin đến chủ nghĩa quốc gia và lập luận ổn định để phát triển, đều lần lượt sụp đổ. Chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay như một đám lục bình chỉ nổi bập bềnh trên mặt nước. Sự tồn tại của nó chỉ dựa vào sự trung thành của công an. Do đó, một mặt, đảng cộng sản đưa ra sự khuyến dụ đối với công an: “Còn đảng, còn mình”; mặt khác, họ ngoảnh mặt làm ngơ trước hai tệ nạn do công an gây ra: tham nhũng và trấn áp dân chúng một cách dã man. Nhưng chính sách này chỉ càng ngày càng biến công an thành một đám kiêu binh và càng ngày càng đẩy công an cũng như chính quyền trở thành xa lạ với dân chúng. Sự xa lạ này càng kéo dài và càng trầm trọng, đến một lúc nào đó, trở thành đối nghịch với quần chúng.
 
Một nhà nước được xây dựng trên một đám kiêu binh, trong thời đại ngày nay, không hứa hẹn bất cứ một tương lai nào cả.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.







Nguyễn Hưng Quốc

Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Tuesday, April 29, 2014

Cười té ghế ... "cái điền đô!"

(từ quê choa)

Cười té ghế hay đau thắt lòng với chữ sửa Truyện Kiều?

Đặng Vỹ

Ngôn từ Truyện Kiều đang bị người ta dùng bạo lực can thiệp!
Mỗi từ, mỗi câu trong Truyện Kiều là mỗi viên ngọc long lanh trong kho tàng ngôn ngữ và văn chương Việt Nam, điều đó có lẽ không cần phải bàn. Nhưng nay có lẽ phải bàn lại vì có người… chê dở, và đã sửa tới 1/3 tác phẩm!





“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ Tài, chữ Mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua mỗi cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Mỗi người thứ có thứ không
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen…”
Đọc những câu thơ trên, ắt hẳn người ta sẽ nghĩ: “Sao mang máng như Truyện Kiều, mà sao hình như không phải Truyện Kiều?

1/3 kiệt tác bị sửa!

Vâng, nói sao cũng đúng. Là Truyện Kiều cũng đúng, bởi cái gốc là đại thi hào Nguyễn Du viết ra. Nhưng nói không phải Truyện Kiều cũng không sai, vì nó đã được/bị ông Đỗ Minh Xuân, một kỹ sư, sửa đi rồi.

Ngay những câu đầu tiên mở đầu kiệt tác, đã bị ông Đỗ Minh Xuân chọc bút vào. Một câu ông sửa một từ (Trải qua mỗi cuộc bể dâu); còn một câu ông thay đổi hoàn toàn. Chắc chắn những người đã thuộc câu thơ lấp lánh ánh ngọc “Lạ gì bỉ sắc tư phong” của đại thi hào, nay trở thành “Mỗi người thứ có thứ không”, có lẽ không thể nào không bị… sốc phản vệ!

Chuyện cứ tưởng như đùa nhưng lại là có thật 100% ở xứ ta! Xin đừng nóng vội, “dẽ cho thưa hết một lời đã nao” (Kiều - Nguyễn Du). Đó là trong cuộc hội thảo Dòng chảy văn hóa xứ Nghệ - Từ Truyện Kiều đến phong trào Thơ mới, tổ chức vào ngày 15/12/2012 tại khu di tích Nguyễn Du (Hà Tĩnh), mỗi đại biểu tham dự được phát một cuốn sách (bản photo) có nhan đề Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng, do Đỗ Minh Xuân khảo dịch - NXB Văn hóa - Thông tin in năm 2012. 

Ông Đỗ Minh Xuân, được biết là một kỹ sư. Không rõ kỹ sư gì, nhưng thông thường danh từ này dành cho giới kỹ thuật, khoa học tự nhiên. Thế nhưng ông đã “dày công nghiên cứu, nghiền ngẫm, đối chiếu, so sánh…”, và ông đã sửa hơn 1.000 chỗ trong Truyện Kiều như thế.  Cứ cho là mỗi đơn vị sửa sẽ rơi vào 1 câu, thì với  Truyện Kiều 3.524 câu, ông Xuân đã sửa đến 1/3 kiệt tác của đại thi hào!

Thật là ngạc nhiên, chưa nói là việc này có giúp làm cho tác phẩm hay hơn hay dở hơn, thì việc sửa tác phẩm của người khác là điều xưa nay chưa bao giờ có trong giới văn chương và kể cả các lĩnh vực học thuật khác. Trước hết, bởi quyền tác giả và trí tuệ của tác giả đã bị xâm phạm.

Lý do ông Xuân đưa ra là, vì người đọc Truyện Kiều ngày nay, không còn thịnh như trước đây do rào cản về điển tích, từ Hán, từ cổ, từ địa phương…, trong khi đó chữ nghĩa của Truyện Kiều lại rườm rà, trùng lặp, không hay, thiếu logic, trái văn cảnh…, nên ông sửa lại cho phù hợp!

Cười đến… dào mạch Tương!

Nói vòng vo không bằng chỉ ra trực diện. Ngoài câu mở đầu “Lạ gì bỉ sắc tư phong” lấp lánh ánh văn chương đã bị hãm hiếp bởi câu “Mỗi người thứ có thứ không” đầy cục súc, thì hàng loạt câu, từ, điển cố điển tích… đã bị ông kỹ sư này ra tay sát hại không thương tiếc. Chiếc cầu Lam, được gọi là “Lam kiều” một cách thướt tha sang trọng trong câu “Xăm xăm đè nẻo Lam kiều lần sang”, được ông thay bằng từ “đánh liều”, thì quả thật không có sự… liều mạng nào bằng!

“Thời trân” thì sửa thành “quả ngon”, “sẵn bày” thành “xách tay”, nên câu thơ miêu tả hành động của Thúy Kiều, một người con gái khuê các với mỗi động tác đều dịu dàng thanh nhã, cao sang “Thời trân thức thức sẵn bày”, thành ra một hành động dung tục “Quả ngon thức thức xách tay”! Nghe cứ như là nàng Kiều đang ăn trộm trái cây nhà mình cho vào giỏ rồi lén lút mang sang cho tình lang Kim Trọng!

   Cười té ghế hay đau thắt lòng với chữ sửa Truyện Kiều? - Ảnh 2
Trộm nghe thơm nức hương lân,"Buồng đào nơi tạm khóa Xuân hai Kiều"! (Đỗ Minh Xuân)
Nhưng chưa! Điều đáng sợ là ông Xuân… sợ điển cố điển tích, nên cứ gặp điển cố là ông cố tình gạt ra và thay vào đó là thứ từ ngữ dung tục của ông! Cái đài Đồng Tước mà Tào Tháo xây lên để tính vui thú với 2 nàng con gái sắc nước hương trời Đại Kiều và Tiểu Kiều - vợ của Tôn Sách và Chu Du - hiện lên trong câu thơ của đại thi hào một cách nên thơ, đẹp đẽ và sang trọng:

Trộm nghe thơm nức hương lân
Một nền Đồng Tước khóa Xuân hai Kiều”

đã bị ông Xuân hô biến thành “Buồng đào nơi tạm khóa Xuân hai Kiều”, nghe cứ như là cái buồng tạm giam tội phạm hình sự!

Không thể nào nói hết cái ngô nghê, ngớ ngẩn với hành động “sát phạt điển cố” đến kỳ dị của ông kỹ sư. Trong đêm gió mát trăng thanh, lửa tình nồng nàn, chàng thư sinh Kim Trọng cũng muốn thụ hưởng cái thơm tho của xác thịt người con gái đẹp như hương như hoa. Để giữ tiết trinh, nàng Kiều đã dẫn chuyện của cặp đôi Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy trong “Tây Sương ký”. Cặp đôi này vì quá yêu nhau mà đã ăn nằm với nhau trước khi thành hôn, để rồi sau đó chán nhau, bỏ nhau, khiến người đời sau cứ tiếc mãi cho đôi trai tài gái sắc mà không thành duyên giai ngẫu:

“Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay
Lứa đôi ai dễ đẹp tày Thôi – Trương
Mây mưa đánh đổ đá vàng
Quá chiều nên đã chán chường yến anh
Trong khi chắp cánh liền cành
Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên
Mái Tây để lạnh hương nguyền
Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng…”
Ấy thế nhưng ông Xuân sẵn sàng chém ngay cái điển cố:
“Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay
Lứa đôi từng thấy những ngày trái ngang”!

Nàng Kiều thông minh tuyệt đỉnh đã lấy truyện "Tây Sương ký" để thuyết phục Kim Trọng. Như vậy Kim Trọng mới thực sự bị thuyết phục và “Thấy lời đoan chính dễ nghe / Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân”. Còn nay, khi ông Xuân cắt quách đi cái điển cố văn học này, thì có nghĩa những lời Kiều nói chỉ là lý luận suông của nàng. Thử hỏi trong đêm gió mát trăng thanh, người yêu như hoa như ngọc, rượu đã ngấm, tình đã nồng, có ông thánh nào chịu chấp nhận những lời lý lẽ suông của người yêu như vậy không?

Lệch lạc, ngớ ngẩn, sai kiến thức, quy chụp… là những thứ nhan nhản trong “bản sửa” của ông kỹ sư. Vua Thuấn đi tuần thú sông Tương và chết, hai người vợ là  Nga Hoàng và Nữ Anh đi tìm, và ngồi bên bờ sông khóc, rồi trầm mình tự vẫn. Từ đó “mạch Tương”, “giọt Tương” chỉ giọt nước mắt, là khóc. Thúy Kiều khóc cho thân phận mình: “Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch Tương”. Ấy thế nhưng ông kỹ sư ngang nhiên sửa thành “trời đã sáng”: “Chưa xong điều nghĩ đã chào vừng dương”!
Than ôi, còn sự hàm hồ nào bằng!

Còn nhiều, nhiều lắm, vô kể. Thiếp Lan Đình thì gọi là “thiếp xem tình” (?), Lãm Thúy (có lý giải đây là danh từ riêng) đổi thành “kiểu dáng”; “đỉnh Giáp, non Thần” ngụ ý chuyện nam nữ mây mưa thì bị cưỡng hiếp đổi thành “tiên nữ giáng trần”, Chung (Tử) Kỳ - danh từ riêng, một người nghe đàn giỏi - được biến thành “ngưỡng vì”, lạ hoắc chẳng ăn nhập gì với nhau!...

Đọc những câu từ được ông kỹ sư sửa lại, người ta không khỏi ôm bụng mà cười! Thế nhưng, cười nhưng mà đau xót. Cười nhưng mà không thể không… dào mạch Tương, tức không thể không khóc! Không thể nào nghĩ ra được rằng, người ta có thể dám ngang nhiên mạo phạm văn chương, mạo phạm tiền nhân đến như vậy! Nhà thơ Nguyễn Quang Thân gọi hành động này là “vô đạo”, còn ông Thế Anh, trên tạp chí “Thơ” của Hội Nhà văn Việt Nam, gọi việc làm, hành động này là “vô lối”, “hỗn hào”; có người nói đây là hành động bất kính, người thì cho là hành động phản văn hóa, phản văn chương.

   Cười té ghế hay đau thắt lòng với chữ sửa Truyện Kiều? - Ảnh 3
Hiện nay Truyện Kiều có quá nhiều dị bản. Người ta cố giữ những bản Kiều cổ vì muốn tìm về đúng nguyên bản của nó.
Được cổ xúy bởi nhà nghiên cứu văn hóa lừng danh!

Cứ như vậy, đến hơn 1.000 chỗ sửa, 1/3 tác phẩm chứ không phải ít ỏi, tức gần như bất cứ chỗ nào trong Truyện Kiều, cũng bị ông kỹ sư cắt xé, bức tử!

Điều đáng nói là, việc sửa thơ này của ông kỹ sư lại nhận được cổ xúy của một bậc giáo sư lừng danh: Anh hùng lao động, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, Giáo sư Đặng Vũ Khiêu!

Người ta đã kinh ngạc với hành động của ông kỹ sư, thì lại càng kinh hãi hơn khi biết rằng, hành động này được một bậc danh tiếng, “đức cao vọng trọng” trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa khuyến khích và tán dương! Quả thật giới văn chương và học thuật không khỏi ngỡ ngàng rồi kinh sợ, khi đọc những dòng đề tựa của vị giáo sư này:

Với một tinh thần khoa học rất nghiêm túc, ông tìm lại hầu hết các bản Truyện Kiều từ trước đến nay, so sánh các dị bản, ông tìm đọc hầu hết các bài đã bình luận, phân tích tác phẩm và tác giả Truyện Kiều. Từ đó, ông đã có ý tưởng lớn là làm thế nào để phổ cập hóa Truyện Kiều cho quảng đại công chúng, ông gạt bỏ những câu chữ khó hiểu từ tiếng Hán để thay bằng ngôn ngữ thuần Việt trong Truyện Kiều… Tôi hoan nghênh công phu nghiên cứu của ông Đỗ Minh Xuân và tin rằng cuốn sách này của ông là một đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu Truyện Kiều…”

Chính vì vậy chả trách tại sao, cứ mỗi chỗ sửa, ông Xuân tự khen là hay hơn cả chữ của Nguyễn Du, đến nỗi còn nói nếu cụ Nguyễn Tiên Điền mà sống dậy thì ắt phải thốt lên “hậu sinh khả úy”!

Quả thật đây là lối nói hàm hồ! Ngày nay, người ta dùng Truyện Kiều để bói, còn gọi “bói Kiều”. Điều này không phải do nàng Kiều linh thiêng linh ứng, mà bởi chính vì tác phẩm của đại thi hào quá súc tích, nó đã chứa đựng tất cả mọi mặt của cuộc sống, của đời người trong đó. Đồng thời, cũng có nghĩa bất cứ người dân nào cũng biếtTruyện Kiều, chứ không phải như ông Xuân nói là ít người đọc.

Còn việc hiểu, thẩm thấu, phải nói Truyện Kiều là một hiện tượng đặc biệt: Ngôn ngữTruyện Kiều là thứ ngôn ngữ văn chương bác học nhưng diễn đạt lại rất giản dị, khiến mọi người, tất cả những ai, khi đọc đều hiểu. Người học ít thì hiểu theo mức của người học ít, người học cao thì hiểu theo cách của người học cao, còn người không biết chữ cũng hiểu được, theo cách của người không biết chữ. Chẳng vì thế mà ông bà ta xưa, dù không biết đọc chữ Nôm, vẫn thuộc làu làu 3.524 câu một mạch không vấp. Thậm chí có người mê Truyện Kiều đến mức, thuộc và đọc ngược nguyên tác phẩm! Thậm chí, dân gian còn thạo Truyện Kiều đến mức còn tập Kiều, vịnh Kiều, đố Kiều... Biết bao nhiêu là hoạt động phong phú, thể hiện dân ta đâu có... dốt Kiều, như ông Xuân nói.

Sở dĩ, trong văn học Việt Nam, chúng ta có một khối lượng đồ sộ tác phẩm, bài viết, công trình nghiên cứu Truyện Kiều, cũng bởi độ uyên bác, thâm sâu của tác phẩm này, mà tất cả đều nằm trong văn chương, ngôn từ của tác phẩm. Vậy thì, khi ông Xuân làm một cái việc là "làm cho dễ hiểu", thì có còn gì là cái bản thể, cái tinh hoa của Truyện Kiều nữa!

Phải nói, ngôn ngữ trong Truyện Kiều cô đọng, súc tích, thâm sâu đến mức, cố học giả Đào Duy Anh đã phải viết một cuốn "Từ điển Truyện Kiều", giải nghĩa từng từ một theo nội dung tác phẩm. Như vậy, khi ông Xuân kỹ sư dùng bạo lực can thiệp vào Truyện Kiều như vậy, thì có lẽ công trình của ông Đào Duy Anh đành phải... vứt sọt rác?

Cách đây gần trăm năm, Phạm Quỳnh, cố học giả, nhà báo, nhà văn, đã viết: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn…”. Một thời quan điểm của học giả Phạm Quỳnh bị ta chỉ trích kịch liệt. Nhưng đến giờ, ngẫm lại câu nói của ông vẫn cứ nguyên giá trị.

Nhưng, nếu vậy thì hiện “tiếng ta” có lẽ bị lung lay bởi việc làm ngông cuồng của một ông kỹ sư! Bởi những viên ngọc long lanh trong Truyện Kiều đang bị chà đạp bằng một thứ ngôn ngữ cục súc, mà được giáo sư Vũ Khiêu cho là kết quả của một một việc làm “với một tinh thần rất khoa học và nghiêm túc”, để thực hiện một “ý tưởng lớn”! Nếu thứ sản phẩm của trí óc điên loạn này mà đem phổ biến ra, tức là thực sựTruyện Kiều đã mất! Mà, cứ tam đoạn luận theo kiểu Đề-các, thì “Truyện Kiều còn – tiếng ta còn”, nên Truyện Kiều mất thì tiếng ta… còn đâu! Rồi “tam đoạn luận” nữa: Tiếng ta mất thì nước ta… Hỡi ôi! Nghĩ đến đây thấy giật mình, không dám nghĩ tiếp nữa! Sợ quá!

Sunday, April 27, 2014

TRUYỆN NGẮN UYÊN LÊ




CÂY HOA SỮA GIỮA CHỢ NHÀ BÈ


(Thứ Sáu, 25 Tháng Tư-2014) (Xem: 313)


Tác giả : UYÊN LÊ




Ảnh Nguyễn Hoàng Nam 


Từ xa tít dưới chân cầu Phú Xuân đã thấy cây hoa Sữa vươn lên giữa chợ Nhà Bè.

Hắn ra lệnh cho tài xế dừng chiếc xe BMW X5 màu trắng bạc dưới chân cầu. Lững thững tạt vào hàng bán hải sản Cần giờ tươi rói, hỏi mua cá Chìa vôi. Bà bán hàng bịt kín mặt chỉ ngón tay về hướng cây hoa sữa giữa chợ:

- Có mổi mình con nhỏ ngồi dưới gốc cây hoa sữa là bán cá chìa vôi thôi. Cá của anh em nhà nó nổi tiếng đến độ toàn dân Sài gòn đánh xe về mua mổi ngày. Nhà nó có tay sát cá, người ta đồn là nhờ bắt được cá chúa chìa vôi mà thả ra nên giờ được cá độ. 

Cô gái ngồi một mình dưới gốc cây hoa sữa, nắng trưa sáng bừng dát một lớp vàng óng ánh lên thân cây hoa sữa sần sùi. Hắn ngỡ mình hoa mắt, chung quanh cô gái cũng ánh một sắc vàng lóng lánh, không biết phải vì nắng hắt hay vì nắng phản chiếu từ những chiếc vẫy màu cam to tròn như đồng xu mới tinh của con cá chìa vôi nằm kín trên mâm.

Mắt hắn sáng rực lên khi thấy mâm cá chìa vôi. Con cá còn ngoi ngóp thở, mang màu cam hồng phập phồng, con mắt cá đỏ quạch sinh động lạ lùng cũng phập phồng loang loáng nước như sũng đầy nước mắt. Hắn mân mê con cá chìa vôi mập tròn nhất, tròn như một con heo cỏ, nước miếng đã túa qua chân răng khi nghĩ tới lớp thịt cá giòn ngọt thơm phứt tan ra trong miệng.

- Con cá bán sao đây? Hắn hất hàm hỏi.

Hắn đứng chết trân khi cô gái trật nón lá, ngữa mặt ra nhìn hắn. Cặp lông mày như hai vệt mực vẽ, đôi mắt dài đen nhánh hơi xếch nổi bật trên làn da hồng mịn, tia nhìn đen hút thăm thẵm bí ẩn hơn lòng sông. Chỉ riêng cặp môi khác biệt như của con nít đang lớn, hai khóe môi cong cong hình dấu ớ ngược nũng nịu.

- Dạ có người trả 500,000- một con mà con chưa bán- cô gái vẫn cắm tia nhìn trong veo vào hắn.

Hắn thở dài, chẳng lẻ mình đã già dữ vậy sao? những đêm thức trắng, trác táng, bia rượu và gái đã làm hắn xệch xoạc, bệ rạc hẳn so với tuổi 40 của hắn. 

Mắt hắn tối sầm xuống, giọng mềm mại, ve vuốt, bản năng của con thú đi săn mồi bắt đầu vùng dậy rạo rực trong người hắn. Hắn rút tờ 100 đollar nhét vào tay cô gái:

- Chỉ cần cá ngon là giá bao nhiêu anh cũng mua. Anh bao hết cá của em hôm nay. Anh trả 100 đô

dư bao nhiêu cho em luôn.

Cô gái hốt hoảng đẩy tay hắn ra xa:

- Dạ không được. Con chỉ bán 1 con này thôi, mấy con kia có người dặn trước rồi.

Cơn rùng mình chạy từ ngón tay xộc thẳng đến tận tim. Cả người hắn lao đao khi chạm vào lớp lông măng phơn phớt mịn màng trên cánh tay cô gái. Như làn hương tươi tắn mát rượi của tuổi trẻ đang tưới tắm vùng héo hon sâu thẵm trong hắn. Hắn kề sát người vào cô gái thì thầm:

- Coi như ban đầu anh làm quen, bây giờ anh là mối xịn của em, bỏ hết mấy mối khác đí.

Hương hoa sữa nồng nàn tỏa ra từ thân thể non tơ của cô gái làm hắn run rẩy từng thớ thịt. Cô gái kín đáo nhích ra xa, bậm đôi môi hồng, kiên quyết:

- Dạ không được, con không làm dzậy được.

- Bán hết cho anh đây đi rồi về sớm, đợi chờ ai nữa, trưa chợ rồi, bé! Một giọng ồ ề cất lên sau lưng hắn, một thanh niên lực lưỡng, vai và hai tay to lớn so với thân hình rắn chắc đen đúa vừa bước tới vừa nói. Gã trai vừa mới tới cầm gọn tờ 100 dollar vào tay, trút hết mâm cá vào cái bao bự:

- Ở đây có mình hai anh em tui bán cá chìa vôi, bao giờ anh cần cứ ra đây tìm tôi, hay gọi điện thoại cho tui đem đến tận nơi, không cần qua bọn mối lái gì cho mắc mõ.

Hắn mừng rỡ chụp bàn tay gã thanh niên thân mật, mắt vẫn hút như nam châm vào thân hình mảnh dẻ của cô gái trong chiếc áo bà ba tím hoa cà. Cô gái không bận tâm đến hắn, chăm chú nghiêng lon nước tưới lên gốc cây hoa sữa.

- Mai gặp ở chổ này nữa nha anh Hai- hắn vỗ vai người thanh niên- vậy mới bảnh chứ!

Hắn bần thần trở về xe, màu tím ngọt của tà áo và eo lưng cô gái vẫm bám chặt vào đáy mắt. 

Tài xế trẻ lom lom nhìn hắn:

- Có hàng mới rồi phải không xếp? Nhìn thấy ngon quá mà sao xếp ĩu xìu? 

- Có gì mà không mua được bằng tiền! Thứ nào không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng nhiều tiền hơn. Câu này luôn luôn đúng đối với tao.


***

Từ trong căn chòi lá ven đìa Mương Chuối, cô gái đứng nhìn về phía hàng dừa nước ken dày phía sông lòng Tàu, mắt buồn rười rượi. Đã quá chiều mà ghe của anh Hai vẫn cập vào cầu kênh bờ đìa.

Dạo này cá chìa vôi trở nên hiếm hoi hơn mấy năm về trước. Vùng Nhà Bè nổi tiếng lâu đời nhờ vùng nước lạ độc đáo chẳng đâu có, vùng "nước chè" pha trộn giữa dòng nước ngọt từ sông Đồng Nai đổ về, giòng nước lợ sông Lòng Tàu và giòng nước mặn của biển Cần giờ, Duyên hải. Vậy nên cá chìa vôi, thứ cá lạ lùng chỉ quen sống sát đáy sông ăn thủy sinh hữu cơ đậm đặc cuả vùng nước chè mới tập trung về đây hàng bầy sinh sôi nảy nở. Mấy năm gần đây, dân đánh cá đi đánh bắt đại trà tàn sát cả cá con, cá bé, làm cho đàn cá Chìa vôi ngày càng mai một dần dần. Bắt được con cá 50-60 ký lô như ngày xưa, thời ba cô gái còn sống dường như đã là chuyện cổ tích.

Có ngày anh Hai chỉ bắt được vài con cá non lạc bầy ít hơn 1 kg, thương lái ỏng eo chê thịt mỏng và non không thèm lấy. Nên cô phải thường xuyên quá giang xe ba gác đem ra chợ Nhà bè bán giữa chợ là vì lẻ đó.Thời còn ba má, lúc nào cô cũng bị ru rú giấu trong nhà, không cho ra tới mặt đìa, má hay chép miệng than trời:

- Có con gái đẹp trong nhà như có hủ mắm treo đầu giàn, bể hủ lúc nào không hay.

Ba má không còn, mình anh Hai không xoay xở nuôi em được, cuối cùng đành cắn răng để cho em gái chen chúc len lõi nhan sắc giữa chợ người. Lạ lùng là càng lăn lóc giữa chợ, cô gái càng đẹp nồng nàn và càng tươi thắm.

Chỉ có tiếng thở dài mổi khuya của anh Hai ngày càng nặng.

Cánh cửa liếp sịch mở, anh Hai lặng lẻ xách chĩa ba đi vào, đầu cắm cúi xuống mặt sình.

- Sao về trể vậy anh Hai, bữa nay không có cá hả? cô gái hớn hở xoắn xuýt.

- Đi từ giữa khuya tới giờ chỉ bắt được 2 con nhỏ chút. Chắc không mang ra chợ được, trưa trờ trưa trật rồi còn gì.

Anh hai ngội bệt xuống mặt sình khô cứng, chợt mắt nhìn thẳng vào cô gái rười rượi:

- Chỉ có cách, mình đem ra bán cho thằng nhà giàu đi BMW hôm trước, nó là chủ nhà hàng hải sản lớn nhất Sài gòn, nó có cho anh địa chỉ.

Cô gái rùng mình:

- Con mắt ngó lom lom của ông đó làm em sợ.

- Có anh đây mà em sợ gì, không thằng nào dám đụng tới em đâu!- mắt anh Hai chợt cúi gằm xuống bùn- anh có gọi điện thoại cho nó rồi, nó mừng lắm, nhắc liên tục là dắt cả em ra. Mình hông mất gì mà nó chịu trả nhiều tiền.

- Anh Hai à, em sợ lắm, có ai cho không mình tiền bao giờ, ba má đã dạy, nghèo cho sạch mà rách cho thơm- cô gái run rẩy.

- Mình chỉ cần có thêm tiền, sắm cái ghe máy để đi bắt cá lớn. Tiền đẻ ra tiền. Có tiền rồi mình mới không chịu nhục dưới thằng nào nữa hết. Không có tiền nhục lắm em à.- Anh Hai gằn giọng thê thiết.

Xe ba gác của chú Ba đưa hai anh em dừng trước cửa kiếng nhà hàng Vua Biển. Một bồn cá đại dương to chiếm hết một nửa mặt tiền, những chú cá chình, cá tầm, cá nhám con uốn lượn giữa đám rong rêu và nước xanh đục ngầu. Gã tài xế chạy ra dắt hai anh em vào cửa sau, luồn lách qua những gian phòng đóng kính cửa lấp lánh ánh đèn màu và nồng nặc mùi nước hoa, lên đến tầng thượng sang trọng, nơi gã chủ không giấu vẻ nôn nao chạy ra tận cửa chào đón. Gã kéo hai anh em ấn xuống ghế salon giữa phòng, tia mắt không rời khỏi cô gái. Tóc xõa đen ngời tinh khôi, mắt mở to ngơ ngác, thân áo bà ba ôm vừa khít màu lúa non đã cũ nhưng vẫn tôn vóc dáng mượt mà.

Gã sà đến ngồi sát bên cô gái, mắt mờ tối, giọng tha thiết:

- Hay là hôm nay hai anh em ở lại đây chơi một bữa, em chiêu đãi cho biết mùi Sài gòn.

Cô gái co người lại, nhìn anh Hai hoảng hốt. Anh Hai cười lạt:

- Sài gòn có gì lạ đâu, tui chỉ đem cá cho anh rồi về ngay. Cho kịp chuyến đi chuyến đi bắt cá tối nay. Tụi này cần dành dụm tiền mua ghe mới.

Gã xoắn xuýt:

- Anh Hai cần bao nhiêu, em sẵn sàng cho mượn. ANh câu được cá chìa vôi ngon tụi này thu mua hết, khách sành ăn bây giờ bắt đầu chuộng cá chìa vôi- Mắt gã nhìn vào cô gái mơn trớn- đi câu khuya để em gái ở nhà một mình thiệt là bất tiện, hay là cho em gái ở lại chổ em, khỏi phải ra chợ chi cho đen da, cháy tóc.

Anh Hai đột ngột kéo tay cô gái đứng lên:

- Xong việc rồi tui về. Em gái tui không quen mấy công việc bưng bê này đâu.

Gã chủ nắm chặt tay anh Hai nằn nì:

- Đẹp như em đây chẳng ai dám bắt bưng bê, có khi chỉ ngồi làm bà chủ. Nhưng anh Hai không chịu thì thôi, tui không dám ép. CHỉ xin ngày mai được đi săn cá một bữa với anh Hai cho biết mùi. Tụi này sẵn sàng trả tiền cho anh Hai mua đủ con tàu ngon lành. Anh chịu không?

Anh Hai hối hả gật đầu. 

Hai anh em đi mất hút, gã còn đứng ngẩn ngơ ở hành lang nhìn theo đường eo lượn của chiếc áo bà ba cũ. Mùi hương hoa sữa vương vất say say nồng.

Cô gái sau quầy bar ỏng ẹo áp sát vào thân hình gã:

- Mê em gái nhà quê rồi à? Con cá sẩy là con cá ngon mà. Muốn tối nay em mặc áo bà ba biểu diễn riêng cho anh coi không cưng!

Gã xô cô gái ra, rít qua kẻ răng:

- Tôi đã nói đừng mang đồ giả vào phòng ngủ của tôi rồi mà. Tối nay không có hứng!

***

Chiều rớt nhanh trên giòng kênh Đồng Điền, trên gốc cây dừa de ra miệng kênh, anh Hai ngồi sát bên cô gái, mắt chăm chăm hướng về phía rừng Sác vẻ mờ mờ 1 đường viền xanh ở lưng chừng con sông Soài rạp, nghe gió miên man bất tận rì rầm vuốt khan trên da thịt rờn rợn, mặn mòi mùi vị biển. 

- Đêm nay em đi câu với anh, để em ở nhà một mình anh không yên tâm chút nào.

Cô gái dụi đầu vào vai anh Hai, giọng nũng nịu:

- Em cũng thích đi với anh hơn là ở nhà một mình. Đêm nào em cũng nơm nớp không ngủ được.

Anh Hai mắt nhìn hút vào đêm tối, gió bắt đầu thổi mạnh mang theo hơi nước ẩm rượt và những đam mây dày kéo về che mờ mặt trăng. Đêm như vầy, cá thường rúc sâu vào đáy sông, lại là khi dân câu hy vọng may mắn bắt được nguyên bầy cá chìa vôi đi trốn bảo. 

Anh quàng tay xiết cô gái về phía ngực mình, rũ rĩ:

- Hồi nhỏ ba má hay kể cho anh nghe chuyện cá chúa chìa vôi, em có nghe không? 

- Anh kể em nghe đi- cô gái mở to mắt háo hức.

- Ờ, thì một ngày ba đi câu , nhằm hôm biển động, cả ngày trời chẳng có con nào rúc lưới. Đến khi chiều về, kè thuyền sát bờ, thì bắt được con cá chúa Chìa vôi đang mang bụng lặc lè trứng cá. Ba nghĩ sao thấy tội quá, thả cho đi luôn. Ai dè mấy ngày sau, cá chúa trả ơn, ngày nào đi về ngang bờ đó cũng có con cá nằm sẵn chờ, khi là lóc trâu, khi là cá Bông lau cỡ bự, không ngày nào mà lưới không có cá to.

- Hay quá hả anh, hèn chi người ta đồn nhà mình được cá chúa độ nên có tay sát cá, vậy là chuyện có thiệt hả anh?

- Khúc này mới hay nè. Ba má mong có một đứa con nữa, mà từ khi sinh anh rồi, má bệnh nặng đâu đẻ được. Một buổi chiều ba đẩy ghe về qua bờ quen đó, không thấy con cá nào mà chỉ bắt được một bọc vải đỏ, em biết có chi trong đó không?- anh Hai hít một hơi dài run rẩy- một bé gái đỏ hỏn xinh xắn ai bỏ rơi. 

- Là em phải không? - cô gái tức tưởi.

- Đúng rồi, là em đó. Từ đó anh có em gái, nhà mình thêm đông vui. Lạ là từ đó ba bắt được nhiều cá chìa vôi hơn, đủ tiền để chữa bệnh cho má. Em chính là công chúa cá của nhà mình. Nhưng mà má cũng không sống lâu được, một lần theo ghe đi ra biển Cần giờ, ba không về nữa, má buồn quá cũng đi theo. Trước khi đi má dặn hai anh em mình phải suốt đời ở bên nhau.

Cô gái gục đầu vào ngực anh Hai lặng lẻ khóc, nước mắt thấm qua ngực áo anh nóng bỏng. Anh Hai vuốt ve mái tóc của cô gái:

- Từ lâu rồi, anh không coi em là em gái nữa. ANh hứa suốt đời không rời em, bảo vệ che chở cho em, chỉ cần mình có con tàu mới là anh bỏ chổ này đi, mình đi về Duyên hải làm lại cuộc đời. Nơi đó không ai biết đến mình.

- Anh đi đâu, em theo đó. Em mãi mãi là người của nhà mình rồi.

- Đến giờ mình phải đi rồi, chỉ qua tối nay thôi, ngày mai đời mình sẽ khác- ANh cúi đầu xuống, hít một hơi dài hương tóc của cô gái, mắt nhắm nghiền lại cho yêu thương đang cuộn sóng trong lòng chìm sâu xuống.


***

Chiếc ghe câu xuyên qua màn đêm, đến ngã ba Đồng Tranh- Nhà Bè- Duyên Hải, trong bóng đêm, Anh Hai như nhìn thấy rõ hai làn nước rẽ đôi, phân ranh rõ rệt, một bên nước đục lờ đờ, bên kia xanh trong mướt rượt. Ra đến chổ nước sâu, gió bắt đầu nổi lên phần phật. Mặt sông đen nghịt loang loáng ánh trăng như vẫy cá chìa vôi vàng óng ánh đang đùa giỡn. Cô gái ngồi sát một bên , bộ ngực phập phồng áp sát rạt vào vồng lưng săn chắc căng phồng bốc mùi mồ hôi mặn của anh Hai. Hơi lạnh theo gió lùa vào da như cắt lóc từng mảnh thịt ra khỏi xương, gió ù ù qua màng tang căng nhức Gã chủ nhà hàng và tài xế ngồi ở phía xa, mặt xám xanh, lảo đảo chành theo con sóng dập dềnh. Anh Hai quay mặt lại giải thích:

- Ghe đang đi vào vùng cửa biển. Cá Chìa vôi khi còn nhỏ, ăn mồi trên bãi, khi con cá chừng 1 kg đổ lên đủ sức chịu áp suất của độ sâu vài chục mét là chúng hướng về cửa sông và ẩn nấp dưới đáy nước gần cửa biển ! Vì vậy càng chịu khó đi xa ra cửa biển càng có hy vọng bắt được cá to.

Đến Đồng Tranh, anh Hai neo thuyền, mắc mồi câu vào lưởi rồi quăng cuộn dây to nặng xuống đáy sông. Đêm im lặng, càng về khuya, đêm càng đậm đen đặc như có thể cắt thành khúc. Gió ràn rạt quất vào mặt, ghe chòng chành nghiêng ngã. Chiếc dây câu vẫn lặng im phăng phắc không hề động đậy. Gã chủ nhà hàng ngồi trong một góc tối, nói như quát át cả tiếng gió:

- Làm nghề này cực quá anh Hai. Kiếm tiền chi mà khó khăn, nguy hiểm vậy? Tui đề nghị anh Hai bỏ nghề đi, đưa em gái về nhà hàng của tui , nhàn hạ sướng cả đời.

Anh Hai bậm môi, trừng mắt:

- Tôi đã nói là không bàn chuyện đó mà.

Gã tài xế mò sát lại bên anh Hai, chờn vờn. Gã chủ vẫn ngồi xa cười khẩy:

- Anh Hai cực cũng được, nhưng mà để cho em gái đẹp vậy mà chịu cực theo thì bất công quá. Đẹp như vậy phải sống trong nhung lụa mới xứng đáng. Thôi thì tui tính như vầy, tui đưa tiền cho anh Hai, đi sắm thuyền mới rồi cưới vợ, để em gái về làm bà chủ của tui. Vậy là ai cũng tốt đẹp hết!

- Mày dám...- Anh Hai gầm lên quắc đôi mắt xếch.

Một cơn gió mạnh ùa tới, thuyền lắc lư rung giật như trong cơn động đất. Dòng sông loang loáng ánh trăng , mặt sông căng duềnh lên như vỏ trái đất đang nứt ra trong cơn đau đớn giận dữ.

Cô gái bám chặt vào tay anh Hai run rẩy. Anh Hai chưa kịp dằng tay ra chộp lấy mái dầm thì từ đằng sau gã tài xế đã lừng lững xô tới. ANh Hai ngã chúi qua mạn ghe, mất hút trong lòng sông đặc quánh. Gã tài xế chồm lên người cô gái lôi xềnh xệch về phía cuối ghe. Gã chủ nhà hàng vươn dài đôi tay từ bóng tối ra vuốt ve làn da bóng mượt của cô gái:

- Vẫn cái mùi hoa sữa này, em có tội nặng vì làm anh gây nghiện em ạ. 

Gã chưa kịp xiết trọn một vòng tay ôm, cô gái đã chùi khỏi tay gã trơn như con cá chìa vôi quẫy mình xuống sông. Một chiếc tàu to chạy lừng lững qua, sóng chồm lên đẩy chiếc ghe nhỏ không người lái đổ ụp về một bên.

Trong lòng sông đen đặc, cô gái quẩy đạp cuồng điên như con cá đã về với nước.Từng đợt sóng hút cô gái về sát mạn tàu lớn, nơi anh Hai đang bị cuốn vào chân vịt. Anh Hai chờn vờn bám lấy mái tóc cô gái, lúc này xã xượi mang mang trong nước như một mành lưới đen mềm. Mái tóc quấn lấy anh Hai , nồng nàn mùi hương hoa Sữa, và từ từ nâng anh lên về phía quầng sáng lấp lánh trên mặt sông. 

....

Nhiều năm về sau nữa, ở Nhà Bè tuyệt hẵn giống cá Chìa Vôi. Người ta đồn đại rằng con cá chúa đã dắt hẵn bầy cá đi về vùng nước khác. Có thể vì đáy sông Nhà Bè đã bị ô nhiễm nặng. Mà cũng có thể vì con cá Chúa nghe theo tiếng gọi hoang dã mà ra hẵn đến cửa biển rồi. 

Ở Duyên Hải xuất hiện một cặp vợ chồng trẻ chuyên nghề đánh cá lớn sát đáy sông. Người vợ có vẻ đẹp nảo nùng kỳ lạ. Cứ mổi chiều nàng ngồi xõa tóc ra phơi là giông bảo lại về kín mũi Cần giờ.

Là người ta đồn đại như thế!


UYÊN LÊ



CÓP PI TỪ HỢP LƯU

CÁI LÝ CỦA ANH PÍN VÀ Ý KIẾN CÁC THỨ...



dịc sởi và bản lĩnh chí-phèo

 Nói ngay và luôn, dịc đéo phải của bộ Y tế sinh ra, tôi có thể đưa ngay và luôn dẫn chứng, bệnh sởi có từ 1634 năm trước khi bộ y tế hình thành, dcm có cần nguồn không? (tại sao có con số đó hehe, vì tôi thích thế).

 Sởi có nguy hiểm không? nói luôn là đéo nguy hiểm, chữa lá lẩu khỏi luôn dcm. Bản thân thàng viết đã bị sởi, đéo chết và vẫn địt nhúc nhắc.

 Nói tiếp luôn, để dịc bùng lên, thực ra đéo bùng đâu, tôi dùng từ của triền thông thôi dcm, lỗi của ai?

 Của bộ y tế, cái này đúng mẹ, đéo thiết phục đc dân đen đem con đi tiêm, là lỗi cmnr. 

 Đéo thiết phục đc dân ăn chín uống sôi, ngủ màn giết chuột, đừng đánh độc đồng bào,  thì lỗi rành rành...

 Nhưng nói đi phải nói lại, các tờ báo 2 năm trước đã thổi phồng quá mức, khai thác triệt để những hình ảnh trẻ chết cho tiêm vắc xim, và lu loa về tác hại của vác xim, khiến phụ huynh sợ vãi lồn ra, và quyết định đéo tiêm cho trẻ. 

 Ấy là tôi nói bọn ngu, chứ khôn thì vưỡn tiêm xoắn đéo gì? 

 Còn vụ đánh độc đồng bào, với xả rác khạc đờm, thuốc sâu chất kích thích, thì Y tế bó tay mẹ.

 Nhưng trẻ chết đâu phải riêng sởi? trẻ vào viện tw do trọng bệnh rồi, đang điều trị thì dcm dính thêm sởi, thế là bệnh thêm bệnh, như đám cháy nhỏ, mà hắt thêm can A92 vào, bệnh chồng chéo bệnh, không đỡ kịp.

 Giờ thì sao, họ vưỡn tiếp tục chửi bộ Y, nhưng chửi vì cái gì dcm? 

 Nó chửi Y, vì Y là người đéo đỡ đc.

 Vậy vì sao ko đỡ được? 3 tháng trẻ chết vì sởi không thể bằng  số lượng 3 ngày người chết tai nạn do TN giao thông, và bằng 4 ngày trẻ chết đuối, và bằng 5 ngày chết tai nạn lao động, dcm có cần con số thống kê ko? 

 Và tất cả đều vào viện cả. Tất cả. Ko chừa 1 ai, đó là chưa tính những vụ vợ cắt dái chồng, chồng song phi lòi trĩ vợ.... 

 Tất nhiên  vào viện tất.

 Ung thư vào viện cũng, đâm nhao vào viện cũng, nhìn đểu vào viện cũng, địt mẹ, ngành Y như 1 cái hố rác, cả xã hội này  ném vào, cả cứt cả đái, băng vệ sinh và xi lanh và lá xoan, và vừa ném vửa chửi ràng:  dcm cái cái hố rác này đéo đủ sạch và to và vv ,,vv vv..................vv






 Đéo vì cái gì, chúng nó muốn chửi nhiều thứ lắm, nhưng đéo có bản-lĩnh, đéo có gan-liền-tướng-quân, chúng nó chửi, giống như anh Chí phèo uống diệu chửi cả làng.

 Nhưng chúng  nó đéo bao giờ dám chửi người sinh ra chúng như anh Chí, để chúng khổ thế nài...

 Chúng nó đéo có bản lĩnh của Chí Phèo? 

 












41 comments:

  1. Bảo chia bớt cho tuyến dưới mà đéo có dân nào chịu nghe. Bảo tiêm chủng cho đúng thời kỳ cũng đéo nghe. Kiểu gì cũng chửi được. Lừa đích thị.
    Reply
  2. dcm Y mới là nghành công chính nhất xứ lừa hehe nói thì nói dcm
    Reply
    Replies
    1. Tôi nhớ hôm anh còm trên Phết Búc có câu na ná đại ý: "CSGT chặn đường xin tiền sao các anh chị không chửi Bộ C.A đi". Anh nên bổ sung cho tròn bài.
    2. dcm cần đéo gì vụ xin tiền, nó oánh chết luôn ở đồn ý dcm.... chúng nó có dám trương biển bộ trưởng bộ nội vụ tuwfchuwcs đéo đâu..
      vì hèn mà hehe
    3. Vì chửi bộ Y tế là lành nhất, chửi bọn kia á ?.... ló có thúng đấy, lôi thôi ló bắn ỏ ẹ.
  3. Sau vụ nài theo tôi bọn bác sĩ Lừa ngay và luôn, dỡ hết mẹ ảnh cô cụ và những thế liên quan vào sọt rác. Chính cô cụ chứ đéo fải ai khác đã đẩy bọn lang và giáo Lừa đến tận cùng của khổ nhục còn đéo bằng 1 ông chó. Mà lẽ ra ở xứ giãy chết đó là những nghề đc kính trọng và thu nhập cao.

    Bởi cụ phán dồi chúng mài là đầy tớ, là mẹ hiền và đéo đc phép có tiền. Có tiền là thất đức. Ôi đcm, Rip các anh chị lang và giáo Lừa đã sinh ra ở xứ nài.
    Reply
    Replies
    1. Thời Pháp bác sĩ đc kính trọng lắm nha, phải gọi là ông đốc, bố láo bố xiên ông dí lồn chữa bệnh cho đâu. Đéo như thời bgio, đi nhờ ng ta chữa bịnh mà coi người ta như đầy tớ, như phường trộm cắp. Đm, suy nghĩ thế thì nó tiêm nhầm thuốc là đúng mẹ, kêu đéo gì.
    2. Địt mẹ, 1 con chó mới bị bắt trộm thôi chưa bị giết nha, mà cả xã hội nhao vào thương xót. Còn thằng bác sĩ dù vừa kíu đc 1 mạng người vẫn bị cả xã hội nó chửi vì ăn phong bì. Đấy là chữa đc bịnh nha. Còn đéo chữa đc thì xác định là ăn món quan tài giễu phố nha. Địt mẹ
    3. anh Trẩu chuẩn phết nhờ.
    4. THì anh thấy không, mấy bài về trộm chó trên lá cải, bọn bần nông nhao vào tiếc thương con chó. Và cũng từng ấy thằng dè bỉu bọn lang là ăn phong bì phong bao nọ kia dù chúng đích thực vừa kiu đc 1 mạng người. Thế nên thân phận lang lừa còn đéo bằng ông chó là đúng mẹ dồi còn gì. Rip các lang, đm.
    5. lang lừa làm việc của nó, như nó đã đc đào tạo, việc của nó là cíu người, đéo có gì phải tâng bốc chúng nó.
      Nhưng đéo cứu kịp, thì cũng thể tất cho chúng nó, thay vì 1 lũ mõm lồn xong vào chửi chúng dcm.
    6. Văn bựa A Trẩu độn này rất Pín! Khen a!
    7. kê ra anh Pín dáo hóa mở mang cái đào lao ngu dốt của tôi khá nhiều, kinh đéo gì mà không nhận điều đó.
  4. chung quy cũng tại thằng già
    ngu si dốt nát làm ra thế này
    lại thêm cái lũ dân cày
    văn minh lúa nước bài bây chó đàn
    nào là dịch bênh tràn lan
    ỉa không ra cứt cũng toàn ngành y
    ở trên cũng chẳng ra gì
    đãi ngộ như cặc trách gì chị tiêm
    Reply
    Replies
    1. dcm đuungs rồi dcm thàng dài dâu bần nông
  5. mấy em bịt mặt lồn to
    cuốn băng rôn lại làm phò đi em
    trách gì bộ của chị tiêm
    chủ trương rõ lắm nhưng tiền đéo đâu
    hãy nhìn qua các nước giầu
    tiền muôn bạc vạn tránh đâu được giời
    nào cúm nào sát tơi bời
    cũng đầy người chết ai người trách đâu
    Reply
    Replies
    1. dcm thơ ác quá đi hehe
  6. anh sòi thơ thẩn nho nhe phết nhẻ, anh Bín lao lao đéo thơ phú nho nhe là thế lào?
    Reply
    Replies
    1. dcm hôm nào tôi rặn thơ hehe, thơ có cái đéo gì dcm
  7. Anh cứ chửi chết mẹ chúng nó đi anh Bín. ĐCM, em các bác thì thấy bất lực vãi lồn. Đi khám mất tiền đéo có hoá đơn gì cũng đéo dám nói. Tôi hèn quá. Thôi thì thây mẹ, tối về nhai thuốc sáng ra khoẻ re ôm vợ được là mừng!
    Reply
  8. Tiên sư cha cacc thẩm văn như buồi, thảo nào chỉ có mỗi cái nhời kêu gọi toàn Lừa húng chó cái là kéo nhau vào bậu.

    Đọc văn nho (aka Văn Bựa) phải nghĩ thoáng lên rộng ra.

    Anh chị nào đề nghị bổ sung đòi Thượng thư bộ làm Án, Bộ thợ Dạy, Bộ làm Đường, Bộ... từ chức không thấy con Piến nó nhẹ nhàng đẩy xe hàng đến tận Đại Lừa Cộng Thái Tổ rồi à?

    Anh chị nào còn nghĩ nội dung trọng tâm bài này là bênh chị Tiến vuôi lòng về uống thêm hoạt huyết dưỡng não cho não có tí huyết. Nhé.
    Reply
    Replies
    1. Đéo ai bảo thế, ông hâm cmnr. Trong cái lý đúng tụi nó cũng đéo nghe, sai cũng giãy đành đạch, chả nhẽ lại không rõ đang nói lũ nào? Bênh chị Tiến là cái nhẽ hợp lý để anh Pín vác vào bài cho nó quy mô thôi. Cái nghiệp chửi dân ngu cu đen của anh Pín còn dài, nhẽ lại chả hiểu Pín nói gì.
    2. Nhẽ anh Đo Lồn nên hiểu là đang nói đến cái sự hèn của chúng nó, chỉ oang oác là tài. Tuôi tài chợ cho anh hẳn vài ký muối ngay và luôn nếu anh cần.
    3. Mời 2 anh đọc lại đoạn này, để thấy con Pín nó nói gì: "Đéo vì cái gì, chúng nó muốn chửi nhiều thứ lắm, nhưng đéo có bản-lĩnh, đéo có gan-liền-tướng-quân, chúng nó chửi, giống như anh Chí phèo uống diệu chửi cả làng.

      Nhưng chúng nó đéo bao giờ dám chửi người sinh ra chúng như anh Chí, để chúng khổ thế nài...

      Chúng nó đéo có bản lĩnh của Chí Phèo? "

      Pín nó bẩu nếu chửi thì đi chửi Con Cụ ý đcm bọn Bần Nông ạ. Nhưng Cam Thương Thư, Bắn Bòm Thượng Thư còn chưa dám chửi, gan liền tướng quân à mà chửi Con Cụ?
    4. là ảnh nói tôi đéo nói nhé hehe
  9. A Pín chỉ za thực trạng chung của ngề y thôi. Tiến Lùi đéo nào lên ngồi ghế cũng cắn cứt. Phải k anh Đo Lồn?
    Reply
    Replies
    1. hải ồi, tiến lùi đều ăn lồn, nhưng chị tiến bạn tôi trình ác nhất, 1 trong 4 lừa có đc bắc đẩu bội tinh đó. mời gúc.
    2. Chị Tiến tuy chiên môn giỏi dưng chửa chác đã là lãnh đạo giỏi. Là chính khách thì ko được lơ là mảng truyền thông dưng chị Tiến thì quan hệ với cánh báo chí chác là kém nên mới ra cơ sự nài.

      Nếu chị Tiến chơi thân với a Thế Huynh thì mảng triền thông coi như êm hơn 1 nửa. Phần còn lại là mạng xã hội thì đơn giản hơn. Chỉ cần nuôi vài thằng dư a ku Pín là ổn. Đm, cứ thằng, con nào mở mõm nói xấu bộ Y bất luận đúng -sai là chửi chết cụ nó luôn và ngay.
    3. dcm tôi chửi lừa, là giúp cho trẻ bớt chết đó, cứ a dua chửi Y, chúng nó tưởng hay nghe lá cải Lừa đéo tiêm phòng, thì hại càng thêm hại.
      đó là nhân-văn vậy.


      dcm bọn lừa đéo nghe tôi thì bú cặc
  10. Cứ đc bọn giãy chết treo huy chương là ưng. Còn ngược lại bọn Lừa cứ khen ai là ta phải nghĩ ngược lại ngay @Pin
    Reply
    Replies
    1. đúng, em bé Tiến vụng miệng nhưng trình ác, dcm nhờ ẻm với chương trình tiêm chủng của ẻm, mà trẻ đỡ hẳn.
      dcm thàng gần nhất đc bắc đẩu bội tinh là con thợ số họ NGÔ, mới ăn giải máu lồn gì ý dcm, thằng đó trình số má tính toán tạm đc, chứ phát ngôn thì cũng như cái đầu buồi.
  11. Khổ cái thân Lừa, khám bệnh thế thì chả chết như gà?
    Reply
  12. hehe địt cụ chơi chữ tanh tưởi nhẻ "Bản lĩnh Chí phèo" hehe nho vãi lồn ra
    Reply
  13. Quả này chị Tiến phải cho PÍN địt nhúc nhắc dăm bữa
    Reply
    Replies
    1. dcm tốt mời thì ăn cái sợ đéo gì dcm
    2. Em Tiến là người iêu anh thì anh cứ đè ra mà phang nếu thích chứ chờ mời mọc làm cái đéo. Có phỏng?
    3. đéo vào, có mời tôi cũng cứ cẩn thận, chị tiến là bộ trưởng lồn vàng vách ngọc lông kim tuyến loại vô học như tôi chỉ đc gặp đã đủ hân hạnh 1 kiếp người rồi dcm nói thì nói ...
  14. Todiba cuôn Pín chứ! Gần nhà a có thàng bac sĩ bệnh viện, vợ định vác con đi tiêm phòng, nó bẩu: để ở nhà, tiêm chọc gì, đcn chúng, bọn bọn có lần tiêm kg biết bao mũi vác xin quá hạn sử dụng cho con e của Lừa, đcm chúng phát nữa, tôi không bênh lừa, nhưng tôi rất ghét bác sĩ, Đcm chúng đời ghét nhất vào viện, trừ khám skhoẻ và đi đẻ, ghét thứ hai là vào đồn công an, trừ làm hộ chiếu và đăng kí xe!
    Reply
    Replies
    1. đừng có phịa, dcm vác xim hết đát là tù đó, có thể gần hết thôi chứ đéo bao giờ dám hết đát dcm.
  15. Pín đéo biẻt lại còn tỏ ra nguy hiểm, chiẹn có thật, con vợ rất xinh gai, chẹp chẹp, dạy học gần nhà a.Ở lừa chuyện đó ló nà chiện lụi bộ, đéo hở ra, tuy nhiên bọn lãnh đạo đã bj kỉ luật,đéo có con lều báo phóng tinh viên nào chõ mõm vào là đéo ai cho đi tù! Mà đcm xã hội lừa chứ, đi tù hết thì anh Hùng cháu Cụ bẩu : lấy ai mà làm việc!
    Reply
    Replies
    1. ĐÃ KỈ LUẬT thì ok rồi, địt mẹ bọn thất đức đó tôi tin đéo thọ lâu đc.