Saturday, February 25, 2012

Đất đai thuộc sở hữu toàn đân: xưởng sản xuất dân oan


Hoàng Kim (Đồng Tháp)

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý.

Nghĩa là Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất và các phương thức thực hiện quyền sử dụng đất…

Nói đất đai thuộc sở hữu toàn dân là nói tránh, nói đúng thì đất đai thuộc sở hữu Nhà nước.

Hay nói rõ hơn, đất mà nông dân đang sử dụng là của Nhà nước. Nên Nhà nước muốn thu hồi lúc nào là tùy Nhà nước, nông dân được đền bù là đúng luật.

Nhà nước là Nhà nước nào? Nhà nước Trung ương? Nhà nước tỉnh? Nhà nước huyện? Nhà nước xã?



 
Gần 13 ha đất nông nghiệp màu mỡ, nuôi sống người dân thôn Pắc Dài từ bao đời nay đã được tỉnh Cao Bằng giao cho Doanh nghiệp để tiến hành khai thác vàng.

Nhà nước Trung ương ở xa quá, nên đất đai thuộc sở hữu của nhà nước địa phương.

Đất đai thuộc quyền sở hữu của nhà nước địa phương, có nghĩa là đất đai thuộc sở hữu của ông chủ tịch tỉnh, ông chủ tịch huyện (gọi chung là sứ quân địa phương).

Với quyền lập dự án tùy ý, không ai kiểm tra; quyền ra quyết định thu hồi, nông dân không có quyền cưỡng lại; quyền bồi thường tùy thích hoặc không bồi thường, nông dân không có quyền mặc cả; quyền thành lập đoàn cưỡng chế gồm công an bộ đội để khống chế mọi ngăn trở bằng vũ lực…, mỗi ông lãnh đạo địa phương trở thành hung thần đối với đất đai của nông dân, trở thành sứ quân đối với Trung ương.

Trung ương làm sao kiểm tra giám sát được sứ quân địa phương khi họ có toàn quyền: qui hoạch, thu hồi, cưỡng chế?

Dân oan đợt 1:

Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ruộng đất do nông dân khẩn hoang mà có, ruộng đất do chính sách người cày có ruộng của chính quyền Ngô Đình Diệm và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cấp cho nông dân mà có. Ruộng đất được kế thừa từ đời trước đến đời sau.

Sau năm 1975, mỗi nhân khẩu được cấp phát 3.000 m2, số còn dư chính quyền thu hồi hết. Đến đầu những năm 90 chính sách ruộng đất thay đổi: mỗi hộ (tức mỗi gia đình không phân biệt nhiều ít) được cấp 3 ha.

Do ĐBSCL đất rộng người thưa, sau khi đã cấp cho những người không có đất mỗi người 3.000 m2 vẫn còn đất dư không có người canh tác.

Vậy là, chính quyền địa phương cho các cơ quan đoàn thể mượn để sạ lúa một vụ. Ở Huyện Tân Hồng cho Công an thành phố HCM mượn cả chục ngàn ha, ở Kiên Giang chính quyền lấy giao cho Công ty Kiên Tài Đài Loan. (*)

Công an thành phố HCM, và Công ty Kiên Tài Đài Loan do không biết làm ruộng, nên năm nào cũng lỗ, họ không làm nữa, đất bị bỏ hoang.

Thấy đất bỏ hoang, những nông dân chủ đất lấy đất lại làm, thì chính quyền không cho, và toàn bộ số đất này được cấp cho cán bộ các cấp từ xã đến huyện, và thân nhân của cán bộ, một số ít được cấp cho người dân không có đất.

Tôi xin lấy một thí dụ điển hình: một hộ nông dân có 15 ha, gồm 2 vợ chồng và 3 người con, hộ này được cấp 3 ha và thu hồi 12 ha.

10-15 năm sau 3 người con lập gia đình nhưng chính quyền không còn đất để cấp cho họ mỗi người 3 ha. Vậy là họ trở thành người không có đất.

Một chính sách lấy đất của người cha, mà không có đất cấp cho người con khiến người con trắng tay liệu có hợp đạo lý, hợp lẽ công bằng không?

Nhìn thấy cán bộ được cấp đất của mình mà con mình lại không có đất, nông dân ra tranh chấp lấy lại, thì chính quyền đưa lực lượng ra đàn áp để giữ đất cho cán bộ.

Ức lòng nông dân khiếu nại, các vị sứ quân địa phương cho biết: đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước thống nhất quản lý, Nhà nước có quyền thu hồi, cấp cho ai là quyền của Nhà nước.

Chống lại các sứ quân địa phương bị đoàn cưỡng chế đàn áp, kiện đâu thua đó, kéo lên Trung ương kêu cứu, vậy là dân oan đợt 1 ra đời.

Dân oan đợt 2:
Cuối những năm 90, theo đà phát triển kinh tế, nhiều khu công nghiệp được thành lập, nhiều khu đô thị được xây mới, những khu chợ được thành lập, công sở, trường học, bệnh việc được xây mới…

Sự phát triển của địa phương là điều tự nhiên, sử dụng đất để làm khu công nghiệp, xây dựng đô thị, là điều cần thiết, nhưng việc bồi thường đất bị thu hồi cho nông dân không thỏa đáng.

Bồi thường cho nông dân với giá cực rẻ vài chục ngàn một mét vuông, nhưng sau đó đắp đất phân nền đất này được bán với giá vài trăm ngàn đến cả triệu một mét vuông.

Do chênh lệch giá đất trước và sau đền bù quá lớn, do các sứ quân ở địa phương có toàn quyền qui hoạch, thu hồi, cưỡng chế, nên các sứ quân địa phương họp với các chủ dự án thành nhóm lợi ích.

Các sứ quân địa phương làm mọi cách kể cả đàn áp bằng vũ lực để lấy đất giá rẻ cho các chủ dự án, đổi lại các chủ dự án hối lộ cho các sứ quân địa phương.

Tước đoạt đất của nông dân để làm sân golf, tước đoạt đất để phân lô bán nền, là đỉnh điểm của sự hợp tác ma quỉ giữa các sứ quân địa phương với các chủ dự án.



 
15h00 chiều, ngày 21-2-2012, hàng trăm nông dân Hưng Yên về thủ đô khiếu kiện đất đai vẫn còn diễu hành thành từng đoàn qua phố Lê Thái Tổ, đi về phía phố Hàng Trống trong ôn hòa, lặng lẽ, không ai nói với ai.

Đất của nông dân được ông cha để lại, mảnh đất ở nơi hẻo lánh nay nghe tin trở thành thị tứ, chưa kịp mừng, các vị sứ quân cho thuộc hạ đến đưa quyết định thu hồi, và đưa ra giá đền bù rẻ mạt.

Có 1000 m2, nhận tiền đền bù mua lại ngay chỗ đất của mình không được 100 m2.

Đất mình sắp trở thành nơi thị tứ, lại được tái định cư vào nơi hẻo lánh.

Tại sao nông dân không có cả quyền mặc cả trên mảnh ruộng của mình? Tại sao giá trị gia tăng của đất chỉ có chủ dự án và các vị sứ quân địa phương hưởng, còn nông dân lại không?

Không đồng ý giá đền bù, chống lại, bị đoàn cưỡng chế đàn áp, thế là đi kiện, kiện đâu thua đó, kéo lên Trung ương kêu cứu, vậy là trở thành dân oan đợt 2.

Đất nước càng phát triển, việc quy hoạch, thu hồi, cưỡng chế của các sứ quân địa phương càng tăng, dân oan sẽ càng tăng.

Đất nước càng phát triển, chủ dự án càng giàu to, sứ quân địa phương ăn hối lộ ngập mặt (dư tiền quá, đánh cờ tướng mà một ván cả năm tỷ bạc) nông dân càng cơ cực bần cùng.

Nhà nước được lợi gì khi chiếm quyền sở hữu của nông dân? Chưa thấy bất cứ người nào của Nhà nước nói về cái lợi của qui định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, chỉ thấy, quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân chính là xưởng sản xuất ra dân oan.

Nhà nước thử hỏi 1 triệu nông dân, xem có mấy người đồng ý cho Nhà nước sở hữu ruộng đất của họ. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân là một quy định đi ngược lại nguyện vọng của mấy chục triệu nông dân.

Trong đất nước ViệtNamnày, cái gì cũng không nằm dưới quyền trưng thu, trưng dụng, trưng mua của nhà nước, vậy tại sao chỉ có đất đai phải buộc là sở hữu của Nhà nước (sở hữu toàn dân là sở hữu Nhà nước)?

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân là một qui định không có mục đích rõ ràng.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân là một qui định sản sinh ra dân oan, khiến cho khiếu nại về đất đai chiếm 70-80 khiếu nại cả nước.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân khiến cho các sứ quân địa phương thẳng tay tước đoạt đất của nông dân một cách hợp pháp. Nhà nước sẽ không thể nào kiểm tra kiểm soát nổi bọn sứ quân địa phương.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân sẽ biến nông dân chất phác thành Đoàn Văn Vươn bạo động.

Xóa bỏ quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, không những nông dân được lợi mà Nhà nước cũng được lợi, vì các vị sứ quân địa phương mất phương tiện thoái hóa, biến chất.

Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân không còn lý do để tồn tại.

Đã đến lúc Nhà nước trả quyền sở hữu ruộng đất lại cho nông dân.


H. K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

GẦN VỚI THIÊN NHIÊN















































SÁNG KIẾN HAY TỐI KIẾN? (2)