Tuesday, February 21, 2012

Suy ngẫm về hai chữ nhân dân

TRƯƠNG VĂN DŨNG

 


Kể từ khi thành lập nước VNDCCH đến nay đã gần 70 năm. Hiến pháp 1946 với mục tiêu xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân do dân và vì dân. Cũng từ đó lại sinh ra ủy ban nhân dân các cấp từ tỉnh (thành phố) huyện (quận) đến xã (phường). Tiếp theo là tòa án nhân dân các cấp, viện kiểm soát nhân dân các cấp. Kế tiếp là quân đội nhân dân “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”, rồi công an nhân dân “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Chưa hết, các danh hiệu cũng phải có chữ nhân dân như: anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thầy thuốc nhân dân, nhà giáo nhân dân, nghệ sĩ nhân dân …

Theo tôi hiểu, những điều vừa nêu trên nhằm mục đích tất cả vì nhân dân phục vụ hướng tới mục tiêu “dân giàu nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. 



Nhưng cũng thật đáng buồn, cũng từ 2 chữ nhân dân ấy, bị lạm dụng quá nhiều để đổ tội cho dân. Xin nêu một vài dẫn chứng sau đây:

1. Một ông bị quy chụp vào tội hoạt động lật đổ chính quyền, nếu trước đó, bị qui là phản động, nằm trong sổ đen thì họ nói đã từng nợ máu với nhân dân. Sau khi xét xử xong, các báo đài phải có nhiệm vụ thông tin ”xử đúng người đúng tội đúng pháp luật, được nhân dân đồng tình ủng hộ”. Nhưng quả thực, chẳng riêng gì tôi mà còn rất nhiều người không biết ông đó là ông nào mà cũng chẳng thấy ông đó làm hại gì đến mình, cũng chẳng được nhà báo nào thăm dò ý kiến, thế mà vẫn cứ “được nhân dân đồng tình ủng hộ” . 
 
2. Đường vừa làm xong, ngày mai tiếp tục đào bới lên, dân không có lối đi, đường bị ùn tắc, bắt buộc phải đi trên vỉa hè thì họ lại bảo dân không có ý thức.

3. Còn nhớ trận lụt lịch sử cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2008, Hà Nội khi đó như một biển nước, dân không đi lại được, cảnh màn trời chiếu đất, nhiều gia đình không có chỗ ở, Trận lụt đó, Hà Nội có gần hai chục người chết.Thế mà có vị lãnh đạo thành phố đã không động viên an ủi, chia sẻ giúp dân, lại còn lớn tiếng rằng ”dân ta bây giờ không như trước, cái gì cũng ỷ vào nhà nước”. Thử hỏi ông đã làm được gì, đưa ra giải pháp gì, sao lại để cho dân khốn khổ đến như vậy. 



Những vấn đề dính đến dân thì nhiều lắm không sao kể xiết được. Từ đó trở đi, hai chữ nhân dân cứ ám ảnh trong tâm trí tôi. Một lần tâm sự anh bạn là đảng viên lâu năm, tôi có than phiền rằng “năm vừa rồi gẫy nhịp cầu Cần Thơ, chết nhiều dân quá. Xảy ra vụ tham nhũng PMU 18, tiếp đến là vụ VINASHIN thất thoát đến mấy tỉ đô, như thế là mất vào tiền thuế của dân thôi”. Anh bạn tôi phán một câu rất xanh rờn: “Chẳng qua đấy cũng chỉ là tại dân thôi”. Tôi bảo “Sao anh lại đổ cho dân?” Anh bảo tôi: “Cứ bình tĩnh đã, tôi sẽ giảng giải cho anh rõ thế này nhé: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, chẳng tại dân là gì?” Tôi nghĩ không nên tranh cãi nữa, liền chấm dứt câu chuyện.

Nhiều khi tôi ngồi nghiền ngẫm suy nghĩ thấy đảng ta cũng tài tình khéo léo thật, biết dựng lên những nhóm quần chúng tự phát kết hợp với chính quyền thành phố Hà Nội để đàn áp tôn giáo trong đó có tòa khâm sứ và giáo xứ Thái Hà. Hậu quả nhỡ thế nào thì đổ lên đầu nhân dân tự phát. Không chỉ có thế mà còn dựng lên những nhóm quần chúng nhân dân làm chân gỗ cho chính quyền, trả lời phỏng vấn của báo chí, đài truyền hình. Đài truyền hình còn xuyên tạc, bôi xấu cắt xén bài phát biểu của đức tổng Ngô Quang Kiệt. Rồi vụ án hai bao cao su của tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, vụ bôi nhọ xúc phạm các nhân sĩ trí thức và người biểu tình yêu nước chống Trung Quốc, cứ tha hồ mà nói. Nếu có kiện thì đi mà kiện củ khoai, yên tâm đã có bộ máy công quyền bảo kê rồi. 



Nóng bỏng nhất hiện nay là vụ việc ở Tiên Lãng – Hải Phòng. Chính quyền đã huy động hai lực lượng vũ trang là công an nhân dân và quân đội nhân dân, trang bị đến tận răng, điều động cả chó nghiệp vụ để tấn công nhà anh Vươn và anh Quý. Bị anh em họ Đoàn kháng cự bất ngờ, hậu quả 4 chiến sĩ công an 2 chiến sĩ quân đội bị thương. Anh em anh Vươn không hề hấn gì, rút lui an toàn. Chính quyền không làm gì được tức quá mất khôn, phá bằng địa ngôi nhà 2 tầng của anh em họ Đoàn. Ông Đỗ Hữu Ca lại còn huênh hoang khoe đó là hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay, có thể viết thành sách.

Sau khi sự việc xảy ra, ông Đỗ Trung Thoại, phó chủ tịch thành phố Hải Phòng đổ vấy cho dân: “nhân dân quá bức xúc mà phá”. Lời phát biểu ấy như giọt nước làm tràn ly. Người dân đã bị dồn nén bao năm nay, đã cất lên tiếng đấu tranh để chống lại quan tham vô lại. 



Tôi có cảm tưởng giờ đây, công an nhân dân, quân đội nhân dân coi dân như kẻ thù. Còn nhớ thời kháng chiến, hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ công an nhân dân rất đẹp, rất gần gũi với dân. Nhiều bài thơ, bài hát ca ngợi tình quân dân mà nhiều người còn thuộc như “Vì nhân dân quên mình”, “Bầm ơi”, “Các anh về” …

Khi giành được chính quyền, lực lượng công an nhân dân còn rất non trẻ trong trứng nước. Bác Hồ đã có 2 câu nói về vai trò của nhân dân, dạy bảo công an phải biết dựa vào dân, tranh thủ sự ủng hộ của dân để hoàn thành nhiệm vụ:

Dễ trăm lần không dân cũng chịu

Khó vạn lần dân liệu cũng xong 



Có lẽ bây giờ, quân đội, công an nhận thức ra điều đó không còn phù hợp với mình nữa nên họ lặng lẽ chuyển sang thành ngữ “còn đảng còn mình”. Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ công an nhân dân năm nào đã bị méo mó đi rất nhiều. Họ đã quay súng đàn áp và bắn lại nhân dân.

Khi đã cảm thấy đủ lông đủ cánh, họ đã trở mặt, đểu cáng với dân. Chỉ mấy năm gần đây thôi, hàng chục sinh mạng của dân bị tước đoạt khi rơi vào tay công an, trong đó có cả người già và trẻ em. Thật là khủng khiếp, không thể tưởng tượng nổi.

Nguồn: Blog NTT

(cốp pi từ blog Quê Choa)