Sunday, September 30, 2012

TÌNH DỤC, DỐI TRÁ VÀ CHÍNH TRỊ


Mao Trạch Đông và hàng ngàn thê thiếp


LND: Tác phẩm « Tình dục, dối trá và chính trị » – Những kẻ bị ám ảnh đang lãnh đạo chúng ta – của tác giả Pierre Lunel, nhà xuất bản L’Archipel, Paris 2012 – gồm có ba phần. Phần đầu « Các nhà độc tài » viết về Stalin, Mussolini, Mao Trạch Đông và Bokassa. Phần hai về các lãnh đạo ở Mỹ : Kennedy, Bill Clinton, Arnold Schwarzennegger, và phần thứ ba dành cho châu Âu : Mitterand, Giscard d’Estaing, Berlusconi, Chirac, DSK.
Pierre Lunel là cựu hiệu trưởng trường đại học Paris 8, tác giả nhiều đầu sách tiểu sử và biên khảo sử học.
Thụy My xin giới thiệu một phần chương sách « Mao Trạch Đông và hàng ngàn thê thiếp » trong tác phẩm trên, đã tạm lược bỏ 8 trang đầu nói về những người vợ của Mao là Dương Khai Tuệ (Yang Kaihui), Hạ Tử Trân (He Zizhen), Giang Thanh (Jiang Qing).
—————————————–


Mao Trạch Đông


Mao có tính cách giản đơn của các tên tuổi lớn. Đa số thời gian, ông xử lý các vấn đề của Trung Quốc trên chiếc giường gỗ rộng mênh mông mà ông vẫn mang theo khi di chuyển, hay bên cạnh hồ bơi riêng. Ông ta có thể không mặc quần áo suốt nhiều ngày.
Mao rất thích các hồ bơi và những món ăn mỡ màng, ngập trong dầu béo ngậy. Ông ta không bao giờ đánh răng, chỉ súc miệng với nước trà. Mao không bao giờ tắm, mà vệ sinh thân thể bằng cách bắt những người tình một đêm dùng khăn nóng chà lên người mình. Bị chứng mất ngủ, ông có thể thức trắng nhiều đêm, và các cán bộ của ông phải chuẩn bị tinh thần để bị triệu đến lúc hai, ba giờ sáng. Làm việc với Mao thì cứ phải khỏe như vâm.
Hai mươi năm trước khi qua đời, Mao rất tự hào là một tay bơi giỏi, ông có hai hồ bơi trong dinh thự của mình. Một hồ ngoài trời thì các nhân viên có thể sử dụng, còn hồ kia có mái che, trên nguyên tắc được dành cho các lãnh đạo cao cấp của Đảng. Nhưng dần dần các vị này thôi không sử dụng nữa, và hồ bơi này trở thành một thứ tài sản riêng của Mao. Vì ông ta dành nhiều thời gian ở đây, rốt cuộc người ta đã phải xây dựng cho Mao một căn hộ ở ngay bên cạnh với phòng khách, phòng làm việc và phòng ngủ.
Chính tại đây mà Mao Trạch Đông đã tiếp Tổng thống Mỹ Nixon và hàng loạt nguyên thủ quốc gia khác. Cuối cùng người ta bèn gọi dinh thự của Mao là « hồ bơi » cho nó gọn và xác thực.
Suốt ngày hầu như ông ta lững thững chỉ với chiếc áo choàng tắm khoác hờ trên người, để lộ bờ vai lực lưỡng và chiếc bụng to tướng. Mao có nước da trắng đẹp, khuôn mặt đầy đặn luôn nở nụ cười, mái tóc đen dày.
Mao vẫn giữ thói quen nông dân. Khi phải mặc đồ, ông ta tròng vào bộ quần áo cũ mèm và đôi giày cà tàng. Bộ trang phục « kiểu Mao Trạch Đông » nổi tiếng và những đôi giày bóng lộn được dành cho những dịp long trọng. Chính trong cái bộ dạng kỳ khôi đó mà Mao đã lãnh đạo đất nước Trung Quốc.
Khi không có việc gì buộc phải ngồi dậy, ông ta nằm ườn trên chiếc giường gỗ «khủng», kích thước to gấp đôi một chiếc giường đôi thông thường. Người khách nào có óc quan sát có thể để ý thấy cái góc giường mà Mao dựa lưng cao hơn khoảng mười phân. Nếu có ai liều lĩnh đặt câu hỏi, sẽ được nghiêm chỉnh trả lời là đóng cao hơn để tránh cho khi ngủ mê không bị té xuống giường. Nhưng thật ra chỉ là nhảm nhí – gờ giường đóng cao theo yêu cầu của Mao để cho những trận bão tình ái được thuận tiện.
Mao «tán» các con mồi qua những buổi tối khiêu vũ, đây là một điều đặc biệt. Nhảy đầm đã bị Cách mạng cấm vì cho là lối sống suy đồi, và tất cả các sàn khiêu vũ đều bị chính thức đóng cửa. Thế nhưng Mao hàng tuần vẫn tổ chức những đêm khiêu vũ, tại sảnh Xuân Liên rộng mênh mông, không xa căn hộ của Mao là mấy.
Khi Mao vừa tới nơi khiêu vũ, là hàng chục thiếu nữ liền bổ nhào đến, năn nỉ ông nhảy với mình một bản. Mao nhảy một cách nặng nề, nhưng điều đó có nghĩa lý gì đối với các cô gái muốn được thần tượng chú ý bằng mọi giá. Các cô được những người thân cận của Mao tuyển lựa từ các đội văn công, theo tiêu chuẩn có ngoại hình đẹp và trung thành về mặt chính trị.
Mao nhanh chóng cho đặt một trong những chiếc giường size «khủng» của ông ta trong một căn phòng giáp với phòng khiêu vũ. Sau khi nhảy được vài ba bản, đại đế Mao tỏ ý muốn nghỉ ngơi, nắm lấy tay một trong những cô gái hơ hớ tuổi xuân này và đưa vào phòng. Ông ta chỉ ra khỏi phòng chừng hai tiếng đồng hồ sau đó, đa phần là với vẻ hài lòng vì đã được cô gái phục vụ tận tình.
Mao luôn bị ám ảnh với ý nghĩ một ngày nào đó sẽ bị mất đi khả năng tình dục. Khi các bác sĩ báo cho biết là ông ta đã trở nên vô sinh, Mao trả lời một cách xúc động:
- Thế là tôi đã thành hoạn quan rồi à!
Các bác sĩ phải hết lời trấn an, nói rằng tuy «tinh binh» của Mao không bình thường, nhưng không hề ảnh hưởng gì đến năng lực tình dục cũng như ham muốn.
Thực ra Mao chẳng hề quan tâm đến việc vô sinh, nhưng sợ hãi khi nghĩ đến khả năng bị bất lực, nhất là khi ông ta mang nặng trong đầu ám ảnh là năng lực làm tình sẽ chấm dứt vào tuổi sáu mươi. Đến tuổi này, ông ta có đôi khi bị trục trặc, nên thường cho tiêm truyền chất bột nhung hươu, mà tương truyền theo đông y là món thuốc cường dương đại bổ. Nhưng thấy nhung hươu không giúp giải quyết được vấn đề, Mao bèn ngưng sử dụng và quay lại với tây y – nói chung, ông ta không tin tưởng vào đông y.
Mao muốn được lưu danh theo truyền thống các hoàng đế Trung Quốc, đặc biệt là một vị theo truyền thuyết đã trở nên trường sinh bất tử nhờ quan hệ với một ngàn thiếu nữ đồng trinh. Ông ta hy vọng theo gót được vị tổ sư này. Không tin mấy vào năng lực tự nhiên, Mao say mê thu thập tất cả những tin tức từ phương tây hay những nơi khác, loan báo việc phát hiện các loại dược liệu giúp hoạt động tình dục cho đến chín mươi tuổi.
Trong khi chờ đợi thần dược ra đời, Mao nhồi nhét vào người đủ loại nhân sâm và đưa lên giường một số lượng đáng nể các cô thiếu nữ. Dù sao thì ông ta vẫn cho rằng đi ngủ và tắm rửa là lãng phí thời gian.
Nếu làm tình là thú tiêu khiển hàng đầu đối với Mao, thì ngược lại ông ta không yêu mến ai cả. Mao không có khả năng yêu thương lẫn cảm tình. Cũng có thể do ông ta đã chứng kiến quá nhiều thảm kịch và cái chết trong đời. Người vợ thứ hai, Dương Khai Tuệ bị Quốc dân đảng xử bắn, cũng như hai người em trai của ông. Nhiều người con của Mao đã chết trong cuộc Trường Chinh. Tất cả những bi kịch này làm Mao Trạch Đông trở nên sắt đá.
Trong thâm tâm, Mao hài lòng đã sống sót được qua nhiều nghịch cảnh, mà theo ông ta đó là dấu hiệu cho thấy mình sẽ trường thọ. Ông đã chứng tỏ trái tim sắt thép qua tất cả những hành động trong đời sống thường ngày, theo gương những hoàng đế Trung Hoa tồi tệ nhất. Chẳng hạn như Trụ vương đời nhà Thương, vị hôn quân thích trưng bày cái xác bị tùng xẻo của các nạn nhân, đổ đầy rượu vào hồ bơi, có hàng ngàn nàng hầu vây quanh. Hoặc Tùy Dạng Đế (Sui Yangdi), một trong những bạo chúa tệ hại nhất trong lịch sử Trung Hoa, đã bắt những cô gái trẻ đẹp phải kéo thuyền rồng đi ngược gió bằng những dải lụa.
Một bằng chứng cho sự tàn bạo của Mao Trạch Đông, lịch sử đặc biệt ghi nhận câu trả lời của ông ta trước Nehru:
- Chúng tôi chẳng việc gì phải sợ bom nguyên tử cả. Nếu ai tấn công tôi bằng bom nguyên tử, thì tôi có thể trả đũa tương tự. Mười triệu hay hai chục triệu người chết cũng chẳng ăn nhằm gì đối với chúng tôi!
Nehru không phải từ bi hỉ xả gì, nhưng cũng phải dựng tóc gáy khi nghe câu nói của Mao coi mạng người như ngóe.
Không một điều gì có thể làm Mao xúc động. Trong chiến dịch Đại nhảy vọt, nhiều triệu người dân nông thôn đã chết đói, nhưng ông ta vẫn ăn ngon ngủ yên. Ngay cả đối với người thân trong gia đình cũng thế. Chỉ cần kể ra đây thái độ đối với chính người con trai lớn của Mao.
Mao Ngạn Anh (Mao An Ying) tử nạn ngày 25/11/1950, trong cuộc chiến tranh Triều Tiên đã làm cho khoảng 400 ngàn người Trung Quốc thiệt mạng. Ngạn Anh đã lấy vợ trước đó một năm và vợ anh, Lưu Tư Tề (Liu Xi Qi), từ vài năm qua vẫn được xem như là con gái nuôi của Mao Trạch Đông. Ông ta thích cô đến nỗi tỏ ra vô cùng giận dữ khi nghe tin Ngạn Anh và Tư Tề đính hôn. Sự thực đằng sau cơn thịnh nộ này là: Lưu Tư Tề hết sức xinh đẹp, và Mao ghen với người con trai sẽ được ngủ với cô. Ông ta cản trở việc tổ chức đám cưới với những cái cớ kỳ lạ, chẳng hạn như phải chờ đến lúc tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc ngày 01/10/1949…Khi nghe tin con trai mình tử thương, Mao phát biểu câu này thay cho lời ai điếu:
- Đã là chiến tranh làm sao không có người chết cho được?
Ông ta không tỏ ra buồn phiền một chút nào, không hề nhỏ một giọt nước mắt. Tư Tề suốt một thời gian dài vẫn không hay biết về cái chết của chồng, và cuối cùng khi cô chất vấn Mao Trạch Đông về vấn đề này, ông ta trả lời là Ngạn Anh đã chết. Lưu Tư Tề kề cận cha chồng gần như hàng ngày trong suốt hai năm rưỡi trời, nhưng chưa bao giờ thấy Mao tỏ vẻ u sầu. Thậm chí ông ta còn nói đùa với cô về Ngạn Anh, như là con trai vẫn còn sống…


Lưu Tư Tề và Mao Ngạn Anh


Kể từ năm 1958, trong cơn say Đại nhảy vọt, Mao trở nên ít kín đáo hơn trong cuộc sống riêng tư. Cho đến nỗi nhiều người đều biết về cách sống xa hoa, phóng đãng của ông ta, về những tòa biệt thự nằm rải rác khắp đất nước Trung Quốc, và về việc cung cấp gái đẹp mà chính Mao gọi là « tuyển lựa cung phi ». Các nữ nghệ sĩ trẻ của các đội văn công tham gia các buổi dạ vũ, cạnh tranh với nhau để làm đẹp lòng Mao, và kết thúc bằng việc qua đêm với ông ta. Các cô ganh tị lẫn nhau, cô nào được Mao nắm tay dẫn vào phòng ngủ trở thành mục tiêu bị các cô khác thù ghét.
Một hôm – và đây là lần duy nhất trong đời – Giang Thanh đã làm ầm ĩ lên với Mao. Ông ta phản ứng bằng cách cấp tốc ra khỏi phòng. Giang Thanh nhanh chóng hối hận vì cơn nóng giận này, và gởi đến Mao lời xin lỗi. Ông ta chỉ nhún vai. Có nghĩa lý gì, vài cô hầu thiếp dành cho con người quyền lực nhất, nhà sáng lập nước Trung Hoa cộng sản?
Từ đó Mao hoàn toàn yên ổn, không hề bị bà vợ chua ngoa chỉ trích. Ông ta cũng không còn giấu giếm việc đi lại thường xuyên với các cô gần như là gái gọi hạng sang. Thỉnh thoảng lại có một trong số những cô gái này, nhờ quyến rũ hơn, đã được nâng cấp: thay vì là người tình một đêm, được ân sủng trở thành quý phi.
Người đầu tiên giành được vị trí ưu tiên này là một nữ nhân viên trẻ của Cơ mật viện – một cô gái tuyệt đẹp có làn da trắng như tuyết, đôi mắt sáng và cặp chân mày xinh như vẽ. Cô ta không thèm giấu giếm gì với Giang Thanh, và còn tìm cách làm thân với bà. Giang Thanh, được nịnh hót và vẫn còn áy náy vì mới đây đã nổi nóng với Mao, vui vẻ chấp nhận sự hiện diện của cô ta. Bà tự hứa với chính mình là sẽ không gây sự với chồng vì chuyện các cô bồ của ông ta nữa.


Mao Trạch Đông và Giang Thanh, năm 1949


Những người thân tín của Mao luôn tìm cách làm vui lòng ông ta. Ban đầu mỗi tuần chỉ có một đêm dạ vũ, nhưng sau đó họ nhanh chóng thấy rằng để chiều lòng chủ tịch thì như thế chưa đủ. Thế là từ một buổi dạ vũ trở thành hai buổi mỗi tuần, có nghĩa là số cung phi dành cho Mao phải tăng gấp đôi. Tất cả các đoàn văn công đều phải đóng góp vào. Sự chăm sóc này không phải là quá đáng, vì chủ tịch càng cao tuổi thì ham muốn tình dục lại tăng lên. Năm đó Mao đã 67 tuổi.
Khi phải nhận lãnh những ngón đòn chính trị và bực tức trước những lãnh đạo cao cấp khác của Đảng, Mao nằm lì suốt nhiều ngày và chỉ ra khỏi giường để dự dạ vũ. Ông ta thường xuyên nhảy nhót cho đến hai giờ sáng, rồi sang phòng bên cạnh «nghỉ ngơi » với các « đối tác». Không một tiếng động nào lọt ra khỏi căn phòng có cánh cửa bọc vải dày. Những cô gái được chọn lựa không hề phàn nàn, mà hoàn toàn ngược lại.
Chưa bao giờ, ngay cả trong những giấc mơ điên rồ nhất, các cô có thể tưởng tượng ra có ngày lại được phục vụ cho thú vui nhục cảm của vị thượng đế được hàng trăm triệu người tôn sùng. Rất ít người từ chối đề nghị của chúa tể Trung Quốc. Có thể chỉ có vài cô y tá hay phụ nữ hơi cứng tuổi. Cô y tá nào từ chối thì đó là vì đạo đức nghề nghiệp không cho phép lẫn lộn vai trò, còn phụ nữ lớn tuổi thì do mắc cỡ khi phải gia nhập hậu cung gồm toàn các thiếu nữ tuổi xuân hơ hớ. Còn tất cả những cô gái khác đều phát cuồng vì Mao, và sẵn sàng thỏa mãn những đòi hỏi dù có quá quắt của ông ta.
Hầu hết là những cô gái rất nghèo khó. Chẳng hạn cô Lưu từng đi ăn xin trên đường phố cùng với mẹ, cô Chu là trẻ mồ côi. Thường thì cha mẹ các cô này, đã qua đời, được xem là «liệt sĩ cách mạng». Nhiều cô không được học hành gì cả, và trở thành diễn viên múa nhờ có Đảng. Các đoàn văn công đầy dẫy những thiếu nữ loại này, được tuyển mộ nhờ ngoại hình chuẩn, để giúp người của các cán bộ cao cấp trong Đảng giải trí.
Các cô được lên giường với Mao là «hàng tuyển trong số hàng tuyển», cho dù chỉ vài tiếng đồng hồ. Điều này chỉ có thể hiểu được nếu chúng ta nhớ lại nạn thần thánh hóa Mao Trạch Đông. Sự xuất hiện của Mao trong những dịp lễ lạc trang trọng, oai vệ như một bức tượng đại đế tại quảng trường Thiên An Môn, là một kỷ niệm không thể quên đối với mỗi người tham dự. Chưa nói đến những người được đặc ân có một không hai là bắt tay với Mao, họ không rửa ráy trong nhiều tuần lễ để giữ trên người loại « nước thánh ». Có thể nói, Mao gần như một huyền thoại, và còn được yêu mến và kính trọng hơn cả các đại đế Trung Hoa.
Làm thế nào trong điều kiện đó, các cô gái trẻ dốt nát lại không cảm thấy hãnh diện khi được vinh dự ngủ vài tiếng đồng hồ bên cạnh vị thánh sống? Việc này cũng như một lễ hiến tế tối thượng, và các cô sẵn sàng làm tất cả để xứng đáng với niềm vinh hạnh lớn lao như thế. Tất cả những cô gái này đều chưa chồng, vừa mới tròn hai mươi, hai mươi hai tuổi, và một khi đã bị Mao chán chê thì cũng phải đợi đến khi chủ tịch cho phép mới được lập gia đình.
Theo blog Thụy Mi



_______________________________________



Quan Làm Báo dưới góc nhìn chiến tranh tâm lý

Trong bối cảnh đảng CSVN đang tiến hành tổng chỉnh lý theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW – Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Thì những thông tin về việc đấu đá quyền lực trong nội bộ Ban lãnh đạo đảng CSVN, đặc biệt là cuộc chiến mang tên “Ba – Tư” được nhiều người quan tâm theo dõi.
Cho đến thời điểm hiện tại, có lẽ việc bắt Bầu Kiên một đại gia nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bóng đá có lẽ là sự kiện đỉnh điểm nhất. Sự đỉnh điểm ở đây không chỉ kể đến sự thiệt hại về mặt tài chính của các cổ đông nắm giữ các cổ phiếu của các ngân hàng hay tổ chức tài chính có liên quan đến Bầu Kiên, mà ước tính thiệt hai tới hơn 4 tỷ USD, hay việc người dân hoang mang, đã ồ ạt rút tiền ra khỏi ngân hàng ACB. Hoặc sự mất uy tín của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi có nhiều thông tin từ blog Quan Làm Báo (QLB) cho biết cô con gái “rượu” Nguyễn Thanh Phượng có liên quan đến các thương vụ làm ăn của Bầu Kiên trong vai trò của kẻ trung gian dàn xếp và rất nhiều thông tin khác về sự gian, tham của người đứng đầu chính phủ.
Chuyện ai là người đứng đằng sau blog Quan Làm Báo với chủ trương “Ủng hộ TBT Nguyễn Phú Trọng và CT Nước chống tham nhũng”, tập trung vào những câu chuyện sau bức mà nhung đỏ, chĩa mũi tấn công thẳng vào Thủ tướng CS Nguyễn Tấn Dũng, vạch trần những việc làm mờ ám của ông ta và phe nhóm, gây ảnh hưởng xấu nghiêm trọng lên đời sống kinh tế, chính trị của cả nước, còn là một câu hỏi chưa có câu trả lời. Có nhiều thông tin trái ngược về thế lực “ngầm” đứng sau blog này, có thông tin cho rằng đây là blog của Cục tình báo Hoa nam – Trung quốc nhằm gây nhiễu loạn thông tin, cũng có thông tin blog này là của một đảng chính trị ở nước ngoài. Song thông tin cho rằng là blog do phe ông Tư S. liên kết với người ở nước ngoài, nhằm tung thông tin nhằm triệt hạ uy tín của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là khả dĩ hơn cả. Bằng chứng là Thông tấn xã Việt Nam đưa tin Cơ quan An ninh điều tra thuộc Bộ Công an “đã thực hiện Lệnh bắt khẩn cấp, ra lệnh tạm giữ” đối với ông Nguyễn Duy Hưng, vì hành vi Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước theo Điều 263 Bộ Luật Hình sự. Và việc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng “bắt khẩn cấp, ra lệnh tạm giữ” đối với một nhân viên của Công ty Cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (ITACO) ở Sài gòn – bà Nguyễn Thị Bích Trang. Bị cáo buộc tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự. Cả hai người này là nhân viên thuộc quyền của ông Đặng Thành Tâm – nguyên Đại biểu Quốc hội và là chủ tịch SGI, người được cho là tay chân của ông Tư S. Tin đồn ngoài vỉa hè cho rằng họ là những người trực tiếp chuyển các thông tin “nhạy cảm” ra bên ngoài cho blog QLB.
Nhìn từ góc độ báo chí thì blog QLB nhận được sự phản ứng mạnh mẽ không mấy thiện cảm từ những nhà báo chuyên nghiệp hay blogger nổi tiếng, vì tính trung thực của thông tin từ blog này, xin trích dẫn để mọi người cùng tham khảo. Bà Phạm Thị Hoài đã cho rằng “Quan Làm báo không phải là một vật thể lạ. Nó kết hợp mọi đặc điểm quen thuộc của đa số báo chí Việt Nam và đưa chúng lên đỉnh cao: hình thức hàng chợ, phong cách bát nháo, nghiệp vụ thô sơ và nội dung đáng ngờ. Xấu. Huếnh. Rởm. Cẩu thả. Rẻ tiền.”. Nhà báo Lê Diễn Đức đã nhận xét”Nhìn từ khía cạnh chuyên môn, tờ “Quan Làm Báo” không đạt tiêu chuẩn, có thể xem nó như một tờ báo vỉa hè (tabloid), thậm chí tệ hơn, do cách trình bày thiếu chuyên nghiệp, hành văn cẩu thả với nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. Quan trọng hơn nữa, chủ nhân tờ báo là người giấu mặt, đồng nghĩa với sự phủi bỏ trách nhiệm trước dư luận và luật pháp.” Hay nhà báo Phạm Thành nhận định “Lùn về văn hóa và lùn về chuyên môn: Ngay cái tên Quan làm báo đã thể hiện một sự lùn trong văn hóa, nó giống như anh nông dân ngây ngô thấy thiên hạ có khoai ăn cũng hăm hở vác mai đi đào…củ ráy… Chứ báo bung kiểu gì mà chỉ toàn tung ra những tư liệu và tư liệu với những phân tích vừa thiếu, vừa hời hợt, vừa chủ quan vừa ngô nghê vừa thiếu bằng chứng, cứ liệu và để cho đỡ ” phô” Quan làm báo lại cố tình tạo nên sự sinh động, hấp dẫn bằng những ” pha” tục tỉu một cách vô lối”.
Cá nhân tôi cũng vậy, tôi không đồng tình với cách đưa thông tin của QLB không phải lý do cá nhân họ đăng tin cho rằng tôi là công an. Mà lý do chính là vô tình blog này đã và đang làm mất đi tính trung thực của cả hệ thống thông tin lề trái theo kiểu “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Báo chí gì mà đưa tin người bị bắn chết rồi (Dương Chí Dũng), mấy bữa sau tự nhiên sống lại, hay chuyện con gái Thủ tướng trốn trong bếp nhà bà Phạm Thị Hoài, người đã từng lên tiếng chê QLB v.v… thì đúng là họ làm trò cười cho thiên hạ. Đưa tin như vậy thì thử hỏi có mấy người tin? Gía như blog của họ là blog chuyên đưa tin đồn để tiến hành chiến tranh tâm lý – PSYWAR (psychological warfare) hay không làm ảnh hưởng đến uy tín của truyền thông lề trái thì hoàn toàn là một chuyện khác, đăng tải thông tin gì là chuyện của họ, tôi cũng như nhiều người khác chả cần quan tâm.
Tuy nhiên nếu ta đứng ở góc độ tin đồn, hay chiến tranh tâm lý để nhìn nhận thì phải thừa nhận blog QLB đã thành công đáng kể, đặc biệt là trong một môi trường thông tin bị bưng bít, thiếu minh bạch và công khai như ở Việt nam thì những tin đồn từ blog này có thể ví như loài nấm gặp môi trường ẩm ướt. Bằng chứng là cả một hệ thống chính quyền nhà nước Việt nam phải ban hành văn bản “Hỏa tốc” số 7169/VPCP ngày 12/9/2012 để đối đầu với một blog. Một chuyện hết sức hi hữu trong lịch sử truyền thông. Trong văn bản này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị xử lý các trang mạng đưa thông tin bôi xấu đảng và nhà nước CSVN, nêu đích danh “Dân Làm Báo”, “Quan Làm Báo”, “Biển Đông”…, đã chứng minh cho điều đó. Văn bản này nếu đúng nghĩa đã thể hiện sự bối rối tột cùng của lãnh đạo đảng và chính quyền trước một loạt các tin đồn mang tính hệ thống, tuy nhiên còn thiếu bài bản của QLB. Nói là còn thiếu bài bản vì, khi QLB đang áp dụng hình thức tâm lý chiến đen, nhưng họ đã (nhầm lẫn) sa đà vào các tin bắt bớ các nhân vật X,Y,Z… Các thông tin kiểu này thuộc phạm trù tâm lý chiến trắng, mà người ta có thể dễ dàng kiểm chứng được sự đúng sai của các thông tin. Sự thiếu kiến thức và kinh nghiệm về chiến tranh tâm lý dẫn tới QLB không đạt được hiệu quả như họ mong muốn.
Nên nhớ, trước đây trong chiến tranh (chỉ sự xung đột giữa hai lực lượng quân sự đối lập, đấu tranh vũ trang là chủ yếu) trong các bài giảng về chiến tranh chính trị, những người cộng sản xác định mặt trận quân sự chỉ có thể hủy diệt được thân xác, nhưng chiến tranh tư tưởng mới có thể đánh bại tư tưởng, ý chí của đối phương. Đến nay thời bình, khi ở vai trò kẻ phòng ngự họ xác định rõ chiến tranh tâm lý là “đòn đánh vào tinh thần, làm tan rã tinh thần của nhân dân và quân đội”, là “vũ khí chiến lược” của các thế lực thù địch, nhằm thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” với mục tiêu xóa bỏ CNXH, hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và lật đổ các chính phủ không đi theo họ. Điều đó chứng tỏ vai trò của tin đồn trong công tác chiến tranh tâm lý là hết sức quan trọng và không thể thiếu được trong việc đối đầu giữa hai hệ ý thức dân chủ tự do và chuyên chế độc tài. Vấn đề là phải có sự hiểu biết rõ để vận dụng cho phù hợp, tránh tình trạng có sự lẫn lộn giữa tuyên truyền và phản tuyên truyền hay giữa các loại hình chiến tranh tâm lý khác nhau.
Hoạt động tuyên truyền trong chiến tranh tâm lý bao giờ cũng mang dụng ý xấu nhằm phục vụ cho lợi ích và mục tiêu đặt ra nhất định của phía mình. Theo lý thuyết, để phù hợp với đối tượng tuyên truyền, họ phân chia phương thức tuyên truyền thành hai kiểu: tuyên truyền công khai (overt) và tuyên truyền giấu kín (covert). Tuyên truyền công khai (tâm lý chiến trắng) là kiểu tâm lý chiến dựa trên những tin tức có nguồn gốc rõ ràng, thông tin được cung cấp bởi những nguồn có liên quan đến chính quyền cũng như những báo chí, truyền thông chính thống (mainstream media). Kiểu tuyên truyền này là công khai, nhưng khó phân biệt được mục đích tuyên truyền phục vụ cho chiến tranh tâm lý. Còn kiểu tuyên truyền giấu kín (bí mật) là những hoạt động không tiết lộ nguồn gốc thật, đảm bảo cho người chủ mưu không bị lộ diện. Đây là kiểu tuyên truyền được vận dụng phổ biến nhất với những thủ đoạn khác nhau nhưng tựu chung là bịa đặt. Kiểu tuyên truyền bí mật lại có hai dạng: tâm lý chiến đen và tâm lý chiến xám. Tâm lý chiến đen là loại hình tuyên truyền từ những nguồn (quốc gia, chính phủ, đảng phái, phe nhóm, tổ chức, cá nhân v.v.) có thái độ thù địch, dạng hoạt động căn cứ vào nguồn gốc gần với nguồn gốc thật, nhưng bị định hướng nhằm làm cho người tiếp nhận thông tin hoặc hoang mang, hoặc bất mãn, để dẫ tới “tự diễn biến”. Chẳng hạn, dựa vào những sự việc có thật hoặc có một phần sự thật, sẽ được thổi phồng, dựng đứng sự việc đó lên cả về quy mô và tính chất, làm sai lệch bản chất của sự việc, hoặc biến sự việc từ điểm trở thành diện, sự việc riêng lẻ thành phổ biến. Còn tâm lý chiến xám là là loại hình tuyên truyền bằng những nguồn tin mờ mịt, mơ hồ, không rõ ràng, dạng hoạt động này nhằm kích động, xúi giục nhân dân gây rối làm mất ổn định chính trị hay còn được dùng để tung ra các thông tin bịa đặt, luận điệu kích động, làm cho dân chúng phân tâm, dao động và ngờ vực, nhất là trước những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Loại này cũng được sử dụng vào những thời điểm thích hợp khi cần thiết.
Tóm lại các tin tức từ báo chí phải là các tin tức đảm bảo sự trung thực, chính xác của thông tin. Còn tin đồn là tin đồn, ở tin đồn thì nó không đỏi hỏi về tính xác thực của thông tin, thông tin càng mập mờ, thực thực hư hư bao nhiêu thì khả năng loan truyền của các tin đồn càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Vấn đề sàng lọc, phân tích các tin tức của các blog hay các tòa báo phải đảm nhiệm, để giúp bạn đọc rạch ròi các thông tin. Giúp bạn đọc phân biệt giữa tin tức và tin đồn.
Nếu bạn là một nhà báo hay blogger nên phải nhớ rằng, chả có cách gì hạ uy tín tờ báo hay blog của bạn bằng cách đăng tải những tin đồn, đặc biệt là loại tin đồn thuộc phạm trù tâm lý chiến trắng, mà người ta có thể dễ dàng kiểm chứng được sự đúng sai của các thông tin đó trong một tương lai rất gần.
Ngày 23 tháng 9 năm 2012
© Kami (Blog RFA)


______________________________________