Wednesday, January 4, 2012

Cu ba điểm nóng



Học sinh Cu ba đang chơi nhảy dây

Lưu Diệu Vân

Theo: Da màu

-

Chỉ còn vỏn vẹn bốn nước Cộng Sản trên thế giới. Tôi sinh ra và lớn lên ở Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, du học ở Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa một thời gian cực ngắn để ghi điểm môn Thương Mại Quốc Tế (dĩ nhiên là Trung Hoa, hàng gì mà đã chẳng qua tay nơi này), từng dự tính sang Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên để thụ huấn làm điệp viên nhưng chưa tìm được ai móc nối vào tổ tình báo và nay quốc gia này đang thụ tang bác Kim nên tạm thời tôi phải gác lại ý định, thế nên chuyến thăm Cộng Hòa Cuba lần này cũng có thể xem như phần nào thực hiện ba phần trên bốn giấc mơ du ngoạn bốn miền cờ đỏ của tôi. Chuyến đi Cuba có phần hào hứng hơn cả, trước tiên vì giá rẻ không ngờ, sau là người Mỹ bị cấm sang Cuba một cách đường đường chính chính mà cái gì lén lút, dù tầm tầm, cũng trở thành cực kỳ quyến rũ.



Cổng Phi Trường Cuba – Ảnh: Lưu Diệu Vân


Tôi đáp xuống phi trường Cuba với lòng can đảm của công dân Mỹ, sẵn sàng đối phó với hải quan nước “thù nghịch”, tinh thần đề cao thám hiểm của người Canada và khả năng lươn lẹo bẩm sinh của người Việt Nam. Sau khi yêu cầu tôi nhìn vào cái webcam đời cũ kỹ để lưu sắc diện, cô hải quan mang vớ ren đen kiểu các nàng múa cột Las Vegas và váy ngắn chỉ khoảng chiều dài cây thước đo 30 centimét điệu đà rời khỏi quầy và ra dấu cho một chàng hải quan khác đến gần. Sau khi xem kỹ hộ chiếu in hình con đại bàng vàng kim, bằng giọng Anh pha lẫn chút vị Tây Ban Nha, anh ta nói thật lớn như thể chia vui với cả đoàn du khách: Chào mừng công dân Mỹ đến với Cuba. Mong bạn có một chuyến nghỉ hè thật ấn tượng. Lời dõng dạc như ám chỉ rằng nước Mỹ mới bày đặt thủ thế còn chúng tôi thì vẫn muôn đời hiếu khách. Thế mà tôi cứ tưởng tên mình sẽ được ưu ái lưu vào hồ sơ canh chừng đặc biệt, hóa ra công dân Mỹ chỉ được một màn chào đón hân hoan trước công cộng và lại không có lấy một con dấu kỷ niệm trong hộ chiếu. Thiếu cấm kỵ thì hào hứng cũng đã giảm đi ít nhiều.

 

Chung cư ở Cuba – Ảnh: Lưu Diệu Vân

Chuyến xe buýt từ phi trường về khu nghỉ mát ở Veradero (một địa danh nghỉ mát như Nha Trang) mà tôi cứ tưởng đang sắp đến một Việt Nam của vũ trụ song song. Những chung cư cũ nát, quần áo, đồ lót, chăng đầy lan can hướng mặt đường, những cây dừa ưỡn ẹo hai bên song sắt xa lộ, những giàn bông giấy sặc sỡ, và biển xanh mướt mát trong cái nóng hừng hực khó bác bỏ không là của Việt Nam. Nàng hướng dẫn viên bắt đầu thực thi chỉ thị. Sắc tộc Cuba gồm có 65% Tây Ban Nha, 20% gốc Châu Phi,1% gốc Trung Hoa và phần còn lại thuộc về hơn 50 chủng tộc toàn cầu nên chúng ta có thể nói rằng Cuba là một thế giới vĩ đại thu nhỏ. Tôi liên tưởng ngay đến công viên Disney Land – một mô hình thế giới thu nhỏ – với nhiều hình nộm nhảy múa tung hô vạn tuế trong trang phục hóa trang sặc sỡ. Tuy quy tụ nhiều sắc dân nhưng Cuba có nền văn hóa đặc trưng. Nếu bạn muốn được là người Cuba chính hiệu (Bác Fidel?), bạn phải biết rành rõi những thứ sau đây: cờ domino, rượu rum, xì gà và điệu nhảy chachacha. Nàng luyến thoắng. Tôi nghĩ thầm, chực nói ra vì tự ái dân tộc dâng cao là về khoản này thì các bạn Cuba không trội hơn Việt Nam đâu nhé. Chúng tôi cũng có tứ đổ tường nhưng các bạn còn thua xa cái mục trai gái, thì nàng đã tiếp. À, còn nếu bạn muốn là đàn ông Cuba chính gốc thì phải… thích có nhiều đàn bà cùng một lúc. Nghe đâu đó tỷ lệ là bảy cô gái cho một người đàn ông thì mục này chắc các chàng Don Juan Cuba thay người tình như thay áo hơn hẳn các nước khác. Kinh tế khó khăn và mức thu nhập thấp – khoảng $15 USD một tháng – nên đám cưới ở Cuba hầu như là một sự kiện xa xỉ. Sống với nhau có con hoặc trên ba năm, lập tức được coi như đã kết hôn chính thức và thủ tục ly dị cũng khá giản dị, con cái luôn ở với mẹ và cha trợ cấp một số tiền hàng tháng, như vậy thì tỷ lệ ly hôn hơn 70% ở Cuba là con số không đáng kể nếu tính theo hoàn cảnh. Có lẽ Việt Nam chúng ta dành phải xếp hạng hai trong mục tranh tài này.



Cuba sặc sỡ – Ảnh: Lưu Diệu Vân

Cuba là đất nước phù hợp cho tất cả mọi người. Nàng hãnh diện thuyết minh tiếp. Tôi thì nghĩ rằng những người kiếm thị hoặc loạn sắc sẽ khó sống sót ở nơi đây vì xã hội Cuba được bình trị và tổ chức theo màu sắc. Những bộ đồng phục học sinh phân định cấp bậc: đỏ – tiểu học; vàng – cấp hai; xanh – trung học; nâu – trường kỹ nghệ. Trên đường phố chủ của những chiếc xe cũng được phân loại theo màu sắc: xanh dương: các bộ trong chính quyền; nâu: chức trách cao cấp; xanh rêu: quân sự; cam: chủ thương mại; đen: nhà ngoại giao; trắng: nhân viên chính phủ; đỏ: taxi; vàng: thường dân. Các bảng hiệu buôn bán, cho mướn nhà, những đồng tiền sặc sỡ, những bảng chỉ dẫn giao thông, tất cả đều theo phương pháp đánh mã màu. Khó có thể sống ở Cuba mà không phân biệt được xanh hay đỏ.



52 năm cách mạng – Ảnh: Lưu Diệu Vân

Để có thể hòa nhập với đời sống Cuba, còn đòi hỏi một bản năng chịu đựng những điều khó cắt nghĩa. Người dân Cuba chỉ biết lãnh tụ của họ làm việc ở đâu – dĩ nhiên là ở dinh El Capitolio, ngay trung tâm thủ đô La Habana – nhưng họ không bao giờ được biết ông ta sống nơi nào. Cốc-tai được ưu chuộng nhất ở Cuba – Cuba Libre/ Cuban Liberty/ Cuba Tự Do – được pha chế bằng nước Coke và rượu rum, Coke dĩ nhiên là một sản phẩm tư bản Hoa Kỳ và rum thuộc chính gốc xã hội chủ nghĩa Cuba. Thông điệp khó hiểu. Chẳng lẽ là Cuba phải hòa nhập với Mỹ mới có tự do chăng? Ở Cuba, các dịch vụ bưu tín điều miễn phí, bạn chỉ cần có tem, đó là lời của cô hướng dẫn viên du lịch. Tôi không hiểu nếu cần mua tem thì còn gì là miễn phí? Y tế ở Cuba cũng hoàn toàn miễn phí, kể cả giải phẩu thẩm mỹ nhưng người dân phải tự mang theo mọi vật dụng kể cả tấm trải giường, thuốc men, khi nhập viện. Tôi lại thắc mắc nếu giải phẩu thẩm mỹ miễn phí thì tại sao có quá nhiều đàn bà Cuba với sắc đẹp dưới trung bình và vóc dáng rất ư bề thế. Có lẽ khái niệm “hoàn toàn” ở Cuba khác với thế giới chăng? Nghe nói, lại nghe nói, ngành giáo dục ở Cuba cũng hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người dân từ cấp mẫu giáo cho đến tiến sĩ thế nhưng chẳng hiểu vì sao các trường đại học ở Cuba đào tạo toàn gia quyến của các đảng viên. Tất cả những phương tiện chuyên chở của chính phủ bắt buộc phải ngừng lại để đón thường dân khi đã xong công vụ, tất nhiên là miễn phí, nhưng phải vẫy tờ tiền trước mặt thì xe mới ngừng. Có lẽ khái niệm “tất cả” ở Cuba khác với thế giới chăng?



 
 
Những hình ảnh của Che Guevara người hùng của Cuba – Ảnh: Lưu Diệu Vân

Không thể chối cãi rằng tôi đã có một chuyến đi đầy ấn tượng ở Cuba. Ngoài biển xanh cát trắng, ngoài những hình vẽ nghệ thuật trên tường tuyên dương 50 năm cách mạng, 51, 52, rồi 53 năm, đầy chất sáng tạo, ngoài sự bội thực những hình ảnh chụp kiểu tài tử thời trai trẻ của Che Guevara trên tường, trần nhà, trong nhà vệ sinh, trên các lá cờ, trong sách báo, in trên ly uống bia, trên móc chìa khóa, trên nón, mắt kiếng, áo thun và mọi món đồ kỷ niệm có thể tưởng tượng, hệt như ông ta vẫn còn sống và trị vì, ngoài những bản phối khí guitar sống động, ngoài những câu chuyện mủi lòng về nỗi vất vả của người bán vỏ ốc lội biển sâu, ngoài những tác phẩm cổ điển bìa cứng của Hemingway ở khu chợ sách cũ ngoài trời, ngoài những điếu xì gà cuốn bằng tay đắt đỏ, tôi còn mang về một Cuba phóng khoáng nhưng chừng mực, yên phận nhưng đầy khát khao đổi mới và bất lực với những gì đang tiếp diễn. Một Cuba không chối bỏ quá khứ nhưng đánh cược tất cả vào tương lai.



CUC – loại tiền dành cho du khách – Ảnh: Lưu Diệu Vân

Xếp hàng lo thủ tục xuất cảnh về Canada, tôi ngắm nhìn tờ $10 CUC cuối cùng của mình (Cuban Unit Convertible là loại tiền tệ Cuba dành riêng cho du khách và những giao dịch mua sắm. Người dân thường vẫn được trả lương bằng đồng Cuba có in hình Che Guevara). Phản chiếu trong mắt tôi, không là hình ảnh của Bác Mao phổng phao sắc diện trên nhân dân tệ Trung Hoa, không là hình ảnh Bác Hồ cười điệu đàng trên đồng Việt Nam, không là ảnh bác Kim Nhật Thành tủm tỉm trên đồng Bắc Triều Tiên, mà là một kỵ mã kéo cương bước lên bục cao. Hình ảnh Che Guevara đã không ám ảnh tôi trong giấc ngủ gà gật ở tọa độ 23°02′04″B 81°26′07″T.