Saturday, September 4, 2010

Nghề Mới Toanh: Câu Gián Mưu Sinh

Khi màn đêm buông xuống, Sài Gòn tĩnh lặng hơn nhiều so với sự náo nhiệt thường ngày của nó. Giữa đêm tối Nghề Mới Toanh: Câu Gián Mưu Sinh lặng lẽ của thành phố, những người mưu sinh trong đêm lại hoạt động. Đó là những người nhặt rác, đi đấm bóp dạo, bán hủ tiếu gõ, những người câu cá kiếm cơm và cả những người chuyên đi câu gián ở nắp cống...



Sau một hồi lân la nói chuyện, chúng tôi quyết định đi theo nhóm người câu gián để tìm hiểu cái nghề mưu sinh trong đêm đầy lạ lẫm này.



Không đụng nghề

Bắt tay vào nghề năm 1997 đến nay đã gần 13 năm, thế nhưng anh Bình (biệt danh Sáu Bình) ở quận Gò Vấp, khẳng định: "Đây vẫn là một nghề kiếm sống mới toanh đó nghe, cả thành phố ít ai làm nghề này lắm, đi bắt hoài mà tui chỉ gặp một hai người cùng nghề thôi...".



Anh nói nửa đùa nửa thật: "Anh không biết chứ thành phố mình chuột với gián là đứng hàng nhất nhì đó, chuột thì tui chẳng biết ai mua, chứ gián thì tui có mối hẳn".



Lăn lộn giữa thành phố làm đủ thứ nghề để kiếm sống, trông anh Bình sành sỏi rất nhiều. Tuy nhiên, trên gương mặt người đàn ông hơn 40 tuổi này luôn thể hiện sự nhiệt tình với mọi người.



Anh kể: "Tui đến với nghề cũng thật tình cờ, khi đi ngang qua Cầu Đen dưới chân cầu Sài Gòn thấy bạn câu đông quá tui ghé xe trông thử vì cũng mê câu cá lắm. Thấy người ta dùng gián làm mồi câu vậy mà giật được cá liên tục". Sau vài lần như vậy anh Bình nảy sinh ra ý tưởng "đi câu gián cho dân câu cá". Anh nói: "Tui nghỉ chạy xe ôm, vác cần câu lân la và biết người ta mua gián để câu cá bông lau, câu cá trê".



Sau mấy lần vác cần câu đi dạo để tìm mối, anh Bình cũng tìm ra được nhờ bạn câu chỉ bảo. Anh kể về cái lần đầu đi bẫy gián của mình: "Đi liền mấy đêm bắt chẳng được là bao, tui đem cho bạn câu hết. Mỗi lần cho và trò chuyện tui học được nhiều thứ và cũng tìm ra được bí quyết dụ tụi gián, đó là tụi gián hảo ngọt". Sau lần đó anh Bình bẫy gián bằng que tre quấn vải tẩm mật mía, lần đầu đem gián về nhà mọi người cứ bàn tán mãi, ngay cả vợ anh cũng kinh ngạc, mà cho rằng anh "bất bình thường".



Qua tháng sau anh tìm được mối ruột nhận mua gián đó là một cửa hàng chuyên cung cấp mồi và dụng cụ câu cá ở gần Hàng Xanh. Trên chiếc xe máy "cà tàng", anh Bình cùng con trai của mình là Minh luồn lách khắp các ngóc ngách của thành phố để câu “tụi gián” đang trú ẩn dưới nắp cống. Đêm nào trúng nhất của anh cũng bắt gần 3,000 con (3 thiên). Những lúc trúng như vậy anh kiếm hơn 300,000đ một đêm. Anh cho biết: "Giá mỗi con gián được mua 100đ, một đêm bắt được một thiên cũng đủ sống".



Lúc đầu có nhiều người bàn tán về cái nghề lạ lẫm của anh, anh chỉ cười trừ bảo: "Mình làm nghề không đụng nghề với ai mới dễ sống, cái nghề này tuy lạ nhưng lại hay, vừa giúp mình kiếm tiền lại vừa trừ hại côn trùng cho thành phố". Gần 4 giờ sáng, lồng gián của anh đã lỉnh kỉnh hơn, anh và con trai mới bắt đầu thu dọn đồ nghề để về nhà trước khi thành phố thức giấc.



Nghề cũng chọn người

"Khó ngửi như mùi rác, nhưng lâu rồi cũng quen, thằng con trai tui lần đầu tiên đi còn bịt khẩu trang kín mít. Nhưng giờ nó lại là một tay sát gián... Ở đất Sài Gòn này không có nghề nào dễ sống cả, nghề nào có cái khổ của nghề đó", anh Bình chia sẻ khó khăn của nghề.



Là một tay sát gián chuyên nghiệp nhưng anh vẫn thừa nhận: "Như tui đã là gì đâu, tui có hai "đàn anh" còn giỏi hơn đó là anh Quý ở chợ Cây Gõ, quận 6 và anh Long ở Gò Dưa, Thủ Đức. Hai ông đó vào nghề lâu hơn tui một năm nhưng chịu khó cày cấy lắm, chắc cái nghề nó cũng chọn người".



Cùng nghề với anh Bình còn có chú Bảy, anh Hùng đều ở Gò Vấp, ngày trước họ cũng là "đàn em" của anh Bình. "Tui đâu có giấu nghề đâu, ai hỏi tui cũng chỉ hết vì hiện nay câu không đủ bán mà. Gián trong thành phố này bắt sao cho hết, nhưng có tìm ra mối và theo nghề được không đó mới là chuyện", anh Bình giải thích.



Theo anh muốn kiếm tiền từ gián thì phải chấp nhận sống chung với gián, anh đem chính bản thân của mình ra so sánh cho chúng tôi thấy rõ hơn: "Tối nghe mùi gián, sáng nghe mùi gián, ăn cơm cũng nghe... thử hỏi có mấy ai chịu được, thời gian đầu mùi này còn gây sây sẩm, buồn nôn nữa chứ... người bị dị ứng chắc không sống được bằng nghề câu gián đâu. Tui nhận bốn đứa đệ tử giờ chỉ còn lại có thằng Hùng là sống được bằng nghề, mấy đứa kia chạy dài...".



Giải thích về việc này anh cười nhẹ: "Lao động mà, nghề nào vinh, nghề nào nhục, mình móc cống hoài, nhiều lúc đám thanh niên nhìn mình như người ngoài hành tinh... Ấy thế là có người không câu gián nữa". Còn Minh con trai anh thì khẳng định: "Nói gì thì nói tui vẫn theo nghề này, khi nào sông hết cá, thành phố hết gián thì chúng tôi mới thất nghiệp. Nghề đã chọn mình thì mình sống với nó".



Sống nhờ... người câu cá!

Phần lớn lượng gián được tiêu thụ bởi những người câu cá kiếm cơm, một đêm người câu gián kiếm được 100,000đ thì những cần câu cá kiếm cơm cũng kiếm được ngần ấy. Điều khác nhau của "hai cần câu cơm" này là độ máu lửa và sự kiên nhẫn, anh Bình cười nói: "Câu cá tôi cũng mê lắm, nhưng không nuôi sống nổi gia đình, với lại tôi không rành về sông nước, thôi mình cứ câu ở "nắp cống" để cung cấp mồi cho mấy ông câu ở sông".



Theo một số dân câu cá kiếm cơm chuyên nghiệp thì gián là món ruột của cá bông lau, nó còn nhạy hơn cả trái bần chín hay thịt bò, trong khi đó giá cả lại quá rẻ so với những mồi câu khác.



Một nguồn khác để anh không sợ thất nghiệp từ cái nghề lạ lẫm của mình nữa đó là, dân câu cá văn nghệ xuất hiện ngày càng nhiều, câu cá đang trở thành mốt giải trí của phần đông người dân Sài Gòn vào cuối tuần.



Anh Bình cười thật tươi khoe chuyến làm ăn lớn của mình: "Mùa câu cá bông lau sắp rộ rồi, khoảng tháng 5 - 6 âm lịch, lúc này cá ăn rất nhiều và người câu cá cũng rất đông, tui đang lên kế hoạch thu mua thêm gián của những người khác nữa".



Anh Bình kể lại mùa câu cá bông lau năm trước: "Mỗi lần vào mùa rộ cá bông lau giá mồi câu cũng được đẩy lên. Năm trước mình tôi và con trai không đủ hàng để cung cấp phải khoán thêm cho một số người khác, giá 1 lồng gián khoảng 500 con trả 35,000 – 40,000đ. Tuy nhiên, mùa này giá đó không ai đi bắt cho mình nữa đâu, giờ đây nghề câu gián cũng đã bắt đầu có sự cạnh tranh rồi...".

Thực Hư Miền Gái Đẹp



Trương Duy Nhất






Buổi sáng rời Yên Bái bỗng dưng nắng đẹp. Hướng qua phía Tuyên Quang. Trọng cho chúng tôi chạy ngang bát ngát những đồi chè. Những thảm chè xanh mượt như nhung phủ kín mấy ngọn đồi, ngút tận phía chân trời.






Dừng xe chụp ảnh. Mấy o hái chè ngạc nhiên hỏi «người lước lào vậy ?». Tôi cười «lước Việt Lam». Vói tay bứt mấy búp chè non đưa lên miệng mà cảm như cái vị chát mê mẩn kia chạy ngấm xuống tận gan ruột. Không muốn đi, nhưng rồi cũng phải bỏ những đồi chè ngút ngàn tít tắp lại phía sau. Cái đích trước mắt là: miền gái đẹp.



Trước khi đi, Nguyễn Minh Sơn đã dặn kỹ: đừng bỏ sót điểm này. Hắn kỹ tới mức dặn đến Na Hang nên ngủ ở nhà trọ nào, đến đâu uống rượu ngô ngon nhất, cứ say một đêm, giữ bình tĩnh rồi sáng mai hãy vào Thượng Lâm xem gái đẹp.



Nhưng cái gì chứ gái đẹp thì không thể chần chừ. Cả 4 đều háo hức. Vì thế, tạt đại một nhà dân ven đường, sát bờ sông Gâm nhờ mua con gà, bó rau, qua quít bữa trưa, xong vượt qua luôn Na Hang dò đường về Thượng Lâm.



Nếu cái đích trước mặt không phải là Thượng Lâm với những huyền thoại về một miền gái đẹp thì có lẽ chúng tôi đã thoái lui ngay từ những đoạn đầu. Đường bé, hiểm trở, lại cày xới hang hục như thể vừa chịu qua mấy trận bom. Mấy lần bánh xe quay tít trơn trượt như muốn trôi xuống vực. Một bên là vách núi dựng đứng. Bên kia là vực, vực sâu thăm thẳm đến mức nhìn xuống chóng mặt. Mình nhảy xuống, vác… máy ảnh tác nghiệp và vẫy tay căn đường cho Trọng. Mai Thanh Hải thì vác xẻng hì hục xúc cát. Phạm Xuân Nguyên vác đá kè bánh xe. Cầm lái vững và có tay nghề đường núi như Trọng mà mấy lần nhăn mặt. Tôi động viên: Cứ nhìn tới phía trước, tưởng tượng ra một giàn gái đẹp đang xếp hàng đứng vẫy mà tiến!



Hấp lực của gái đẹp kinh hồn thật. Hơn hai tiếng mới hổn hển thoát qua nổi một đoạn đường chưa đầy ba chục ki lô mét. Thượng Lâm nằm lọt thỏm trong một thung lũng hẹp. Chung quanh bao bọc bởi núi, tất thảy 99 ngọn cao vút trong mây mù sương phủ tạo cho cái thung lũng nhỏ bé này thêm phần mê hoặc, kỳ bí.



Gái đẹp đâu chưa thấy, nhưng phong cảnh quả hữu tình. Người bỗng nhẹ tâng. Thêm một chén rượu ngô thấy lâng lâng như bay trong gió trời.



Huyền thoại


Tích gốc về 99 ngọn núi kỳ ảo này được kể bằng một truyền thuyết rằng… Thuở Ngọc Hoàng phái thần xuống trần gian giúp nhà vua trị nước an dân và mách bảo phải đi tìm xây kinh đô ở chốn hội tụ đủ 100 ngọn núi, có thế thì cơ nghiệp mới lâu bền.



Không biết có mật gian nào mà nguồn tin mách bảo của Ngọc Hoàng lại bị lộ đến tai ông chúa vùng Thượng Lâm sơn cước. Phần thấy thế núi nơi mình cai quản vốn trùng trùng điệp điệp như rồng cuốn hổ chầu, phần nghĩ đây là mệnh Trời ấn cho vùng Thượng Lâm, ngài sai thuộc hạ đi khảo lại địa hình. Đếm qua tính lại mãi vẫn chỉ thấy có 99 ngọn núi. Thiếu 1 ngọn nữa mới đủ ý Ngọc Hoàng. Nghĩ đây có thể là ngụ ý thử thách của Trời, bèn tức tốc sai dân chúng trong vùng chở đất khuân đá xây thêm một ngọn núi. Ngọn núi thứ 100 ấy hoàn thành sau 3 tháng trời ròng rã. Cây cối cũng được trồng và núi trông như thật.



Khi đó, vị thần nhà Giời dẫn 100 con phượng hoàng bay khắp trần gian tìm thế đất. Bay mãi bay mãi rồi cũng phát hiện ra thế núi vùng Thượng Lâm. Vỗ cánh lượn chín vòng trên bầu trời, xong 99 con trong đàn sà xuống mỗi con đậu trên một ngọn núi. Còn duy nhất một con cứ bay mãi trên trời không chịu đậu. Ngọn núi con chim thứ 100 không chịu đậu ấy chính là ngọn núi giả vừa xây.


Nhận ra sự… gian dối này, Trời nổi cơn thịnh nộ trút mưa thác cuốn phăng ngọn núi giả kia trong nháy mắt. Viên chúa vùng Thượng Lâm bị sét đánh và mảnh đất 99 ngọn núi này đã không thành kinh đô như mệnh giời.



Tuy không thành kinh đô, nhưng có lẽ Ngọc Hoàng không muốn vùng đất 99 ngọn núi gần đúng ý trời này thua thiệt, ngài… đền trả cho Thượng Lâm 99 tiên nữ giáng trần.



Gái đẹp Thượng Lâm có lẽ từ đây. Cái tích miền gái đẹp có lẽ từ đây.



Nhưng cũng có tích khác rằng… Nơi thung lũng Thượng Lâm này, xưa có một nàng tên Bàn Hoa Trang, sắc nước gương trời nhờ có được bí quyết làm đẹp từ một loài thảo dược chỉ có trên vùng 99 ngọn núi. Vẻ đẹp của nàng chẳng mấy chốc đến tai Vinh Thành đại vương, ngài bèn rước nàng về làm vợ. Thương nhớ quê, không muốn để mất bài thuốc bí truyền, Bàn Hoa Trang đã kịp âm thầm bày lại cho những cô gái Thượng Lâm phương thuốc thần diệu kia. Và nhờ thế, chẳng mấy chốc cả vùng Thượng Lâm sơn cước này bỗng thành một thung lũng gái đẹp.



Và mắt thấy tai nghe



Dọc đường xuống Thượng Lâm, tôi đã có ý dòm xem những cô gái chổng mông làm cỏ lúa ven đường và thi thoảng bắt gặp từng tốp gánh cỏ, dẫn… trâu về bản. Chả thấy cô nào ấn tượng. Toàn những đít trâu xoăn nhoẻm bê bết bùn đất. Toàn những gương mặt trông cứ nhem nhuốc, tồi tội, khắc khổ và những dáng hình với chiều cao có phần hơi khiêm tốn.



Người phụ nữ đầu tiên mở cửa rót rượu ngô mời chúng tôi là Chẩn Thị Khâu. 23 tuổi, Khâu đã có 2 con. Nhà nấu rượu ngô và bán đậu phụ. Ngôi nhà của Khâu nằm ngay dưới chân núi Nàng Tiên, ngọn núi có hình giống một tiên nữ in trên vách đá. Hỏi gái đẹp đâu, Khâu cười chỉ tay lên núi.



Thấy khách, thêm một phụ nữ bế con chạy qua. Đó là Lò Thị Ba, 48 tuổi, nhà sát bên. Tôi thử “có phải đây là vùng Thượng Lâm gái đẹp không hay chúng tôi lầm đường?”- Lò Thị Ba cười: đúng rồi, đây là Thượng Lâm, gái Thượng Lâm đây (cô chỉ tay vào ngực mình) thấy có đẹp không?



Nói rồi cô cười, cười rung cả bờ vai: Xưa nay ai cũng bảo mận Hồng Thái gái Thượng Lâm, nhưng có thấy gái Thượng Lâm đẹp đâu?



Phạm Xuân Nguyên và Mai Thanh Hải tỏ ý nghi ngờ: Hay bọn mình nhầm đường thật? Tức mình, rút máy điện thằng Sơn. Mới hơn tháng trước, Nguyễn Minh Sơn và đoàn làm phim của tờ Sài Gòn Tiếp Thị vừa lên cắm trên này quay phim “Làng gái đẹp”. Hắn bảo mấy anh chịu khó dạo quanh chợ và vào các nhà quanh đó, xa xa phía rìa bản một tí. Ừ thì dạo. 4 gã lôi nhau đến mỏi chân quanh khu vực chợ, lội đến nát cả khu làng Thượng Lâm, vậy mà chả thấy nổi một nàng nào khả dĩ đủ để có thể tặng một… nụ cười!



Thấy “kẻ” lạ, một gã đàn ông chừng 40 bất thần từ đâu chạy đến “mấy ông là ai?”. Trông gương mặt rất bặm trợn, tưởng có chuyện. Không dè câu trước câu sau, lão đã cười “về tìm gái đẹp hả?”. Thế rồi lão lôi chúng tôi ngồi bệt trước chợ. Lão khoe mình là Lập, bảo cứ gọi là Lập Láng hay Lập Khế cũng được, là người quản chợ Thượng Lâm.



Thế gái đẹp đâu? Lão chỉ tay lên núi rồi… cười, một nụ cười khó đoán là thật hay trêu!



Dọc đường gái đẹp



Có thể, khởi phát từ cái tích 99 ngọn núi và 99 tiên nữ giáng trần kia, rồi từ đó người đời nói thêm ra, thêm mãi đến… bây giờ. Cũng có thể cái tiêu chí đẹp ngày xưa chỉ giản đơn là làn da trắng. Địa thế 99 ngọn núi phượng hoàng đã tạo cho Thượng Lâm thành một vùng thung lũng quanh năm mát mẻ, trong lành. Với khí hậu ôn hòa và cái duyên núi rừng này, gái Thượng Lâm có được nước da trắng trẻo hơn gái vùng khác.



Hoặc cũng có thể nó được nhân lên, kể thêm ra từ khi nhà Mạc chạy dạt lên đóng đô tại thành Tuyên Quang. Gái vùng này có lúc được triệu về làm cung nữ hiến dâng cho vua.



Chẳng rõ thế nào?



Ngay cả cái “Miền gái đẹp” mà Hoàng Phủ Ngọc Tường viết, tôi cố đọc nát ra cũng chả thấy ông Tường tả gái đẹp thế nào. Chỉ đại khái mấy đoạn đôi dòng gọi là tả gái đẹp thì chung chung thế này: “… ở đâu có sông nước đẹp thì ở đấy tất có nhiều mỹ nhân. Không cần phải tin vào thuyết phong thủy cho lắm. Tôi cũng nghĩ rằng ở nơi đó có “thế phong thủy” ở đó thiên nhiên tất phải đẹp, ở đó mặt người trông cũng rảnh rang, đó là sự liên lạc giữa Đất và Người, dân gian quê tôi nói “Người ta là hoa đất”. Vậy thì “Địa linh nhân kiệt”…



Vậy mà Hoàng Phủ Ngọc Tường phán kinh “Tuyên Quang đây cũng giống như nước Vênêduyêla của Nam Mỹ. Nhiệm vụ chủ yếu của nó là sản sinh ra những người đẹp làm rạng rỡ thế giới…”.



Có lẽ, cái “Miền gái đẹp” ấy nổi tiếng bởi tên tuổi của người viết, hơn là cái sự đẹp của… miền gái đẹp!



Tôi cũng đã lục sạo trên mạng tìm những nguồn viết trước về miền gái đẹp này. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ vài ba bài xào đi sáo lại qua lời kể và tích cũ. Rồi cũng chỉ có mấy cái ảnh này cóp qua dán lại:



Còn đây là ảnh của tôi. Những bức ảnh mới nhất chụp được giữa trung tâm miền gái đẹp Thượng Lâm. Ghi nhận trung thực vậy. Còn đẹp hay không, đẹp đến mức nào thì tùy ở cách nhìn và cái gu… thẩm gái của từng bạn đọc.

MƯU SINH TRÊN LỀ ĐƯỜNG






MƯU SINH TRÊN LỀ ĐƯỜNG



Lúc còn ở Việt Nam, nhiều lần tôi được nghe nhiều người nước ngoài nhận xét về những ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với họ khi lần đầu tiên đặt chân đến những thành phố lớn của Việt Nam. Hầu hết đều nói về giao thông-ai cũng kinh ngạc vì vì số lượng xe gắn máy tràn ngập trên đường phố và mức độ giao thông hỗn loạn của Sài Gòn, Hà Nội. Nhưng có người nói thêm, họ rất ngạc nhiên và thú vị với mật độ buôn bán dày đặc trên các lề đường của Sài Gòn, Hà Nội và một số thành phố khác.



Từ khi nhà nước mở cửa về kinh tế, người dân bắt đầu lao vào con đường kiếm tiền. Ở Sài Gòn, Hà Nội và một số thành phố khác bây giờ hầu hết mọi con đường đều trở thành khu phố buôn bán và dịch vụ. Có những con đường mà mỗi mét vuông từ nhà cho đến lề đường đều san sát hàng quán, chen chân không lọt! Ai may mắn có nhà mặt tiền thì trổ cửa, cơi nới, sửa sang thành những cửa hàng, văn phòng, quán ăn, café bar…, ai không có nhà thì ra lề đường bán hàng rong, làm dịch vụ các loại. Ở đây tôi không định nói đến những ngôi nhà mặt tiền trở thành những cửa hàng, tôi muốn nói đến cái lề đường trong đời sống kinh tế của người dân đô thị ở Việt Nam dưới thời “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.




Phải nói rằng cái lề đường đó đã cứu đói cho hàng triệu người dân Việt Nam trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng đều giống nhau ở một điểm là không thể chen vào hoặc không thể sống được trong hệ hống kinh tế quốc doanh của nhà nước và cũng không thể trông đợi gì ở sự hỗ trợ của nhà nước: đó là những người dân đô thị nghèo không có nghề nghiệp, sinh viên học sinh đi bán hàng rong kiếm tiền thêm, người già về hưu, kể cả người còn đang làm cho công ty nhà nước nhưng đồng lương chết đói phải “chân trong chân ngoài” cho đến người nông dân ở miền Tây, miền Trung, vùng sâu vùng xa… không sống nổi, dạt lên thành phố và ra lề đường bán buôn…Một gánh xôi nhỏ bé hay một xe bánh mì với lưng vốn không bao nhiêu, nhiều khi là sự sống của cả một gia đình năm, bảy, chục miệng ăn. Đã có những câu chuyện cổ tích thời nay về người mẹ bán xôi nuôi cả đàn con vào đại học. Đã có những vùng quê mà cả làng kéo nhau vào Sài Gòn rồi cùng ra đường bán một thứ hàng rong giống nhau như mì gõ, chè đậu hũ nước dừa, bắp xào…




Có những dạo nhà nước ra chiến dịch làm sạch lề đường, truy quét không cho ai buôn bán gì, thậm chí có hẳn Nghị định 36 về vụ trật tự lề đường này, nhưng dẹp đầu này người ta chạy sang đầu kia, hoặc đang bán thấy xe công an đến thì gom mọi thứ chạy, công an đi qua thì lại bày ra…cứ như cóc bỏ đĩa, nhiều lần như vậy cuối cùng nhà nước đành chịu. Mà chịu không giải quyết nổi là chuyện hiển nhiên, khi đất nước còn nghèo, nền kinh tế chưa đủ mạnh mà hệ thống cơ quan nhà nước, công xưởng… lại chưa có đủ công việc cho mọi người và cũng không đủ sống, thì người dân phải ra đường tự nuôi mình thôi. Gần đây nhất, năm 2008 Hà Nội ra Quyết định 02 về quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn Hà Nội, có hiệu lực từ 19/1/2008 , cấm bán hàng rong, chợ rong…cho sạch phố phường-đó là suy nghĩ theo kiểu duy ý chí và bất cập về nhân văn trong chính sách. Bởi, nhà nước không cho dân nghèo buôn bán thì liệu có kiếm được hàng trăm ngàn, hàng triệu việc làm khác cho họ sống không, hoặc có sự hỗ trợ nào cho họ trong thời gian tìm công ăn việc làm khác không? Thực tế cho thấy Hà Nội đã không làm được. Tình trạng vi phạm ở nhiều tuyến phố lại tiếp diễn cho đến nay, cứ mỗi lần nhân dịp gì đó ví dụ như dịp đại lễ Thăng Long 1000 năm sắp đến, Hà Nội lại tung quân ra dọn dẹp, tái khởi động chiến dịch lập lại tuyến phố "văn minh đô thị". Chỉ là những cách làm hình thức, phong trào, mà gốc rễ của vấn đề thì không giải quyết được.



NHÀ NHÀ KIẾM THÊM, NGÀNH NGÀNH PHÁT TRIỀN NGOÀI LUỒNG

Ngay từ thời bao cấp người dân Việt Nam cũng đã phải “chân trong chân ngoài”, vừa đi làm cho nhà nước vừa “chạy chợ”, nuôi heo, may gia công…kiếm thêm hoặc trong nhà có hai lao động chính thì phân công nhau, chồng/vợ bám nhà nước để lấy tiêu chuẩn công nhân viên, có tem phiếu, con cái dễ đi học khi lý lịch có ba hoặc mẹ là công nhân viên (thời đó tâm lý phải có công ăn việc làm trong hệ thống nhà nước còn rất nặng nề), còn người còn lại “hy sinh” bỏ ra ngoài mưu sinh. Đến giai đoạn chuyển sang nền kinh tế thị trường, tình trạng người dân bỏ nhà nước đi làm cho tư nhân hoặc làm nghề tự do ngày càng trở nên bình thường. Còn các ngành nghề thì đua nhau phát triển kinh tế phụ, tìm cách tăng thêm thu nhập cho nhân viên và tăng nguồn thu cho cơ quan, công ty. Sẵn mặt bằng cơ quan rộng rãi, tha hồ cắt xén cho thuê hoặc làm chuyện khác, từ mặt tiền cho đến khuôn viên cơ quan bị che chắn, sửa chữa thành ra lôm côm, chật hẹp, trông không ra làm sao. Chưa kể có những cơ quan, công ty cho thuê làm những dịch vụ rất trái với ngành nghề của mình, tạo ra những hình ảnh trái ngược, tréo ngoe, phản cảm, và ảnh hưởng đến không gian yên tĩnh cần thiết để làm việc.




Cuối cùng, đối với người dân, cái chân ngoài lại dài hơn chân trong, nghề tay trái lại nuôi nghề tay phải, người đi làm chỉ dành một phần thời gian, tâm huyết cho cái công việc đang ăn lương còn lại dành cho cái công việc bên ngoài kia. Thầy giáo chỉ mong hết giờ để về nhà dạy thêm, bác sĩ mong hết giờ để còn về cái phòng mạch tư ở nhà, dân văn phòng nhất là các loại văn phòng nhà nước của Bộ này Cục kia Viện nọ thì lại càng nhàn rỗi, việc ít, 8 giờ đi làm mỗi ngày trong đó nào uống trà, tán gẫu, đọc báo, “nấu cháo” điện thoại…mà vẫn thừa giờ, việc ít thì lương ít, không làm thêm làm sao sống. Từ đó tạo ra tâm lý “ngoài luồng”, không hết lòng gắn bó với công việc chính cơ quan chính, mà đã không hết lòng thì chỉ làm cho qua, đâu có bận tâm tìm cách cải thiện, thay đổi, phát triển cho nó tốt hơn? Thêm vào đó, người dân phải mất quá nhiều thì giờ cho việc mưu sinh thêm thì không còn sức lực, đầu óc đâu để tập trung vào chuyên môn nữa.



Đối với các cơ quan, công ty, cho đến bệnh viện, trường học…nhà nước, vì chạy theo lợi nhuận, nguồn thu nhập phụ trở nên quan trọng hơn nên nhiều khi cũng cùng một cơ quan, một bệnh viện đó mà khách hàng hoặc bệnh nhân đến làm việc ngoài giờ thì được đối xử khác hẳn, điều kiện vật chất, cách chăm sóc, giải quyết vấn đề…mau mắn, tốt hơn hẳn. Các cơ quan, công ty, bệnh viện vì thế mà bên trọng bên khinh trong cách làm việc, phục vụ…nhân dân giữa người có tiền đến với các dịch vụ tư và người không có tiền. Ngược lại, người dân thì sẽ có tâm lý chỉ cần có tiền là mọi thứ sẽ khác, có tiền là có tất cả.



Có thể suy ngẫm rất nhiều điều từ một xã hội với đường hướng phát triển như vậy. Một mặt, nó cho thấy hệ thống “dòng chính” chưa phát triển đạt yêu cầu của xã hội. Ví dụ như trong giáo dục: tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan ngoài lý do “tăng thu nhập” cho thầy cô và nhà trường như đã nói ở trên, còn chứng tỏ nền giáo dục chính thống ở trường chưa thật tốt bởi vì nếu một nền giáo dục đạt chất lượng, đủ làm cho các bậc phụ huynh an tâm thì họ đâu có phải tốn tiền chạy vạy ngược xuôi cho con em đi học thêm và trẻ em Việt Nam đâu có phải đi học lu bù mệt phờ từ sáng đến tối như vậy?




Một quốc gia mà còn nhiều người dân không chen được vào hoặc không sống nổi trong hệ thống công ty, cơ quan, nhà máy…và phải ra đường, bám lấy cái lề đường mà sống chứng tỏ nền kinh tế của quốc gia đó còn nhiều yếu kém, chưa ổn định, nền công nghiệp và dịch vụ cao chưa phát triển. Còn trong hệ thống công ty, cơ quan, nhà máy…khi đồng lương không đủ sống thì hàng ngàn sự tiêu cực sẽ phát sinh như tệ quan liêu, thói hành dân cho…bõ ghét, nạn hối lộ, tham nhũng…Thực tế ở Việt Nam trong suốt bao nhiêu năm qua đã cho thấy điều này.



ĐỜI SỐNG TINH THẦN VÀ TÂM LÝ “NGOÀI LỀ, NGOÀI LUỒNG”

Không chỉ kiếm sống ngoài lề, trong đời sống tinh thần và nhiều khía cạnh khác của xã hội Việt Nam hôm nay cái tình trạng ngoài luồng, ngoài lề đang tồn tại khắp mọi lĩnh vực. Có những cái ngoài luồng, ngoài lề là dấu hiệu tiêu cực của xã hội nhưng ngược lại, là sự tích cực, là hy vọng le lói cho một xã hội còn bị kiểm soát bởi một thể chế độc tài. Ví dụ như tình trạng văn học nghệ thuật ngoài luồng (đặc biệt ở Sài Gòn, một nền văn học ngoài lề, ngoài luồng đang âm thầm mãnh liệt tồn tại nhờ vào internet và những “nhà xuất bản” photocopy) và báo chi ngoài luồng, mà nhiều người quen gọi là báo chí “lề trái”, đặc biệt là sự phát triển của các trang web độc lập, các blog cá nhân…là những điều tích cực.



Văn học nghệ thuật ngoài luồng đã giúp cho những tiếng nói đa dạng, cách tân, trái chiều…với văn học nghệ thuật quốc doanh chịu sự định hướng, kiểm soát, kiểm duyệt của Đảng và nhà nước, được cất lên. Báo chí “lề trái” cung cấp luồng thông tin độc lập, tự do đến với người dân, giúp họ nhận ra những sự thật đã bị bóp méo, bưng bít, che dấu suốt bao nhiêu năm qua và vẫn đang bị bóp méo, bưng bít, che dấu…trong hiện tại -lợi ích và sức mạnh to lớn này đã quá rõ ràng.


Nhưng dù sao đi nữa, sự thật là trong một xã hội với một thể chế chính trị tự do, dân chủ, cho phép mọi sự tồn tại đa dạng, đa diện, trái chiều, với một hệ thống luật pháp rõ ràng minh bạch và một hệ thống kinh tế phát triển lành mạnh, chặt chẽ thì về kinh tế, sẽ không còn nữa tình trạng người dân phải tự cứu mình hoặc “chân trong chân ngoài”, về đời sống tinh thần, báo chí truyền thông cho đến văn hóa nghệ thuật sẽ không có sự phân biệt ngoài luồng, lề trái hay lề phải như hiện nay. Và đó mới là điều mà người dân Việt Nam đang hướng đến cũng như đáng được hưởng trong một thế giới mà hầu hết các quốc gia khác đều như vậy.



Song Chi

Nỗi Buồn Đàn Ông


- Trên bàn nhậu, các ông thường bàn về chuyện gì?

Đây là một câu hỏi mà tôi tin rằng 99% quý bà hay có chồng đi nhậu thường thắc mắc...

Khi tửu nhập thì ngôn xuất từ chuyện sở làm, bạn bè, chuyện vợ nhà (với đủ thứ thói xấu như tiền đong, gạo phát; ghen tuông trật chỗ - chỗ đáng ghen thì không ghen, lại ghen chỗ khác)... Và, sau cùng, một đề tài thường hay nói đến, nhất là ở bàn nhậu của các ông có tuổi trên 50 là nỗi buồn đàn ông.


Nếu quý bà không tin thì xin mời hãy tham dự một bàn nhậu đầu xuân mà thơ ca là phương tiện thanh tao, cao cả để diễn tả một đề tài rất ư là... trần thế và trần trụi. Tất nhiên, quý ông trong bàn nhậu này đều không phải là nhà thơ, nhưng chính họ lại là người thuộc nhiều thơ và đọc thơ rất là diễn cảm.

Một ông có hàng tiền đạo trống vắng, những cái răng còn lại thì run lẩy bẩy nhưng cố trệu trạo nói:

- Mấy ông biết không, về vụ có thể gọi là tóm tắt nhất cái bản chất của đàn ông thì bài thơ này là “nămbờ oan”... Mà bài thơ này do các bậc tiền bối ngày xưa truyền lại, có in vào sách trào phúng dân gian nữa nghe, chứ không phải là thơ sáng tác bây giờ đâu! Nói rồi, ông “thiếu răng” đọc sang sảng. Có lẽ nhờ hàm răng cửa thiếu và yếu, nên có gió đẩy đưa nghe sao mát dạ:

“Ngẫm rằng con tạo ý ra răng
... sao mà mọc trước răng
Lúc nhỏ cần răng thì mọc...
Khi già còn... lại không răng
Già nua hết thú, chèo queo..
Lọm khọm cần nhai rụng quách răng
Ngán ngẩm cho răng, buồn với...
Nghĩ rằng con tạo ý ra răng...”.



Cả bàn nhậu vỗ tay. Một tay gầy nhom như bộ xương trong bảo tàng viện châm biếm:

- Ông “thiếu răng” đọc bài này đầy tâm trạng. Bài thơ này diễn tả ông thiếu... cả hai thứ... Ha... ha...

Ông Thiếu Răng hơi ức bèn khiêu khích:

- Bạch cốt linh tinh đại gia có thể cho tiểu đệ nghe bài thơ nào hay hay được chăng?

Ông gầy “Bạch cốt linh tinh” hắng giọng:

- Chuyện nhỏ. Nghe nè... Hồi

“Sáng nay ngồi nấu nồi chè
Nhớ lại chuyện cũ nó đè trong tim
Ngồi buồn ngó xuống con... Chim
Xưa sao hùng dũng, nay im thế này
Lắc đi lắc lại mỏi tay
Mà sao nó vẫn ngây ngây khờ khờ
Bây giờ dù có ai rờ
Mà sao nó vẫn khờ khờ ngây ngây...



Một ông mập, lùn, với một cái mũi to và trán hói nên gương mặt hơi giống Trư Bát Giới - bạn hữu gọi ông ta là lão Trư - chen vào:

- Ốm nhom, ốm nhách như con cò ma, khờ khờ là phải rồi. Tớ đây, mập khỏe mà cũng có bài thơ diễn tả đúng tâm trạng và hoàn cảnh nha:

“Bây giờ sống cũng như không
Thôi rồi cái kiếp làm chồng làm cha
Bây giờ có sống đến già
Cho dù béo tốt cũng là công toi
Bây giờ pháo đã tịt ngòi
Gia tài còn lại một vòi nước trong
Suốt ngày nó chảy long tong
Đến khi hữu sự nó cong cái vòi...

Bạch cốt linh tinh lên tiếng:

- Ủa, đây là bài thơ nói về con heo bị thiến mà?

Ông Thiếu Răng huýt gió:

- Thì thằng lão Trư nói về nó mà! Chẳng thà ốm như mày mà “lắc đi lắc lại” là vì không có sức khỏe, còn nó mập, béo như thế mà khóc ròng thì chỉ có nước là bị thiến mà thôi...

“Thiến heo đây... thiến heo đây...”.

Quay qua người bạn ngồi cạnh bên đang im lìm như người đau bệnh trĩ (vì ông ta hay ngồi cà niễng một bên ghế), ông Thiếu Răng mời mọc:

- Sao rồi, Thằng Hề đại nhân đã rặn ra bài nào chưa? Bản mặt buồn như cải úng, Thằng Hề đại nhân lên tiếng:

- Có rồi. Bài này tôi mới được nghe giới giang hồ truyền tụng như là bài khẩu quyết của bọn đàn ông còn trẻ (í... ẹ) chúng ta. Hãy nghe đây mà ngậm ngùi:

“Ngày xưa sung sức thì nghèo
Bây giờ rủng rỉnh thì teo mất rồi
Bây giờ sức khỏe tuyệt vời
Nhưng mà nó có đàn hồi nữa đâu
Ngày xưa sức khỏe như trâu
Bây giờ “công cụ” nát nhàu như dưa
Ngày xưa chẳng kể sớm trưa
Bây giờ loáng thoáng lưa thưa buồn lòng
Ngày xưa như sắt như đồng
Như đinh đóng cột như rồng phun mưa
Bây giờ như cải muối dưa
Mười thang Minh Mạng vẫn chưa ngẩng đầu
Trải qua một cuộc bể dâu
Cái thời oanh liệt còn đâu nữa mà...!”.

Cả bàn nhậu cùng làm một dàn đồng ca:

- Nay mai về với ông bà
Nấp sau nải chuối ngắm gà khỏa thân...

Rốt cuộc, mỗi khi xuân đến thì chuyện leo lên bàn thờ càng gần, nhưng chỉ buồn một cái khi về với cát bụi, đàn ông chỉ được ngắm gà khỏa thân. Phải chi được ngắm cẳng dài cho đời nó đỡ tủi!

LÊ VĂN

Cái Mặt



Tiểu Tử



Con người có cái mặt là quan trọng nhứt. Thật vậy, nếu lấy cái mặt bỏ đi, tất cả những gì còn lại trên thân thể sẽ không dùng vào đâu được hết và cũng không còn tồn tại được nữa. Không có mũi để thở, không có miệng để ăn… con người không có cái mặt là kể như “tiêu tùng”!



Trước khi “đào sâu” cái mặt, xin mở dấu ngoặc ở đây để “vinh danh” tiếng Việt: phần lớn những gì nằm trên cái mặt đều bắt đầu bằng chữ “m”, trên thế giới chưa có thứ tiếng nào như vậy hết!



Đây, nhìn coi: trên mặt có mắt, mũi, miệng (mồm), má. Ở “mắt” có mày, có mi, có mí mắt, rồi mắt mụp, mắt mọng nước, mắt mơ màng, mắt mơ mộng, mắt mờ, mắt mù…



Qua tới “mũi”, ngoài “mùi” ra không thấy chữ “m” nào khác dính vào. Có lẽ tại vì cái mũi nó… cứng khư, không… linh hoạt. Ấy vậy mà nó – cái mũi – và “chân mày” (cũng kém linh hoạt như cái mũi!) lại được đi kèm với cái mặt để… hỗ trợ cho tiếng “mặt”, trong từ ngữ thông thường: “mặt mũi, “mặt mày”, làm như nếu nói “mặt” không, phát âm nghe… trơn lùi, nhẹ hểu không lọt lỗ tai! Cho nên người ta nói “mặt mũi bơ phờ”, “mặt mày hốc hác”, chớ ít nghe “mặt bơ phờ, mặt hốc hác”.



Bây giờ tới “miệng”, thì có môi, có mép, rồi mồm mép, môi miếng, miệng méo, miệng móm, mím môi, mếu máo, mấp máy, mớm, mút mấp…



Đến “má” thì ngoài “mụt mụn” chỉ có “mi một cái ” là còn thấy chữ “m” nhè nhẹ phất phơ…



Tiếng Việt hay quá!



Trở về với cái mặt. Ông Trời, khi tạo ra con người, ban cho cái mặt là một ân huệ lớn. Nhờ có cái mặt mà con người nhận ra nhau, chồng nhận ra vợ, con nhận ra cha, biết ai là bạn ai là thù… v… v…



Thử tưởng tượng một ngày nào đó bỗng nhiên không ai còn cái mặt nữa. Nếu có sống được nhờ một sự nhiệm mầu nào đó, thử hỏi con người lấy gì để nhận diện nhau? Chồng vợ, cha con, bạn thù gì đều… xà ngầu. Vậy là loạn đứt!



Cho nên xưa nay, người ta coi trọng cái mặt lắm. Có người còn nói: “Thà chịu mất mạng chớ không bao giờ để cho mất mặt”! Vì vậy, rủi có ai lỡ lời chạm tự ái một người nào thì người đó thấy bị… mất mặt, liền đưa một nắm tay lên hăm he: “Thằng đó, bộ nó giỡn mặt tao hả? Tao phải dằn mặt nó một lần cho nó biết mặt tao”. Rồi, bởi vì cái mặt nó… nặng ký như vậy cho nên khi nói về một người nào, người ta chỉ nhắm ngay vào cái mặt của người đó để mà nói.



Nếu ghét thì gọi “cái bản mặt”. [Cái mặt mà như tấm bản(g) thì thiệt tình thấy chán quá! Thường nghe nói: “Cái bản(g) mặt thằng đó tao coi hổng vô!” ]. Nếu hơi khinh miệt thì gọi “cái bộ mặt”. (“Thằng này có bộ mặt ăn cướp!”). Còn khi thương thì cái mặt trở thành “cái gương mặt”. (“Em có gương mặt đẹp như trăng rằm!”). Chưa hết! Khi nổi giận muốn… hộc máu, người ta cũng chỉ nhắm vào cái mặt của đối thủ chớ không chỗ nào khác để “dộng một đạp” hay “cho một dao” hay “phơ một phát” hay… “tạt một lon a-xít”!



Con người, khi nhìn người khác, lúc nào cũng bắt đầu ở cái mặt. (Chỉ có người không… bình thường mới nhìn người khác bắt đầu ở cái chân hay cái bụng hay cái lưng!). Ở đó - ở cái mặt – ngoài cái đẹp cái xấu ra, còn hiện lên “cái mặt bên trong” của con người. Các nhà văn gọi là “nét mặt”, nghe… trừu tượng nhưng suy cho kỹ nó rất đúng. Bởi vì chỉ có cái mặt là… vẽ được cái nội tâm của con người thật đầy đủ. Cho nên mới có câu “Xem mặt mà bắt hình dong”. Hình dong ở đây là cái hình dong giấu kín bên trong con người, cho nên, trên sòng bài, các con bạc thường “bắt gân mặt” nhau để đoán nước bài của đối thủ, cho nên mấy “giáo sư chiêm tinh gia” lúc nào cũng liếc sơ cái mặt của thân chủ trước khi nâng bàn tay lên xem chỉ tay, để… định mức coi “thằng cha này nó sẽ tin mấy phần trăm những gì mình nói”!



Cũng bởi vì cái mặt nó lôi thôi, phức tạp và… “phản động” như vậy cho nên các “đỉnh cao trí tuệ” của đảng cộng sản Việt Nam đã nâng cao cảnh giác, ẩn mặt suốt giai đoạn đấu tranh “chìm” và chỉ “xuất đầu lộ diện” khi toàn dân đã vùng lên nổi dậy. Và các “đồng chí vĩ đại” của ta lúc nào cũng ôm khư khư cái mặt để… quản lý nó từng giây từng phút, riết rồi nó cứng đơ như mặt bằng đất. Đến nỗi vào bàn hội nghị quốc tế, các đối tượng không làm sao “bắt gân mặt” để “đi” một nước bài cho ngoạn mục! Ở đây, phải nói thêm cho rõ là cho dù trong nội bộ với nhau – nghĩa là giữa “ta” và “ta” - cái mặt vẫn bị quản lý y chang như vậy, bởi vì hành động đó đã biến thành “bản năng” từ khuya! Cho nên đừng ngạc nhiên khi thấy, sau hội nghị mới ôm nhau “hôn nhau thắm thiết tình đồng chí” mà trên đường về lại khu bộ có cán bộ đã bị “bùm” hay bị “cho xuống hố” một cách rất… bài bản, để lại niềm “vô cùng thương tiếc” trên vòng hoa phúng điếu của người đã ra lịnh hạ thủ!



Bởi cái mặt nó phản ảnh con người nên hát bội mới “dặm mặt” sao cho đúng với cái “vai”. Để khi bước ra sân khấu, khán giả nhận ra ngay “thằng trung, thằng nịnh, thằng hiền, thằng dữ”… v… v… Ngoài đời, không có ai dặm mặt, nhưng vẫn được người khác “nhận diện” là: thằng mặt gà mái, thằng mặt có cô hồn, thằng mặt… mẹt, mặt mâm, mặt thớt, mặt hãm tài, mặt đưa đám, mặt trù cha hại mẹ, mặt… mo... v… v…




Trên sân khấu chánh trị Việt Nam, trong cũng như ngoài nườc, “đào kép” tuy không dặm mặt như nghệ sĩ hát bội nhưng mỗi người đều có “lận lưng” vài cái mặt nạ, để tùy hoàn cảnh, tùy đối tượng mà đeo lên cho người ta “thấy mình là ai” (dĩ nhiên không phải là cái mặt thật của mình). Rồi cũng “phùng mang trợn mắt hát hò inh ỏi” một cách rất… tròn vai, làm “bà con đồng bào, đồng chí, đồng hương” cứ thấy như thiệt! Điểm đặc biệt là ông nào bà nào cũng muốn thiên hạ chỉ nhìn thấy có “cái mặt của mình” trong đám bộ mặt đang múa may quay cuồng trên sân khấu. Vì vậy, họ phải ráng bơm cho cái mặt của mình to bằng… cái nia, để thấy họ mới đúng là… “đại diện”! Chẳng qua là họ muốn tạo thời cơ để kiếm cho cái... đít của họ một cái… ghế! Đến đây thì vở tuồng trên sân khấu đang chuyển sang lớp “gà nhà bôi mặt đá nhau”... Cái mặt đã trở thành “một vấn đề”!



Để chấm dứt bài này, và để được yên thân, xin phép độc giả cho tôi “vác cái mặt" của tôi đi chỗ khác!



Tiểu Tử

Giả Cầy

Phong Trần

(Quán chủ Phong Trần Quán)

Nông Quốc Tuấn, con trai Nông Ðức Mạnh.




Giới “đả cẩu,” nghĩa là những người mê thịt cầy chứ không phải là các đệ tử Cái Bang chuyên sử dụng Ðả Cẩu Bổng để chống lại lũ khuyển (thực cũng như giả). Khi không có “Cờ Tây” thì dân “đả cẩu” bèn dùng thịt heo nấu giả thịt cầy gọi là món Giả Cầy. Người ăn món giả cầy không bị lừa bịp vì đầu bếp đã nói hẳn đó chỉ là món giả thịt chó.


Nhưng trong xã hội An-nam XHCN thì những tay chuyên làm đồ giả, đồ dởm, đồ đểu đều thiếu cái tư cách chân thực của người làm món giả cầy, nhất là giới quan quyền XHCN. Chuyện “tiến sĩ giả cầy” đang làm cả nước xấu hổ còn thua xa các trò chính trị giả cầy đang diễn ra trong triều đình. Gần đến ngày đại hội Ðảng thì Nông vương cảm thấy mình rồng càng ngày càng sa sút do bội thực lộc nước nên đã sửa soạn nhường ngôi cho thế tử.


Kỳ Ðại Hội Ðảng khóa 10, Nông vương triệu tập quần thần để đưa thế tử vào TW đảng nhưng vì thế tử vướng mắc vào Bờ Mu Mười Tám (PMU-1 nên đành đưa thế tử đi trấn nhậm ở đất Bắc Giang. Nay nhân vụ công an Bắc Giang đánh chết người vô cớ Nông vương bèn chụp lấy thời cơ truất phế viên thái thú Bắc Giang để đưa thế tử lên thay. Theo luật lệ của Ðảng “ta” thì bí thư tỉnh phải là Ủy viên TW. Nay thế tử đã được một trăm phần trăm phiếu bầu lên làm Chánh Bí Thư tỉnh, nghĩa là danh chánh ngôn thuận nên BCT đương nhiên phải mời thế tử vào TW. Vào TW rồi tiến nhanh, tiến mạnh lên BCT để sau đó tiến vững chắc lên ngôi Hoàng đế. Ðường “hoàng đạo” của thế tử sáng vằng vặc như trăng rằm.


Báo chí trong nước được lệnh tuyên cáo cho thần dân tin mừng vĩ đại này nhưng không được nói rõ tân thái thú chính là con ruột của Nông vương để tránh tiếng cha truyền con nối giống như Kim triều ở xứ Triều Tiên. Triều đình ngăn cấm báo chí như vậy thì hơi thừa vì ai chả biết Nông Quốc Tuấn là con ruột của đức vua chứ đâu có mơ hồ, hư hư thực thực như như thân thế của vua cha. Giấu giếm như vậy chẳng khác nào mèo giấu của quý dưới gầm giường.


Khi được tin con trai yêu quý của mình lên chức Bí Thư tỉnh, Nông Hoàng hậu mừng như mới sinh quý tử, chạy ào vào cung hội kiến nhà vua.


- Mình ơi, thằng Tuấn nhà mình được làm bí thư tỉnh thiệt hả?


- Không thiệt thì giả hay sao, chắc bà hay nấu món giả cầy nên mới đa nghi như vậy.


- Thôi, em xin lỗi mình. Nhưng thằng Tuấn nhà mình không có mảnh bằng dằn túi thì ăn nói làm sao với thiên hạ?


- Bà chỉ vớ vẩn con mẹ đồng nát. Tôi sẽ bảo mấy trường đại học cấp cho nó vài cái bằng tiến sĩ tại chức tha hồ treo đầy vách.


- Nhưng nó có đi học ngày nào đâu mà có bằng?


- Ơ hay! Thế tôi có biết tiếng Nga đâu mà cũng có bằng kỹ sư Liên Xô. Ba Dũng chưa học hết cấp một mà có bằng cử nhân Luật. Thế có đứa nào dám thắc mắc không? Thằng Tuấn đã từng qua Ðông Ðức lao động nên cứ nói nó đậu tiến sĩ ở Ðông Ðức thì còn ai nghi ngờ được nữa! Thịt chó thật hay giả cầy ăn vào mà còn không biết nữa là bằng thiệt với bằng giả!


- Ai bày ra cái trò bằng cấp này mệt thật. Cứ như hồi sinh thời bác em thấy là êm đẹp nhất. Trong đảng chả ai có bằng cấp cả. Các tổng bí thư từ đồng chí Lê Dức Thọ, Ðỗ Mười, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh,... có ai đỗ đạt gì đâu.


- Thời đó ta chủ trương “trí, phú, địa, hào, đào tận gốc” thì bố ai dám khoe chữ. Mà cụ Mao đã phán rằng “trí thức không bằng cục phân” thì ai dại gì mà làm cục phân. Bây giờ mình làm kinh tế thị trường mà lại lòi cái dốt học ra thì bọn tư bản nó coi mình ra cái gì.


- Thằng Tuấn mà lên Tổng Bí Thư Ðảng thì em sẽ phải cáng đáng nhiều chuyện thay cho nó nên mình cũng phải lấy cho em một cái bằng không tiến sĩ thì cũng phải thạc sĩ để có uy thế ăn nói với người ta.


- Thế bà muốn lấy bằng tiến sĩ môn gì, chả lẽ lại lấy bằng tiến sĩ nấu giả cầy hả?


- Này ông đừng có bêu riếu tôi. Tôi nấu giả cầy nhưng có lừa dối ai đâu! Các ông mới là những tay nấu giả cầy thượng thừa. Nấu cho cả nước ăn mà không ai dám kêu ca.


Nhân dân trong nước bị ăn giả cầy chính trị hoài hoài nên riết thành ghiền. Ðảng chạy theo chủ nghĩa tư bản rành rành mà cứ hô toáng lên là kiên trì tiến lên CNXH thì CNXH của ta là CNXH giả cầy chứ còn gì! Vậy mà khối anh trí thức CNXH cứ leo lẻo ca rằng thì là Ðảng theo ông Mác ông Lê thật. Ðảng nói học tập đạo đức “bác Hồ” mà tham nhũng vô địch thì hoặc là Ðảng học tập giả cầy hoặc là đạo đức của “bác” là đạo đức giả cầy. Vậy mà cán bộ đảng viên giành nhau chức tiên tiến về học tập đạo đức “bác”! Ta làm đếch gì có dân chủ mà Ðảng cứ nhâng nhâng nháo nháo rằng ta dân chủ gấp hàng nghìn lần các nước tư bản thì rõ ràng dân chủ của ta là dân chủ giả cầy! Ta bị Tàu nó chiếm đất chiếm biển mà cứ ngoạc mồm ra ca tụng tình hữu nghị 16 chữ vàng tức là ta bị Tàu nó nhét giả cầy vào họng mà vẫn khen rằng thịt cầy Tàu ngon!


Xã hội XHCN của ta là xã hội XHCN giả cầy nên nhân dân mới nửa tỉnh nửa mê, đất nước gần tiêu vong mà vẫn tưởng thái bình thịnh trị, tung hô Ðảng vạn tuế để nền chính trị giả cầy thiên thu trường trị.


Phong Trần