Tuesday, April 10, 2012

Công tử Bạc Liêu




Ks. Công tử Bạc Liêu. Ảnh: internet 

Dân ta ai cũng nhớ giai thoại nổi tiếng về hai công tử Bạc Liêu là Hắc công tử và Bạch công tử “chơi” nhau. 

Một lần Bạch công tử móc thuốc hút, vô ý làm rớt tờ giấy 5 đồng thời đó (giá cả: 1,7 đ một giạ lúa, lương thống đốc Nam kỳ là 3000đ), Bạch công tử cuối xuống tìm kiếm. 

Hắc công tử thấy vậy hỏi: 

- Chú kiếm gì vậy? 

- Tôi kiếm tờ con công (tờ bạc 5 đồng) 

Hắc công tử mỉm cười nói: 

- Để tôi đốt đuốc cho chú kiếm. 

Nói rồi Hắc công tử móc tờ giấy bạc 100 đồng châm lửa soi cho Bạch công tử tìm tờ 5 đồng. 

Bị một vố quá nặng, Bạch công tử liền thách “Bây giờ, toa với moa cân mỗi người ký đậu xanh, rồi lấy tiền nấu, ai sôi trước người ấy thắng?” 

Thế là cuộc thi được tổ chức mấy ngày sau. Tiền giấy thường làm bằng giấy tốt nên cháy chậm, nấu sôi nồi chè, chắc cũng vài bì mới đủ. Cuối cùng, nồi chè Bạch công tử sôi trước, Hắc công tử đành thua cuộc. 

Người nhà của hai công tử toát mồ hôi xem cảnh đun tiền giấy như rơm rạ. 

Công tử Bạc Liêu sang Mỹ 

Tuần trước, báo chí sôi nổi về một người Việt đã mua trọn một thị trấn của tiểu bang Wyoming với giá 900.000 USD qua sáu phút đấu giá trước sự chứng kiến của truyền thông và người hiếu kỳ ở địa phương. 

Thị trấn Buford, thực chất là khu đất vài mẫu ruộng bỏ hoang hóa, chỉ có một người dân kiêm luôn thị trưởng là ông Don Sammons. 

Thị trấn 1 người. Ảnh: internet 

Cánh môi giới bán đấu giá đưa giá ban đầu là 100.000USD, bao gồm mã bưu chính, trường học lâu đời, căn nhà ba phòng ngủ cùng nguồn thu duy nhất của thị trấn là một trạm xăng và một cửa hàng tiện ích mang tên Buford Trading Post. Họ không quên quảng cáo đây là thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ. 

Trong thực tế, đây là mảnh đất khoảng bốn hecta nằm trên cao độ 2.400 mét giữa một khu vực trống trải không người và sống nhờ trạm xăng giữa đường, ít người qua lại, nối liền thủ phủ Cheyenne với thành phố Laramie. 

Trong phiên đấu giá, số tiền để mua thị trấn này đã tăng từ 100.000 USD lên 900.000 USD chỉ trong 15 phút. Chỉ vì thấy nói bán bán một thị trấn bên Mỹ mà mấy chục nhà đầu tư đã tham dự từ nhiều quốc gia. Ông chủ cùng với cánh mối lái kiếm bẫm sau vụ này. 

Dù thế nào thì Cua Times cũng chúc mừng ông chủ mới của thị trấn Buford một người, ăn nên làm ra, làm được siêu thị quảng cáo hàng Việt giữa đồng không mông quạnh, cho cao bồi lác mắt, biết thế nào là công tử Việt ăn chơi. 900.000 đô la mà qui ra tiền Việt cũng đủ ninh nhừ vài tạ đỗ. 

Nhiều Cao Bồi Mỹ cũng thất kinh vì vụ mua bán này. 

Công tử…Nhà nước 

Ngày nay, tay chơi kiểu công tử Bạc Liêu có xu hướng tăng lên. Các đại gia thi nhau sắm xe triệu đô, máy bay riêng, đám cưới con với xe khủng, tiêu vài triệu đô la là thường. Nói gì thì nói, đây là tiền của họ, nguồn gốc sạch hay bẩn không bàn ở đây, đại gia muốn đốt tiền thì đó là quyền của người ta. 


Tầu Bình Minh của Viet Petro. Ảnh: internet 

Nhưng máu ăn chơi “Bạc Liêu” ngấm vào đại gia Nhà nước mới thực sự tai hại. Thay vì sắm xe khủng, nhà vài triệu đô, máy bay riêng, họ tìm cách đầu tư “khủng”, không cần biết lời lãi thế nào. Người dân nghèo è cổ đóng thuế và trả nợ là nạn nhân của các công tử kiểu này. 

Vừa có vụ Vinashin làm thất thoát 4 tỷ đô la, chủ tịch vào tù thì Báo Thanh Niên đưa tin về nhiều sai phạm lớn tại các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước “Trong quý 1/2012, TTCP tiến hành 25 cuộc thanh tra tại một số tập đoàn, tổng công ty lớn, như: Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Hóa chất, Bộ Xây dựng (thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nhà ở)… Qua đó, phát hiện sai phạm, thiếu sót về kinh tế với số tiền 30.720 tỉ đồng, kiến nghị thu hồi về cho ngân sách 3.712 tỉ đồng; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền trên 27.000 tỉ đồng. Trong đó Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên sai phạm hơn 10.000 tỉ đồng; Tập đoàn hóa chất VN và các đơn vị thành viên là trên 700 tỉ đồng” 

Nếu qui ra đô la số tiền bị thất thoát và đem vào lò đun chắc cũng làm chảy chiếc tầu Bình Minh của PVN (Petro Vietnam) trong ảnh. 

Câu chuyện dùng tiền giấy nấu sôi nồi đỗ ngày xưa chẳng là gì. Hắc công tử và Bạch công tử có sống lại sẽ vái thế hệ con cháu, và dân tộc 90 triệu người kinh hoàng nhìn cảnh tiền giấy nung chảy thép. 

HM. 10-04-2012


_______________________________________________


Liều thuốc tự do

Bi Rain

Trong đêm lưu diễn ở Hà Nội của Bi Rain, một số fan Việt quì xuống để ngửi và hôn hít chiếc ghế mà thần tượng của mình vừa ngồi.

Thông tin này lập tức gây sóng gió trong cộng đồng mạng Việt Nam sau khi lan truyền trên Facebook. Hầu hết báo giới thể hiện sự bất bình, và nhiều người nói về một nỗi nhục dân tộc. Người ta giật tít: “choáng”, “sock”, “quá trớn”, “crazy”… Nhiều trí thức than vãn về sự suy đồi các giá trị tinh thần. Và khi những xúc động đã tạm lắng đi, một số blogger viết bài lí giải. Tôi thấy khá nhiều lí do đã được đề cập. Chẳng hạn: sự tồi dở của nền giáo dục, sự thui chột của nền nghệ thuật Việt Nam, sự xuống cấp của đạo đức và phẩm giá con người…

Nhìn chung, hầu hết các nhà bình luận tin rằng tuổi trẻ Việt Nam ngày càng mất nết :D

Nhưng kết luận ấy, theo tôi, hơi có chút vội vàng và nóng nảy. Thanh niên Việt quả thực kém cỏi so với bạn đồng lứa bốn phương. Nhưng là một sinh viên, mà nhờ công việc nhóm, có khá nhiều trải nghiệm về sự chuyển biến tâm lí qua các thế hệ, tôi vẫn khá lạc quan về triển vọng của lớp người mà mình thuộc về.

Vậy trong cuộc thảo luận sôi nổi về thực trạng của tuổi trẻ Việt Nam, xin góp cho diễn đàn một cái nhìn của người trẻ.

Thực ra, tôi nghĩ vấn nạn bao trùm sự vụ này không phải là sự sùng bái văn hóa Hàn Quốc. Nguyên nhân cốt lõi, nhưng chưa thấy được đề cập, là cái quì gối trong văn hóa Việt Nam.

Nếu bạn chưa đồng ý, ta hãy cùng nhìn rõ bằng óc tưởng tượng của mình.

Giả sử, khi vẽ tranh, bạn giữ nguyên tư thế quì lạy và hôn ghế. Bạn thay thần tượng Bi Rain bằng thần tượng Khổng Tử. Rồi thay văn hóa Hàn Quốc bằng văn hóa Trung Hoa.

Làm thế, vụ “hôn ghế thần tượng” đình đám sẽ không còn là bức tranh về một thế hệ trẻ mất gốc và suy đồi.

Thay vào đó, ngạc nhiên chưa! Sẽ là bức tranh chuẩn mực về đạo Thánh hiền của các Nho sĩ.

Vậy có thanh niên Việt mất gốc không nhỉ? :)

Chúng ta chướng mắt khi giới trẻ Việt quì xuống hôn ghế một thần tượng âm nhạc nước ngoài. Nhưng hãy nhìn cái quì suốt dòng lịch sử của các thế hệ đi trước. Suốt hai thiên niên kỉ, người Việt quì mọp ngoan ngoãn dưới cái ghế của các vua quan. Hăng hái dẫn đầu truyền thống này là giới sĩ phu – tầng lớp được xem như khối óc của cả nước.

Và so với thế hệ trẻ hôm nay, các nhà Nho vượt xa về độ vọng ngoại. Giới trẻ Việt Nam không đặt tượng Bi Rain lên bàn thờ, không xem anh như nguồn chân lí duy nhất đúng, và cũng không tôn anh này là “bậc Thánh nhân”. Họ không gọi tiếng Hàn Quốc là “chữ thánh hiền”. Họ cũng không đề nghị sử dụng tiếng Hàn Quốc, thay vì tiếng Việt, làm ngôn ngữ chính thức để giảng dạy trong mọi cấp học. Họ không chủ trương một nước Việt Nam mà mọi bài thơ, mọi bộ luật, và mọi văn bản hành chính đều được soạn thảo bằng tiếng Hàn Quốc. Họ không học lịch sử Hàn Quốc thay vì sử Việt Nam. Nhưng với văn hóa Trung Quốc, giới Nho sĩ – mà một thời được cả xã hội tôn vinh như hình mẫu lí tưởng để theo đuổi – đã thể hiện thái độ thế nào?

Tìm một tấm gương tốt cho thanh niên Việt Nam, xem ra, khó lắm!
Nếu bạn phản đối việc so đám trẻ trâu với các cụ đồ đạo mạo, ta hãy thử tìm một sự liên tưởng gần gũi hơn. Hãy tua cuộn phim lùi về 50 năm trước. Tưởng tượng hồi thập niên 1960, cũng trên đất Hà Nội này, “…một số cháu thiếu niên cúi xuống, nhẹ nhàng hôn lên chiếc ghế mà Bác đã ngồi với niềm kính yêu vô hạn dành cho người cha già của toàn dân tộc…”.

À, vậy thì các cháu cũng sẽ lên báo Nhi Đồng, báo Tiền Phong, báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên… Nhưng không phải cùng các cụm từ “crazy”, “choáng”, “quá trớn”… , mà là trong các bài viết tuyên dương “những hạt giống đỏ”, “những mầm non Cách mạng”, “những ngọn cờ hồng”

Trong chương trình học của tuổi trẻ Việt Nam hôm nay, người ta nhắc đến bao nhiêu “ngọn cờ hồng” như thế. Và người ta giảng dạy, tuyên truyền, chỉ để tạo ra thêm những “ngọn cờ” cũng y như thế. Ôi, những tấm gương…!

Và hãy nhìn lại tư thế khúm núm, xum xoe, khăm khẳm mùi nịnh bợ mà đại thi hào Tố Hữu – Nguyên Ủy viên bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bí thư Ban chấp hành Trung ương – đã dành cho cái ghế quyền lực dưới mông hai thần tượng của mình:

Bữa trước mẹ cho con xem ảnh
Ông Xít-ta-lin bên cạnh nhi đồng
Áo Ông trắng giữa mây hồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười

Xít-ta-lin! Xít-ta-lin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin!

Hôm qua loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao
Làng trên xóm dưới xôn xao
Làm sao, Ông đã… làm sao, mất rồi!

Ông Xít-ta-lin ơi, Ông Xít-ta-lin ơi!
Hỡi ơi, Ông mất! Đất trời còn không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười!


Tư thế đẹp đẽ ấy còn được lột tả chân thực hơn nữa qua 5 câu thơ:

Giết! Giết nữa! Bàn tay không ngơi nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu
Cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Xít-ta-lin bất diệt!


Nhưng Mao Chủ tịch và “Shít-ta-lin bất diệt” mà Tố Hữu… thờ, và đề nghị toàn Đảng, toàn dân “rập bước chung lòng” cùng… thờ, hai vị ấy là ai?

Những bạn chưa biết câu trả lời, xin Google các cụm từ “Mao Trạch Đông”, “Stalin”, “độc tài”, “tàn sát”… Cả hai là những bạo chúa bị nhân loại lên án vì phạm tội ác diệt chủng. Cả hai đã sát hại hàng triệu sinh mạng – mà một phần lớn thuộc tầng lớp tinh hoa của dân tộc – trong các cuộc thanh trừng phi nhân tính để củng cố quyền lực của bản thân. Đấy! Hai “mặt trời chân lí” mọc đằng Bắc, mà ông Tố Hữu dạy ông bà, cha mẹ chúng tôi phải thương hơn cha, hơn mẹ, hơn chồng mình đấy!

Dầu vậy, Tố Hữu không làm báo giới phiền lòng, và chính giới thì lại càng không. Ông không “suy đồi các giá trị tinh thần”, không “vong bản”, không “mất gốc”. Người ta mời ông làm Ủy viên bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bí thư Ban chấp hành Trung ương. Người ta trao ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, đợt thứ nhất. Người ta để ông dạy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xúm xuýt “thờ” các thần tượng – trong cương vị Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc, Trưởng Ban Thống nhất Trung ương, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương. Ngày nay, thơ ông chiếm phần quan trọng trong chương trình học môn Ngữ Văn của mọi cấp. Sách giáo khoa mô tả ông như một nhà thơ lớn, và một nhân cách lớn của dân tộc. Sự nghiệp của Tố Hữu quả là một tấm gương sáng cho các cháu nhi đồng và thanh thiếu niên!

Tôi còn định nêu thêm vài ví dụ nữa về một người Việt Nam sùng bái thần tượng ngoại quốc đến mê cuồng. Vị này, vì hôn ghế “ba ông kia kìa” một cách say sưa, mà làm dân tộc ông mất 4 triệu mạng người, và nước ông lỡ mất một thế kỷ. Ngày nay, vị này được báo chí mô tả như một nhà tư tưởng vĩ đại và một tấm gương đạo đức lớn. Người ta đang phát động một chiến dịch rầm rộ và siêu tốn kém để giục cả nước học tập và làm theo tấm gương đạo đức của ông. Nếu có ai đó mà thế hệ của tôi – theo lệnh “trên” – buộc phải lấy làm khuôn vàng thước ngọc mà bắt chước, thì trăm phần trăm đó là ông này. Nhưng thôi, không nhắc đến tên ông ta làm gì, mất vui lắm :-)

Tới đây, có lẽ vấn đề đã sáng tỏ. Tư thế quì lạy và hôn ghế thần tượng chẳng phải đặc sản của thế hệ chúng tôi. Ta thấy nó hiện diện rộng khắp ở mọi thế hệ người Việt mình. Và phải nói rằng đến thế hệ của tôi, chứng bệnh kinh niên này đã nhiều lần thuyên giảm.
Vậy xin đừng cố mò mẫm chẩn bệnh cho riêng một thế hệ nữa. Tìm sao được, khi căn bệnh ấy cũng làm tổ trong não bộ của chính những nhà báo hăm hở lên án vụ hôn ghế Bi Rain ? Và khi những khuôn vàng thước ngọc để thanh niên Việt Nam học hỏi lại là những con bệnh nặng nhất, thì biết chữa bằng cách nào?

Chúng ta cần một liều thuốc cho cả nước.

Tư thế nô lệ đến từ tâm thế nô lệ. Có cùng một triệu chứng nơi các Nho sĩ Việt, đại thi hào Tố Hữu, ông cụ mà tôi không nêu tên được, và các bạn trẻ vừa xì xụp hôn hít ghế Bi Rain. Họ thiếu tự trọng, và chịu sự lệ thuộc tinh thần.

Mà chỉ những con người tự do mới có sự tự trọng vẹn nguyên và đúng nghĩa.

Lúc này còn chưa quá muộn. Tuổi trẻ Việt chỉ mới quì lạy và hôn ghế một ngôi sao vô hại của xứ Kim Chi. Chưa đến ngày mà họ, một lần nữa, sụp lạy dưới những “mặt trời chân lí” vẽ bằng máu đỏ trên tấm da vàng.

Chưa quá muộn, để kê đơn chữa bệnh “trẻ con” cho đất nước.

Liều thuốc chúng ta cần là một văn hóa tự do, bắt nguồn từ một môi trường tự do và tôn trọng. Kê liều thuốc này, trước hết, phải là các bậc cha mẹ, các nhà giáo, và người trí thức Việt Nam.

© Nhọ
1/4/2012
Nguồn: Dân Luận