Tuesday, January 3, 2012

Các blogger nói gì về Hoàng Khương?



Tháng Một 4, 2012


Tôi nghĩ, điều mà gia đình anh cần không chỉ là việc được Tuổi Trẻ thuê giùm luật sư mà còn đứng bên cạnh anh như một cơ quan ngôn luận.” Huy Đức



Ông Hoàng Khương đã viết nhiều bài về hiện tượng tham nhũng và tiêu cực trong ngành công an

Những cây viết trong thế giới ảo đã có nhiều bình luận trái ngược nhau về vụ nhà báo có tiếng Hoàng Khương bị bắt trong ngày 2/1/2012 vì cáo buộc “đưa hối lộ”.

Nhà báo này trước đó thừa nhận có sai sót nghiệp vụ nhưng khẳng định anh đang trong quá trình “tác nghiệp” và vụ việc đã được đưa lên báo Tuổi Trẻ.

Trong diễn biến mới nhất, em vợ của ông Hoàng Khương, Nguyễn Đức Đông Anh, cũng đã bị bắt hôm 3/1/2012 vì cùng cáo buộc “đưa hối lộ”.

Công an cáo buộc ông Anh đã đưa 15 triệu đồng cho anh vợ để chuyển cho một người môi giới hối lộ công an nhằm lấy giúp xe của người bạn tham gia đua xe.

Báo chí trong nước nói bạn của ông Anh nói với cơ quan điều tra rằng có nhờ lấy xe ra nhưng chưa đưa tiền trong khi ông Anh nói ông ứng trước số tiền cho bạn và sẽ lấy lại khi công an trao trả xe.

Bình luận về vụ này, nhà báo Hồ Thu Hồng viết trên blog:

“Thời buổi này mà vác tiền túi ra cho hoạt động tác nghiệp, có lẽ Hoàng Khương là hiệp sĩ sót lại cuối cùng của làng báo.

“Nhưng Khương làm sai phương pháp và sai chỗ, vung rìu ngay trước mắt thợ cả.”

Bà Hồng cũng nói “không phải tất cả cảnh sát giao thông đều ra ngoài đường chặn xe làm tiền trắng trợn như mấy vụ ở miền Trung vừa rồi” và bình thêm về đồng nghiệp Hoàng Khương:

“Thời buổi này mà còn yêu nghề đến sống chết như Khương, hẳn nhiên sẽ xao lãng tình yêu với đứa con mới 7 tháng trong bụng mẹ, xao lãng tình thương với bà mẹ liệt giường ở quê.”

Nhưng blogger này cũng nói chính quyền không nên “đánh đồng những sơ xuất của hành động nghĩa hiệp với dã tâm của những kẻ bất lương”.

Blogger Huy Đức hôm 3/1 nói “Hoàng Khương bị bắt trong hoàn cảnh mà vợ anh đang có bầu tháng thư 5 và một đứa con nhỏ của anh bị bệnh bẩm sinh” và tiếp:

“Tôi nghĩ, điều mà gia đình anh cần không chỉ là việc được Tuổi Trẻ thuê giùm luật sư mà còn đứng bên cạnh anh như một cơ quan ngôn luận.

“Cái câu mà Hoàng Khương viết trong tường trình – “Tôi cam đoan những biện pháp nghiệp vụ và tình huống cấp bách buộc phải xử lý nêu trên chỉ nhằm mục đích hoạt động nghiệp vụ báo chí, thu thập thông tin, chứng cứ chứ không hề có động cơ vụ lợi nào khác” – cho đến nay vẫn không thấy xuất hiện trên Tuổi Trẻ.”

Mặc dù nói rằng các nhà báo không nên “sử dụng gài bẫy như một công cụ”, Blogger Huy Đức nói “nếu gài bẫy để lật mặt hành vi tham nhũng của những kẻ có chức, có quyền, thì cho dù không khuyến khích cũng không nên coi đó là tội phạm.

Ông Huy Đức viết: “Điều 8, Bộ Luật Hình sự quy định: “Những hành vi có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm.

“Hành vi của Hoàng Khương chỉ nguy hiểm cho những kẻ tham nhũng chứ không hề nguy hiểm cho xã hội.”

“Tạm giam”

Trong khi đó blogger Mẹ Nấm trích đăng bài của Cô Gái Đồ Long trên Facebook nói Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên bố trong một cuộc họp giao ban báo chí hồi tuần trước rằng “sẽ khởi tố Hoàng Khương.”

Cô Gái Đồ Long dẫn lời nhà báo Hoàng Khương nói: “Làm điều tra chống tiêu cực; lại là tiêu cực trong ngành công an mà không bị các chú công an nay mời, mai dọa mới lạ. Viết làng nhàng không thấy chú nào hỏi thăm sức khỏe thì mới nhục.”

Cây viết này cũng nói thêm: “Khi Hoàng Khương xảy ra chuyện, gọi cho một bạn Tuổi Trẻ hỏi thăm, bạn ấy cười khà khà sau đó phán một câu xanh rờn: “Yên tâm đi, báo này cứ vài năm là có người ngồi tù”.

Blogger Đào Tuấn nhắc lại phản ứng dữ dội của Tuổi Trẻ khi nhà báo Nguyễn Văn Hải của tờ này và Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên bị khởi tố và bắt giam hôm 12/5/2008 và so sánh với “bản tin 619 chữ, tính cả tên tác giả” của Tuổi Trẻ về chuyện nhà báo Hoàng Khương bị bắt.

Nhà báo Đào Tuấn bình luận: “Tuổi trẻ giờ “khác quan” đến nỗi đưa tin PV của mình bị bắt mà tưởng đó là câu chuyện xảy ra ở Campuchia.

“Tuổi trẻ giờ “dấu quan điểm” giỏi đến mức không ai, không ai có thể biết quan điểm của họ.”

Blog Quê Choa trích đăng bài của một nhà báo với tít “Tôi đã từng có thể bị bắt như Hoàng Khương”.

Nhà báo này nói về cuộc điều tra của một số nhà báo về tình trạng “mãi lộ, cướp đường” của công an mà trong đó các nhà báo cũng đã đưa tiền hối lộ, cho dù chỉ ở mức cao nhất là 500.000 đồng cho cảnh sát hồi năm 2006.

Cựu nhà báo này nói khi đó vụ việc cũng có nguy cơ bị khởi tố nhưng nói “chắc vì lo ngại, chuyện đó có đem ra xử, bung bét ra thì cũng xấu mặt ngành nên bộ Công an chỉ chỉ đạo cong an các tỉnh liên [quan] kiểm điểm, xử lý nội bộ”.

Bản thân nhà báo Hoàng Khương đã viết hàng loạt các bài viết chống tham nhũng, tiêu cực với nhiều bài nhận được hàng trăm phản hồi từ độc giả.

Khi google tên Hoàng Khương, bài viết Nhức nhối nạn mãi lộ: Ghê hơn cướp cạn với 200 bình luận đứng đầu danh sách tìm kiếm vào cuối ngày 3/1/2012.

Cũng trong ngày này, một đồng nghiệp khác của ông Hoàng Khương, nhà báo Nguyễn Thông, viết trên blog: “Hoàng Khương chỉ bị bắt tạm giam. Ở cái xứ này, việc bắt tạm giam xảy ra như cơm bữa… Chỉ mong cơ quan pháp luật sớm làm rõ trắng đen, khởi tố truy tố kết án tuyên phạt đúng quy định pháp luật, chớ tạm giam vô hạn định khiến dân chúng hoang mang, chả biết đâu mà lần.

“Kiểu tạm giam như với các ông Trần Dần, Vũ Thư Hiên trước kia, hay bà Bùi Hằng vừa rồi khiến dư luận bức xúc lắm lắm. Mong sao nhà báo Hoàng Khương không rơi vào cảnh ngộ ấy.”

Nguồn: BBC