Saturday, September 4, 2010

Nỗi Buồn Đàn Ông


- Trên bàn nhậu, các ông thường bàn về chuyện gì?

Đây là một câu hỏi mà tôi tin rằng 99% quý bà hay có chồng đi nhậu thường thắc mắc...

Khi tửu nhập thì ngôn xuất từ chuyện sở làm, bạn bè, chuyện vợ nhà (với đủ thứ thói xấu như tiền đong, gạo phát; ghen tuông trật chỗ - chỗ đáng ghen thì không ghen, lại ghen chỗ khác)... Và, sau cùng, một đề tài thường hay nói đến, nhất là ở bàn nhậu của các ông có tuổi trên 50 là nỗi buồn đàn ông.


Nếu quý bà không tin thì xin mời hãy tham dự một bàn nhậu đầu xuân mà thơ ca là phương tiện thanh tao, cao cả để diễn tả một đề tài rất ư là... trần thế và trần trụi. Tất nhiên, quý ông trong bàn nhậu này đều không phải là nhà thơ, nhưng chính họ lại là người thuộc nhiều thơ và đọc thơ rất là diễn cảm.

Một ông có hàng tiền đạo trống vắng, những cái răng còn lại thì run lẩy bẩy nhưng cố trệu trạo nói:

- Mấy ông biết không, về vụ có thể gọi là tóm tắt nhất cái bản chất của đàn ông thì bài thơ này là “nămbờ oan”... Mà bài thơ này do các bậc tiền bối ngày xưa truyền lại, có in vào sách trào phúng dân gian nữa nghe, chứ không phải là thơ sáng tác bây giờ đâu! Nói rồi, ông “thiếu răng” đọc sang sảng. Có lẽ nhờ hàm răng cửa thiếu và yếu, nên có gió đẩy đưa nghe sao mát dạ:

“Ngẫm rằng con tạo ý ra răng
... sao mà mọc trước răng
Lúc nhỏ cần răng thì mọc...
Khi già còn... lại không răng
Già nua hết thú, chèo queo..
Lọm khọm cần nhai rụng quách răng
Ngán ngẩm cho răng, buồn với...
Nghĩ rằng con tạo ý ra răng...”.



Cả bàn nhậu vỗ tay. Một tay gầy nhom như bộ xương trong bảo tàng viện châm biếm:

- Ông “thiếu răng” đọc bài này đầy tâm trạng. Bài thơ này diễn tả ông thiếu... cả hai thứ... Ha... ha...

Ông Thiếu Răng hơi ức bèn khiêu khích:

- Bạch cốt linh tinh đại gia có thể cho tiểu đệ nghe bài thơ nào hay hay được chăng?

Ông gầy “Bạch cốt linh tinh” hắng giọng:

- Chuyện nhỏ. Nghe nè... Hồi

“Sáng nay ngồi nấu nồi chè
Nhớ lại chuyện cũ nó đè trong tim
Ngồi buồn ngó xuống con... Chim
Xưa sao hùng dũng, nay im thế này
Lắc đi lắc lại mỏi tay
Mà sao nó vẫn ngây ngây khờ khờ
Bây giờ dù có ai rờ
Mà sao nó vẫn khờ khờ ngây ngây...



Một ông mập, lùn, với một cái mũi to và trán hói nên gương mặt hơi giống Trư Bát Giới - bạn hữu gọi ông ta là lão Trư - chen vào:

- Ốm nhom, ốm nhách như con cò ma, khờ khờ là phải rồi. Tớ đây, mập khỏe mà cũng có bài thơ diễn tả đúng tâm trạng và hoàn cảnh nha:

“Bây giờ sống cũng như không
Thôi rồi cái kiếp làm chồng làm cha
Bây giờ có sống đến già
Cho dù béo tốt cũng là công toi
Bây giờ pháo đã tịt ngòi
Gia tài còn lại một vòi nước trong
Suốt ngày nó chảy long tong
Đến khi hữu sự nó cong cái vòi...

Bạch cốt linh tinh lên tiếng:

- Ủa, đây là bài thơ nói về con heo bị thiến mà?

Ông Thiếu Răng huýt gió:

- Thì thằng lão Trư nói về nó mà! Chẳng thà ốm như mày mà “lắc đi lắc lại” là vì không có sức khỏe, còn nó mập, béo như thế mà khóc ròng thì chỉ có nước là bị thiến mà thôi...

“Thiến heo đây... thiến heo đây...”.

Quay qua người bạn ngồi cạnh bên đang im lìm như người đau bệnh trĩ (vì ông ta hay ngồi cà niễng một bên ghế), ông Thiếu Răng mời mọc:

- Sao rồi, Thằng Hề đại nhân đã rặn ra bài nào chưa? Bản mặt buồn như cải úng, Thằng Hề đại nhân lên tiếng:

- Có rồi. Bài này tôi mới được nghe giới giang hồ truyền tụng như là bài khẩu quyết của bọn đàn ông còn trẻ (í... ẹ) chúng ta. Hãy nghe đây mà ngậm ngùi:

“Ngày xưa sung sức thì nghèo
Bây giờ rủng rỉnh thì teo mất rồi
Bây giờ sức khỏe tuyệt vời
Nhưng mà nó có đàn hồi nữa đâu
Ngày xưa sức khỏe như trâu
Bây giờ “công cụ” nát nhàu như dưa
Ngày xưa chẳng kể sớm trưa
Bây giờ loáng thoáng lưa thưa buồn lòng
Ngày xưa như sắt như đồng
Như đinh đóng cột như rồng phun mưa
Bây giờ như cải muối dưa
Mười thang Minh Mạng vẫn chưa ngẩng đầu
Trải qua một cuộc bể dâu
Cái thời oanh liệt còn đâu nữa mà...!”.

Cả bàn nhậu cùng làm một dàn đồng ca:

- Nay mai về với ông bà
Nấp sau nải chuối ngắm gà khỏa thân...

Rốt cuộc, mỗi khi xuân đến thì chuyện leo lên bàn thờ càng gần, nhưng chỉ buồn một cái khi về với cát bụi, đàn ông chỉ được ngắm gà khỏa thân. Phải chi được ngắm cẳng dài cho đời nó đỡ tủi!

LÊ VĂN