Monday, June 11, 2012

PHUM CÙMRHU

Cộng sản Khờ-me cũng cùng cha cùng mẹ với cộng sản Việt Nam... có điều dân Khờ-me được tái giải phóng còn chúng ta thì không! (lời than của phó chủ tịch)



Hoàng Phủ Ngọc Phan

(Cóp pi từ blog nguoilotgach)


Tiếng khơ-me - : Cùmrhu : kiểu mẫu.

Phum Cùmrhu là làng kiểu mẫu của nước Cam-pu-chia Dân Chủ dưới chế độ Pôn Pốt.

Đó là những dãy nhà sàn xinh xắn khang trang, xếp hàng thẳng tấp khoe mình hai bên đường. Trên các trục đường từ thủ đô Pnôm-pênh đi các tỉnh Kăn-đan. Tà-keo, Kông-Pông-Xpơ, Kông-Pông-Chnăng, Xvai-Riêng…người ta thường bắt gặp những xóm nhà như thế. Mọi căn nhà đều làm theo một kiểu giống hệt nhau. Nhà nào cũng mái ngói, vách ván, bốn chân cột đúc bằng bê tông. Cửa chính, cửa gỗ, cầu thang đều ở mặt tiền, nhà nọ cách nhà kia chừng mười mét đất thổ cư. Thoạt nhìn những căn nhà này, người ta liên tưởng đến những tổ ấm gia đình những nông trang đổi mới đến đường tiến bộ.

Tôi đã bắt gặp những hình ảnh đầu tiên của một số Phum Cùmrhu qua bộ phim tài liệu “Cam-pu-chia Dân chủ trên đường tiến Bộ” phim do cố vấn Trung Quốc làm giùm cho Khơme Đỏ. Trên màn ảnh hàng trăm người hăng hái làm việc, cưa cây, lợp ngói. Những căn nhà mới toanh mọc lên. Rồi Pôn-Pốt xuất hiện trong bộ bà ba đen, dép râu, khăn rằn, cùng đoàn tùy tùng đến cắt băng khánh thành những phum Cùmrhu đầu tiên ở chung quanh thủ đô Pnôm-Pênh. Những cái bắt tay nồng nhiệt, những cái vỗ tay, những nụ cười thân mật. Tôi được xem bộ phim này trong một buổi chiếu phim tư liệu nghiêng cứu ở Pnôm-Pênh sau ngày chế độ Pôn-Pốt bị lật đổ. Một cán bộ người Khơme bảo tôi:

Những người được thằng Pốt bắt tay và tươi cười với nó là cán bộ Ăng Ka đóng vai thường dân để quay phim.

- Tại sao biết đó là Ăng-Ka ?

- Vì trên túi áo của chúng có dắt cây bút máy. Thường dân không có bút mà cũng chẳng dùng đến bút bao giờ. Họ chỉ được phép lao động bằng chân tay. Trong phim chúng ta thấy họ đã xây dựng nên những căn nhà trong Phum Cùmrhu nhưng chưa chắc họ đã được ở trong những căn nhà đó. Ngay cả trong buổi lễ khánh thành, những căn nhà này vẫn còn để không, chưa có người ở.

- Thế những Phum Cùmrhu nầy dành cho những hạng người nào?

-Dưới chế độ Pôn-Pốt, dân chúng được chia làm hai hạng: dân 17 và dân 18.

Nguyên quân đội Khơme Đỏ tiến vào PnômPênh ngày 17-4-75. Trước đó, đã nắm vững phần thắng, họ ra tới hậu thư hạ lệnh cho mọi gia đình trong vùng tạm chiếm phải tìm mọi cách thoát ly ra vùng giải phóng, về nơi chính quyền cách mạng. Ai theo cách mạng từ thời điểm này thì được xếp loại lý lịch tối-gọi là “dân Pênxất”Chính dân Pênxất là hạng dân được ưu tiên phân phối nhà trong những phum Cùmrhu. Bây giờ chúng ta thử xem họ được đãi ngộ những gì trong căn nhà kiểu mẫu ấy.

Mỗi căn nhà có diện tích chừng 20 mét vuông, ngăn thành hai phòng. Không có phòng khách vì mọi người chỉ được phép tiếp khách ở phòng khách công cộng để bọn ĂngKa tiện việc theo dõi. Thực ra cũng chẳng mấy ai có khách vì phương tiện và thủ tục đi lại rất khó khăn, hạn chế. Nói chung ai ở đâu chỉ biết được tin tức trong một vài xã lân cận mà thôi.


Không có nhà bếp vì mọi người đều phải đi ăn ở nhà tập thể. Có người ở xa nhà ăn, mỗi bữa ăn cơm phải lội bộ tới vài ba cây số. Trong mỗi gia đình cha mẹ, vợ chồng, con cái không bao giờ được ngồi ăn chung một mâm. Mỗi người, mỗi lứa tuổi, mỗi công việc lao động khác nhau nên không thể có tiêu chuẩn, khẩu phần giống nhau. Chỉ trừ một vài ngày lễ lớn là được ăn bữa no, còn thì rau cháu quanh năm. Tỉnh Bát-Tam-Boong với diện tích gần bằng diện tích trồng lúa của đồng bằng Nam Bộ ta, thế mà mỗi lượng vàng chỉ đổi được một lon gạo. Mùa đánh bắt ở Biển Hồ, cá nhiều hơn nước mà trẻ con ở đây, trông thấy cá là khóc vì thèm ăn. Nguyên tắc là “từ một con chim bay trên trời đến con cá lội dưới nước tất cả là của tập thể - nghĩa là của ĂngKa. Không ai được quyền xâm phạm. Lúc đầu, dân chúng thường lén lúc lấy cắp thực phẩm nấu nướng để ăn thêm cho đỡ đói. Bọn ĂngKa cho rằng, còn chút quyền tư hữu nào là còn tệ nạn: trộm cấp, đổi chác, mua bán. Để tổ chức một xã hội mà chúng gọi là “chế độ cộng sản trong sạch”, phải triệt để xóa bỏ quyền tư hữu. Đầu năm 76, chúng bắt dân nộp vào nhà kho tất cả xe cộ, máy may, quạt điện, rađiô, ti vi, tủ lạnh… Giữa năm 76, trưng thu vàng và đá quí. Áo quần cùng chỉ được giữ lại mỗi người hai bộ để thay đổi. Khi có nhà ăn tập thể, tất cả nồi niêu, soong chảo, chén bát và dụng cụ nấu ăn đều phải giao nộp. Không gia đình nào được tàng trữ muối và lương thực trong nhà. Để ngăn ngừa việc nấu ăn riêng, một số phum Cùmrhu phụ thuộc 100% vào nhà ăn tập thể. Còn ở trong căn nhà kiểu mẫu xinh xắn ấy mà muốn đun một ấm nước trà để uống, cũng không thể được.


Khơ me đỏ

Sau này, khi thủ đô Pnôm-Pênh được giải phóng, có một hiện tượng đáng chú ý là dân chúng nổi lửa nấu ăn ở khắp nơi đầu đường, góc chợ. Mỗi người trong gia đình, ai cũng gắng kiếm vật gì đó có thể dùng để nấu riêng cho mình một món. Ăn chưa hết món này đã bày món khác. Hình như họ chỉ cần được quây quần bên một bếp lửa nhỏ là cảm thấy đầy đủ ý nghĩa của hai tiếng “giải phóng”. Làm như thể đây là lần đầu tiên, con người tìm ra được công dụng của ngọn lửa. Quả thật bọn Pôn-Pốt cấm lửa trong những phum Cùmrhu là một dấu hiệu suy thoái nghiêm trọng, có xu hướng đẩy lùi nền văn minh của nhân loại trở về với cuộc sống cầm thú cách đây cả triệu năm khi con người chưa tìm được ngọn lửa để sưởi ấm những hang động của thời tiền sử.

Ở đây, cái gọi là “gia đình” bị xé nát ra từng mảnh. Những người trong diện lao động chính ngày nào cũng phải có mặt ngoài đồng ruộng từ 5 giờ sáng đến 7, 8 giờ tối, từ 60 tuổi trở lên được xếp loại mất sức lao động phải sống tập trung ở những trại dưỡng lão. Trẻ con trên 6 tuổi sống tập trung ở những trường học nội trú. Tất cả mọi người điều phải tập trung đi kiếm củi và làm phân. Hết phân bò, phân heo đến phân xanh. Sau cùng đến xương thịt người chết cũng được chế biến thành phân để bón ruộng của công xã. Trẻ con trên ba tuổi điều phải đi nhà trẻ và chỉ được ăn nước cháo, nước hồ. Dưới ba tháng mới được nuôi bằng sữa mẹ. Những bà mẹ có sữa tốt, ngoài nhiệm vụ nuôi con mình, còn phải nhận thêm vài ba đứa trẻ khác luân phiên cho bú dưới sự dám sát của cán bộ nhà trẻ. 

Chó và mèo bị coi là những động vật vô ích, đương nhiên không thể có tiêu chuẩn khẩu phần ở nhà ăn tập thể nên số phận của chúng được quyết định nhanh chóng. Chỉ vài tuần lễ sau khi nhà ăn tập thể hoạt động, hầu hết chó mèo điều bị giết để ăn thịt con nào trốn thoát được thì chạy vào rừng rồi tự lực kiếm ăn trên những xác người chưa được chôn cất kỹ lưỡng. Hai con vật thân thương này mà loài người đã tấn công thuần dưỡng hàng vạn năm có nguy cơ bị diệt vong hoặc trở thành dã thú. Chỉ vài thế hệ, trẻ con lớn lên trong những phum Cùmrhu sẽ trở nên xa lạ với hình ảnh của Chó và Mèo. Hình ảnh của chúng cùng với nhiều loại gia cầm gia súc phi kinh tế khác sẽ trở thành những con vật tưởng tượng như con rắn Naga, con bò Nandin trong chuyện thần thoại.

Đối với phụ nữ nhan sắc chỉ là tai họa. Bọn Ăng Ka yêu ai không được thì tìm cách bắt bớ đưa đến chỗ vắng hãm hiếp rồi giết chết để phi tang. Trong số những tay sai của Pôn-Pốt bị đưa ra xử trước tòa án quốc tế ở Pnôm-Pênh sau ngày giải phóng, có nhiều tên bị tố cáo là chuyên môn hãm hiếp đến cả những xác chết của phụ nữ.

Người con gái Khơme chọn bạn trăm năm rất kỹ. Chọn kỹ rồi trao thân gửi phận suốt đời chứ không thích những chuyện biển động trên tình trường. Lễ theo nghi thức cổ truyền được tổ chức chu đáo, vui vẻ và kéo dài. Âm nhạc, phục trang của cô dâu chú rể, thức ăn, đồ dùng đều theo qui cách riêng, không thể tùy tiện. Sau này, nếp sống mới đã đơn giản hóa đi nhiều nhưng vẫn giữ lại tập tục văn hóa như tục cắt tóc, buộc chỉ, hát đối đáp…

Trong phum Cùmrhu, trai gái muốn kết hôn với nhau phải được chấp thuận của ĂngKa. Cứ vài ba tháng, chính quyền địa phương có buổi họp để công bố danh sách những người được phép kết hôn với nhau. ĂngKa tự ý xắp xếp từng đôi lứa, dựng vợ gả chồng theo ý thích riêng của chúng, mà thường là không phù hợp với tâm nguyện của các bạn trẻ. Buổi lễ công bố danh sách các cặp vợ chồng có giá trị như một đám cưới tập thể. Hàng chục, hàng trăm người được tập trung vào một hội trường, nam, nữ ngồi phân chia ra hai bên. Một cán bộ ĂngKa cầm tờ giấy đọc lên những đôi vợ chồng. Tiếng Khơme vừa đơn âm, vừa đa âm, chữ viết thì ngoằn ngoèo. Cán bộ ĂngKa thì học vấn lem nhem, nên cái bản danh sách các đôi tân nhân được đọc lên một cách ngắt ngứ dưới ánh sáng tù mù của những ngọn đèn dầu, rất dễ bị lận lộn. Sau khi bản danh sách được công bố, cả hội trường thường nhốn nháo lên một cách mật trật tự. Đó là những người nghe chưa rõ, xin hỏi lại cho chắc. Đó là những thắc mắc, khiếu nại, những đề nghị xin đổi chác. Người ta ơi ới gọi tên nhau để xem mặt người bạn trăm năm. Xong rồi, mỗi cặp vợ chồng được một tên ĂngKa hướng dẫn đến gửi một gia đình nào đấy để sống chung. Đôi tân hôn được sống chung với nhau ba ngày ba đêm. Cứ sau mỗi đêm, sáng dậy cả hai người phải ký tên vào quyển sổ hộ khẩu của chủ nhà để xác nhận rằng đêm qua mình đã chấp hành đúng đắn theo mệnh lệnh của “cách mạng”. Đã có nhiều trường hợp vì “trục trặc kỹ thuật” sao đó mà tên đôi vợ chồng ghi trong sổ của chủ nhà không khớp với người thật, việc thật ở bên ngoài. Đôi vợ chồng này bị ĂngKa buộc tội là phản động vì không chấp hành mệnh lệnh của chính quyền. Vì vậy sau này, dẫu có trường hợp lẫn lộn, nhưng ván đã đóng sàn, các đôi tân hôn điều nhất trí im lặng chấp nhận không dám tiết lộ cho ĂngKa biết.

Sau ngày giải phóng hơn 95%, cặp vợ chồng ĂngKa sắp xếp dưới thời Pôn-Pốt đã tự động bỏ nhau. Trong năm mươi cặp vợ chồng ở phum Cùmrhu thuộc xã Cúctrốp, huyện KôngPông Kantuốt, tỉnh Kandan, chỉ có một cặp vợ chồng chịu tiếp tục sống chung với nhau. Hỏi ra thì người chồng nguyên là một nhà sư bị cưỡng ép hoàn tục.

Tất cả những bi kịch nói trên là sự đãi ngộ của ĂngKa dành cho dân Pênxất, dân thuộc thành phần có công với cách mạng. Còn đối với những phần tử ngụy quân ngụy quyền, trí thức, tư sản… Những thành phần dân tộc có “mối thù truyền kiếp” như Việt, Chăm…và vô số trường hợp bị qui là phản động khác – dĩ nhiên họ chẳng bao giờ được hưởng những thành quả cách mạng, dần chỉ là những thành quả khó nuốt như ở phum Cùmrhu. Đối với họ, số phận đã được định sẵn trong công thức: Cam-Pu-Chia 3+1. Ba triệu người đã bị tàn sát. Bốn triệu người nằm trong diện phải thủ tiêu để xóa bỏ. Nước Cam-Pu-Chia Dân chủ của bọn Pôn-Pốt chỉ cần chừng một triệu người thật “tốt” để xây dựng mô hình lý tưởng cho một xã hội tương lai, một “chủ nghĩa cộng sản trong sạch theo ngôn ngữ cách mạng ủa ĂngKa và mô hình đó là những phum Cùmrhu.

Tôi đã có dịp đi thăm những phum Cùmrhu sau ngày giải phóng. Phum thí điểm đầu tiên được xây dựng gần thị xã Bát đầmboong. Ở đây những nhà khách, nhà ăn, nhà có phần to lớn, khang trang hơn mọi nơi khác những cánh đồng công xã làm ăn theo lối “đại trại” bên Trung Quốc phum Cùmrhu dựa vào lưng núi. Trên núi có một cái hang sâu hun hút. Dưới hang chồng chất xương người.

Phum Cùmrhu của tỉnh KôngPôngXpơ nằm bên đường gần chùa Pòpe, một thắng cảnh nổi tiếng trong tỉnh. Giờ đây giữa cảnh sắc thiên nhiên xinh đẹp ấy, nổi lên những đống đầu lâu trắng hếu.

Phum Cùmrhu Cúctrốp thì có tấm bảng đề “cách đây 300 mét, có một bãi chôn người của bọn Pôn-Pốt”.

Cứ y như rằng ở đâu có phum Cùmrhu mọc lên là ở đấy có những hảm chôn người tập thể. Khoảng tháng 7 năm 1981, thêm một bãi chôn người được phát hiện ở khu vực nhà máy thủy tinh, chì cách trung tâm thủ đô chừng 10km. Trông những hầm chôn người này, có cả những mảnh quần xe dũng, những bình sữa biberon, những món đồ chơi cầm tay của trẻ em trong lứa tuổi hài đồng. Đây hẳn là những nạn nhân sau cùng mà chế độ Pôn-Pốt cần phải thanh toán để cho một phum Cùmrhu nào đó mọc lên gần đâu đấy.

Ngày nay, danh từ phum Cùmrhu đã bị chôn vùi theo cuồng vọng của bọn Pôn-Pốt và tập đoàn bành trướng Bắc Kinh. Nhưng hãy còn đây những ngôi làng khang tranh xinh xắn. Để xây những ngôi nhà này, trước đây bọn Pôn-Pốt thường tháo gỡ cây que, gỗ ngói ở những ngôi nhà sàn của dân chúng. Tỉnh lỵ KôngPôngXpơ, trung tâm giáo dục cộng đồng Kantuốt, nhiều chùa chiền, trường học, chợ búa bị phá hủy không phải do bom đạn chiến tranh mà do bọn Khơme Đỏ cần tháo gỡ vật liệu để xây những căn nhà kiểu mẫu này.



Bây giờ, người ta không phá bỏ hoặc tháo gỡ những căn nhà này để xây lại những căn nhà khác to hơn hoặc nhỏ thua. Ở những chân cột đúc bằng bê tông trước đây bọn Pôn-Pốt chưa kịp xây nhà, nhân dân cắm phụ thêm một ít tre nứa để làm giàn bầu, giàn bí hoặc làm chuồng chăn nuôi gia súc. Bầu bí đã ra hoa, ra trái được mấy mùa. Đêm ngày lại được những âm thanh quen thuộc của chốn điền đã thanh bình như những tiếng gà gáy sáng, tiếng chó sủa trăng… Mỗi căn nhà điều có che thêm một căn bếp sơ sài, không đồng bộ, nhưng rất cần thiết đễ bổ sung cho chỗ thiếu sót nghiêm trọng trong kiến trúc của những phum Cùmrhu trước đây. Và lâu lắm, người ta mới lại được thấy làn khói lam sớm chiều ôm ấp trên những mái nhà, ngọn cây và ánh lửa bật bùng trong bếp vui.

Trong một chuyến công tác trên đất nước bạn sau ngày giải phóng, tôi đã có dịp hơ chung bếp lửa vui ấy với một gia đình nông dân Khơme nhân một đêm ngủ nhờ tại chợ huyện Bôrêbô, tỉnh KôngPôngChnăng nằm trên bờ Biển Hồ TônglêXáp. Gió biển hồ lồng lộng. Từ đêm về sáng, trời đầy sương mù và lạnh buốt xương không tài nào ngủ được. Tôi gợi chuyện buồn vui trong gia đình người chủ nhà.

- Dưới thời Pôn-Pốt, anh sống trong phum Cùmrhu này, vui buồn ra sao?

- Chẳng còn cảm thấy vui buồn gì cả, chỉ thấy sợ.

- Thế bây giờ?

Bây giờ vẫn chưa hết sợ. Sợ thằng Pốt trở lại cầm quyền. Chưa nói những chuyện đập đầu cắt họng – nội trời lạnh như thế này mà một bếp lửa chúng cũng không cho đốt thì sống làm sao nổi!

Trời càng gần sáng trông thôn xóm càng thấp thoáng rất nhiều ánh lửa. Ở đây người ta còn đốt những đống lửa công cộng dọc theo hai bên đường làng. Đây là con đường huyết mạch. Hằng trăm chiếc xe bò đi chở mắm, chở cá ngoài biển hồ, ngày nào cũng phải đi qua đường này từ sáng xớm. Khi nghe tiếng hạt chuông rung lên từ những cổ xe bò đang lăn bánh, tôi đã tưởng tượng rằng cả những con bò này cũng thích dừng lại bên những bếp lửa. Tôi còn nhận ra trong ánh lửa có tiếng tí tách reo vui, trong làn khói, có cả mùi hương hiền lành của cành tre, vỏ lúa. Phải chăng chút hương sắc nhỏ nhặt này cũng là một phần duyên dáng trong cái giàu đẹp của mỗi quê hương, đất nước.

Có ai hiểu vì sao một bếp lửa, một làn khói, một tổ ấm gia đình, một bữa cơm sum hợp, một hạnh phúc đơn giản như thế lại trở thành đối tượng thù nghịch của bọn Pôn-Pốt? Trong khi đó, những phung Cùmrhu xây nên bằng xương trắng máu đào, xây bằng cách xóa bỏ mọi nhu cầu chính đáng về vật chất, tinh thần và tình cảm của con người – thế cũng gọi là “Chủ nghĩa cộng sản” mà lại là “cộng sản trong sạch” thì còn lời lẽ nào gian dối cho bằng!Lại cũng không hiểu vì sao Pol Pốt cũng là một người trí thức được ăn học ở Pháp mà lại cúi đầu đi theo bọn bành trướng Bắc Kinh để thử nghiệm cái mô hình “Chủ nghĩa cộng sản trong sạch nầy”.Thật là một nước cờ sai lầm khốc hại đủ để làm gương cho những ai còn ảo tưởng về những chữ vàng chữ đỏ của ông bạn láng giềng Trung Quốc. 

Vào dịp Xuân Giáp Tý vừa qua, tôi có chuyến đi công tác ở vùng biên giới Cam-Pu-Chia, Thái Lan. Trong chuyến đi này chính quyền bạn cũng lại dẫn chúng tôi đến tham quan một bãi chôn người ở một khu rừng chung quanh ngôi đền Ăngkor Watt. Xương người đã mục rỗng, nằm lẫn khuất trong đám cỏ gai. Những loài hoa dại đua nhau nở ra trên những đống đầu lâu trắng hếu. Tôi nghĩ thầm “Phải chăng đây là thành quả “cách mạng” của Pôn-Pốt lêng Xary và bọn quan thầy Bắc Kinh? Tuy nhiên, lúc này mà còn nói đi nói lại mãi về tội ác của bọn chúng là cũ rồi”.

Nhưng chỉ qua hôm sau, vào đêm 27 tháng chạp âm lịch bọn thổ phỉ Pôn-Pốt lại gây thêm một tội ác mới. Thừa đêm tối, bọn Pôn-Pốt giả làm thường dân, lén vào khu chợ mới ở Xiêm Riệp nổi lửa đốt chợ, làm chết và bị thương nhiều thường dân. Lúc này ở Cam-Pu-Chia là điểm cao mùa khô. Khắp vùng không một giọt nước. Ngọn lửa bốc lên từ 9 giờ đêm và cháy hoài tới sáng. Mặc dầu bộ đội ta và bạn đã dũng cảm lao vào hiện trường, cũng chỉ cứu chữa được một số nạn nhân nhưng không tài nào dập tắt được ngọn lửa. Đến sáng, cả khu chợ gồm hàng ngàn nóc nhà đã trở thành một đống tro tàn. Một cái xác người cháy đen còn nằm cong queo trên mặt đất. Tiếng khóc của những bà mẹ, trẻ em nghe não ruột. Một người chỉ vào xác chết bảo tôi:

- Đó là xác cụ Xóc Đuông, 70 tuổi nhà ở Phum Xiêm Riệp 1. Đêm qua, bọn Pô-Pốt giả làm những người buôn dưa hấu vào ngủ nhờ trong nhà cụ. Khi bọn chúng nổi lửa đốt chợ cụ hốt hoảng la lên thì bị chúng bắn chết.Thì ra, ở Cam-Pu-Chia, tội ác của bọn Pôn-Pốt vẫn còn là vấn đề nóng hổi.

Và mặc dầu bọn phản động ở Cam-Pu-Chia, ở Trung Quốc, ở Mỹ và ở cả trên bàn hội nghị Liên Hợp Quốc sẽ chẳng có thể làm gì được để lật ngược tình thế - mặc dầu cuộc sống ở những Phum Cùmrhu nay đã hoàn toàn thay đổi, tôi vẫn thấy cần phải vẽ lại cái mô hình của chủ nghĩa Mao nằm trong hành trang của bọn Pôn-Pốt qua hình ảnh cũ của những phum Cùmrhu.

Lẽ nào bọn chúng không hiểu rằng cuộc sống của nhân loại vốn được xây dựng trên những nền tảng đơn sơ nhưng vững chắc. Nền tảng ấy đúc kết từ kinh nghiệm sống của con người qua hàng triệu năm thử thách. Bất kỳ mô hình nào không xây nên những nền tảng đó, chỉ là cái quái thai của những hôn quân, bạo chúa hoặc của những kẻ mất trí.

Phum Cùmrhu là bài học lớn cho cả loài người hôm nay.

HPNP