Sunday, February 19, 2012

TIN ONLINE 20/02/2012

Bà Nguyễn Thanh Phượng giữ chức Chủ tịch VietCapital Bank
 
(Dân trí) - Ngoài ra, nữ thạc sỹ 31 tuổi này còn nắm chức vụ Chủ tịch 3 tổ chức khác là công ty quản lý quỹ Bản Việt, công ty chứng khoán Bản Việt và công ty bất động sản Bản Việt.


Sau khi đổi tên từ ngân hàng TMCP Gia Định (GiaDinhBank) sang ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), bà Nguyễn Thanh Phượng đã chính thức thay ông Đỗ Duy Hưng đứng vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT).

Ông Hưng hiện đảm nhiệm vai trò mới là Tổng giám đốc ngân hàng này thay cho ông Lê Trung Việt.
 
Đến nay, bà Phượng là Chủ tịch HĐQT của 4 công ty, tổ chức. Ngoài ngân hàng Bản Việt, bà còn là Chủ tịch HĐQT của 3 công ty khác là công ty quản lý quỹ Bản Việt, công ty chứng khoán Bản Việt và công ty bất động sản Bản Việt.
Hiện tại, trong cơ cấu ban lãnh đạo mới của Viet Capital Bank có 3 thành viên là của công ty quản lý quỹ Bản Việt. Bên cạnh bà Phượng còn có ông Tô Hải, thành viên HĐQT và ông Phạm Anh Tú, thành viên Ban kiểm soát. Ông Hải là Tổng giám đốc công ty Chứng khoán Bản Việt, còn ông Tú là Giám đốc tài chính quỹ Bản Việt, trưởng đại diện văn phòng Hà Nội của quỹ Bản Việt.
Bà Phượng tốt nghiệp Cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) và đã hoàn tất chương trình Thạc sĩ chuyên nghành Quản trị tài chính của trường Đại học Quốc Gia Geneva, Thụy Sĩ.
Bà Nguyễn Thanh Phượng.
 
Trước đó, trong Đại hội cổ đông bất thường của GiaDinhBank ngày 3/11/2011, ngân hàng cũng đã thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 2.000 lên 3.000 tỷ đồng và đổi tên gọi.

Đến ngày 9/1 năm nay, GiaDinhBank chính thức thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu với tên gọi mới là Ngân hàng TMCP Bản Việt hay Viet Capital Bank.

Hoạt động sáp nhập này là một trong những sự kiện đáng chú ý nhất của thị trường tài chính Việt Nam năm vừa qua. 

Bích Diệp

___________________________________________________



Bí thư Hải Phòng thông tin trái kết luận của Thủ tướng 
 

(Dân Việt) - Dư luận Hải Phòng đang xôn xao về việc ông Nguyễn Văn Thành - Bí thư Thành ủy Hải Phòng thông tin trái với kết luận của Thủ tướng về vụ cưỡng chế đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn, tại CLB Bạch Đằng.



Không đồng tình với Bí thư Thành ủy



Bí thư Hải Phòng cho rằng báo chí nói sai, ghép ảnh chỗ khác vào, chứ không có chuyện xe ủi phá nhà ông Vươn.


Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đã đến “nói chuyện thời sự” tại CLB Bạch Đằng (nơi sinh hoạt của các cán bộ trung cao cấp nghỉ hưu) sáng 17.2, nội dung chủ yếu là vụ cưỡng chế đầm tôm nhà ông Vươn.

Theo ông Hoàng Châu (83 tuổi) - nguyên cán bộ tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng, trong phát biểu, ông Thành chủ yếu nói ông Vươn sai.
Ngày 18.2, UBND xã Vinh Quang đã tổ chức buổi làm việc, thông báo tình hình và lấy ý kiến của bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn).

Theo đó, UBND huyện bố trí nơi ở tạm đối với gia đình ông Vươn - bà Thương trong thời gian tiến hành giải quyết vụ việc tại dãy nhà điều hành Dự án Nuôi tôm xuất khẩu TNXP ở khu vực phía nam Cống Rộc, xã Vinh Quang.

Tuy nhiên, gia đình bà Thương đã từ chối nhận nhà vì ở đó không có điện, nước...

"Tôi lập tức phản ứng là lên bục phát biểu 4 vấn đề: Bí thư nói không đúng kết luận của Thủ tướng. Nói sai về báo chí. Việc nói như vậy và coi thường chúng tôi, những cán bộ trung cao cấp nghỉ hưu. Với tư cách một đảng viên, tôi đề nghị Bộ Chính trị đình chỉ công tác Bí thư Thành ủy của đồng chí Nguyễn Văn Thành" - ông Châu bức xúc.

Ông Nguyễn Khánh Chuân (87 tuổi, 65 tuổi đảng) - nguyên cán bộ Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, ông Thành không nói đến kết luận của Thủ tướng, chủ yếu nói khuyết điểm của ông Vươn, nói như vậy là nói một chiều. Chúng tôi không hài lòng với phát biểu của bí thư. Đúng ra ông Thành phải thừa nhận sai trái của cấp dưới và có cách xử lý. Ban Thường vụ Thành ủy cần nhận rõ trách nhiệm gì, trách nhiệm đến đâu...

Còn ông Phạm Quang Ngọc (83 tuổi) cho biết, bức xúc của ông Châu và các ông khác trong CLB Bạch Đằng cũng là bức xúc của ông và nhiều người khác.

Kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ngày 18.2, các cán bộ lão thành, người có công với cách mạng sinh hoạt trong CLB Bạch Đằng gồm ông Nguyễn Cục - đại tá quân đội về hưu (84 tuổi, 64 tuổi Đảng), ông Nguyễn Viết Phúc - nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Kiến An (84 tuổi, 64 tuổi Đảng) và ông Lê Văn Thinh - đại tá quân đội về hưu (78 tuổi, 60 tuổi Đảng) đã có báo cáo - kiến nghị gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, bày tỏ sự bất bình của các thành viên CLB đối với ông Nguyễn Văn Thành - Bí thư Thành ủy Hải Phòng trong việc thông tin trái với kết luận của Thủ tướng về việc cưỡng chế thu hồi đất tại huyện Tiên Lãng.

Bản báo cáo - kiến nghị viết: "Xung quanh vụ việc Tiên Lãng, chúng tôi đang chờ đợi, hy vọng sự kiểm điểm nghiêm túc của lãnh đạo thành phố. Nhưng không ngờ đồng chí Nguyễn Văn Thành không hề nêu sai sót nào của Thành ủy, chính quyền, các cơ quan liên quan TP.Hải Phòng. Đ

ồng chí Thành có những điều trình bày trái với kết luận của Thủ tướng như: "Báo chí nói sai, ghép ảnh chỗ khác vào, chứ đâu có chuyện xe ủi nhà ông Vươn, không ca ngợi công an, bộ đội, có biểu hiện bôi nhọ; có cán bộ lão thành nói không chuẩn; ông Vươn xây nhà không trong quy hoạch - trốn nợ thuế - không có tý công tích gì, trong khi đó Tiên Lãng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ông Vươn...”.

Mạnh Thắng
 
__________________________________________________
 
 

Tham vọng viễn dương của hải quân Trung Quốc

(Tamnhin.net) - Hãng tin Reuters có bài phân tích rằng trong khi Mỹ giảm ngân sách, Trung Quốc lại tăng đầu tư hạm đội với tham vọng trở thành cường quốc hải quân. 
 
 
Tàu đổ bộ cỡ lớn 071   
 
Tác giả bài phân tích, nhà báo David Lague, nói tháng trước công ty đóng tàu Hồ Đông Trung Hoa Thượng Hải đã hạ thủy chiếc thứ tư trong loạt tàu đổ bộ 071 đời mới của Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng chính kế hoạch mở rộng hạm đội tàu đổ bộ nặng 20.000 tấn này mới mang lại sự thay đổi đáng kể cho diện mạo cũng như tầm ảnh hưởng của hải quân Trung Quốc.


Loại chiến hạm 071 này là do Trung Quốc tự thiết kế và sản xuất.


Tham vọng trở thành cường quốc hải quân


Ông Christian Le Miere, nghiên cứu về an ninh hàng hải tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, nhận xét: "Có trong tay hạm đội tàu đổ bộ quy mô như vậy cho thấy một tham vọng quyền lực".


Hải quân Trung Quốc có kế hoạch sản xuất và sử dụng tới tám chiếc tàu đổ bộ 071, với sức chở của mỗi tàu là 800 binh lính, xuồng máy, xe thiết giáp và máy bay lên thẳng.


Chiếc đầu tiên mang tên Côn Lôn Sơn được mang ra trình làng năm 2006, hiện đang làm nhiệm vụ tại Ấn Độ Dương.


Tiến độ sản xuất các tàu đổ bộ khác đang được đẩy mạnh, chiếc thứ ba và chiếc thứ tư được hoàn tất chỉ trong vòng 5 tháng vừa qua.


Quá trình tăng cường hải quân của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở  khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vốn được cho sẽ trở thành tâm điểm địa chính trị trong các thập niên tới.


Các nhà hoạch định chính sách quốc phòng trước đó tập trung suy đoán về nguy cơ xung đột qua Eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, gần đây xảy ra nhiều diễn biến mới như Nhật Bản và Trung Quốc căng thẳng tại biển Hoa Đông hay tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và một số quốc gia khác tại Biển Đông.


Các chuyên gia quân sự cũng như một số sỹ quan hải quân Trung Quốc đã nghỉ hưu cho hay nước này đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo các loại tàu đổ bộ hiện đại hơn, to hơn.


Năm 2010, Trung Quốc đã vượt mặt Hàn Quốc để trở thành quốc gia đóng tàu biển lớn nhất thế giới và các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc ngày càng có cơ sở vật chất cũng như công nghệ tiên tiến để xuất xưởng các loại tàu khổng lồ và tối tân hơn.


Tham vọng đại dương của Trung Quốc là vươn tầm ảnh hưởng tới các vùng biển thuộc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.


Các tàu chiến và tàu ngầm hiện đại nhất của Trung Quốc nay được trang bị vũ khí phòng không tiên tiến và hỏa tiễn chống hạm tầm xa.


Trong phúc trình năm ngoái trước Hạ viện Mỹ về quốc phòng Trung Quốc, Lầu Năm Góc ước tính Giải phóng quân Trung Quốc hiện có 75 tàu chiến loại lớn, hơn 60 tàu ngầm, 55 tàu đổ bộ loại vừa và nặng cùng 85 tàu cao tốc tấn công bằng tên lửa.


Đối đầu với hải quân Mỹ


Hiện nay hải quân Mỹ so với hải quân Trung Quốc vẫn nổi trội hơn về thế và lực, với 285 chiến hạm, trong đó có 11 hàng không mẫu hạm, hơn 70 tàu ngầm nguyên tử và 22 tuần dương hạm.


Mỹ vẫn đứng đầu danh sách các cường quốc hải quân, ngay cả khi so sánh về hỏa lực và kinh nghiệm chiến đấu.


Tuy nhiên nay giới phân tích đặt câu hỏi liệu tương quan này sẽ còn tồn tại được bao lâu, khi chính quyền Obama đang có kế hoạch cắt giảm 487 tỷ USD ngân sách quốc phòng trong thập niên tới.


Hải quân Mỹ đang dự tính sẽ cho “về hưu” bảy tuần dương hạm và hai tàu đổ bộ, rút số chiến hạm xuống còn dưới 250 đồng thời dừng các chương trình phát triển hạm đội.


Để bù lại, Mỹ đặt tầm quan trọng lên việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và đồng minh với các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương và đang có kế hoạch tập trận với hai đồng minh chủ chốt là Thái Lan và Philippines.

Trong khi đó, trái ngược với Mỹ, Trung Quốc tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng.

Sau hai thập niên tăng hai chữ số, năm 2010 ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ tăng 7,5% vì khó khăn tài chính. Thế nhưng năm 2011 ngân sách lại tăng trưởng trở lại 12,7% lên 91,5 tỷ USD. Con số này được đưa ra chính thức và được cho là thấp hơn thực tế.


Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính năm 2010 Trung Quốc chi hơn 160 tỷ USD cho quốc phòng, chiếm vị trí thứ hai thế giới.


Năm 2013, chính quyền Obama đề xuất ngân sách quốc phòng là 525 tỷ USD và cho thấy khoảng cách Mỹ-Trung đang dần hẹp lại.


Minh Châu (theo BBC)