Friday, January 6, 2012

Tản mạn cơm thịt đầu năm

(Sẽ tiếp tục trở lại vệt Chích chòe Háo danh và truyện ngắn. Đón đọc: Chích chòe 4: Tự do của mèo. Đang đợi minh họa.) 

(Theo Blog Phạm Ngọc Tiến)

Đầu năm nhưng mắc mấy món nợ viết lách chẳng có thời gian thảnh thơi nên cứ phải tắt máy điện thoại để tập trung cho công việc. Nhưng mà nhớ. Từ lâu cái máy kè kè bên mình như một người bạn không thể thiếu giờ triệt nó đi cứ trống trống vắng vắng thế nào ấy. Thành thử thi thoảng giải lao lại bật máy một lúc xem có ai gọi hoặc nhắn nhe gì cho mình không.
 

Buổi chiều vừa bật máy lên thì giật mình vì hồi chuông đổ giật. Sống Thật Chậm gọi. Cô chủ gánh hàng xén vừa đi Pa Cheo về đã gọi có việc gì thế này. Hóa ra là lời mời buổi tối đến gặp gỡ cuối năm với mấy người bạn ở Sài Gòn cùng tham gia đi miền núi về. Sấp ngửa vơ mấy cuốn sách làm quà tặng rồi lặng lẽ đóng máy vi tính chuồn khỏi cơ quan. Nhưng lại rung bần bật một bên túi. Đạo diễn trẻ Nguyễn Thế Anh gọi. Lạ nhỉ, tay này bỏ nghề rồi cơ mà. Mấy năm trước tương lai đạo diễn đang mở thênh thang thì xin thôi ra khỏi truyền hình. Nghe nói cu cậu chuyển về làm ở ngân hàng ACB thì phải. Chắc là ngứa nghề đạo diễn muốn xin kịch bản làm phim đây mà. Nhưng không phải, chú Tiến ơi cháu Tròn ( là vì có cái mặt béo tròn) đây, nhóm thanh niên bên cơ quan cháu muốn đi miền núi một chuyến, chú cho cháu xin vài địa chỉ để chúng cháu tặng quà, tiện thể chú tư vấn cho cháu mua gì cho trẻ miền núi. Có khoảng bao nhiêu tiền? Chừng dăm chục triệu chú ạ. Tư vấn xong chợt ngẩn ngơ nghĩ. Cả hai cuộc điện thoại đều liên quan đến những đứa trẻ miền núi đang cần sự giúp đỡ. Rồi lại nhớ đêm trước ngồi uống rượu với ông Trần Đăng Tuấn tại nhà ông ấy. Ngồi lâu lắm và suốt bữa là những cuộc điện thoại liên tục hỏi han thông báo trao đổi của những người đang tham gia chuyến đi của chương trình đến mấy trường Mầm Non ở Bát Xát, Lào Cai gọi về. Người nọ chuyền người kia thành thử bữa rượu thành những cuộc điện thoại bất tận. Cơm thịt. Ừ nhỉ khái niệm này giờ đã thân quen chen vào đời sống của mình từ bao giờ rồi. Vậy là khởi động lại máy tính viết nhanh mấy dòng về nó. Cơm thịt đầu năm. Khekhe…. 

 
Những đứa trẻ Tiểu học Lao Chải khi còn phải tự nấu ăn


Cái đêm hôm đó mình vẫn nhớ như in, hơn ba tháng trước. Khuya khoắt vắng lặng, ông Trần Đăng Tuấn gọi điện bảo mở hộp thư xem bài viết ông ấy vừa viết nhân chuyến đi Suối Giàng về. Đọc chợt lặng đi. Xúc cảm quá. Từng con chữ cứ mờ nhòe, cứ chập chờn rồi hiện lên một khung cảnh Suối Giàng chất chứa bao điều cần nói, cần làm. Đọc lại. Vẫn là những cảm xúc quánh đặc trong những con chữ. Bèn viết thư trả lời đại loại khen một câu, cảm ơn một câu, đồng ý với phương án giúp đám trẻ miếng thịt của ông Tuấn đề ra trong bài viết. Không ngủ được cứ ngồi vân vi nghĩ rồi manh nha trong mình cái ý định phải lập ngay cho ông Tuấn cái blog để post bài này lên. Lúc đó chỉ thôi thúc trong cảm giác muốn chia sẻ bài viết với những người khác. Sáng hôm sau, đọc lại một lần nữa vẫn cay sè mắt, vẫn vẹn nguyên cảm giác trong đêm. Gửi bài viết của ông Tuấn cho một cháu gái đọc và nhờ lập hộ blog và nhận ngay được khích lệ từ cô bé. Hay quá chú Tiến ơi, cháu khóc sưng cả mắt. Trong chiều ấy blog Trần Đăng Tuấn trình làng. Và rất nhanh ngay lập tức được các blog bạn tiếp nhận chia sẻ. Lượng người truy cập và comment nhanh vùn vụt. Đa số tán đồng phương án cơm thịt theo như cách tính của ông Tuấn. Và chỉ vài ngày sau đó một tài khoản được ông Tuấn mở ra với câu nói mào đầu đúng với tính cách của ông, đại ý ông Tuấn khẳng định chịu trách nhiệm cá nhân trước những đồng tiền này, đảm bảo nó sẽ đến được nguyên vẹn tới tận tay các cháu. Hơn ba tháng trời từ ngày ông Tuấn có blog cơm thịt, có tài khoản nếu tính xêm xêm cả phần đóng góp của quỹ Thiện Tâm thì cơm có thịt đã nhận được trên một tỷ rưỡi đồng. Con số ấy chưa phải lớn nhưng bao nhiêu miếng thịt đã đến được với những đứa trẻ nghèo khó. Bao nhiêu đứa đã được hưởng hơi lửa ấm áp từ những chiếc bếp chung thay vì phải riêng rẽ cực nhọc cơm đùm cơm nắm. Đấy là chưa kể hàng ngàn chiếc áo rét, những dụng cụ tiện ích trị giá hàng trăm triệu đồng đã được bạn đọc chương trình hưởng ứng góp thêm bên ngoài mang đến cho các cháu miền núi. 

 
Các cháu Mầm Non xã Mường Nhé. 

 
Dền Thàng : Sổ mua thực phẩm của trường Mẫu Giáo, khi có tạm ứng đầu tiên để mua thức ăn cho các cháu. Ít ngày sau đó, 90 triệu đồng đã được gửi lên, và các cô giáo có thể ” rộng tay” đi chợ hơn. 

 
Phụ huynh điểm chỉ 

 
Pa Cheo, càng đi càng thương.

Từ ngày đó, chương trình đã có những chuyến đi khảo sát và tài trợ đến những vùng sâu vùng xa, những tên đất tên vùng giờ trở nên thân quen. Mù Cang Chải, Yên Bái, Bát Xát Lào Cai, Mường Nhé, Điện Biên…nhiều lắm. Không tính được, không kể hết những tấm lòng thơm thảo đã ghé vai gánh vác công việc làm sao đưa được miếng thịt, manh áo…đến đúng được điểm trường cần thiết. Mà cái này thì mình nghĩ trong tình cảnh hiện tại điểm trường nào cũng rất cần sự trợ giúp. Chỉ là vài tháng trời, chương trình “Cơm có thịt” non trẻ đã gắn kết bao nhịp đập con tim cùng hướng đến cái đích chia sẻ tấm lòng cho các cháu miền cao có thêm được dù chỉ là miếng thịt bé nhỏ hay tấm áo bớt đi chút lạnh lẽo mùa đông giá rét.

 
Xe chở thảm xốp lót sàn lên Mầm Non Y Tý. Một cách chống rét cho nơi năm nào cũng có băng tuyết. 

 
Chăn con gái tặng Mầm Non Y Tý trước ngày ” tót ” về nhà chồng.

Mình có thêm những người bạn mới. Không hề quen biết nhau nhưng đã cùng xắn tay vào lo việc. Có những người từ phương Nam xa xôi nhưng cũng săng sái lượm từng chiếc áo, cái mũ, cân cá khô. Một nhóm bạn lập ra cái Giỏ Thị dễ thương đóng góp dài kỳ, phân ra từng quý gửi vào tài khoản. Bạn ở Quảng Ninh kỳ công tự mua cá về làm để có những cân cá khô tinh khiết nhất gửi cho các bé. Người có xe ủng hộ xe cho những chuyến đi dài. Nhiều nhà báo, nhà văn, doanh nhân, thậm chí là người lao động bình thường đã cùng góp sức. Không kể hết được sự nhiệt thành của các anh các chị. Thật vui khi gặp gỡ bạn bè mình giới thiệu đây là anh Y, chị A đến từ chương trình cơm có thịt. Không quen biết nhưng giờ đây đã như chung một nhà thân thiện và tin tưởng. 

 
Ngoảnh đi ngoảnh lại sắp lục tuần. Lần sau có khi chẳng cần đeo râu giả, râu thật cũng trắng hơn cước rồi! 

 
Bên cột mốc số 3 trên A Pa chải, nơi con gà gáy ba nước nghe thấy, mượn tạm máy quay cầm cho oai.

Sống Thật Chậm, chủ gánh hàng xén Pa Cheo vừa về Hà Nội hôm qua. Tối nay đã tổ chức buổi tổng kết năm cho nhân viên công ty. Mình được mời tham dự và gặp được những thành viên từ miềnNamra góp sức ở chuyến đi vừa rồi. Thân mật, ấm cúng, trong bữa tiệc năm mới vẫn là những xuýt xoa về cái lạnh ở Pa Cheo, là những điểm trường đi bộ nhược người mới đến được. Và lại là những dự định tiếp theo. Mình không có chút cảm giác lạ lẫm nào giữa những người bạn mới quen. Một cái gì đó ấm áp, thật ấm áp trong ngày lạnh đến nhức người này cứ mãi dâng lên. Cảm ơn các bạn. Con đường đi Pa Cheo, đi Bát Xát và những điểm đến khác, mình biết sẽ có mặt chúng ta dài dài.

Máy điện thoại lại rung bần bật. Tin nhắn. Từ đoàn đi Lào Cai từ hôm mồng 2 Tết Dương lịch. Đây là nhóm cùng đi Pa Cheo nhưng ở lại tiếp tục khảo sát một số điểm trường ở Bát Xát. Nhà văn Thùy Linh nhắn về đến Bảo Yên, tối quá phải ngủ lại. Mai mới tiếp tục. Không vội nhắn trả lời. Thấy rộn rã một niềm vui khó tả. Năm mới 2012, mong cho chương trình thêm nhiều những chuyến đi thế này. Mong cho cơm có thịt, cho áo ấm đến được nhiều hơn những điểm trường. 

 
Cơm có thịt, áo đủ ấm, và có nước để rửa mặt sạch sẽ…Mong sao mọi trường vùng cao đều như vậy.

Mình lại phải tắt máy thôi. Tiếp tục việc trả nợ bài vở. Cho mình chúc sức khỏe tất cả mọi người đã đến với chương trình cơm thịt nhé. Bằng này sang năm con số của tài khoản sẽ là bao nhiêu? Mình chịu không đoán được chỉ có thể biết đó là những con số của niềm vui. Rất vui!

Hà Nội 5/1/2012

PNT


__________________________________________________

Khuyến mãi: Phim vui