Saturday, December 10, 2011

MẤY CHUYỆN “NHẠY CẢM”: Phạm Duy, Chế Linh, Ý Lan


Cô Gái Đồ Long


Người ta thường xài hai chữ “Nhạy cảm” khi muốn từ chối bàn thẳng về một vấn đề có thể gây tác động đến dư luận. Trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của Việt Nam, không chỉ Phạm Duy thuộc chủ đề nhạy cảm chính trị mà nhiều nghệ sĩ hải ngoại cũng nằm trong danh sách đó; Chế Linh cũng không ngoài được…

1. PHẠM DUY – ĂN MÀY DĨ VÃNG.



  


Trong phạm vi nào đó, âm nhạc và chính trị là hai phạm trù đối kháng với nhiều cá nhân coi âm nhạc đơn giản chỉ vị nghệ thuật và không – với những người dùng các sáng tác để ca tụng chế độ mình phục vụ hay bày tỏ chính kiến, quan điểm, tâm trạng về thời cuộc. Và như thế, Phạm Duy là một trường hợp mà hầu như ai cũng tỏ tường lý lịch và không nhất thiết phải mổ xẻ thêm nữa. Ở đây chỉ đề cập tới vài chuyện trong những năm gần đây khi ông quay về.

Phàm làm người, nhất là một nhân vật văn nghệ đặc biệt như Phạm Duy thì chuyện bỏ đi rồi lại quay về rất có nhiều cái dở nếu bàn về lập trường và quan điểm sống. Ở vào thời điểm tháng 5/2005, khi ông chính thức định cư Việt Nam sau 30 năm tha hương, hầu hết các báo đều hết lời ca tụng, tâng bốc Phạm Duy lên tận mây xanh. Người ta nhắc ông như người bạn thân thiết với nhạc sĩ “Quốc ca” Văn Cao và cùng Văn Cao sáng tác nhiều ca khúc trong thời kháng chiến chống Pháp, người ta khẳng định chắc nịch lần nữa rằng ông chính là một trong những cây đại thụ hiếm hoi còn lại của nền tân nhạc Việt Nam. Người ta cũng chỉ nói me mé rằng Phạm Duy đã sáng tác gần 1.000 ca khúc nói lên niềm vui, nỗi buồn, vinh quang, tủi nhục của người Việt trong suốt các thời kỳ sôi động nhất của lịch sử và lờ đi những chuyện phản phé, cũng như tư tưởng chống Cộng công khai của ông trước đây. Báo chí Việt Nam đã làm đúng vai trò và trách nhiệm của mình, trong xu thế cởi mở xem sự kiện Phạm Duy là động thái lên dây cót cho nhiều Việt kiều vứt bỏ e ngại quay về, ông đã trở thành nhịp cầu nối quê hương với người Việt xa xứ. Nếu nói theo cách khác, khá cao chiêu rằng: Phạm Duy đã trở thành con bài cho việc vận động kiều bào và là điển hình hoàn hảo của chính sách hòa hợp dân tộc. Trong suốt 5 năm qua, nếu theo dõi sẽ thấy có 100 bài hát, 8 album cùng nhiều sách của Phạm Duy đã được cấp phép, in ấn đẹp mắt xuất bản đến với công chúng, không bỏ bèn gì đối với gia tài âm nhạc cả ngàn ca khúc của ông. Nhưng, thật là chẳng nên mơ mộng thêm điều gì nếu nhìn qua vài nhân vật cũng khá đặc biệt khác như Hoàng Thi Thơ, Trần Thiện Thanh, Vũ Thành An – 10 bài Không tên hiện vẫn chưa được phép lưu hành, cho dù nhạc sĩ này nghe đâu đã bỏ đời đi tu. Công lao đó không thể không nói tới Phương Nam Phim, nơi độc quyền khai thác các sản phẩm trí tuệ của Phạm Duy; với những live show hoành tráng và nhiều mỹ cảm thực hiện tại Sài Gòn – Hà Nội như Ngày trở về, Con đường tình ta đi…trong đó có chương trình còn được giải thưởng Cống hiến. Ngày nào còn ngồi rung đùi nheo mắt ngắm nắng ở Mỹ có lẽ Phạm Duy cũng chẳng thể mơ được nhiều đến như thế! Phạm Duy còn có nhiều trường ca và tổ khúc viết trong 30 năm nay, ông thường ước ao giá được phổ biến nữa thì còn gì bằng. Mới tháng trước, Phạm Duy tự thực hiện tổ khúc Bên kia sông Đuống để tặng nhà thơ Hoàng Cầm khi bạn già này từ giã thế gian. Ông nhờ Mỹ Linh hát và Duy Cường hòa âm phối khí, xong mang tặng cho gia đình Hoàng Cầm …để lên bàn thờ. Kiểu này gọi là đĩa lậu đấy! Khi kể xong chuyện, Phạm Duy còn bảo rằng nếu trước khi ông ra đi như Hoàng Cầm mà nghe được những tổ khúc của mình được công bố rộng rãi trên sân khấu thì đời mới thật mãn nguyện lắm lắm.



Nhưng mà làm người chẳng nên tham lam quá!

Hôm rồi gặp, nghe Phạm Duy tâm sự: “Tôi ngày nào cũng đi bộ 3 tiếng đấy. Khỏe ra lại ăn được nhiều, cô giúp việc nhà nấu ngon lắm. Hiện Duy Minh đang sống với tôi, bố con chuyện trò rất hiểu ý nhau nên tinh thần cũng thoải mái. Buồn thì đi gặp vài người bạn khề khà thôi cũng hết buổi. Lâu rồi tôi không đi qua Mỹ nữa, năm ngoái chỉ sang để chữa bệnh đau ruột, mãn tính chữa mãi không khỏi nên thôi giờ không đi nữa. Tôi đã về Việt Nam 5 năm rồi, đây là nơi cuối cùng tôi chọn để ở và chết, không ưng đi đâu cả…”. Ở tuổi 91 coi như vậy cũng đã bằng an! Nhưng đó là chuyện cá nhân ông, còn người làm kinh doanh – Công ty Phương Nam (PNF), lại không có lệ an phận như vậy, nhất là khi đã bỏ nhiều công sức và tiền bạc để Phạm Duy được đường hoàng trở về. Trong chừng thời gian đó là live show, các ấn phẩm sách báo rồi băng đĩa…cứ mỗi lần ra mắt, muốn bán vé bán đĩa bán sách thì phải PR, tiếp thị, phải lên báo đánh trống khua chiêng la làng để người ta còn biết đường mà mua hàng. Nếu theo dõi báo chí trong nước, sẽ không khó nhận ra. Ngoại trừ vài tờ báo lớn như Thanh Niên, Tuổi Trẻ có những mối quan hệ thân thiết với PNF thì các đầu báo mang tính định hướng chính trị – xã hội cao như SGGP, Nhân Dân, Công An sau khi ồn ào với sự kiện “Trở về” của Phạm Duy đã không còn đăng tải tin, bài về ông nữa. Mọi sự không tự nhiên mà như thế! Còn nhớ sau liveshow “Ngày trở về” tôi có bài review trên một trong những tờ báo đó và kết quả là ban biên tập đã được cấp trên gọi xuống cảnh cáo. Lần khác, khi siêu bão Chanchu tàn phá miền Trung, phòng trà Văn Nghệ có kết hợp với báo Công An TP. tổ chức show “Phạm Duy – Về miền Trung” để quyên góp tiền gửi cho nạn nhân lũ lụt. Thế nhưng giờ chót đã phải tháo băng rôn và gỡ tên báo ra vì có lệnh xuống là không được nhắc nhở gì tới Phạm Duy nữa, muốn tổ chức hát hò gì cứ âm thầm mà làm. Nói như giọng hằn học của ông NSND Trọng Bằng: “Bàn đến Phạm Duy những người chân chính ở Việt Nam đã biết cả rồi, biết Phạm Duy như thế nào trong quá khứ, Phạm Duy có cái gì tốt, cái gì chưa tốt, bản chất của Phạm Duy và giá trị thật âm nhạc của anh người nghe đều hiểu cả. Sự trở về của Phạm Duy là sự ưu ái của Đảng và Nhà nước, sự rộng lượng của nhân dân ta, nên đừng đặt mình ở vị trí cao, cứ nên im lặng mà làm việc thôi. Có những tác phẩm anh sáng tác đầu kháng chiển rất tốt, bây giờ Cục biểu diễn người ta khuyến khích cho phép anh trở về biểu diễn, thì cứ thế mà cống hiến thôi. Dư luận chúng ta hơi dễ dãi và nhẹ dạ. Nhưng vấn đề là Phạm Duy phải tỉnh táo. Vì ông hoàn toàn hiểu ông là ai, quá khứ đối với dân tộc của Phạm Duy là một tội lỗi. Ông không thể so sánh ông với bất cứ một nhạc sỹ nào đã tham gia cách mạng, vì thế ông không thể nào so sánh với nhạc sỹ Văn Cao. Không thể ví được. Văn Cao là một con người có trình độ, là một nhà nghiên cứu dân tộc, ông Văn Cao là một người toàn diện, và ông Văn Cao còn biết tôn trọng những người nhạc sỹ đàn em đi vào con đường âm nhạc bác học, một người rất khiêm nhường biết mình, biết ta. Giả sử có một nhạc sỹ X, Y, Z nào đó hỏi: Khi chúng tôi đi đánh Mỹ giải phóng dân tộc thì ông làm gì? Chắc chắn rằng nếu là người hiểu biết đều hiểu rõ khi đó ông là tác giả của các bài hát chống lại cách mạng, chống lại nhân dân, chống lại công cuộc giải phóng dân tộc…”. Nhưng không ít ý kiến phản biện lại: Đánh kẻ chạy đi ai đánh kẻ chạy lại. Đã bảo hòa hợp mà sao lại nửa mùa như thế… Và người ta phỏng đoán rồi suy ra rằng: “À, Thì ra họ cho ông về là may mắn lắm rồi!”. Có người qui cho bản chất không thay đổi của mấy anh Việt Cộng với ưu điểm – nhớ dai, khuyết điểm – thù dai. Trong cuộc trao đổi với những nhà văn Mỹ tổ chức tại Việt Nam tháng 6 vừa qua, nhà thơ Nguyễn Duy hào hứng nói:“ Vấn đề gì chính trị chưa giải quyết được thì văn hóa giải quyết”. Nhưng hình như đó chỉ là những định kiến mà hai bên đều mơ mộng sẽ vượt qua được. Về mặt trận báo chí là thế. Nhưng suy cho cùng, Phạm Duy cũng chẳng vì vài bài báo tâng bốc mà nổi tiếng hơn hay cát-xê vô nhiều hơn như kiểu thường tình showbiz. Cái quan trọng – mà riêng cá nhân tôi vẫn dõi theo ông, là những ca khúc Phạm Duy viết sau khi trở về đã không còn hay nữa. Đã cố nghe vài bài nhưng thú thật là bây giờ rặn óc mãi vẫn không nhớ nổi cái tựa. Với Phạm Duy chỉ có thể nói gọn lại một câu: cái mới không hay và cái hay thì lại không mới. Với khán giả, chỉ cần biết nhạc ông hay/dở mà thôi, và người ta vẫn cứ say mê những ca khúc đã thuộc về dĩ vãng.

Ngày 17&18.7 năm ngoái, liveshow Mơ giấc mộng dài của Phạm Duy – diễn ra vào hai ngày 17&18 tại nhà hát Hòa Bình. Tuy nhiên, trước đó vài ngày một cái lệnh miệng của Ban tư tưởng Văn hóa gọi xuống các báo yêu cầu không cho quảng bá đêm diễn. Mặc dù PNF có tổ chức họp báo nghiêm túc, cũng đành ngậm đắng nuốt cay khi biết nhiều bài viết đã lên khuôn nhưng phải bị lột ra. Chưa hết, cũng không hiểu từ đâu có nguồn tin đồn: Mơ giấc mộng dài bị hủy show vì không xin giấy phép được, khiến nhà tổ chức này xiểng niểng. Kinh doanh tên tuổi những nhân vật nhạy cảm như Phạm Duy; quả như chơi với lửa.

Thật ra, một đất nước giàu mạnh, một chế độ vững vàng…người người trên dưới một lòng thì không cần đặt ra lằn ranh giữa nhạy cảm chính trị và văn nghệ thuần túy. Thường thì ta chỉ e ngại những kẻ khỏe hơn mình…!!!



2. CHẾ LINH – ĐỨA CON BỊ TỪ CHỐI.

 



Sự kiện liveshow Chế Linh vừa bị rút giấy phép diễn ở Hà Nội ngày 12/11 trở thành tin nóng của các đồng nghiệp café sáng nay. Lý do: Giấy tiếp nhận do Sở VH-TT&DL Hà Nội cấp là “Live show ca sĩ Chế Linh” nhưng nội dung quảng cáo trên các băng-rôn, phướn lại ghi là “Live show ca sĩ Chế Linh – 30 năm tái ngộ”. Bàn rằng, Chế Linh về Việt Nam biểu diễn sau 30 năm vắng bóng thì là “ Chế Linh 30 năm tái ngộ” có gì là sai. Lý do thứ hai là có 11 bài không có trong danh mục được phổ biến của Bộ VH-TT-DL, nhưng không biết 11 bài gì; mà từ đây tới show còn 10 ngày nữa vậy sao Sở không làm việc với nhà tổ chức rút lại 11 bài đó mà lại rút giấy phép trình diễn. Nói chung, lý do nào cũng dở hơi biết bơi không thuyết phục được ai. Café sáng vì thế vui như họp chợ. Giờ thì phải ngồi đợi xem sao, vì nghe công ty tổ chức khẳng định live show vẫn sẽ tiến hành như lịch định. Trong lúc mọi người bàn tán về khả năng “nhạy cảm “ của Chế Linh dẫn đến sự kiện sáng nay; thì một anh bạn ở Mỹ có gửi cho mình bài viết của một nhóm người Chăm. Post lại đây.




Ai cũng biết, Chế Linh tên thật là Lưu Văn Liên, người Chăm Phan Rang vượt biên vào năm 1980. Tại hải ngoại, ông từng hô hào bà con Chăm dấn thân vào phong trào đấu tranh cho dân chủ, mặc áo lính Việt Nam Cộng Hòa, tay cầm súng gào thét hát ca những nhạc khúc chống cộng. Nhưng cũng là ca sĩ Chế Linh này lại cởi áo Việt Nam Cộng Hòa vào cuối năm 2006 để hát những bài ca tôn vinh Ðảng và Nhà Nước.

Ðối với cộng đồng Chăm tại hải ngoại, Chế Linh theo Việt Nam Công Hòa hay theo Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa không phải là trọng tâm của vấn đề, vì đây là quyền thiêng liêng của một công dân sống trong xã hội tự do và dân chủ. Nhưng dân tộc Chăm không bao giờ chấp nhận Chế Linh tự quảng cáo cho mình là người Chăm, tức là đứa con của vương quốc Champa, nhưng chính Chế Linh lại quay lưng với quê hương Champa đổ nát này. Bằng chứng cụ thể, Chế Linh đứng ra phản đối Ðại Hội Champa tổ chức tại Hoa Kỳ vào năm 2007 để kỷ niệm 175 vương quốc Champa bị xóa bỏ trên bản đồ. Chỉ vì muốn mua lòng Ðảng và Nhà Nước để được phép trở về Việt Nam ca hát, Chế Linh lại nỡ lòng chà đạp lên di sản lịch sử của dân tộc này. Ðây là thái độ không nghiêm túc của một ca sĩ gốc người Chăm.

Biến cố tiếp theo là ngày 17-9-2011 tất cả bà con Chăm tại hải ngoại hân hoan tổ chức tại San Jose, California, buổi lễ đón mừng sự ra đời của tác phẩm Lịch Sử Vương Quốc Champa. Lễ ra mắt sách này là ngày lịch sử đánh dấu một khúc quanh mới trong bối cảnh của xã hội Chăm hôm nay. Vì lần đầu tiên trong cuộc đời của họ, dân tộc Chăm có tác phẩm viết về Lịch Sử Champa một cách tổng thể, khách quan và khoa học. Mục tiêu của buổi lễ chỉ nhằm nêu ra nguyện vọng rằng Lịch Sử Champa không phải là văn chương phản động hay hận thù mà là yếu tố nằm trong tiến trình hình thành lịch sử Việt Nam. Chính vì thế, Lịch Sử Champa không thể nằm bên lề trang sử của dân tộc Việt mà là bên trong của trang sử này. Mặc dù buổi lễ này mang một ý nghĩa cao quí, nhưng Chế Linh cũng không đến tham gia và cũng không mua một cuốn sách để làm món quà hầu ghi ơn những bậc tiền nhân đã hy sinh bao xương máu hầu xây dựng vương quốc Champa thân thương này trong suốt chiều dài của lịch sử. Thế thì Chế Linh tự hào cho mình là người Chăm và tự xưng mình là con cháu của họ Chế để làm gì ? Chính đó là vấn đề mà dân tộc Chăm không hiểu Chế Linh muốn gì á? Chế Linh là đứa con Champa. Dân tộc Chăm chỉ mong mỏi nơi Chế Linh một điều nhỏ nhoi mà thôi, đó là Chế Linh hát cho Ðảng và Nhà Nước, hát cho Việt Nam và hát cả bài ca nhằm tôn vinh di sản Champa mới là điều đáng quí.




Đến đây thì có thể rõ ra: Chế Linh đang bị cả “hai phe” từ chối. Anh có thật lòng hát vì người Chăm điêu linh hay chỉ là nhờ cái áo khoát đặc biệt này để sinh tồn và tự lăng-xê bản thân; điều đó chỉ có Chế Linh và…Chế Bồng Nga mới tỏ. Nói thuần túy về chuyện văn nghệ, sự việc rút giấy phép sẽ khiến cho giới tổ chức biểu diễn dè dặt hơn khi mời các nghệ sĩ hải ngoại về nước hát; và là một cái cớ lý tưởng cho những người chống đối ở Mỹ đả kích chính sách của nhà nước Việt Nam. Nhạc sĩ Phạm Duy từng nói rằng, sau chiến tranh thì âm nhạc là phương tiện hòa hợp hòa giải dân tộc nhanh nhất và hiệu quả nhất. Có thể Phạm Duy giả bộ… thiếu i-ốt hoặc rằng ông lạc quan tếu!



3. Ý LAN – HÃY CỨ LÀ TÌNH NHÂN.


Lúc gặp Ý Lan xong, tôi quyết định đặt cho chị cái nick “Người đẹp thảo mai”. Thường người Bắc hay xài chữ này chứ trong Nam cũng hiếm, có người nghe chả biết là nói về vụ gì. Theo chỗ mình hiểu, chữ này nó dùng chỉ những người khéo léo trong giao tiếp, nói chuyện ngọt ngào, nhẹ nhàng, đẩy đưa…không đụng chạm không mất lòng ai…Nhưng về mặt tiêu cực thì đa phần không thích những người thảo mai như thế, nó thiêng về nghĩa giả tạo và không thật tình. Ấy thế nên dân gian còn có ca dao: “Thảo mai nói bán chỉ vàng/ Vào tới gữa làng lại bán chỉ xanh.”. Ý Lan thuộc dạng đàn bà tạo cảm giác cho người đối diện lần gặp đầu tiên như thế.






Còn nhớ lúc về nước chính thức biểu diễn, Ý Lan tổ chức một buổi gặp gỡ thân mật với báo giới. Nghe chị nói năng với cách dùng nhiều mỹ từ kèm theo cử chỉ và bộ dạng điệu đàng, đòng đưa đã khiến vài phóng viên khó chịu, tìm cách ra về giữa chừng. Và bỗng dưng Ý Lan lập tức có những so sánh với kiểu cách thảo mai của Hồng Nhung mà báo giới từng tốn hao nhiều giấy mực. Tuy nhiên, có người phản biện lại rằng thảo mai cũng đồng nghĩa như khéo léo. Mà một nghệ sĩ khéo léo tức là người có văn hóa tốt, giữ được phép lịch sự để nói ra những lời vui người khác và không làm đau lòng ai, thì cũng nên. Ông bà xưa không đã dạy: Lựa lời mà nói…đó sao! Trong cách giao tiếp thảo mai của Ý Lan đa phần đều có sự thông minh và sắc sảo, thể hiện một nền giáo dục có căn cơ của gia đình, biểu lộ sự tự tin, kỹ năng sống và trải nghiệm của chị. Nhìn nhận theo hướng tích cực, thì người biết tôn trọng người khác mới có thể đạt được cái sự thảo mai đó …

Nhưng sự ngạc nhiên về Ý Lan lại nằm ở chỗ khác: sân khấu. Chị hát live mềm mại, giọng đẹp và ngân vút…không điệu đà như trong đĩa hay quá chú trọng diễn xuất như trên Thúy Nga Paris. Những đêm diễn của chị ở Sài Gòn thường kéo dài suốt mấy tiếng đồng hồ. Ý Lan hát hết mình, chị nói, diễn, nhảy múa, giao lưu cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh lưu loát, bặt thiệp….không quá màu mè hay điệu bộ như lúc giao tiếp báo chí. Ý Lan hát từ nhạc trữ tình xưa Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ… đến nhạc sến rồi cả nhạc Nhật, Pháp, Mỹ…Đôi bài sung quá chị ném cả giày ra mà nhảy, lắc….mồ hôi lăn dài, đẹp sáng rực cả khán phòng. Có buổi tới 1h sáng chương trình mới xong, mà chị vẫn còn muốn hát tiếp. Nhiều nhà báo trước đó không ưa kiểu thảo mai của Ý Lan đã phải sửng sốt và đánh giá rất cao cách tạo style riêng của chị. Bạn Ivy Lai cho rằng: Ý Lan không đụng hàng với ai trong việc làm cho tiếng Việt thêm đẹp, thêm hay và độc đáo theo kiểu Ý-Lan, dù có đôi chút lả lơi một cách thái quá. Nhưng chị hát chữ nào cũng rõ ràng và duyên dáng chữ ấy. Đặc biệt ấn tượng khi Ý Lan hát những nốt cao với dấu sắc, hơi ép âm cuối một chút, nghe sắc ngọt. Xem Ý Lan hát live, mới thấy chị có chất giọng đáng gờm, mà không phải ai cũng may mắn sở hữu được. Chị hát Tiễn đưa của Song Ngọc, có thể nghe đi nghe lại không biết chán. “Người về chiều nay hay đêm mai. Người sắp đi hay đã đi rồi. Muôn vị hành tinh rung rung. Lung linh thềm ga vắng, hay rượu tàn ru trên môi…”. Rối lại cất giọng ca Tình hoài hương, Nghìn trùng xa cách, Em lễ chùa này, Kỷ vật cho em, Thương ai nhớ ai, Áo anh sứt chỉ đường tà, Phố buồn, Kiếp nghèo, Trăm nhớ ngàn thương, Chiều nghe biển hát , đặc biệt là Hãy cứ là tình nhân. Và Ý Lan cũng đã làm khác hẳn kiểu người ta hát nhạc Trịnh chỉn chu, đơn giản, đúng tinh thần Trịnh Công Sơn. Điểm đặc biệt làm nên đẳng cấp Ý Lan chính là chị đã biến hóa nhạc Trịnh nhưng không làm khó chịu hay khiến thiên hạ dị ứng như kiểu Thanh Lam gào rú trước đây… “Tôi ru em ngủ một sáng mùa đông, em ra ngoài ruộng đồng hỏi thăm từng giọt nắng…” nghe ngọt ngào và lãng mạn, nhẹ nhàng như bay lên giữa thảm xanh mênh mông lúa đó. Xen giữa các bài hát là những đoạn giao lưu ý nhị với khán giả. Có một cụm từ miêu tả rất chính xác về Ý Lan: “Đàn bà một cách trẻ con”. Chị nói giọng Bắc xưa sang trọng, dùng từ ngữ chính xác và biến hóa kỳ ảo, đôi chỗ trau chuốt quá khiến người nghe có cảm giác thảo mai là thế.






Cùng trong thời điểm gần diễn ra live show “Mơ giấc mộng dài” của Phạm Duy kể trên, chương trình Thắp sáng niềm tin – do ACB thực hiện nhân kỷ niệm thành lập ngân hàng này; nhằm quyên góp tiền ủng hộ quỹ từ thiện Chung một tấm lòng. Đêm diễn đặc biệt có mời Ý Lan về hát và mua sóng phát trực tiếp trên HTV7. Tuy nhiên, vào giờ chót Đài truyền hình TP.HCM đã yêu cầu gạch tên Ý Lan ra khỏi chương trình – cùng với lý do trên: nhạy cảm. Do đó, người hâm mộ chỉ có thể xem Ý Lan tại các phòng trà hay những show diễn không thu sóng phát truyền hình.




 









Sáng nay café bàn chuyện Chế Linh, nghe đối thoại của người bạn trong giới tổ chức với một đại gia chứng khoán Hà Nội nhờ gọi Ý Lan về nước hát mừng sinh nhật tại tư gia. “Anh phải chịu tiền vé máy bay và khách sạn, phải chấp nhận chuyện hát xong và đi hát cho nhiều chỗ khác nữa đó! Nhưng không được ăn uống khi cô ấy hát!”. “OK! Chỉ cần xuất hiện và hát 2-3 bài được rồi”. “Tính toán chi phí hết khoảng 10,000$ nha!”. “Ồ…chuyện nhỏ như con thỏ!”.  Như vậy, Ý Lan có cần lên báo hay lên đài truyền hình không? Hẳn là chả cần, cô ấy chỉ cần được hát, được kiếm tiền nuôi con và được khoe vẻ rạng rỡ của một người đàn bà mãn nguyện trong tình yêu.




From TTXVA