Thursday, December 22, 2011

Thời đại Kim Jong Un


Posted in Uncategorized by huyminh on 12/22/2011

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ngày 22/12 tuyên bố thời đại Kim Jong Un đã bắt đầu với việc xác định người con út của cố lãnh đạo Kim Jong Il là “người thừa kế sự nghiệp cách mạng và nhà lãnh đạo của nhân dân.”


Bài bình luận đăng cùng ngày trên tờ “Rodong Sinmun” của nhà nước Triều Tiên nói rằng ông Kim Jong Un sẽ tiến tới trên con đường tự cường và cuộc cách mạng đặt quân đội làm ưu tiên hàng đầu (tiên quân) trong lúc tuân theo những lời giáo huấn của ông Kim Jong Il.

Bài viết hối thúc nhân dân Triều Tiên ủng hộ nhà lãnh đạo trẻ này và trung thành với quyền lãnh đạo của ông.

Trước đấy, lãnh sự Anh tại Bình Nhưỡng, ông Barnaby Jones, cho biết các đại sứ nước ngoài tại CHDCND Triều Tiên đã nhận được bức điện mang lời chào từ ông Kim Jong Un, gián tiếp xác nhận rằng chính ông hiện là người nắm quyền lãnh đạo nước này.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc ngày 21/12 cũng đưa tin Kim Jong Un đã ra chỉ thị quân sự đầu tiên ngay trước khi nước này chính thức công bố thông tin ông Kim Jong-Il qua đời.

Yonhap dẫn một nguồn tin từ Seoul cho biết ông Kim Jong Un đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị quân đội Triều Tiên ngừng tập trận và huấn luyện để trở về căn cứ.

Trong khi đó, các chính phủ nước ngoài đang theo dõi sát những sự kiện ở Bình Nhưỡng vì những mối quan tâm đối với việc ông Kim Jong Un lên nắm quyền với những câu hỏi liên quan đến vòng đám phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Ẩn số Kim Châng Un

Sau 17 năm độc quyền trị vì ở Bắc Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Châng In đã không qua khỏi một cơn trụy tim ngày 17/12/2011 trong khi đang đi trên đoàn tàu bọc thép của ông. Việc kế nhiệm đã được chuẩn bị từ lâu và có thể sẽ được trao cho một trong những người con trai ông, một người tên là Kim Châng Un mà chưa ai biết. Chàng trai trẻ gần 30 tuổi này là ai? Nhà phân tích Juliette Morillot đưa ra trên tạp chí “Jeune Afrique” những yếu tố giúp phác thảo chân dung người có thể là lãnh tụ tương lai của đất nước khép kín này.

Năm 1994, Kim Châng In lên thay cha mình là Kim Nhật Thành ở cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước. Rồi lại đến lượt ông chuẩn bị truyền ngôi cho một trong số các con trai mình, Kim Châng Un, có biệt danh là Vua Sao Mai, và thăng hàm tướng bốn sao cho người con trai này.

Kim Châng Un năm nay 28 tuổi, có dáng người béo tròn, nói tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Triều Tiên và thổ ngữ vùng Berne (Thụy Sỹ) mà ông học được trong thời gian theo học tại trường quốc tế Berne. Người bạn học thân nhất của ông vẫn còn nhớ ông là một “típ người dễ gần, trượt tuyết giỏi, rất mê game Playstation và bóng rổ, đặc biệt là đội Chicago Bull”.

Kim Châng Un có một người anh, một cô em gái và, cũng như nhiều gia đình “rổ rá cạp lại” khác, nhiều anh chị em cùng cha khác mẹ, tất cả đều xuất sắc và được đào tạo ở nước ngoài như Thụy Sỹ, Ôxtrâylia, Pháp. Mẹ ông, một nữ diễn viên múa Triều Tiên được học ở Nhật Bản, dường như là mối tình đẹp nhất của cha ông. Năm 2004, bà chết vì ung thư trong một bệnh viện ở Pháp, điều dường như khiến cha ông rơi vào tình trạng bất an. Mặc dù tuổi cao (hai năm nữa ông sẽ tròn 70 tuổi) và sức khỏe không được tốt (ông bị bệnh tiểu đường và có nhều vấn đề về thận và tim), song Kim Châng In dường như đã tìm được nguồn vui ở một người bạn đời mới kém ông ba chục tuổi, là nữ thư ký riêng của ông, một người chơi đàn piano xuất sắc thích hợp với cái tên nghe rất êm tai là Kim Ok (có nghĩa là Ngọc).

Rốt cuộc, sẽ không có gì là bất thường đối với chàng trai trẻ Kim Châng Un, tốt nghiệp khoa vật lý ở trường Đại học danh tiếng Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng và cũng vừa tốt nghiệp Học viện quân sự cùng tên, nếu trong những năm sau đó không được gọi về để kế nhiệm cha mình, Kim Châng In, ở cương vị người đứng đầu Bắc Triều tiên.

Ở Bình Nhưỡng, tin Kim Châng Un được đề bạt tướng bốn sao dường như không làm cho người dân Bắc Triều Tiên ngạc nhiên. Năm 2009, việc Vua Sao Mai được đưa vào Ủy ban quốc phòng đã được nhìn nhận như một dấu hiệu cho thấy ông sẽ trở thành người kế tục cha mình. Vài tháng sau, vào mùa Thu năm 2009, tranh tượng trên đồng tiền Bắc Triều Tiên có sự thay đổi. Lần đầu tiên, hình Kim Nhật Thành cho thấy một gương mặt già, có nhiều nếp nhăn và tóc bạc trắng, trong khi Kim Châng In, cho đến lúc đó không hề được in hình lên tiền, được giới thiệu bằng biểu tượng: đó là nơi sinh, ở vùng núi Baekdu, và loại hoa của riêng ông là “kimjongjillia”. Điều hiển nhiên là một trang mới đang được lật sang.

Tuy nhiên, lúc đầu Kim Châng Nam, một người anh em cùng cha khác mẹ với Kim Châng Un, mới là người được chọn, rồi được đào tạo để lên thay cha. Nhưng đến năm 2001, sau vụ bị bắt ở Nhật Bản với hộ chiếu giả trên đường đến khu giải trí Disneyland, Kim Châng Nam đã mãi mãi đánh mất độ tin cậy của mình. Người anh cả là Jong-chol, 29 tuổi, như người cha nhận xét, là một người có tính cách yếu đuối, do đó Kim Châng Un được chỉ định thay thế.

Không giống như Kim Châng In, người đã có 14 năm làm việc cùng cha ông để “học việc” và từ đó có điều kiện để dần dần tự khẳng định mình trong guồng máy Nhà nước và Đảng lao động, Kim Châng Un chỉ có rất ít kinh nghiệm về chính quyền. Một êkíp đặc biệt được thành lập để hỗ trợ Kim Châng Un và bảo đảm tiến trình chuyển tiếp diễn ra êm đẹp. Các vụ bổ nhiệm diễn ra mới đây chỉ là một cách để chính thức hóa trong con mắt của người dân Bắc Triều Tiên và các nước khác trên thế giới.

Đó là một kiểu nhiếp chính trong suốt lịch sử Triều Tiên, với cấp cao nhất là một bộ Tam đầu chế gồm các chuyên gia về ba lĩnh vực chủ chốt có thể giúp chế độ tồn tại là kinh tế và tài chính, quân đội và chính sách đối ngoại, Đảng và tư tưởng.

Trước tiên, người em gái của Kim Châng In là Kim Kyong-hui, người cũng được đề bạt tướng bốn sao vào ngày 28/9/2011, là người chịu trách nhiệm hướng dẫn người cháu Kim Châng Un trong những bước chập chững đầu tiên. Mặc dù trong nhiều năm liền bị quản thúc cùng với chồng là Chang Song-teak, người bị thất sủng sau khi Oasinhtơn và Xơun nhận thấy ông có thể là một người lãnh đạo cởi mở trong tương lai, song Kyong-hui lại là người cộng sự gần gũi nhất của Kim Châng In. Là người phụ trách ngành công nghiệp nhẹ, nhà kinh tế học xuất sắc này đã giữ nhiều vị trí hàng đầu trong ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên và trong một thời gian dài là người đứng đầu một đơn vị rất nhạy cảm là đơn vị kiểm soát mọi hoạt động buôn bán bất hợp pháp của Bình Nhưỡng (ma túy, tiền giả…).

Xuất thân từ một phái hùng mạnh có ít nhất 4 viên tướng, chồng bà Kyong-hui bảo đảm cho người cháu sẽ kế nhiệm có được sự ủng hộ bất di bất dịch của quân đội. Là Phó Chủ tịch Ủy ban quốc phòng, Chang Song-teak hiện nay là nhân vật có quyền lực lớn nhất ở Bắc Triều Tiên, chỉ sau Kim Châng In. Người ta nói rằng ông là người ủng hộ cuộc đối thoại liên Triều và nối lại thương lượng về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Còn người thứ tư, Choi Ryon-hae, người cũng vừa được phong tướng, là cựu Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hwanghae ở miền Bắc và là một cộng sự gần gũi của Kim Châng In. Là con trai một nhà cách mạng nổi tiếng và là người bạn đồng hành trung thành của Kim Nhật Thành, ông là người bảo đảm về phương diện tư tưởng cho người kế nhiệm đã được chỉ định.

Thời gian chuẩn bị chưa đến một năm, theo tạp chí “Affaires Stratégiques”, là chưa đủ để Kim Châng Un có được kinh nghiệm lãnh đạo, xây dựng nền tảng chính trị và thuyết phục những người còn nghi ngại ở trong nước cũng như ở nước ngoài về khả năng lãnh đạo một đất nước với 24 triệu dân. Không thể đoán được thời kỳ tới sẽ như thế nào, nhưng trong thời gian trước mắt, Bắc Triều Tiên có thể sẽ tỏ ra thận trọng và đưa ra ít sáng kiến, có thể nói đó là một hình thức tê liệt. Một số chuyên gia cảnh báo việc được đào tạo ở phương Tây không có nghĩa là nhất thiết sẽ biến Kim Châng Un thành một nhà cải cách. Nhìn chung, sẽ có nhiều điều không chắc chắn vì không ai biết ai thực sự lãnh đạo Bắc Triều Tiên, kể cả đối với một trong những đồng minh hiếm hoi của nước này là Trung Quốc.

Tờ “Le Soir d’Algérie” dẫn lời bà Stéphanie Kleine-Ahlbrandt, một nhà phân tích thuộc International Crisis Group có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết Bắc Kinh rất lo ngại vì nước này muốn một cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm giữa Kim Châng In và Kim Châng Un. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tính rằng Kim Châng In ở lại quyền lực thêm hai năm nữa sẽ giúp ông hoàn thiện các cơ chế cần thiết cho tiến trình này. Giáo sư Joseph Cheng, thuộc Hong Kong City University, đồng tình với quan điểm trên, cho rằng nếu việc tổ chức kế nhiệm không thành có thể dẫn đến hỗn loạn. Đây là giả thiết mà Bắc Kinh muốn tránh bằng mọi giá vì sẽ gây mất ổn định ở biên giới và gây ra làn sóng người tỵ nạn.

Song các chuyên gia Hàn Quốc lại cho rằng việc kế nhiệm đã được điều chỉnh và thúc đẩy nhanh sau khi Kim Châng In bị tai biến não năm 2008, do đó có thể sẽ không gây ra rối loạn trong thời gian đầu. Đối với ông Baek Seung-Joo, thuộc Viện phân tích quân sự Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên đã tổ chức tiến trình kế nhiệm một cách hoàn hảo, với gia đình là chỗ dựa chủ chốt. Quân đội và gia đình Kim sẽ nỗ lực để khẳng định Kim Châng Un trong vai trò nhà lãnh đạo và tập hợp xung quanh ông này. Theo giáo sư Yang Moo-Jin, thuộc trường Đại học Xơun, Tổng tham mưu trưởng liên quân Ri Yong-Ho cũng sẽ hỗ trợ gia đình Kim.

Chính sách đối ngoại của Bắc Triều Tiên sẽ không có thay đổi đột biến, cho dù Bình Nhưỡng ngày 18/12/2011 đã tiến hành bắn thử tên lửa tầm ngắn. Bình Nhưỡng cũng không có lợi gì nếu “tráo lại bài” trong khi các cuộc tham khảo trực tiếp mới với Oasinhtơn cho thấy có thể dẫn đến hòa dịu sau nhiều năm căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Kim Châng Un, sau một thời gian được đẩy lên đảm nhận một số vị trí lãnh đạo chiến lược về chính trị và quân sự, khó có thể tiến hành thay đổi mạnh về mặt chính trị trong thời gian ông củng cố chính quyền. Hơn nữa, Bắc Triều Tiên muốn trấn an dân chúng đang chịu nhiều khó khăn về xã hội và kinh tế, thiếu đủ thứ và đặc biệt là lương thực cho trẻ em, trong khi ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Kim Nhật Thành, nhà sáng lập Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và ông nội của Kim Châng Un, đang đến gần.

Vấn đề là Kim Châng In ra đi sẽ buộc con trai ông phải lên nắm quyền sớm hơn dự kiến để chắc chắn nắm được quyền lực trong tay trước khi bắt đầu 3 năm để tang cha theo nghi thức truyền thống. Ở Bình Nhưỡng, người dân Bắc Triều Tiên tỏ ra thận trọng. Không ai biết đến vị Vua Sao Mai này, nhưng các nhà văn chính thức của Bình Nhưỡng dường như đã bắt đầu tạo ra huyền thoại.

Hai vấn đề lớn cần giải quyết

Theo ông Jean-Vincent Brisset, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS), cái chết của nhà lãnh đạo Kim Châng In sẽ không tác động gì nhiều tới tình hình Bắc Triều Tiên, ít nhất là trong thời gian đầu.

Phân tích trên tạp chí “Affaires Stratégiques”, chuyên gia Jean-Vincent Brisset cho rằng sự kiện này không phải là điều bất ngờ vì việc kế nhiệm đã được chuẩn bị từ hơn một năm nay, hơn nữa lại chắc chắn với việc bổ nhiệm Kim Châng Un, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương, tướng bốn sao và là người được giới quan chức cao cấp ủng hộ. Các nước đều tỏ ra thận trọng với việc Kim Châng Un lên thay cha. Đa số các chính phủ phương Tây chờ đợi dấu hiệu của một sự tiến triển theo chiều hướng tích cực.

Báo chí Hàn Quốc cách đây một năm đã phác thảo kịch bản kế nhiệm sau khi Kim Châng Un xuất hiện trước công chúng, bên cạnh cha mình trong một buổi lễ duyệt binh. Tuy nhiên, đây có thể không phải là kịch bản mà Chính phủ Bắc Triều Tiên mong muốn. Kim Châng In muốn truyền ngôi cho con trai mình lúc còn sống, vào năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Kim Nhật Thành, cha đẻ của Kim Châng In và là nhà sáng lập nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Chắc chắn ông muốn tránh cho người kế nhiệm mình phải đối mặt với các cuộc đấu tranh nội bộ mà bản thân ông đã gặp phải vào năm 1994 khi cha ông qua đời.

Kể cả ở một Nhà nước độc tài, tranh giành chính trị nội bộ diễn ra giữa nhiều khuynh hướng khác nhau và sắp tới có thể sẽ ảnh hưởng tới nền tảng của chế độ. Quân đội chắc chắn sẽ đóng một vai trò chủ chốt trong tiến trình này. Tuy là nhân vật có thế lực trong Quân ủy trung ương thuộc Đảng lao động Triều Tiên, song Kim Châng Un chưa thực sự có kinh nghiệm với quân đội và ông sẽ phải thuyết phục giới chỉ huy quân đội rằng dòng họ Kim phải được tại vị.

Một chuyên gia khác, ông Felix de Montety, nhà phân tích của tạp chí “Statafrik”, cho rằng thay đổi lớn có thể sẽ diễn ra trong mối quan hệ giữa nhà lãnh đạo mới và phái nắm giữ chính phủ. Quyền lực của Kim Nhật Thành đối với chính phủ trước đây đã giảm sút, đến thời Kim Châng In lại càng giảm hơn và chắc chắn sẽ còn tiếp tục suy giảm với Kim Châng Un. Chắc chắn Kim Châng Un sẽ phải bước những bước đi đầu tiên dưới sự hướng dẫn của ông chú mình và một số vị nguyên soái xuất thân từ thế hệ lãnh đạo đầu tiên. Căng thẳng nội bộ có thể sẽ gia tăng, nhưng có thể sẽ không tác động đến dân chúng vì chắc chắn sẽ được khoanh gọn lại để không gây ra một “Mùa Xuân Triều Tiên”, nói đúng hơn sẽ diễn ra trong các giới gần gũi với Chủ tịch, nhưng sự hỗ trợ của quân đội chắc chắn sẽ bảo đảm một giai đoạn chuyển tiếp dễ đàng hơn cho Kim Châng Un.

Quân đội Hàn Quốc đang được đặt trong tình trạng báo động, song vẫn chưa thấy một hoạt động bất thường nào của quân đội Bắc Triều Tiên trong những ngày qua. Trong một thời gian dài, Hàn Quốc mơ xích lại được gần với người láng giềng phương Bắc, nhưng giấc mơ đó đã tiêu tan khi Xơun biết được cái giá phải trả để thống nhất nước Đức là như thế nào, hơn nữa nền kinh tế của Hàn Quốc kém hẳn so với nền kinh tế của Tây Đức lúc đó, đồng thời Bắc Triều Tiên lại ở trong tình trạng tồi tệ hơn so với Đông Đức thời đó. Hiện nay, mối quan hệ đã được nối lại, đỡ căng thẳng hơn và mỗi năm lại khá hơn một chút. Ý muốn thống nhất đất nước không còn nguyên vẹn, đặc biệt là về phía Hàn Quốc.

Quả thực là Bắc Triều Tiên hiện nay được coi là một Nhà nước có vũ khí hủy diệt hàng loạt, cụ thể là một kho vũ khí hạt nhân. Chế độ Bắc Triều Tiên mong muốn có vũ khí hạt nhân từ năm 1950, khi Kim Nhật Thành từ năm 1945 bị choáng ngợp trước sức mạnh về phương diện kỹ thuật và quân sự, nhưng đặc biệt về chính trị và tâm lý, của hai quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki.

Bắc Triều Tiên chắc chắn hiện nay có đủ plutonium để chế tạo một hoặc nhiều quả bom nguyên tử, nhưng có thể chưa có khả năng. Ngày 9/10/2006, Chính quyền Bình Nhưỡng khẳng định đã tiến hành một vụ thử hạt nhân ngầm dưới đất. Điều này hoàn toàn trùng khớp với mẫu địa chấn thu được lúc đó.

Các vụ thử nghiệm được tiếp tục vào năm 2009 cho thấy các quả bom thử nghiệm lúc đó không mạnh bằng bom mà các cường quốc hạt nhân hiện có, kể cả so với quả bom ở Hiroshima . Vì vậy, Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc đã phải thông qua nghị quyết 1874 lên án việc Bắc Triều Tiên tiếp tục chương trình hạt nhân. Từ năm 2008, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế không thể tiếp tục thanh sát trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên được nữa.

Về phương diện đối nội, nhà lãnh đạo mới của Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ luôn phải tính tới chương trình hạt nhân quốc gia để tạo uy tín quốc gia cho mình. Trong các mối quan hệ mà ông sẽ thiết lập về phương diện quốc tế, ông sẽ làm thế nào để có thể tận dụng được mối đe dọa của bom nguyên tử? Chương trình này trước hết có một giá trị ngoại giao, cho phép Bình Nhưỡng tiếp tục làm Hàn Quốc, Mỹ, Pháp hay Nga phải lo sợ.

Người ta thường nói Bắc Triều Tiên là một đồng minh lớn của Trung Quốc, nhưng chuyên gia Jean-Vincent Brisset tỏ ra rất dè dặt với ý kiến này vì mối quan hệ giữa hai nước này không cởi mở như người ta vẫn nghĩ. Hơn nữa vì các cuộc tranh luận giữa các nhà lãnh đạo hai nước thường rất khó khăn. Hiện nay, có thể Bắc Triều Tiên muốn chơi con bài răn đe hạt nhân đối với Trung Quốc. Trong khi ảnh hưởng trong vùng của Bắc Kinh đang gia tăng, chính quyền nước này tỏ ra lo ngại trước chính sách hạt nhân của Bắc Triều Tiên ở biên giới giáp lãnh thổ mình. Như vậy, Trung Quốc có thể sẽ là một yếu tố động lực trong cuộc thương lượng quốc tế về giải giáp vũ khí Bắc Triều Tiên. Hơn nữa, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai nước cung cấp viện trợ lương thực chính cho Bắc Triều Tiên, nước thường xuyên bị nạn đói đe dọa.

Ngày 17/12/2011, trong khi Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Châng In đang sống những giờ phút cuối cùng, báo chí chính thức thông báo đã đạt được thỏa thuận với Mỹ nhằm giải quyết nạn thiếu lương thực đang hoành hành ở nước này. Theo một nguồn tin ngoại giao, Bắc Triều Tiên có thể đã cam kết ngừng chương trình làm giàu urani để đổi lấy khoảng 240.000 tấn lương thực.

Thiếu lương thực là một vấn đề kinh niên ở Bắc Triều Tiên và hàng năm, các tổ chức phi chính phủ nhận được nhiều lời kêu gọi hỗ trợ. Tháng 11/2011, Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO) công bố báo cáo về tình hình lương thực ở Bắc Triều Tiên với kết quả ở dưới mức được dự báo nhiều. Vụ thu hoạch ngũ cốc năm nay tăng 8%, song khối lượng thu được thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu của dân chúng.

Từ năm 1984, Bắc Triều Tiên chưa bao giờ bảo đảm tự túc được lương thực. Sản lượng ở nước này hiện chỉ bằng hơn ½ so với cách đây 10 năm. Các tổ chức FAO và Chương trình lương thực thế giới (PAM) cho biết để đáp ứng nhu cầu lương thực của toàn dân, Bắc Triều Tiên phải nhập khẩu không dưới 739.000 tấn lương thực. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về kinh tế, Chính quyền Bình Nhưỡng chỉ lên kế hoạch được 325.000 tấn.

Như vậy, Bình Nhưỡng phải tìm thêm nguồn cung ứng mới và một thỏa hiệp với Mỹ dường như đang hình thành, từ đó có thể giúp Bắc Triều Tiên thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Để đổi lại, ngoài việc ngừng chương trình làm giàu urani, Bắc Triều Tiên cam kết cho phép tiếp tục các cuộc thanh sát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế trên lãnh thổ mình, đồng thời nối lại đối thoại với Hàn Quốc và cho phép kiểm tra nghiêm ngặt việc phân phát lương thực thực phẩm do Mỹ chuyển đến.

Vấn đề còn lại, theo chuyên gia Jean-Vincent Brisset, là liệu Kim Châng Un có tiếp tục sự nghiệp chính trị do cha ông để lại không, hay nhà lãnh đạo trẻ tuổi này (mới 28 tuổi) – người có một tiềm năng lớn, từng có thời du học ở Thụy Sỹ, đã gặp gỡ nhiều người có gốc gác khác nhau, biết nhiều ngoại ngữ và chắc chắn cởi mở hơn cha và ông mình – sẽ chọn con đường mở cửa đất nước ra thế giới bên ngoài để ngăn chặn nạn thiếu lương thực đang tàn phá đất nước này từ nhiều năm nay?

Tháng 9/2011, Bắc Kinh đã không thành công trong việc tái khởi động đối thoại, nhưng chế độ mới ở Bình Nhưỡng sắp tới có thể sẽ phải tổ chức đổi mới trong khi vẫn phải đối mặt với két bạc trống rỗng, nạn đói triền miên, và có thể phải chấp nhận có lập trường mềm dẻo hơn để đổi lấy viện trợ lương thực. Lúc đó sẽ không còn ảo tưởng về một “Mùa Xuân Triều Tiên” nữa.

Làm sao thoát khỏi cô lập?

Theo nhà phân tích Etienne Augé của tạp chí “Statafrik”, nhà lãnh đạo mới của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Kim Châng Un sẽ thừa hưởng một nước có tiếng “rất xấu”.

Trong bài viết dưới đây, chuyên gia Etienne Augé giải thích nguyên nhân bên trong và bên ngoài đã đưa Bắc Triều Tiên đến chỗ bị cô lập trên trường quốc tế như hiện nay. Về phương diện đối ngoại, ông cũng đưa ra một số gợi ý có thể giúp nhà lãnh đạo tương lai của Bắc Triều Tiên đưa đất nước thoát khỏi tình trạng biệt lập để hòa nhập vào cộng đồng quốc tế, dù chỉ ở một mức độ nào đó. Dưới đây là ý kiến của chuyên gia Etienne Augé.

Tại Giải vô địch bóng đá thế giới mới đây, không nước nào ủng hộ Bắc Triều Tiên mặc dù nước này lọt vào vòng chung kết. Quả thực là nước châu Á này nổi tiếng là sống khép kín với thế giới bên ngoài và luôn ở trong tình trạng chiến tranh với người anh em Hàn Quốc cùng dòng máu. Một số nước khác, tuy cũng bị liệt vào danh sách các nước “không lương thiện”, lại nhận được sự ủng hộ của nhiều nước khác trên thế giới. Iran , Xyri hay thậm chí Vênêxuêla đã thành công trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của nhiều nước, kể cả ở phương Tây. Người hùng mới của Bắc Triều Tiên có thể nhận được một số lời khuyên để, nếu không đến được với dân chủ thì ít nhất cũng thành công trong việc đưa ra một hình ảnh mới về những gì mà người ta buộc phải gọi là “chế độ độc tài kiểu Xtalin cuối cùng của thế giới”. Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên có nhiều khiếm khuyết nên không có được một tiếng nói ủng hộ trong cộng đồng các dân tộc. Tuy nhiên, nước này vẫn có thể có bạn, giống như các nước độc tài khác, chỉ với một số điều chỉnh trong chính sách thông tin.

Thời của tuyên truyền nay đã hết và không ai còn sử dụng phương pháp của thời Chiến tranh Lạnh lúc cao trào nữa. Đối với Chính phủ Bắc Triều Tiên, quy tắc đầu tiên là sử dụng các thủ lĩnh tạo dư luận làm người tiếp sức để bảo vệ chế độ. Hugo Chavez, nhà lãnh đạo bình dân của Vênêxuêla, hiểu rất rõ nguyên lý này và sử dụng nó đối với tất cả những ai có thể là người chuyển thông điệp có hiệu quả đối với việc làm của ông, đặc biệt nếu họ là người Mỹ và nổi tiếng. Bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy hiệu quả của hệ thống tuyên truyền của nhà lãnh đạo Vênêxuêla có thể là ngày diễn ra Sean Penn đề nghị bỏ tù các nhà báo đã gọi Chavez là nhà độc tài. Ai cũng còn nhớ đạo diễn Oliver Stone sải bước trên thảm đỏ tại Liên hoan phim Mostra ở Venise cùng với Hugo Chavez nhân dịp bộ phim tài liệu “South of the Border” của ông về cánh tả Nam Mỹ được công chiếu. Nhà làm phim Michael Moore cũng là một người tiếp sức thú vị. Penn, Stone và Moore nên được mời đến Bình Nhưỡng vào một ngày nào đó để thưởng thức hương vị mùa Hè kiểu Xtalin.

Một nước Bắc Triều Tiên ngày càng có thêm kẻ thù cho thấy nước này đã chọn con đường quyết tử. Cho dù ai cũng biết Người anh Trung Hoa săn sóc Bắc Triều Tiên, song có thể đoán được mối quan tâm đó sẽ không còn tiếp tục khi trao đổi thương mại với Mỹ thắng được các quan niệm tư tưởng trước đây. Như vậy người kế nhiệm nhà lãnh đạo Kim Châng In sẽ cần phải giải thích cho dư luận quốc tế biết ai là kẻ thù thực sự của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Người ta nhớ đến học thuyết Juche với tâm trạng nặng nề, được Kim Nhật Thành soạn thảo, nhưng lại là người đã tài trợ cho nhiều trung tâm nghiên cứu trên toàn thế giới. Đã đến lúc phải tìm một cuộc chiến dễ giải thích trên các phương tiện thông tin đại chúng để giúp xác định vị thế của Bắc Triều Tiên.

Sau khi gần như tất cả các chế độ thuộc chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, Bắc Triều Tiên rõ ràng đang đơn độc. Bị Iran vượt xa trong cuộc đấu với phương Tây, bị các nước Nam Mỹ chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ thay thế trong mối hận thù đối với Mỹ, bị Cuba bỏ xa trong việc xây dựng một chủ nghĩa xã hội nếu không phải với bộ mặt nhân đạo thì cũng mang dáng vẻ gia đình, Bắc Triều Tiên gần như chỉ có thể lấy cảm hứng từ một nền độc tài bạo chúa khác có gốc gác chủ nghĩa xã hội: đó là Xyri. Gia đình Assad đã thiết lập một truyền thống vững chắc dân chủ cộng hòa cha truyền con nối và thành công trong việc truyền bá truyền thống đó trong một vùng vốn khó có thể thừa hưởng được quyền lực nếu không cho mình là người thuộc dòng giống Nhà Tiên tri. Chế độ Xyri, ngoài vai trò đối tác không thể bỏ qua được trong việc thiết lập sự ổn định ở Trung Đông, cũng có nền kinh tế phát triển và đón nhiều khách du lịch. Làm thế nào Bashar al Assad ở lại được quyền lực và tiếp tục truyền thống độc tài từ người cha Hafez? Đó là bằng cách áp dụng học thuyết con quay gió được Edgar Faure mô tả rất kỹ. Chế độ Xyri không bấu víu lấy những quan điểm tư tưởng mà biết cách bỏ qua các nguyên lý của chính mình, cụ thể bằng cách tham gia liên quân do Mỹ đứng đầu trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, hay trái lại khi ủng hộ các phong trào chống phương Tây như Hezbollah.

Như vậy, Kim Châng In có thể phải hoặc đưa ra một thông điệp đấu tranh rõ ràng, hoặc biết cách sử dụng các liên minh để bảo đảm chắc chắn hơn cho người kế nhiệm. Con trai ông có thể sẽ phải không những tiếp tục lãnh đạo dân chúng tận tụy mà còn phải tận dụng được sự hỗ trợ quốc tế có thể thể hiện qua các nhóm Facebook. Cũng cần nhắc lại rằng Thuyết ba thế hệ, theo đó về kinh tế thế hệ thứ nhất tạo ra, thế hệ thứ hai phát triển và thế hệ thứ ba làm lụn bại. Tốt nhất là người kế nhiệm Kim Châng In phải dấn thân vào thế giới huyền bí của các quốc vương mới bảo đảm có được sự ủng hộ của dân chúng, đồng thời phải chấm dứt tuyên truyền về chủng tộc vốn sẽ không dẫn đến đâu ở thế kỷ 21 này.

Một nhà lãnh đạo phải là một con người có uy tín cao độ. Với bộ đồng phục cứng nhắc mặc dù được may đo, chiếc kính không giống của “sao” nào, Kim Châng In không muốn làm gì để chinh phục dân chúng. Tuy nhiên, con người này nổi tiếng là ham mê phim Hollywood vì đây có thể là nguồn cảm hứng cho ông. Kim thuộc thế hệ các nhà độc tài mặc bu-dông, cùng với Ahmadinejad ở Iran , hầu như không tạo uy vì muốn tỏ ra mình rất quần chúng. Nhà độc tài vẫn có thể có lựa chọn để được nể trọng mà không nhất thiết phải khoác bộ vét với càvạt theo kiểu phương Tây. Hugo Chavez ăn mặc theo kiểu nhà binh, theo đúng truyền thống của các nhà độc tài. Cũng có thể mặc trang phục truyền thống, như của Hamid Karzai đã làm siêu lòng phương Tây trong nhiều năm trước khi người khác hiểu ra rằng chiếc áo không làm nên người chiến binh. Nói vậy, song bất kỳ một nhà tạo mẫu nào cũng có thể giúp Chủ tịch Bắc Triều Tiên dễ dàng vượt qua được giai đoạn này.

Trái lại, sẽ là tốt cho Bắc Triều Tiên nếu không tiếp tục chính sách gây hấn thường xuyên đối với các nước láng giềng. Không ai thích ông già hay càu nhàu trong phố lúc nào cũng quát mắng bọn trẻ chỉ vì chúng làm ầm ĩ, và chạy theo kéo chiếc xe máy kêu phành phạch lại. Như vậy, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên có thể đã đánh đắm một tàu chiến của Hàn Quốc và để trả thù, nước này đã kích hoạt trở lại hệ thống loa phát thanh ở biên giới giữa hai nước. Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên dọa bắn tên lửa vào hệ thống loa này nếu chúng được kích hoạt trở lại. Hàn Quốc lo lắng cho an ninh của mình cũng là đúng, từ đó tham gia các cuộc tập trận với Mỹ, còn người láng giềng phương Bắc dọa trả thù bằng hạt nhân. Dường như Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đôi khi quên rằng Hàn Quốc, cùng với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, là những nước cung cấp viện trợ lương thực chính cho mình. Qua lời lẽ hùng hổ về chương trình hạt nhân, Bắc Triều Tiên cho thấy họ đã chấp nhận mình không còn phương tiện để xâm lược Hàn Quốc: Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, Nhật Bản đã được tái vũ trang trở lại và Hàn Quốc giờ đây là một trong những nước đi đầu thế giới về công nghệ, với một quân đội được trang bị tốt. Còn Bắc Triều Tiên vẫn sống như thời sau Chiến tranh thế giới thứ Hai.

Vấn đề ở đây chính là nước này đóng cửa với thế giới bên ngoài. Bắc Triều Tiên cũng không hoàn toàn nổi trội hơn người khác vì chỉ đứng trước vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng của RSF về tự do báo chí, nước xếp cuối bảng là Êritơria. Chỉ một số ít người chứ không phải toàn dân được sử dụng Internet. Bắc Triều Tiên còn phải làm một việc quan trọng nữa là hiểu được thế giới hiện đại: một chế độ độc tài hoàn toàn vẫn có thể tồn tại kể cả khi cho phép sử dụng Internet. Thế giới ngày nay không giống như trong phim “Năm 1884″ của Owell, mà giống với phim “Điều tốt nhất của mọi thế giới” của Huxley hơn. Tốt nhất là sử dụng truyền thông như Hugo Chavez đã làm hơn là tin rằng vào năm 2010, một nước vẫn có thể có tương lai mà không cần mở cửa ra thế giới bên ngoài.

Mới đây, một cuộc triển lãm ở Viên (Áo) đã gây ra một vụ bê bối khi trưng bày một số tác phẩm nghệ thuật mang tính tuyên truyền của Bắc Triều Tiên. Có nên trưng bày các bức tranh và ảnh đó không, vì có nguy cơ góp phần phát triển chế độ đó? Câu hỏi được đặt ra cho các nước còn lại trên thế giới là: đưa Bắc Triều Tiên phát triển theo hướng quan tâm tới nhân quyền nhiều hơn hay bóp nghẹt một chế độ có những nhà lãnh đạo lấy chính sách khắc khổ kiểu Xtalin, vốn không hợp thời, làm cái cớ để bỏ đói dân chúng? Không giống với Xyri , Iran , Vênêxuêla hay Cuba , Bắc Triều Tiên nếu có bị xóa sổ cũng không ai bị sốc cả. Nếu có thể không tin nhà lãnh đạo sắp tới sẽ thay đổi bất kỳ cái gì đó của chế độ hiện nay, thì cũng có thể hy vọng một ngày nào đó, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên sẽ khác với một công viên nhà ma của chủ nghĩa xã hội.

—–


Phân tích của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ P.J. Crowley: 

Trong một năm có nhiều nhà độc tài bị lật đổ thì ông Kim Châng In lại chết vì lý́ do tự nhiên. Có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng dân chúng CHCDND Triều Tiên, những người vẫn bị cô lập với phần còn lại của thế giới, sẽ thương tiếc ông. Chỉ điều này đã nói lên rất nhiều về Bắc Triều Tiên và tại sao nước này khác với các quốc gia toàn trị khác như Libi và Xyri – một đang trong giai đoạn chuyển giao và một đang bị sức ép từ mọi phía.

Điều khiến Bắc Triều Tiên khác biệt với Irắc là Bình Nhưỡng thực sự có trong tay vũ khí hạt nhân. Đây cũng là lý do tại sao sẽ không xảy ra một “Mùa Xuân Bình Nhưỡng” trong tương lai gần. Có thể là một ngày nào đó, nhưng không phải bây giờ.

Trong thời gian trước mắt, Mỹ và những nước mà sự an nguy có liên quan đến Bắc Triều Tiên còn đang phải phòng tránh một “Mùa Đông Bình Nhưỡng” khi Bắc Triều Tiên hoặc sẽ bị phá tan với các hậu quả thảm khốc đối với Hàn Quốc, hoặc là tự bùng nổ, khiến người tị nạn tứ tán. Trung Quốc sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để ngăn chặn kịch bản này.

Sự sống còn của chế độ

Tuy cái chết của lãnh tụ Kim Châng In quả là cú sốc đối với thể chế hiện hành, Bắc Triều Tiên thực ra cũng đã có kế hoạch chuyển giao quyền lực. Vị “Lãnh tụ kính yêu” gần đây đã yếu đi nhiều và cách đây hơn một năm đã chỉ định người con trai út của mình, Kim Châng Un, một thanh niên chưa qua thử thách và không được biết tới nhiều, làm người kế vị.

Thêm nữa, Bắc Triều Tiên đã từng trải qua việc này ít nhất một lần trong quá khứ không xa khi vị “Lãnh tụ vĩ đại” Kim Nhật Thành, cha của Kim Châng In, người sáng lập nước CHDCND Triều Tiên, qua đời năm 1994. Chưa nói tới sự sùng bái cá nhân ở Bắc Triều Tiên, gia đình họ Kim, các quan chức cao cấp và tướng lĩnh quân đội đã tạo thành một cơ chế lãnh đạo tập thể ở bên trong Đảng Lao động Triều Tiên.

Kim Châng Un đã được phong quân hàm đại tướng, thật không tồi cho một người mới gần 30 tuổi đầu, nhưng ông ta còn lâu mới sẵn sàng để có thể lãnh đạo Vương quốc Ẩn dật vốn bị cô lập, suy thoái và đang đói khát theo đúng nghĩa đen. Quá trình chuyển giao sẽ mất nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm, như đã từng xảy ra với ông Kim cha. Theo quan điểm của giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên, sự sống còn của chế độ mới là điều quan trọng nhất.

Giới lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đã chứng tỏ là họ cũng rất giỏi xoay xở. Trong thời đại với những biến chuyển lớn lao trên toàn cầu, từ kết thúc Chiến tranh Lạnh cho tới sự hình thành một cộng đồng các quốc gia dân chủ, một thế giới đang toàn cầu hóa và sự kiện Mùa Xuân Arập trong năm nay, Bắc Triều Tiên vẫn cứ mãi bám giữ thể chế của mình như một đứa trẻ bướng bỉnh mãi không lớn trên trường quốc tế.

Đối phó với Bắc Triều Tiên là cả một sự lặp đi lặp lại chu kỳ nhượng bộ lấy lòng rồi lại gây gổ hung hăng, khi nước này đang cố vừa phát triển vũ khí hạt nhân vừa muốn có được quan hệ bình thường với cộng đồng quốc tế, nhất là với Mỹ.
Các hành động khiêu khích, các cuộc phóng tên lửa, thử nghiệm hạt nhân và gần đây nhất là vụ đâm chìm tàu chiến và pháo kích tới một hòn đảo của Hàn Quốc thế nào rồi cũng được nối tiếp bằng động thái ngoại giao và những lời hứa hẹn rằng CHDCND Triều Tiên sẽ có hành động về chương trình hạt nhân của họ. Thế rồi các động thái nửa vời này chắc chắn sẽ lại được tiếp nối bằng các hành động khiêu khích, và một chu kỳ nữa lại bắt đầu.

Trong vòng bí mật

Trong khi có thể kiềm chế CHDCND Triều Tiên, thế giới vẫn không thể coi nhẹ quốc gia này, bởi vì công nghệ hạt nhân là công cụ hái ra tiền duy nhất mà Bình Nhưỡng sẵn sàng bán cho một số quốc gia đang mong muốn sở hữu, từ Pakixtan cho đến Iran và Libi. Trong khi điều này có thể mang lại lợi ích cho ông Kim Châng In và các thuộc hạ của ông, nó không giúp ích gì cho người dân Bắc Triều Tiên. Ngoài sự cố gắng sống còn, một đặc điểm khác của chế độ Kim Châng In là bỏ mặc người dân.

Dù không ai biết chắc chắn, người ta vẫn cho rằng hàng triệu người Bắc Triều Tiên đã chết vì đói khổ và đây thực sự là tội ác chống lại nhân loại. Sự tương phản rõ rệt giữa hai miền Triều Tiên trong phương diện phát triển có thể quy về một yếu tố đó là bản chất và chất lượng của chính quyền. Trong nửa thế kỷ qua, Hàn Quốc đã phát triển như một nền kinh tế toàn cầu và trở thành một cường quốc dẫn đầu khu vực.

Trong khi đó, CHDCND Triều Tiên, vốn từng có thời phát triển hơn Hàn Quốc, đã phá hỏng nền kinh tế tới mức không còn khả năng nuôi sống người dân của mình. Một phái đoàn Mỹ do đặc phái viên mới về Bắc Triều Tiên Glyn Davies dẫn đầu dự kiến sẽ gặp gỡ những người đồng nhiệm Bắc Triều Tiên, trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye-gwan, ở Bắc Kinh vào tuần này.

Tin cho biết, Mỹ hy vọng sẽ (một lần nữa) đạt thỏa thuận về các biện pháp chứng tỏ CHDCND Triều Tiên nghiêm túc trong việc chấm dứt chương trình hạt nhân của mình. Đổi lại, CHDCND Triều Tiên sẽ được hỗ trợ lương thực, tuy nước này cần chấp thuận cho quốc tế giám sát quá trình phân phối để bảo đảm lương thực đến tay những người đang cần chứ không phải quân đội. Hai bên sẽ thống nhất một lộ trình quay trở lại bàn đàm phán sáu bên, trong đó Mỹ sẽ có đối thoại trực tiếp với CHDCND Triều Tiên. Tất cả điều này chắc sẽ phải tạm ngưng khi Bắc Triều Tiên tiến hành quá trình chuyển giao. Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán nhanh chóng như thế nào và liệu Bình Nhưỡng có tiếp tục công việc của các cuộc đàm phán đang dang dở hay không – trả lời cho các câu hỏi này sẽ giúp chúng ta hiểu được phần nào hiệu quả của quá trình chuyển giao, quyền lực của lãnh đạo nước này đối với người dân và sự cấp bách của nhu cầu lương thực.

Trước mắt, có khả năng dễ dàng gia tăng căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên. Miền Bắc có thể tung ra các lời lẽ đao to búa lớn hoặc có hành động khiêu khích để chứng tỏ rằng ban lãnh đạo vẫn duy trì quyền lực bất chấp cái chết của lãnh tụ Kim Châng In. Miền Nam , sau khi đã trải qua vụ chìm tàu Cheonan và vụ pháo kích đảo Yeonpyeong, có thể sẽ không còn kiên nhẫn thêm nữa. Các nỗ lực ngoại giao nay sẽ phải tập trung vào để ngăn chặn sự hiểu lầm hoặc leo thang căng thẳng. Ở mức độ chiến lược, các sự kiện đang diễn ra tại Irắc, Libi, Xyri và Iran, những quốc gia mong muốn phát triển vũ khí hạt nhân, có thể sẽ càng khiến lãnh đạo CHDCND Triều Tiên tin rằng công nghệ hạt nhân có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với sự tồn tại chế độ của họ. Do vậy cuộc đàm phán hạt nhân với Bắc Triều Tiên, vốn chưa bao giờ dễ dàng, sẽ có khả năng bế tắc thêm một lần nữa. Thật ra, chẳng ai đoán trước được CHDCND Triều Tiên sẽ làm gì. Khi Kim Châng In còn sống chúng ta đã không biết mấy về những gì xảy ra ở Bình Nhưỡng. Bây giờ, khi ông ta chết đi, chúng ta chắc còn biết ít hơn.



Bài viết của Tony Michell thuộc Công ty tư vấn kinh doanh Âu-Á
CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc không có nhiều điểm giống nhau. Điểm chung có lẽ chỉ là về địa lý, cùng nằm trên bán đảo Triều Tiên. CHDCND Triều Tiên có khoảng 25 triệu dân (có số dân đông thứ 48 trên thế giới), so với 48 triệu dân tại Hàn Quốc.

Một số trong những khác biệt rõ nét nhất là thu nhập bình quân đầu người của người dân hai miền Nam-Bắc. Người Hàn Quốc có thu nhập bình quân đầu người 20.000 USD, trong khi người Bắc Triều Tiên thu nhập khoảng 1.000 USD mỗi năm. Vì CHDCND Triều Tiên hiếm khi đưa ra thống kê nên con số thực của GDP chỉ có thể phỏng đoán mà thôi.

Trên thực tế, kinh tế CHDCND Triều Tiên tăng trưởng âm trong hai năm qua, sau nhiều năm tăng trưởng dương. Tuy nhiên, xét về tổng GDP, quy mô của nền kinh tế CHDCND Triều Tiên tương đương với Irắc trước khi có chiến tranh.

Trước năm 1945, Hàn Quốc là nước chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong khi CHDCND Triều Tiên là quốc gia công nghiệp. Tình hình đã đảo ngược khi Hàn Quốc có nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 2% GDP so với khoảng 20-25% kinh tế CHDCND Triều Tiên phụ thuộc vào nông nghiệp.

Tuy nhiên, CHDCND Triều Tiên với nền kinh tế tập trung, vẫn có ngành công nghiệp nặng, và cũng có đáng kể nguồn tài nguyên khoáng sản, bao gồm mỏ vàng, quặng sắt, và hàng loạt loại đất hiếm cũng như urani.

Trong nhiều lĩnh vực, CHDCND Triều Tiên từng là nước cộng sản thành công nhất, với tăng trưởng cao (xét trong khuôn khổ của một nước Cộng sản) cũng như tỷ lệ đảng viên cao.

Trên thực tế, GDP bình quân đầu người của CHDCND Triều Tiên cao hơn của Hàn Quốc cho đến giữa những năm 1970. Vậy khi nhìn vào CHDCND Triều Tiên thì người ta thấy có cơ hội gì về kinh doanh?

Vấn đề đầu tiên, trừ khi bạn là công dân Trung Quốc, việc xin thị thực là khó khăn. Một khi vào được CHDCND Triều Tiên sau đó thì bạn phải đối mặt với vấn đề “phong tỏa của Mỹ”, theo cách gọi của CHDCND Triều Tiên. Đối phó với lệnh cấm vận thương mại này chắc chắn là quá trình mất thời gian để học hỏi, theo kinh nghiệm bản thân tôi.

Trong năm 1994, Bộ Tài chính Mỹ đã tịch thu của tôi 4.000 USD khi tôi chuyển tiền để trang trải chi phí hoạt động hàng tháng cho văn phòng tư vấn của mình ở Bắc Triều Tiên. Số tiền này một vài năm sau cũng được hoàn trả, khi quan hệ Mỹ và CHDCND Triều Tiên giảm căng thẳng đôi chút dưới thời chính quyền của Tổng thống Bill Clinton.

Vậy bài học là gì? Không bao giờ dùng đồng USD để thanh toán qua hệ thống ngân hàng New York . Để tránh sự cố kiểu này, người CHDCND Triều Tiên đã dùng đồng euro làm ngoại tệ ở mức kỷ lục từ đầu thập niên trước. Điều này khá ổn vào cuối thập niên trước khi đồng USD và đồng euro không chênh nhau nhiều. Tuy nhiên, người nước ngoài kinh doanh ở Bình Nhưỡng thấy đắt đỏ hơn khi đồng euro bắt đầu lên giá.

Hầu hết, nếu không phải tất cả, các công ty đa quốc gia phương Tây tránh kinh doanh trực tiếp với CHDCND Triều Tiên vì họ sợ bị Bộ Tài chính Mỹ phạt. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp nhỏ hơn, cho dù từ phương Tây hay nhiều khi là từ Trung Quốc, mọi chuyện không khó khăn tới như vậy. Nhưng hầu hết các sản phẩm có tiềm năng sử dụng kép, tức là có thể được quân đội sử dụng, bao gồm máy vi tính, có thể thuộc hạng mục cấm được xuất khẩu từ hầu hết các quốc gia vào CHDCND Triều Tiên.

May mắn thay cho CHDCND Triều Tiên là những hạn chế này, có từ thời Chiến tranh Lạnh, lại không được áp dụng ở Trung Quốc. Do đó, đối với một doanh nghiệp nhỏ, CHDCND Triều Tiên có các cơ hội kinh doanh toàn diện. Hàng nghìn doanh nghiệp Trung Quốc đã vào CHDCND Triều Tiên và kiếm tiền rất tốt. Một số ít các công ty phương Tây cũng làm như vậy khi mở các nhà hàng quy mô nhỏ và các doanh nghiệp khác, bao gồm khách sạn, điện thoại di động và các hoạt động tín dụng vi mô. Cơ hội sẽ gia tăng nếu CHDCND Triều Tiên có thể cải thiện nền kinh tế.

CHDCND Triều Tiên, với lực lượng lao động chuyên cần và giá rẻ, và các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có tiềm năng để phát triển nếu được phép thâm nhập vào các thị trường trên thế giới và tự do vay vốn. Tuy nhiên, giới lãnh đạo tập thể mới của CHDCND Triều Tiên đang phải đối mặt với một số nhiệm vụ. Đầu tiên là làm thế nào để đảm bảo người dân có đủ lương thực và thực phẩm.

Đã có những nỗ lực nhằm tăng sản lượng lương thực kể từ giai đoạn khủng hoảng hồi 1995-1999, thời kỳ kinh tế suy sụp khiến một triệu người CHDCND Triều Tiên chết đói (mặc dù nhiều người đưa con số cao hơn gấp ba lần). Trong những năm 1990, Chương trình Lương thực Thế giới và nhiều tổ chức phi chính phủ đã ra tay giúp đỡ CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, 2011 là năm các các nhà tài trợ mệt mỏi và Hàn Quốc đã không cung cấp lương thực hoặc phân bón cho CHDCND Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Lee lên nắm quyền vào năm 2008.

Nhiệm vụ thứ nhất, Mỹ trong năm nay đã cung cấp viện trợ lại cho Bình Nhưỡng. CHDCND Triều Tiên cần phát triển, chứ không phải nhận viện trợ, nhưng các chính phủ phương Tây hiện nay trừng phạt CHDCND Triều Tiên bằng cách chỉ viện trợ khẩn cấp mà không cấp viện trợ phát triển.

Nhiệm vụ thứ hai, tiếp tục những bước cải cách của năm 2002, theo đó đưa ra cơ chế thị trường trên quy mô hạn chế. Người ta thấy có sự chấp nhận một cách miễn cưỡng rằng lực đẩy thị trường có thể đảm bảo cung cấp thực phẩm cho mọi người trong khi hệ thống phân phối nhà nước không thể gánh vác được bổn phận này. Tuy nhiên, tăng trưởng để dẫn tới sự khác biệt về tài sản và chủ nghĩa cá nhân khiến giới bảo thủ tại Bắc Triều Tiên lo ngại.

Nhiệm vụ thứ ba, đối phó với sự phong tỏa kinh tế của Mỹ. Việc phong tỏa được thực thi qua các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc, áp đặt khi CHDCND Triều Tiên lần đầu tiên thử vũ khí hạt nhân. CHDCND Triều Tiên tin rằng vũ khí hạt nhân của họ là công cụ phòng thủ chính để chống lại một thế giới thù địch, và sẽ bỏ vũ khí này khi Mỹ ký hiệp ước hòa bình “kết thúc” chiến tranh Triều Tiên 60 năm trước đây.

CHDCND Triều Tiên nói rằng hiệp ước này vẫn còn ở dạng hiệp ước đình chiến.

Nhiệm vụ thứ tư, khuyến khích kinh nghiệm có được như Khu công nghiệp Kaesong , là sự hợp tác phát triển kinh tế với Hàn Quốc. Tại đây, khoảng 123 công ty Hàn Quốc sử dụng hơn 48.000 người CHDCND Triều Tiên với mức lương thấp và có kỹ năng để sản xuất sản phẩm cho thị trường Hàn Quốc và các thị trường khác.

Trong tháng này đã có cuộc họp giữa các doanh nhân từ Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên để thảo luận về hướng làm thế nào để mở rộng khu công nghiệp này. Cuối cùng và là ưu tiên cho giới lãnh đạo mới của CHDCND Triều Tiên sẽ là nhiệm vụ tiếp tục việc xây dựng lại các ngành công nghiệp bị hạn chế và tu sửa các tòa nhà lớn ở Bình Nhưỡng để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của ông Kim Nhật Thành. Đó là một chương trình tái thiết mà giới lãnh đạo tin rằng sẽ đảm bảo cho người dân CHDCND Triều Tiên rằng đất nước của họ đang trở thành một nước tiên tiến.